Bản sắc người Việt thú vị trong mắt khách phương Tây

Một gia đình người Việt đầu thế kỷ 20
Một gia đình người Việt đầu thế kỷ 20
(PLO) - Chứng kiến cuộc sống người Việt với những nét độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, các vị khách nước ngoài đã ghi chép lại. Các trang “tường trình” đã giúp khắc họa lại cuộc sống, cùng các phong tục xưa của người Việt.

Nhiều vị khách nước ngoài, với các lý do khác nhau, đã đến những vùng miền nước Việt từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX như Christophoro Borri, John Barrow, Hòa thượng Thạch Liên (Thích Đại Sán), Gabrielle – Maud Candler Vassal hay Leopold Cadiere. Họ chứng kiến cuộc sống người Việt với những nét độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc nên đã ghi chép lại. Các trang “tường trình” đã giúp khắc họa lại cuộc sống, cùng các phong tục xưa của người Việt.

Yêu trẻ, kính già, trọng khách

Trước hết, Christophoro Borri đã đến Quảng Nam – Quy Nhơn từ năm 1618 đến 1622. Trong bốn năm ở đây, qua tập sách Xứ Đàng Trong năm 1621, ông cho biết nét chung về văn hóa ứng xử cộng đồng ở người Việt là “họ đặc biệt kính trọng người già nua tuổi tác, bao giờ họ cũng nể người có tuổi hơn. Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn”. 

Về ăn uống, tác giả vẫn chí lý khi viết: “Thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và thật là điều kỳ lạ: toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt, cá và trái cây đủ loại, thế mà bữa ăn ngon nhất lại là cơm,…” và thức uống trong bữa ăn là rượu gạo, sau khi ăn là trà.

Về mặc, tác giả có sự so sánh khá lý thú khi mô tả y phục của nữ là áo “mớ ba mớ bảy” (hiểu là áo tứ thân – NV) với các chất liệu tơ lụa, voan nhưng giản dị hơn Ấn Độ và không để lộ phần nào của cơ thể, trang phục nam có quàng một tấm vải bên ngoài cùng năm sáu lớp áo bằng lụa ở trong, riêng các văn nhân tiến sĩ thì mặc áo the đen, mũ cánh chuồn, tay cầm quạt.

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm Ất Hợi (1695), tức hơn 70 năm sau Christophoro Borri đến Đàng Trong, Hòa thượng Thích Đại Sán từ Trung Hoa được sang Đại Việt. Trong tập bút ký Hải ngoại ký sự, ông ghi chép các tập tục của xứ Quảng Nam một cách tỉ mỉ.

Trước mắt về lòng hiếu khách/mộ đạo của người Việt, ông cho biết khi đến Đàng Trong, nơi ở chật hẹp không được khoan khoái, Quốc chúa hứa sẽ cấp cho phương trượng mới. Ông thầm nghĩ chắc chừng một vài tháng sau mới được an cư. 

Nhưng với truyền thống văn hóa trọng thị Phật giáo của người Việt đã làm ông hoàn toàn bất ngờ, như đã ghi trong tập ký sự của mình: “Qua ngày sau, chừng canh ba, nghe ngoài cửa có tiếng ồn ào, thì ra một viên Nội gián, hai viên Bộ Công, dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người để xây dựng nhà cửa.

Kính già, yêu trẻ, trọng khách là điểm người nước ngoài ghi nhận tại Việt Nam từ hàng trăm năm trước
Kính già, yêu trẻ, trọng khách là điểm người nước ngoài ghi nhận tại Việt Nam từ hàng trăm năm trước

Mờ sáng, kẻ vác tre, người vác gỗ, kẻ đánh tranh, người vót mây, lại có người quốc đất đắp nền, hoặc leo lên mái nhà gọi nhau, hoặc đào hầm đất đi xuống. Từ sáng đến tối, liền ba ngày đêm, cất xong một tòa phương trượng năm gian ba mươi hai cột, bốn phía có hành lang; vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu năm gian, hai mươi cột, cũng đồng thời là xong”. 

Cùng với đó là sự thiết đãi hậu hỉ gồm cơm chay, nhiều món không biết tên, quá nửa dùng mật mía trộn đồ ăn nguội, yến sào, giấm tương dầu muối vừng sáp, rau quả… Những tập tục tốt đẹp nêu trên đã tác động sâu sắc đối với vị khách.

Đạo thờ cúng tổ tiên

Sau Thích Đại Sán gần 100 năm, John Barrow đã đến Đà Nẵng (tác giả gọi là xứ Nam Hà) trong những năm 1792 – 1793 và ghi lại những điều tai nghe mắt thấy về phong tục tập quán của vùng này qua tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793. Một điều thu hút sự chú ý của Barrow là hát kịch. Theo ông, môn nghệ thuật này không giống của Trung Hoa mà lại rất gần với xứ Scotland hoặc Ấn Độ. 

