Khói là nguyên nhân hàng đầu gây ra thương vong trong các vụ cháy. Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbonic (CO2), cacbon monoxit (CO,... làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Nhiều vụ cháy thương tâm
Có thể kể ra rất nhiều vụ cháy mà nạn nhân đã bị chết ngạt vì khói và khí độc trước khi bị bỏng lửa. Mới đây nhất, vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội) vào chiều 1/10 đã khiến 13 người thiệt mạng.
Theo Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu hộ cứu nạn Hà Nội, do toàn bộ phòng hát được thiết kế bằng vật liệu cách âm dễ cháy như gỗ, mút xốp, bông thủy tinh... nên cháy rất dữ dội, đồng thời khói độc tỏa ra từ mút xốp khiến nạn nhân ngất xỉu trong vài chục giây và tử vong trong vòng 2 phút.
Hai người bạn của các nạn nhân cùng phòng hát, khi mở cửa ra thấy khói lan đến phòng nên đã dùng khăn ướt bịt mũi và thoát ra hành lang, qua cầu thang thoát hiểm phía sau. Còn các nạn nhân bên trong phòng không đủ can đảm lao ra ngoài nên cố thủ bên trong và bị ngạt khói trước khi lửa lan vào.
Từ những cái chết thương tâm mà nguyên nhân xác định do ngạt khói trước khi bị lửa lan vào một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mối nguy hiểm cháy nổ, ngạt khói luôn chực chờ.
Vì sao chết ngạt trước khi chết cháy?
Trong những thống kê gần đây cho thấy những đám cháy, số người chết vì ngạt khói đôi lúc còn cao hơn cả những người chết vì bỏng, chiếm khoảng 50 đến 80% các ca tử vong bởi nó gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp với các biểu hiện là khó thở, hội chứng suy hô hấp...
Theo các chuyên gia, khói là tập hợp các phần tử chất rắn, lỏng và khí sinh ra khi một vật liệu trải qua quá trình đốt cháy hoặc nhiệt phân, kết hợp với lượng không khí tạo thành các cụm khói bay lên trên.Thành phần của khói phụ thuộc vào bản chất của vật liệu cháy và điều kiện của quá trình đốt cháy. Thành phần chính của khói là khí CO2 và CO, làm giảm nồng độ O2 của không khí xung quanh từ 25% xuống còn 5-10%. Khí CO và hydrogen cyanide (HCN) phong bế sự thu nhận và sử dụng O2, dẫn đến tình trạng giảm ôxy máu (hypoxemia) nghiêm trọng ở tế bào.
Các đám cháy xảy ra ngoài trời có lượng oxy cung cấp đầy đủ, thành phần của khói chủ yếu là tro, khí CO2, SO2, các oxit nitơ và nước. Còn tại các đám cháy trong nhà, phòng kín do hàm lượng oxy cung cấp không đủ nên chất cháy không hoàn toàn làm sinh ra các loại khí rất độc như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN), ... Cacbon monoxit là khí không mùi vị, có độc tính cao với sức khỏe con người và cực kỳ nguy hiểm, do việc hít thở phải một lượng quá lớn CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh cũng như có thể gây tử vong. Nồng độ chỉ khoảng 0,1% carbon monoxit trong không khí cũng có thể là nguy hiểm đến tính mạng. CO là chất khí không gây kích ứng nên rất nguy hiểm vì con người không cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo tác dụng hóa sinh trong cơ thể, khi đi vào trong cơ thể, khí cacbon monoxit cạnh tranh với oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Khi hít phải khói, con người sẽ bị thiếu ôxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, lâu dần yếu đi. Cùng đó, một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp.
Theo các chuyên gia, khi xảy ra cháy, tâm lý của mọi người thường hoảng loạn. Lúc đó hầu như ai cũng quên hết tất cả kiến thức được học, dẫn đến không biết nên xử lý như thế nào để có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và thoát ra ngoài. Bởi vậy, yếu tố bình tĩnh là điều kiện hàng đầu khi xảy ra cháy, không chạy tán loạn và chạy lao thẳng ra nơi có khói vì dễ bị ngạt nhanh hơn.
“Khi xảy ra hỏa hoạn, ở những nơi có trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy, nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống độc và thoát ra ngoài. Nhưng trên thực tế có rất ít người mua vật dụng này, do đó khi bị kẹt trong đám cháy, mỗi nạn nhân có thể tự tạo ra cho mình mặt nạ chống độc bằng các khăn, vải thấm nước bịt mũi để lọc không khí khi thở nhằm hạn chế thấp nhất lượng khí độc xâm nhập vào cơ thể” - Tiến sĩ Thịnh nhấn mạnh.