Cuộc đời lãng tử của "pho sử sống"Vương Hồng Sển (P1)

Bảo Tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay, nơi cụ Vương từng làm Quản thủ
Bảo Tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay, nơi cụ Vương từng làm Quản thủ
(PLO) - Vương Hồng Sển là một học giả mang ba giòng máu Việt, Hoa, Khmer, người để lại cho đời nhiều bài viết mang một giá trị to lớn, chất chứa những niềm say mê và quyến rũ, là một “pho sử sống” của văn hóa phương Nam.
Kỳ 1: Kẻ sỹ không cần cúi đầu trong dinh Diệm
Trong thời Ngô Đình Diệm làm tổng thống, tướng lĩnh phải tìm mọi cách để được vào cúi ở dinh Gia Long. Một lần được lệnh triệu tập vào dinh gặp tổng thống được xem là một đặc ân, một vinh hạnh cả đời nhưng với cụ Vương Hồng Sển, việc nhiều lần “bị” gọi vào dinh khiến ông bực mình.  
Học giả Vương Hồng Sển
 Học giả Vương Hồng Sển
Đi coi  hát cải lương với vợ sướng hơn hầu tổng thống
Trong hồi ký Hơn nửa đời hư, học giả Vương Hồng Sển đã kể câu chuyện bị mời đi thẩm định cổ vật tổng thống Ngô Đình Diệm dự định mua với lối viết hóm hỉnh và cách ứng xử rất ngang của kẻ sĩ: “Vào lúc 8h sáng, tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng Viện bảo tàng thì có chuông điện thoại reo. Nơi đầu dây, ông Giá, chủ sự phòng vật liệu phủ tổng thống gọi tôi và mời lên trên đó để giảo nghiệm một mớ đồ sứ cổ.
Khi tôi giáp mặt thì ông nói tổng thống muốn biết ý kiến của tôi về những cổ vật do tổng thống đã lựa nơi phòng triển lãm báo chí đô thành, hiện đã đem về để tạm nơi tầng dưới trong phủ. Ông Giá liền đó đưa tôi vào phòng xem, khi về sở là hết trọn buổi sáng.
Qua buổi chiều, đồng hồ chỉ 15h thì có tiếng điện thoại gọi nữa. Chuyến nầy, tôi lên phủ tổng thống là lần thứ hai trong một ngày, gặp lại ông Giá. Ông đưa tôi giới thiệu với Chánh văn phòng là ông Võ Văn Hải. Tôi được hai người dắt tôi lên phòng tiếp khách rằng hãy chờ khi nào tổng thống rảnh việc, sẽ cho vào yết kiến”. 
Cụ Sển đã từng làm thư ký ở dinh này trong thời Pháp thuộc nên rất quen thuộc quan cảnh phòng ốc ở đây. Phòng tiếp khách này nguyên là phòng họp Hội đồng tư vấn thời Pháp. Mới vừa ngồi, một sĩ quan mang ra một mâm gỗ, trên mâm có bày một hộp thuốc lá 555 vừa mở, một tách trà thơm khói bốc và một tách cà phê sữa. 
Trước sự “ưu đãi” ấy ông không động tới những thứ được mời mà lại cảm thấy bứt rứt khó chịu như đang bị hành hạ. Ông viết: “Vị sĩ quan ấy cúi đầu mời tôi “Xin cứ tự tiện” rồi lui ra bỏ tôi lại bơ vơ với bao nhiêu món cám dỗ ấy. 
Tôi làm cao không động rớ món nào, ngực thì nhảy thình thịch, mắt vẫn liếc, nhìn từ cái bàn cái ghế sang trọng đến màu sơn trên vách, quả không thấy thay đổi nhiều sau cuộc đảo chánh. Quả thật không có chi nặng lòng bằng sự chờ đợi. 
Tôi khó chịu vì ngồi đã lâu mà không ai nói đến mình, trong khi ấy tôi cố nhìn những vật trước mắt đã biến thành cố tri, từ cây đinh cũ nơi chân bàn, và thấy tiếc tiếc cho tách cà phê, cho tách trà, ở nhà mình không có để uống, mà ở đây đành để cho nguội không người dùng, thiệt là phí phạm. 
Đôi giày vẹc-ni đen mới; tôi lấy ra “khai trương” bữa nay nhân dịp ra mắt ông tổng thống đã bắt đầu làm tê tê mấy đầu ngón chân, nay khởi sự ngứa rần rần mà ở đây là chốn tôn nghiêm làm sao dám cởi giày ra để gãi cho sướng! Chờ mãi đến 18h, ngồi nhớ tiếc cái cảnh làm việc ở Viện bảo tàng, tuy ăn lương ít, nhưng cũng “làm vua một cõi” và cũng vì ham chút bả vinh hoa ấy mà nay bị hành phạt như vầy”. 
Tổng thống quá bận khách không tiếp được, ông được cho về nhà và được dặn dặn kỹ đêm nay đừng đi đâu hãy túc trực sẵn, phòng chờ tổng thống rảnh sẽ cho xe đến rước! Với người khác, sự ưu ái của tổng thống đến mức đó có thể sướng lên mà chết nhưng cụ Vương bực bội than: 
“Nghe mà chết được trong lòng, không lẽ kêu mình ban đêm để ngủ chung? Huống hồ gì, đêm nay lại được lần thứ nhất, vợ mua vé tặng xem cải lương gánh Năm Châu, diễn tại rạp Thống Nhất tuồng “Tây Thi gái nước Việt” mà mình ao ước muốn xem diễn lại. 