“Cảnh đối thoại trong đoạn diễn này hoàn toàn khác lối ngâm, vịnh rầu rĩ và gần như đơn điệu của người Trung Hoa, nhẹ nhàng và hài hước, đôi lúc lại xen vào các làn điệu vui tươi, thường được kết thúc bằng một bản đồng ca chung.

Người Việt được đánh giá coi trọng học vấn. Trong hình là một cảnh xin chữ ông đồ
Người Việt được đánh giá coi trọng học vấn. Trong hình là một cảnh xin chữ ông đồ

Những làn điệu đó mới nghe như thô kệch và không trau chuốt, lại tỏ ra đã được phối hợp rất đều và được hát hoàn toàn đúng nhịp điệu. Một khúc nhạc đặc biệt đã thu hút được sự chú ý của chúng tôi, âm điệu chậm chạp u sầu, rất giống với những làn điệu ủy mị não nùng, đặc trưng cho người dân Scotland… đoạn ca vũ giải trí này là sáng tạo của riêng người Nam Hà hoặc du nhập từ phía Tây của Ấn Độ…

Cùng với nhạc kịch, người dân Nam Hà thời bấy giờ còn chơi đá bóng, nhảy sào, chọi gà, chọi chim, đá châu chấu (dế), chơi bài, đá cầu, tỉ võ, ảo thuật…”

Cách nay hơn 100 năm, tức khoảng đầu thế kỷ XX, một nữ công dân Anh theo chồng sang công tác tại Viện Pasteur Nha Trang, bà Gabrielle – Maud Candler Vassal đã mô tả phong tục người An Nam qua tác phẩm Mes Trois Ans d’ Annam (Ba năm ở An Nam). 

M.Cassal cho biết một trong những phong tục truyền thống của người Việt là kính trọng người cao tuổi. Bà viết: “Ngoài đường cũng như trong nhà người ta bầy tỏ lòng tôn kính rất mực đối với người già. Người nghèo nhất, khi đã lớn tuổi, cũng được mọi người kính nể ngang bằng một ông quan.” 

Một điểm đặc biệt trong “Ba năm ở An Nam” là tác giả đã ghi nhận đạo lý của những người Việt trong gia đình và gia tộc: “Lòng yêu thương cha mẹ dành cho con cái là hệ luận của đạo thờ cúng tổ tiên. Người An Nam là những bậc cha mẹ tận tụy.

Nếu họ ít khinh dè chuyện giữ gìn vệ sinh hơn, ta có thể chọn họ làm những gương tốt cho mọi người noi theo. Về phía con cái, họ biểu lộ lòng thương cha thương mẹ vô cùng lớn lao, kể cả sau khi cha mẹ đã qua đời. Người ta cẩn thận giáo huấn con cái, dạy bảo những chuyện lễ tục phải theo…”. 

Về giỗ chạp, M.Vassal tường thuật khá chi tiết: “Của lễ đặt trên bàn thờ tổ tiên rất là quan trọng. Trong những gia đình giàu có, người ta bày đồ lễ mới mỗi buổi sáng. Vào ngày chính lễ, gia chủ ăn vận áo quần đẹp hơn mọi ngày, thắp đèn trên bàn thờ và bàn vị tổ tiên rồi làm lễ bái.

Nghệ thuật trong cây cảnh đã có lịch sử hàng ngàn năm trong cuộc sống người Việt
 Nghệ thuật trong cây cảnh đã có lịch sử hàng ngàn năm trong cuộc sống người Việt

Ông ta rót ba ly rượu gạo đặt lên bàn thờ, miệng lâm râm khấn mấy câu lễ: “Con kính cẩn mời cụ kỵ, ông bà nội, các cô, các bác, các chú về đây với chúng con, những đứa con cháu, hưởng lễ cúng chúng con xin dâng lên đây với tấm lòng khiêm cung của chúng con.”

Ông ta quì xuống lạy và trong một giây phút ông cùng những người khác trong gia đình tĩnh tâm, tin rằng tổ tiên đang về hưởng cỗ bày trên bàn thờ. Rượu được châm thêm vào chung nhỏ, câu kinh cầu được đọc mấy lần nữa, rồi lại quỳ lạy. Tóm lại, đây là một nghi lễ không thiếu một nghi thức nào”.

Độc đáo ngày Tết

Nghiên cứu về các phong tục của người Việt cũng phải kể đến Leopld Cadiere. Ông đến Việt Nam với tư cách Thừa sai truyền giáo. Ngoài công tác mục vụ, Cadiere còn bỏ nhiều công sức nghiên cứu phong tục tập quán, lịch sử, nghệ thuật của người bản xứ.

