'Bản ngã' dân tộc trong thời đại giao thoa văn hóa

Giao thoa và hội nhập văn hoá diễn ra trên mọi lĩnh vực
Giao thoa và hội nhập văn hoá diễn ra trên mọi lĩnh vực
(PLVN) - “Tình trạng dị biệt - không giống ai đã bớt dần”, là nhận xét của GS. TS. Hồ Sĩ Quý về nền văn hoá Việt Nam trải qua nhiều thập kỷ hội nhập với khu vực và thế giới. Theo đó, văn hoá Việt Nam hiện nay ở tất cả các dạng hoạt động và loại hình của nó đều có những bước phát triển mà trước kia khó có thể đạt được.

Bớt dần “tình trạng dị biệt”

Cách đây khoảng 30 năm, nếu nhắc đến Việt Nam bạn bè quốc tế thường chỉ nhớ tới những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam vẫn còn lạc lõng, tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới.

Tại thời điểm này, trong nhận thức xã hội, các quan niệm về “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “phát triển bền vững”, “tự do văn hoá, báo chí, sáng tác”… chưa được nhận thức đúng đắn và quan tâm nhiều như hiện nay. Sản phẩm văn hoá trong nước vẫn chưa đa dạng, chưa định nghĩa được bản sắc. Mà công tác quản lý văn hoá cũng còn hạn chế, thậm chí không được coi trọng. Điều này đã tạo nên một khoảng cách lớn về khác biệt văn hoá giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực nói riêng, trên thế giới nói chung.

Chính vì vậy, từ năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”; đồng thời cũng là “một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội”. Do đó, quá trình đổi mới, hội nhập văn hoá trên mọi mặt đã tạo ra những động lực mới để đa dạng hoá nền văn hoá Việt Nam, góp phần vào xu hướng cởi mở, năng động, sáng tạo, tự chủ, phát huy tính tích cực của xã hội, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.

Bằng cách tích cực và chủ động mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, văn hoá truyền thống được tôn trọng và phục hồi rất căn bản. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được xác định và đánh giá theo Tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả đem lại là nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản ký ức thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đơn cử, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Quan họ (Bắc Ninh), Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng Tam phủ… đều là những di sản văn hoá đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Bảo tồn, gìn giữ văn hoá truyền thống, bản sắc Việt Nam là trách nhiệm lớn của toàn xã hội.
 Bảo tồn, gìn giữ văn hoá truyền thống, bản sắc Việt Nam là trách nhiệm lớn của toàn xã hội.

Bên cạnh việc tiếp nhận các giá trị văn hoá nước ngoài, nhu cầu tìm hiểu về văn hoá bản địa của giới trẻ cũng ngày một nâng cao. Học tập phong trào tìm hiểu văn hoá của các nuớc láng giềng, giới trẻ Việt Nam cũng sôi nổi những hoạt động tìm hiểu về di sản văn hoá, lịch sử của đất nước như hát chèo, hát xoan, áo Nhật Bình, trang phục cung đình… Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ như: “Triển lãm Thư pháp Hàn Mặc” lần thứ 8 của nhóm Nhân Mỹ Học Đường hướng tới văn hoá truyền thống từ những trích dẫn kinh điển của Nho giáo, Phật giáo, danh Bi, danh tác thi ca, từ phú Hán Nôm Việt Nam.

Hay triển lãm “Hầu đồng và Queer” của nhóm Hầu Đồng Tứ Phủ nhằm làm rõ yếu tố giới trong tín ngưỡng Việt Nam. Hoặc chiến dịch “Save Sơn Đoòng” của tổ chức Action4Future (Hành động về tương lai) với sứ mệnh bảo vệ sự nguyên sơ của Sơn Đoòng và nâng cao nhận thức của người Việt Nam về giá trị của các di sản thiên nhiên, ý thức bảo vệ những di sản quốc gia…

Điểm sáng của hội nhập văn hóa

Theo TS. Nguyễn Ngọc Mai - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Song song với việc xác định được mô hình phát triển của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những đổi mới mạnh mẽ trên phương diện quản lý văn hóa đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa; tham gia tích cực vào việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước, tăng trưởng GDP địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch”.

Mặt khác, ở nhiều hoạt động văn hóa trong các lĩnh vực như văn học, nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật… các hoạt động văn hoá diễn ra nhiều hơn, hiện đại hơn theo hướng giao lưu và mở rộng. Sản phẩm văn hoá tăng đáng kể về số lượng, thể loại. Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, đang nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, tìm tòi phương thức mới để nâng cao năng lực khám phá cuộc sống.

