Chuyện rầu lòng về...hai cái chân!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lời hứa nhận em Vi vào ngành Y.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lời hứa nhận em Vi vào ngành Y.
(PLO) - Vừa qua, câu chuyện nữ sinh lớp 10 bị mất chân đã gây khá nhiều hoang mang bởi sự tắc trách và trình độ chuyên môn của bác sỹ tuyến dưới. Ngay sau đó, Bộ trưởng Y tế hứa hỗ trợ tài chính, công việc cho nữ sinh bị cưa chân, đồng thời yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk làm bản cam kết lời hứa. Và chẳng phải ngẫu nhiên khi gia đình nạn nhân đòi hỏi một lời hứa bằng... văn bản.

Hứa thật nhiều... 

Những ngày này, câu chuyện hai cái chân đã khiến dư luận xã hội sôi lên sùng sục. Cái chân thứ nhất là của em Lê Thị Hà Vi, nữ sinh lớp 10 ở Đắk Lắk. Ngày 6/3, Hà Vi bị tai nạn giao thông, gãy chân phải, và được chuyển tới Bệnh viện huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk để điều trị. Đây là một chấn thương phổ biến mà bệnh viện tuyến huyện hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật xử lý, chỉ bó bột là xong. Nhưng trước thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của bệnh viện, người nhà Hà Vi đã năm lần bảy lượt xin cho em được chuyển viện, ấy vậy mà bác sỹ không cho. Chỉ đến khi thấy cái chân gãy của em có dấu hiệu hoại tử, bệnh viện mới đồng ý cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Nhưng đã quá muộn. Để cứu mạng em, bệnh viện tuyến trên bắt buộc phải cưa chân. 

Và ở Đà Nẵng, một cuộc họp báo rất lớn được tổ chức, cũng vì một cái chân, cái chân thứ hai, chân của bà Trần Thị Là, một người dân ở Đà Nẵng. Bà Là cũng bị gãy chân vào Bệnh viện Đà Nẵng, phải sau 9 ngày nằm chờ, bà mới được mổ, bó bột. Nhưng sau khi bó bột được vài tiếng thì bà chết (?). Cuộc họp báo có Giám đốc Sở Y tế thành phố, Phó Giám đốc và rất nhiều lãnh đạo khoa khác của Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ có thân nhân của bà Là là không được dự (?). Và cứ theo tường trình của Giám đốc bệnh viện thì tất cả đều “đúng quy trình”... 

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, rằng vì sao bệnh nhân vào viện mà mãi đến 9 ngày sau mới được mổ, Phó Giám đốc bệnh viện thản nhiên: “Do bệnh nhân vào viện vào ngày chủ nhật, ngày thứ sáu chúng tôi mới họp chỉ định mổ. Bệnh nhân được mổ vào ngày thứ ba tuần sau đó là đã nhanh rồi”... 

Chiều 19/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm em Lê Thị Hà Vi đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi Bộ trưởng đến tận giường bệnh hỏi thăm Vi còn đau không, có ăn được không thì Vi trả lời: “Con còn đau, ăn được ít và đêm không ngủ được”. Khi nghe Bộ trưởng hỏi Vi có nguyện vọng học ngành Y không? thì Vi rớm nước mắt trả lời cô “không thích theo ngành Y, chỉ thích theo ngành Công an”. Bộ trưởng nói đây là sự cố không ai mong muốn và động viên Vi hãy cố gắng vượt qua sự cố này. 

Tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế, gia đình nữ sinh này thể hiện sự lo lắng bởi thông qua các phương tiện truyền thông, gia đình mới biết ngành Y tế hứa sẽ tạo điều kiện cho Vi học hành và công việc sau này chứ chưa có cam kết văn bản hay điều gì cụ thể. 

Khi nghe thông tin này, Bộ trưởng đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk viết một cam kết để gia đình yên tâm. Bà Tiến cũng yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk nếu sau này Vi có nguyện vọng học trường nào của ngành Y tại địa phương thì cần tạo điều kiện tốt nhất. Và sau khi Vi ra trường thì cần bố trí việc làm phù hợp. 

Chưa nói tới chuyện em Vi có thể theo học ngành Y không, chỉ biết em đã mất đi cơ hội vào ngành Công an, là ước mơ của em, thì lời hứa ấy gia đình lo lắng sẽ bị lãng quên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, có quá nhiều lời hứa để “xoa dịu” tình thế rồi... để đó. 

Đơn cử, ông Lê Quang Bình, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội đã từng đặt câu hỏi “Thế nào là “lời hứa” của Bộ trưởng?” khiến cho cử tri cả nước vỡ lẽ: lâu nay những lời hứa chung chung khi các vị Bộ trưởng được chất vấn, trả lời trước Quốc hội, toàn dân thông qua các buổi truyền hình trực tiếp, chỉ là những lời nói... gió bay! Cho đến nay, chúng ta chưa có một văn bản pháp luật nào quy định thế nào là lời nói của Bộ trưởng trở thành lời hứa, rồi thực hiện lời hứa đó như thế nào. 

Đây là trăn trở của toàn dân, đáng ra không cần thiết, nhưng vì các vị hứa nhiều quá mà chẳng làm được bao nhiêu nên người ta lại yêu cầu đến... luật! Chúng ta, một số lĩnh vực như giáo dục, giao thông, y tế... xảy ra quá nhiều vấn đề. Kỳ họp nào cũng nghe các vị đứng đầu ngành “xin hứa, xin nhận trách nhiệm...” nhưng đâu rồi cũng vào đó. 