Bộ sách Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt của ông là một chuyên khảo có giá trị cao về mặt khoa học, phản ánh các vấn đề đời sống vật chất và tinh thần người Việt. Riêng về ngày Tết, ông đã khảo cứu và viết lại một cách chi tiết các phong tục trong mục Ngày đầu năm. 

Trước hết về bổn phận và nghĩa vụ: “Ngày đầu năm, hay ngày Tết, và hai ngày kế tiếp là những ngày lễ đối với người Việt Nam. Đối với họ, đó là những ngày vui chung hay riêng tư, đồng thời cũng là dịp để họ hoàn thành bổn phận tôn giáo lúc nào cũng được tuân giữ. Đây là ngày lễ trọng đại để thờ kính ông bà tổ tiên”. 

So với những tác giả đã nêu ở trên, Cadiere trình bày các lễ cúng ngày Tết Việt tường tận hơn. Đầu tiên là những đồ lễ dâng cúng tổ tiên hương đăng trà quả, giấy tiền vàng bạc. Tiếp đến là lễ rước ông bà vào tối ba mươi Tết.

Nghệ thuật trong cây cảnh đã có lịch sử hàng ngàn năm trong cuộc sống người Việt
 Nghệ thuật trong cây cảnh đã có lịch sử hàng ngàn năm trong cuộc sống người Việt

Theo đó, “các món ăn được trân trọng dọn trên bàn ở gian dành cho ông bà, rồi thắp hương rót rượu, cơm nóng hơi còn bốc nghi ngút. Gia trưởng mời vong linh tổ tiên ông bà về tham dự bữa cơm được chuẩn bị tươm tất cho người chết.

Kẻ sống, rạp xuống đất lạy ba lạy hay sáu lạy rồi đến lượt các thành viên trong gia đình lần lượt vái lạy. Cửa nhà được đóng lại, mọi người quây quần, người chết, kẻ sống đều đoàn tụ dùng bữa.” 

Việc dựng cây nêu, theo tác giả, phần đông người Việt chẳng hiểu ý nghĩa, thấy ông bà làm thế nào thì họ cũng làm như thế, rồi sau này đến lượt con cháu hoặc để ông bà nhận ra được nhà của con cháu mà về.

Tập tục kiêng cử ngày Tết được tác giả gọi là may xưa, theo quan niệm: “Những ngày đầu năm sẽ có ảnh hưởng tốt xấu đến toàn năm. Ngày đầu năm mà ăn khổ thì sợ rằng cả năm sẽ thiếu ăn, thế cho nên nhà giàu thì đầy no sung túc thịt cá ba ngày Tết, nhà nghèo thì lo vay mượn để chuẩn bị chu đáo”. 

Một chi tiết trong chuyên khảo của Cadiere rất đáng chú ý là nghi thức “sập cửa”, tác giả viết: “Người ta cẩn thận sập cửa lại, đóng suốt ba ngày Tết, cửa ra sân cũng đóng, chỉ mở cửa cho bạn bè quen biết, những khách thăm viếng vị vọng, áo quần tươm tất…

Nghi thức sập cửa này có lẽ cũng liên quan đến việc thờ kính ông bà. Người ta sập cửa ngay khi ông bà về, nghĩa là không dám tiếp thêm những người bất xứng với những vị khách quí vừa về”. 

Ngày đầu năm, tác giả cho biết thêm, người Việt có tục cúng tổ nghề: Thần chuồng trâu (từ mồng Một đến mồng Ba Tết), thợ rèn (mồng Sáu Tết), thần quản canh làm gạch, thợ săn, Thành hoàng làng, thợ hồ/nề, thợ mộc, tiểu thương, ông bồ, ông bình vôi…

Người Việt cũng có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao
Người Việt cũng có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao

Từ những ghi chép của các tác giả nước ngoài về một số phong tục tập quán của người Việt hơn 200 năm trước cho thấy nhiều vấn đề mang đậm tính văn hóa dân tộc, có giá trị lịch sử cao và qua đó thể hiện nét ứng xử hướng ngoại và hướng nội của người Việt về văn hóa.  

Về tính hướng ngoại, ở người Việt thể hiện qua sự hiếu khách. Điều này được Hòa thượng Thích Đại Sán ghi chép trong tập Hải trình của mình như trên đã dẫn và cũng thấy ở tường trình của C. Borri khi ông cho biết quan trấn thủ Quy Nhơn đã huy động trên một nghìn người trong nội nhật một ngày đã dựng xong ngôi nhà thờ rất lớn và rất cao.

Tính hiếu khách này cũng là nhân để dẫn đến ứng xử văn hóa của người Việt là quả, qua phản ánh của Borri, “họ rất xã giao, lịch sự và thân mật” khi tiếp xúc với người phương Tây như ở trên đã đề cập.

