Sinh con thứ ba: Làm sao chấm dứt “bắt” nộp phạt mới cho khai sinh?

Anh T.K.Đ chia sẻ với báo chí về việc nộp phạt để khai sinh cho con thứ 3.
Anh T.K.Đ chia sẻ với báo chí về việc nộp phạt để khai sinh cho con thứ 3.
(PLO) - Theo phản ánh từ người dân cách đây vài hôm, để được làm thủ tục khai sinh con thứ ba, nhiều hộ gia đình ở TP Vinh, Nghệ An phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng cho cán bộ dân số theo bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Câu chuyện không hề mới nhưng tại sao vẫn cứ liên tiếp xảy ra gây bức xúc dư luận, đòi hỏi phải có biện pháp xử lý thấu đáo.

“Tự nguyện” để còn tái đầu tư

Cụ thể, anh T.K.Đ (ở khối Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) kể, sau khi vợ anh sinh con trai thứ 3, đến ngày 8/5, anh mang giấy chứng sinh đến Phòng Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Vinh Tân để làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, anh Đ lại được cán bộ tư pháp, hộ tịch của phường hướng dẫn qua gặp cán bộ phụ trách dân số, kế hoạch hóa gia đình để “thực hiện nghĩa vụ, tự nguyện đóng 2 triệu đồng” mới được cấp giấy khai sinh.

Anh Đ yêu cầu cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình phường làm rõ thì được đưa ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, trong đó có nội dung tự nguyện đóng ít nhất 2 triệu đồng. Tương tự, các anh L.A.Đ (khối 5, phường Hà Huy Tập, TP Vinh), anh Đ.A.H (phường Đội Cung, TP Vinh)... cũng chia sẻ trước đó gia đình các anh phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng vào quỹ dân số kế hoạch hóa gia đình do vợ chồng “vỡ” kế hoạch để được cấp giấy khai sinh cho con.

Câu chuyện vừa xảy ra tại Nghệ An không mới bởi đã từng có nhiều vụ việc như vậy được thông tin trên báo chí. Thậm chí có địa phương ban hành cả Quyết định quy định nội dung này và có vụ việc diễn ra ngay địa bàn Thủ đô, riêng Nghệ An, tình trạng này liên tục phát sinh từ năm 2015. Khi ấy và kể cả vụ việc mới nhất tại TP Vinh, Nghệ An đều được địa phương lý giải chỉ là những cam kết mang tính “tự nguyện”, chứ không ép buộc phải đóng tiền mới được làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, địa phương bổ sung thêm rằng người dân cũng cần có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp vào quỹ dân số, kế hoạch hóa gia đình để tái đầu tư vì dân số tăng nhanh sẽ gây áp lực đến các vấn đề dân sinh, xã hội khác.

Trao đổi với chúng tôi về việc phải “tự nguyện” nộp phạt mới cho đăng ký khai sinh con thứ 3 ở TP Vinh, Nghệ An, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Trần Thị Lệ Hoa cho biết đã nắm được thông tin báo chí. Theo thông lệ những vụ việc đã từng xử lý trước đây, Cục sẽ có công văn đề nghị Sở Tư pháp kiểm tra xác minh, làm rõ thông tin. Nếu sự việc đúng như phản ánh, đề nghị Sở Tư pháp có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời để bảo đảm quyền lợi của công dân. Kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý phải được báo cáo về Cục.

Vẫn có quy định về việc cấm sinh con thứ ba

Lật lại quy định cũ, chính sách kế hoạch hóa gia đình trước đây có chủ trương cấm sinh con thứ 3 đối với công chức, viên chức. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật như phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ, hay bị khiển trách kỷ luật của cơ quan nơi công tác. Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP, nội dung “xử lý việc sinh con thứ ba” không được đề cập đến. 

Có điều, thực tế lại cho thấy không có quy định không có nghĩa là không cấm vì vẫn có một số trường hợp cơ quan, tổ chức có những quy chế, quy định về việc cấm sinh con thứ ba. Chẳng hạn, Quyết định 1531/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có ban hành kèm theo Quy chế về xử lý kỷ luật công chức, viên chức Bộ Tài chính vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với các công chức, viên chức sinh con thứ 3; công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, ngoài việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên, trong thời gian thi hành Quyết định kỷ luật, không xem xét, giới thiệu quy hoạch, không đề cử, đề bạt, điều động, luân chuyển theo quy định. Hay UBND tỉnh Bình Dương có ban hành Quyết định 02/2015/QĐ-UBND xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đặc biệt, theo Quy định 181/2013/QĐ-TW của Bộ Chính trị thì “Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách”. Trường hợp pháp luật có quy định khác chính là những trường hợp sinh con thứ ba nhưng không vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình theo quy định tại tiết c điểm 10 Hướng dẫn 09-HD/UBKTTW năm 2013.

Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện bức xúc trên đây có thể thấy rằng không thể đổ lỗi cho cán bộ cơ sở bởi không một cán bộ nào “dám” thực hiện các quy định trái luật như vậy nếu không có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Thiết nghĩ đã tới lúc các cơ quan có thẩm quyền liên quan phải cùng “vào cuộc” giải quyết nút thắt này mà trước hết là ngành Dân số - kế hoạch hóa gia đình để việc “tự nguyện” nộp tiền đăng ký khai sinh cho con không còn là chuyện “đến hẹn lại lên”!

Tin cùng chuyên mục

Cổ đông trong công ty phải thi hành án có được quyền khiếu nại?

Cổ đông trong công ty phải thi hành án có được quyền khiếu nại?

(PLO) - Những năm gần đây, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) ngày càng được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, với khối lượng án phải thi hành rất lớn, cùng đặc thù nhiệm vụ tổ chức THADS là tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên thực tế không tránh khỏi tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này và từ đó nảy sinh không ít khó khăn, bất cập.