Đó là chưa kể tới vô vàn lời hứa đau lòng như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Khi một đơn vị này nhận chăm sóc mẹ tới hết đời, nhưng thực tế, nếu đơn vị thay lãnh đạo, thay cơ chế mới thì các mẹ được đơn vị đó nhận phụng dưỡng đã... bỏ rơi lời hứa. Đây là thực tế diễn ra ở hầu hết các địa phương. Và những người mẹ ấy thêm một lần cô quạnh. Và nữa, những lời hứa của các quan chức với các vận động viên quốc gia, nhưng cũng ít được thực hiện.

Điều đáng nói, nếu những lời hứa của các vị đầu ngành với những việc tập thể, chung chung còn dễ bỏ qua thì những lời hứa với cá nhân dễ bị quên lãng cũng là điều dễ hiểu... 

Chúng ta sẽ dạy con trẻ ra sao khi chính chúng ta không biết giữ lời? (Minh họa: Internet)
Chúng ta sẽ dạy con trẻ ra sao khi chính chúng ta không biết giữ lời? (Minh họa: Internet)

Để lời hứa không phải làm... cam kết

Được biết, Tỉnh ủy Quảng Bình vừa có một bước đột phá mới trong cải cách hành chính, đó là: Yêu cầu trưởng các đơn vị thuộc ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ký cam kết thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Một bản cam kết với những điều khoản hết sức rõ ràng: Nếu hoạt động cầm chừng, gây mất đoàn kết nội bộ, hoặc để gia đình, người thân tham gia những việc làm ảnh hưởng đến trách nhiệm cá nhân, giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc, nhũng nhiễu... thì phải từ chức. Nếu để xảy ra những việc trên trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách mà không chịu từ chức thì Tỉnh ủy kiên quyết điều chuyển công tác, cả cấp trưởng lẫn cấp phó... 

Có nhận xét cho rằng, người Việt với tính đại khái của mình vô hình trung đã hình thành nên những việc làm không đến nơi đến chốn. Bất cứ ai khi qua các con đường đang sửa cũng phải khó chịu vì bụi và vì những đoạn đường gồ ghề rất khó đi. 

Ngay như nước láng giềng Campuchia khi sửa chữa sân bay, bạn có thể thấy bạt được che cẩn thận và dòng chữ “xin lỗi vì đã làm phiền” bằng tiếng Anh đặt trang trọng nơi dễ nhìn. Còn ở Việt Nam, những người thi công chỉ lo công việc của họ. Những khó khăn mà những người xung quanh phải chịu như là lẽ tất nhiên.

Chính vì vậy mà có những “con đường đau khổ” nhiều năm mọi người phải chịu mà không nhận được một lời xin lỗi, những công trình đang xây trở thành nỗi kinh hoàng của cộng đồng mà không mảy may áy náy.

Trong những trận chung kết bóng đá nảy lửa, sự hò hét cổ vũ của khán giả Việt cho hai đội thể hiện sự đam mê và cuồng nhiệt cho môn thể thao vua. Tuy nhiên, trọng tài chưa kịp tuýt còi kết thúc trận đấu, một nửa sân đã vội vã ra về bỏ mặc nhà vô địch nhận cúp. Các cổ động viên quan tâm đến sự dễ dàng cho mình hơn là tôn trọng những cống hiến hết mình của cầu thủ. Sau khi reo hò, thăng hoa và sung sướng họ đã vội vã bỏ rơi chính các thần tượng của mình ngay trên sân cỏ với chiếc cúp lạnh lẽo trên tay!

Khi hàng chục người bị ngộ độc vì ăn bánh mì ở Bình Dương phải vào viện cấp cứu thì cơ quan quản lý mới phanh phui ra là giấy phép kinh doanh đã hết hạn, quy trình bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng quy cách. Và họ vội vàng phạt tiệm bánh, coi như đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong tất cả những câu chuyện tương tự như hai câu chuyện này, nhà quản lý luôn vô can và họ chỉ xuất hiện khi việc đã rồi, viết biên lai phạt và thu tiền. 

Cũng như những chuyện tiêu cực, những lời hứa cuối cùng đều được quy về cho hai chữ “tập thể”, thế là hòa cả làng. Bởi có kỷ luật bằng hình thức khiển trách hay cảnh cáo một tập thể đi chăng nữa thì cũng chả ai làm sao. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, đã đến lúc Quốc hội cần nghiên cứu để xây dựng và ban hành một luật mới. Đó là “Luật trách nhiệm của người đứng đầu”...

Dẫu sự nửa vời không làm chết ai ngay lập tức nhưng nó tạo ra các sản phẩm không hoàn thiện. Chúng ta sẽ dạy con trẻ ra sao khi chính chúng ta đã không tạo thành một thói quen, một con người biết “giữ lời”. Khi một đứa trẻ được rèn giũa từ nhỏ và chúng ta thật sự nghiêm túc sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách, một nhân cách có trách nhiệm, không nửa vời và không đại khái với bản thân mình và với những người xung quanh. Và khi đó, những lời hứa cũng không bị mất giá trị tới mức phải làm cam kết, giấy trắng, mực đen. Dẫu cho đó có là lời hứa của một vị thủ lĩnh ngành.../.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.