Thôi kệ, cứ đi xem hát cái đã, rủi mất chức thì cũng đành, chớ không lý bỏ vé vợ mua sẵn để bận đồ lớn ngồi nhà chờ xe tổng thống. Tuy vậy, ngồi xem diễn tuồng mà lòng đã thất hứng, lát lát liếc ngó chừng phía cửa rạp, chỉ sợ có lính đòi”.
Có mời lịch sự mới ngồi
Chiều hôm sau, cụ Vương lại được mời vào dinh viết ý kiến nhận xét đối với từng món cổ vật. Viết thẳng thắn trong hai tiếng đồng hồ, được bảy trang chữ. Sự xét nét ngang ngạnh của ông bộc lộ ngay trong chuyện uống cà phê: “Thấy thấm mệt, nên tự thưởng một tách cà phê sữa ngon lành và nốc luôn một tách nước trà. Không làm kiêu nữa, và dại gì của sẵn không dùng?”
Ngày 17/1/1963 ông Vương đang dạy ở Đại học Văn khoa thì có lính vào dinh, được giá phải đưa thẳng lên tầng thượng, để yết kiến ông tổng thống. Giây phút gặp gỡ ban đầu căng thẳng và xét nét. Cụ Vương viết: “Tôi bước tới trước cửa văn phòng, dòm vô trong thấy ông Ngô Đình Diệm, mặc bộ u-oe túc xo, ngồi chễm chệ trong một chiếc ghế bành bọc da thật lớn và mới toanh, hai tay ông đặt ngay thẳng trên chỗ dựa y như một tượng gỗ, còn hai mắt ông thì ngó thẳng vào cửa chỗ tôi đang đứng. Tôi thủ lễ, đứng thẳng người, đầu cúi miệng thưa lễ phép: “Kính chào tổng thống”.
Ông gật đầu, xem bộ hiền lành, tôi nghe ông thốt hai tiếng: “Mời ngồi” mà không nghe rõ mời ai, cụ, ông hay là mấy. Tôi lúc ấy vẫn cứ đứng, y như điệu chàng rể tiếp xúc lần đầu tiên với nhà gái. Kế tôi nghe ông ban thêm ba tiếng: “Ngồi đi mà!” nghe êm ái hơn hai tiếng “mời ngồi” ban nãy. 
Xăm xoi dinh tổng thống
Rồi tôi bước tới, đặt bàn toạ vào ghế, nhưng chỉ ngồi ghé nơi bìa cạnh, y một kiểu với cách mấy chục năm xưa tôi ra mắt nhạc gia tôi khi đi xem mắt vợ. Cái ghế của tôi ngồi, vẫn đặt mé bên tả của ghế ông và giống y cái ghế đặt bên hữu, hai ghế này đều cũ kỹ, đã “xập kỷ nình” (hơn 10 năm); vì tôi ngồi ghé nên thấy dường như ngồi trên khúc củi, vừa ê vừa thốn, thật không êm ái đỡ mỏi chút nào”. 
Nhiều người nhìn ông Diệm một cách kính cẩn, sợ sệt như một bạo chúa, có người vuốt ve nịnh hót về tài năng đức độ của một lãnh tụ, cụ Vương có cách tiếp cận hoàn toàn khác. 
Cụ quan sát, đánh giá Diệm trên góc độ cách cư xử của một con người bình thường từ cách ăn mặc, tiêu xài là người cần kiệm và khá bề bộn: “Tôi chú ý nhất là chiếc ghế bành của ông tổng thống ngồi, bọc da màu vàng, xám nâu (beige) xem bề thế và rất mềm, rất êm ái… Hai chiếc ghế dành cho khách ngồi quá khác biệt với chiếc của tổng thống ngồi, chiếc ghế của chủ thì vừa đẹp vừa êm, vừa mới, còn hai chiếc nọ lại cũ kỹ và hư tệ đến thế. 
Xem ghế biết tính chủ nhà, cực chẳng đã ông mới dám xài chớ bình sanh để làm theo ý ông, thì ông là người hà tiện nhất trên đời, vì tiếng còn để lại, gia đình ông thuở ông Khả còn sanh tiền, thì đất Huế còn nhắc danh nhà này lấy tôn chỉ là “tề gia chi bổn thượng sách”.
Trước mặt tổng thống, hai bên tổng thống, bên vách tả cũng có một hàng dài dài; trừ bên vách hữu, thấy một dãy ba chiếc tủ gỗ to tướng, choán gần trọn mặt vách trên sáu thước chiều dài. Trong tủ không biết có chứa đựng giấy má hồ sơ tối mật chi không, nhưng độ chừng ông tổng thống là một thầy tu lỡ mùa, thuở nay quen sống độc thân, cho nên y phục tế nhuyễn vật cần thiết đều dồn hết vào đây. Là một văn phòng mà cũng một tư phòng bất khả xâm phạm, và bấy lâu vì thiếu bàn tay bà nội tướng nên tha hồ người để bừa bãi. Thậm chí tôi liếc thấy chiếc gậy tuỳ thân ông thường cầm trên tay mỗi khi đi kinh lý “làng chiến lược” và chiếc nón nỉ lịch sử ông thường đội đầu, nay cũng ngự chễm chệ, nón thì đặt trên một hồ sơ một nơi này, gậy thì dựng nơi kẹt một góc nọ, mãi xa mút sau chót ba chiếc tủ gỗ kia”.
Vương Hồng Sển sinh ngày 27 tháng 9, 1902[1], tại Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer. Nguyên tên thật ông làVương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh. Ông là người rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy.
Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Phát thanh Sài Gòn với các bút hiệu: Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, rất sành về đồ cổ. Có thể nói ông là kho tàng sống về các lãnh vực kể trên.
Trong suốt cuộc đời, ông sưu tầm được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ 17-19. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại và phân loại một số đồ gốm cũng như hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ. 
Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 94 tuổi.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.