Ví dụ, văn học số là khái niệm trước đây chưa hề có. Nhưng hiện nay, hiện tượng người sáng tác tự xuất bản và tự tạo các diễn đàn tương tác với người đọc đã trở thành phổ biến. Blog của nhiều nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Trần Thu Trang, Trang Hạ, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Di Li… có lúc đã trở thành những diễn đàn văn học, đóng vai trò như những “salon văn học” phổ biến trong các giai đoạn trước. Sự phát triển của internet và các loại hình thông tin đại chúng có thể nhanh chóng, trực tiếp chuyển tải, truyền bá văn hoá đến với công chúng trong nước, cũng như bạn bè trên thế giới.

Bên cạnh đó, những kênh trao đổi học thuật với nhiều quốc gia văn minh cũng được mở rộng, qua các phương thức khác nhau từ du học đến trao đổi học giả… Từ đó, có nhiều thay đổi tư duy, lối sống và phong cách sống của người Việt biểu hiện ở cách ăn, mặc, ở, đi lại, ứng xử…

Nói tóm lại, giao thoa và hội nhập có nhiều ý nghĩa tích cực đối với đời sống văn hoá của người Việt hiện nay, thể hiện ở mọi khía cạnh, góc độ. Như nhà nghiên cứu, GS.TS Hồ Sĩ Quý đã ghi nhận: “Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, có đủ cơ sở để nói rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam sau mấy chục năm phát triển theo xu thế đổi mới đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực phổ biến của cộng đồng thế giới”.

Hòa nhập không hòa tan

Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017, nhiều chính khách quốc tế đánh giá Việt Nam là “một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trái đất hiện nay”. Thông qua sự giao lưu quốc tế, không thể phủ nhận văn hoá bản địa của chúng ta đang tiếp nhận các tác động của rất nhiều văn hoá nước ngoài.

Chỉ trong chưa đầy 10 năm, ta có thể chứng kiến sự xâm nhập vô cùng mạnh mẽ của các nước láng giềng – đơn cử như Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Chúng ta dần làm quen với những văn hoá xếp hàng, văn hoá giữ trật tự nơi công cộng, văn hoá đúng giờ,… những điều có giá trị tích cực đến lối sống bản địa. Người dân – đặc biệt là giới trẻ dần tiếp nhận những thói quen tốt và lan toả chúng, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng nói chung.

Tuy nhiên, sự xâm nhập của những nền văn hoá nước ngoài cũng đồng thời gây nên những cuộc khủng hoảng văn hoá đến chính chúng ta. Tác động tiêu cực đến văn hóa hiện nay là một loạt những vấn nạn lớn và không kém phần nghiêm trọng về kinh tế - chính trị - xã hội, dù ai đó muốn lãng quên cũng không thể. Hoà nhập không hoà tan là một thách thức, một nhiệm vụ tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.

So sánh với câu chuyện nước Nhật hoà nhập với xu thế chung của thế giới, họ bỏ Tết âm lịch và giữ Tết dương lịch vì đòi hỏi của nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng. Như Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki từng chia sẻ với báo giới: “Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa... Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện: chúng ta là ai?”. Theo ông, gìn giữ bản sắc quốc gia trong môi trường hội nhập văn hoá là vấn đề lớn, thậm chí còn là vấn đề an ninh, chủ quyền của quốc gia.

Nói cách khác, mặc dù giao thoa văn hoá mang tới nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho một đất nước, nhưng có nhiều giá trị văn hoá cốt lõi, truyền thống không thể bị thay thế. Một nhận xét của GS. Hoàng Chương cách đây dù nhiều năm nhưng vẫn đáng suy ngẫm tới tận ngày hôm nay: “Đất nước phát triển kinh tế mà văn hóa thụt lùi, nghệ thuật dân tộc xuống cấp, mất bản sắc thì không thể gọi là đất nước ổn định và phát triển kinh tế được.

Còn văn hóa là còn đất nước, mất văn hóa là mất tất cả”. Cũng như cách ví von, một quốc gia có thể có trong tay những vũ khí máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có niềm tự hào dân tộc và ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì. Điều đó cho thấy, việc gìn giữ được hồn cốt, bản sắc dân tộc trong thời kỳ giao thoa văn hoá quốc tế đầy thách thức, cám dỗ như hiện nay là một trách nhiệm đặc biệt của toàn thể xã hội.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.