Hết thời “liệu cơm gắp mắm”?
Thưa Thứ trưởng, ông có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của khảo thí ngoại ngữ?
- Đề án 2020 về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân về việc tạo điều kiện cho nhân lực của chúng ta hội nhập quốc tế sâu và rộng. Hiện nay chúng ta đã đưa ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo khung tham chiếu châu Âu. Đến nay, một số cơ sở của chúng ta cũng bắt đầu đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung đó, tuy nhiên đánh giá này mới chỉ công nhận trong nước thôi, bây giờ chúng ta cần làm sao để đánh giá khung năng lực đó tương thích với khung thế giới để cho chứng chỉ được cấp tại trung tâm này tương thích với các nước trong khu vực và thế giới, giúp cho sinh viên và người lao động sau này khi có chứng chỉ đó, có thể đi lao động, được công nhận tại các nước khu vực và thế giới.
Vậy, khó khăn và thách thức nào đang đặt ra với Việt Nam trong vấn đề đánh giá năng lực tiếng Anh hiện nay ra sao, thưa ông?
- Hiện nay chúng ta cần kinh nghiệm, còn việc đánh giá theo kiểu A, B, C, D trước đây đã làm rồi. Giờ phải làm sao để bài đánh giá của chúng ta tương thích bài đánh giá thế giới, làm sao cho chứng chỉ của các trung tâm khảo thí của chúng ta cấp cho người học có sự công nhận với thế giới, cái này, chúng ta cần sự hợp tác nhất định mà ở đây, Hội đồng Anh đang giúp đỡ chúng ta làm việc này.
Khi bắt đầu Đề án 2020 chúng ta bên cạnh việc bồi dưỡng giáo viên để dạy ở các cấp học thì cũng đồng thời xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia đánh giá. Chúng ta cũng có một số lượng đáng kể các chuyên gia làm việc này. Nhờ sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, sắp tới có thể thành lập được một trung tâm đánh giá, kiểm định chất lượng ngoại ngữ.
Sẽ “treo” bằng nếu không đạt chuẩn?
Theo quy định là các sinh viên khi tốt nghiệp đại học phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định, sắp tới Bộ có quy định như thế nào đối với các cơ sở giáo dục đại học về việc này?
- Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều phải công bố chuẩn đầu ra, trong đó trình độ ngoại ngữ là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học. Nhiều trường đại học đã công bố chuẩn đầu ra đó. Rõ ràng các trường nếu thực hiện nghiêm chuẩn đầu ra này thì sẽ có nhiều sinh viên dù đã hoàn thành chương trình đại học nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thì sẽ chưa được nhận bằng. Cái đó, các trường làm nghiêm túc để đảm bảo sinh viên có trình độ nhất định khi ra trường trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng.
Một số trường đại học đã yêu cầu có trình độ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu, có những lứa sinh viên đã đạt yêu cầu và tốt nghiệp nhưng khi ra thị trường lao động vẫn không thể sử dụng được tiếng Anh, vậy chất lượng đào tạo ở trường đại học theo khung tham chiếu đó có tin tưởng được không, thưa ông?
- Một trong những cái khó khăn nhất của sinh viên chúng ta là học ngữ pháp, từ vựng rất tốt nhưng giao tiếp thì gặp khó khăn bởi sinh viên chúng ta ít có cơ hội giao tiếp với người bản ngữ. Bộ GD&ĐT cũng đã nhận ra vấn đề này và sắp tới Bộ GD&ĐT cũng muốn là tăng cường thêm các giáo viên bản ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nhật…) ở các trường dạy ngoại ngữ thực hành, cho sinh viên tiếp cận trực tiếp với người bản ngữ.
Đồng thời Bộ cũng khuyến khích các trường tăng cường chiêu sinh sinh viên quốc tế đến học, ngoài việc giao lưu văn hóa thì có tác dụng tăng cường giao lưu ngoại ngữ. Sinh viên các nước khác trong Asean và thế giới họ có môi trường tiếp cận ngoại ngữ rộng hơn vì có rất nhiều sinh viên quốc tế đến học có thể giao lưu. Đối với chúng ta, Bộ đã thấy được điều này và có khuyến khích các trường tăng cường trao đổi, chiêu sinh sinh viên quốc tế để việc học ngoại ngữ có thực tế hơn, giúp sinh viên có thể nói, nghe, giao tiếp chứ không chỉ đọc, dịch văn bản.
Trong hội nghị triển khai Đề án ngoại ngữ 2020, Bộ trưởng khuyến khích các cơ sở GD-ĐT nhập khẩu chương trình ngoại ngữ quốc tế. Việc kiểm định chất lượng các chương trình này và chất lượng dạy học như thế nào?
- Trên thế giới, nhiều chương trình, sách giáo khoa ngoại ngữ đã được xây dựng, thử nghiệm và thực tế sử dụng thành công. Việc nhập khẩu chương trình, giáo trình ngoại ngữ quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiệm cận nhanh, hiệu quả với thực tế dạy và học ngoại ngữ của thế giới. Bên cạnh giáo trình ngoại ngữ đã chuẩn hóa và sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển, các học liệu hỗ trợ nghe nhìn kèm theo cũng cần thiết để nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ.
Ngoài ra, Bộ sẽ có những biện pháp và công cụ kiểm định, đánh giá chất lượng các chương trình, sách giáo khoa này như bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông, ban hành theo Thông tư 31/2015/TT-BGDĐT. Bộ cũng sẽ hướng dẫn các trường lựa chọn giáo trình theo hướng không tạo gánh nặng học phí cho các bậc phụ huynh.
Để tạo động lực cho người học ngoại ngữ, tiếp cận với mục tiêu phát triển 4 kỹ năng, có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định bắt buộc đối với các trường đại học, phải tuyển đầu vào môn ngoại ngữ như yêu cầu đầu vào đối với các chương trình đào tạo sau đại học. Quan điểm của ông ra sao?
- Bộ đang hướng tới việc học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực ngoại ngữ để tự tin sử dụng ngoại ngữ ở các cấp học tiếp theo. Với các trường đại học, Bộ khuyến khích đưa ngoại ngữ vào các tổ hợp xét tuyển của các trường. Hiện tại các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao đều có yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào nhất định, để đảm bảo sinh viên có thể theo học được các môn học dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài.
Đối với đào tạo các bậc học thạc sĩ và tiến sĩ, Bộ đang sửa đổi quy chế, theo đó trình độ ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc ở đầu vào chứ không phải ở đầu ra. Như vậy, ngoại ngữ là công cụ mà học viên cần phải có để có thể học tập, nghiên cứu ở trình độ sau đại học...Tất cả quy định đó một mặt đảm bảo cho người học các bậc học nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, mặt khác nâng cao năng lực ngoại ngữ của lực lượng cán bộ trẻ.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!