Về tính hướng nội được thể hiện qua các tập tục kính trọng ông bà tổ tiên, kính nhường người nhiều tuổi, lòng yêu thương con cái và hiếu kính của con cái đối với cha mẹ cùng những tập tục trong ngày Tết cổ truyền.

Đầu tiên, đối với tiền nhân, người Việt từng nhắc nhở con cháu “Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”. Kính trọng ông bà tổ tiên, đạo lý ngàn đời ấy đã được Vassal và Cadiere phản ánh rất đúng trong các ghi chép của họ ở trên.

Tiếp đến là “kính lão đắc thọ”. Phép ứng xử trên mục đích không phải “đắc thọ” mà cốt yếu là thể hiện đạo lý làm người đối với bậc trường thượng. Người trẻ cống hiến nhiệt tâm, người già ban tặng kinh nghiệm. Điều này là sự nối tiếp lịch sử qua tập tục của người Việt xưa. Hội nghị Diên Hồng năm 1284 là các minh chứng tuyệt vời về một phong tục tốt đẹp của người Việt mà quốc sử còn lưu.

Cùng với phép “đối nhân” trên, thuật “xử thế” của người Việt được thể hiện qua tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái và ngược lại. Là tảo mộ, trang hoàng nhà cửa, mua sắm vật dụng, cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, đón giao thừa, cúng mồng Một, xông đất đầu năm, cúng tổ nghề, chơi Tết với nhiều trò vui dân gian và tục may xưa.

Đạo thờ cúng tổ tiên có ở trong mọi gia đình. Trong hình là một quầy bán vàng mã, đồ cúng
Đạo thờ cúng tổ tiên có ở trong mọi gia đình. Trong hình là một quầy bán vàng mã, đồ cúng

Ở đây có chi tiết hơi lạ so với ngày nay, đó là tục sập cửa ngày Tết mà Cadiere viết như trên. Thông thường ngày đầu năm, người Việt luôn mở cửa để đón chúa Xuân và khách vào nhà. Nhiều người còn treo câu đối Tết với ước vọng (may xưa):

“Môn đa khách đáo thiên tài đáo. Gia hữu nhân lai vạn vật lai” (Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến. Nhà có người vào lắm vật vào). Người Việt có tục xông đất đầu năm nhưng không nhà nào “sập cửa lại, đóng suốt ba ngày Tết” như tác giả đã viết.

Đọc lại sách xưa để hiểu thêm về các phong tục tập quán, qua đó bảo tồn tinh hoa Việt và ứng xử văn hóa phù hợp trong cuộc sống hiện đại là điều không thừa. Truyền thống văn hóa Việt bắt đầu như vậy.

Trong đời thường cũng như những ngày Tết, theo ghi nhận của các tác giả trên, người Việt có các tật xấu là uống rượu và đánh bạc. Người Việt rất nhân từ và rộng rãi trong việc cứu đói nhưng kèm theo đó là tật xấu như thích uống rượu.

Borrow cho biết ở Đàng Trong: “Có rất nhiều rượu đến nỗi mọi người đều uống rất thông thường tùy sở thích…”. Qua quan sát của Borrow thì người Nam Hà: “Họ không ham thích những loại bia hoặc rượu vang của chúng tôi, nhưng họ lại rất mê loại rượu Rum nguyên chất, rượu Brady hay bất cứ loại rượu nào có cồn, đến mức sau lần thăm viếng đầu tiên của họ, người ta thấy rằng không nên để họ tùy ý uống quá nhiều, vì cả đoàn người khi đó đã ra khỏi con tầu trong tình trạng say xỉn…”. 

Về đánh bạc, Vassal đã phê phán: “Bài bạc là một trong những tật xấu của người An Nam. Họ không say xưa, không chửi bới nhau, tính tình ôn hòa nhưng bài bạc thì không ai ngăn cản nổi họ.

Chính vì thế mà bao nhiêu người thợ thủ công khéo tay và thông minh cứ vẫn nghèo cực, ăn bữa nay lo bữa mai. Ngày Tết, người đứng đắn nhất cũng ham mê cờ bạc. "Tệ nạn này người Việt đúc kết bằng câu nói: “Cờ bạc là bác thằng bần.”.

Những tật xấu của người Việt như các tác giả trên đã nêu sẽ có ý kiến cho rằng đó không phải là số đông, tức không đại diện cho nét chung của người Việt. Nhưng lăng kính mà các tác giả trên phản ánh ít nhiều cung cấp một góc nhìn khác về những mặt tích cực và hạn chế trong văn hóa Việt.

Người Việt uống 3 tỷ lít bia/ năm, đàn ông Việt uống rượu bia gấp 4 lần bình quân của thế giới như báo chí đưa tin phải chăng là hệ quả của thói xấu nêu trên, và như vậy các ghi chép của những tác giả nước ngoài đã thể hiện giá trị, ít nhất về cảnh báo xã hội.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.