Cổ đông trong công ty phải thi hành án có được quyền khiếu nại?

Cổ đông trong công ty phải thi hành án có được quyền khiếu nại?
(PLO) - Những năm gần đây, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) ngày càng được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, với khối lượng án phải thi hành rất lớn, cùng đặc thù nhiệm vụ tổ chức THADS là tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên thực tế không tránh khỏi tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này và từ đó nảy sinh không ít khó khăn, bất cập. 

2 quan điểm khác nhau khi xác định quyền lợi liên quan của cổ đông

Một trong số những vướng mắc hiện nay là quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án mới có quyền khiếu nại về thi hành án theo khoản 1 Điều 140 và khoản 4 Điều 3 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). 

Cụ thể, khoản 4 Điều 3 Luật THADS giải thích “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự”. Còn khoản 1 Điều 140 quy định về quyền khiếu nại nêu rõ: “Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Quy định là vậy nhưng việc xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án trên thực tế còn vướng mắc. Điển hình là cá nhân là cổ đông, người có cổ phần trong công ty cổ phần phải thi hành án mà muốn khiếu nại thì người có thẩm quyền có ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hay không? 

Về vấn đề này, hiện còn 2 quan điểm giải quyết khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng phải giải quyết khiếu nại do quyết định, hành vi bị khiếu nại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Quan điểm này phân tích: Theo khoản 4 Điều 3 Luật THADS quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Do đó, người được thi hành án, người phải thi hành án là công ty, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể cổ đông của công ty có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cổ đông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của công ty nên họ có quyền khiếu nại. 

Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng không giải quyết khiếu nại vì cổ đông là người có cổ phần nhưng công ty cổ phần có đại diện theo pháp luật đã được các bản án, quyết định của TAND xác định và cổ đông cũng không được Tòa án xem xét với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình xét xử. Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, cổ đông chỉ có quyền khiếu nại theo điều lệ công ty, trong đại hội đồng cổ đông hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp nội bộ. 

Kịp thời hướng dẫn cho địa phương

Vướng mắc tương tự cũng xảy ra trong trường hợp người mua trúng đấu giá; người nhận chuyển nhượng tài sản kê biên thi hành án ngay tình… Ngoài ra, qua theo dõi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, Tổng cục THADS nhận thấy rất nhiều trường hợp thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Chẳng hạn, chấp hành viên Chi cục THADS quận A ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất X của ông B (Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đứng tên ông B) để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của ông B tại Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, ông B lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất X cho bà C bằng giấy sang nhượng viết tay. Khi chấp hành viên kê biên, bà C có đơn khiếu nại Quyết định cưỡng chế kê biên của chấp hành viên Chi cục THADS quận A. Chi cục trưởng Chi cục THADS quận A đã thụ lý và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại của bà C. 

Trong trường hợp này, theo Tổng cục, việc Chi cục THADS quận A thụ lý giải quyết khiếu nại của bà C là không đảm bảo căn cứ pháp lý. Bởi lẽ đối tượng của khiếu nại là Quyết định cưỡng chế thi hành án của chấp hành viên không tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà C. Chấp hành viên chỉ có thể hướng dẫn bà C khởi kiện ra Tòa để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS 2014. Nếu chấp hành viên không hướng dẫn bà C quyền khởi kiện và bà C có khiếu nại thì Chi cục trưởng Chi cục THADS quận A mới thụ lý, giải quyết khiếu nại đối với hành vi của chấp hành viên.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa quy định cơ chế giải quyết đối với trường hợp đương sự khác (không phải là người đã khiếu nại lần đầu) khiếu nại tiếp đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Ví dụ như trường hợp có Quyết định giải quyết khiếu nại của người được thi hành án nhưng người phải thi hành án lại khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, các cơ quan THADS địa phương còn lúng túng, chưa áp dụng pháp luật thống nhất.

Xử lý tình huống trên, Tổng cục cho rằng, người có thẩm quyền không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Bởi lẽ theo Điều 140 Luật THADS thì quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết khiếu nại của người được thi hành án nên chỉ người này được khiếu nại lần hai. 

Riêng về xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án thì Tổng cục cần phải nghiên cứu hoàn thiện thể chế để gỡ vướng cho vấn đề này. Theo đó, cần quy định cụ thể về “đương sự” được quyền khiếu nại là những đối tượng nào; thế nào là “người liên quan” được quyền khiếu nại về THADS.

Tin cùng chuyên mục

Anh T.K.Đ chia sẻ với báo chí về việc nộp phạt để khai sinh cho con thứ 3.

Sinh con thứ ba: Làm sao chấm dứt “bắt” nộp phạt mới cho khai sinh?

(PLO) - Theo phản ánh từ người dân cách đây vài hôm, để được làm thủ tục khai sinh con thứ ba, nhiều hộ gia đình ở TP Vinh, Nghệ An phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng cho cán bộ dân số theo bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Câu chuyện không hề mới nhưng tại sao vẫn cứ liên tiếp xảy ra gây bức xúc dư luận, đòi hỏi phải có biện pháp xử lý thấu đáo.