Xử phạt không đeo găng tay khi bán đồ ăn: Phải kiểm soát tốt, xử lý nghiêm thì mới hiệu quả

Không đeo găng tay khi bán đồ ăn sẽ bị xử phạt.
Không đeo găng tay khi bán đồ ăn sẽ bị xử phạt.
(PLO) - Mới đây, thông tin thay đổi hình thức từ cảnh cáo sang hình thức phạt tiền đối với người bán thức ăn không sử dụng găng tay mà tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín được quy định tại Nghị định 115, đã nhận được sự ủng hộ của người bán lẫn người mua. Đây là một việc làm quan trọng để hạn chế tình trạng mất an toàn thực phẩm như hiện nay. 

Song thực tế, nhiều người lo ngại việc thực hiện liệu có khả thi khi ở Việt Nam có hàng nghìn hộ bán cơm bụi, hàng trăm người bán thực phẩm chín ở các chợ dân sinh và hàng trăm xe hàng rong di động bán đồ ăn nhanh?

Người dân ủng hộ

Từ ngày 20/10//2018, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực. Đáng chú ý, trong Nghị định quy định sẽ tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố. Theo Điều 16 của Nghị định, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Khảo sát tại các khu phố, các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, điểm chung có thể thấy ở các quán bán thực phẩm chín là quá trình sử dụng tay không diễn ra thành vòng tròn xuyên suốt, người bán hàng vừa chế biến thực phẩm, thức ăn cho khách, vừa thu, trả tiền, lau bàn và cứ thế tiếp diễn mà không biết đến sự tồn tại của găng tay nilon.

Đó là nguyên nhân, mầm mống gây ra các căn bệnh ung thư quái ác đang ngày càng tích tụ thêm và chỉ chờ bộc phát. Theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện nay có 70 đến 80% số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả…

Theo đó, người dân ăn thực phẩm được chế biến thiếu an toàn vệ sinh sẽ phải chịu nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì buồn nôn, đau bụng; nặng thì phải vào viện cấp cứu; thậm chí những trường hợp ăn phải chất kịch độc có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc chịu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Những người sức đề kháng kém, nhất là trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, dễ dẫn đến ngộ độc nặng. 

Chị Nguyễn Thị Dinh (một người bán giò chả tại chợ Hà Đông) chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ quy định này, quan trọng là người bán hàng có thực hiện không, chứ nếu đã muốn thực hiện thì kiểu gì họ chả biết làm thế nào cho hợp vệ sinh, không mất an toàn thực phẩm. Chuyện đeo găng tay lâu nay chúng tôi đều thực hiện, chẳng những đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn hạn chế bị dính dầu mỡ”.

Chị Nguyễn Thị T (phường Yên Nghĩa) cho hay: “Tôi cũng nghe sơ qua về quy định này. Nhưng chưa hiểu ai sẽ kiểm tra, ai sẽ phạt. Quy định rồi thì tôi cũng sẽ tuân thủ nhưng đôi khi biết đeo găng tay là sạch hơn nhưng cũng bất tiện hơn”. 

Quan trọng vẫn là ý thức

Trao đổi về điều này, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng quy định là tốt nhằm góp phẩn đảm bảo an toàn vệ sinh. Tuy nhiên sau khi quy định có hiệu lực, do bị phạt tiền, các cửa hàng, nhà hàng ăn uống sẽ thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, không thể tránh chuyện người bán hàng sẽ đeo găng tay để đối phó với cơ quan chức năng còn đồ ăn của khách có bị nhiễm bẩn hay không sẽ ít được họ quan tâm đến. Ngoài ra găng tay loại nilon tái chế thường có những hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng, đặc biệt là đối với nhiệt độ.

Trong Luật An toàn thực phẩm quy định loại găng tay sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là loại găng tay hợp vệ sinh. Đa số các loại găng tay đều là loại sử dụng một lần, tức là người sử dụng phải vứt bỏ và thay thế bằng đôi găng tay khác sau khi sử dụng một lần.

Tuy nhiên, trên thực tế không ai dám đảm bảo từ các nhà hàng lớn tới các quán hàng rong bên hè phố, thậm chí ngay cả người tiêu dùng sẽ tuân thủ đúng quy trình thời gian sử dụng găng. Cùng với đó trong quy định cũng chưa đưa ra một mức thời gian sử dụng cụ thể đối với mỗi chiếc găng tay là trong bao lâu.

Những câu chuyện đeo găng tay được người bán hàng tuân thủ hàng ngày, tuy nhiên một đôi găng tay sẽ luôn được dùng đi dùng lại nhiều lần trong suốt cả một ngày dài để tiếp xúc với đồ ăn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chủ quán tuy đã đeo găng tay nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống, vì vậy ở đây, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ chẳng thể đạt được yêu cầu.

“Mục đích đeo găng tay là để sạch sẽ, nhưng vừa đeo găng tay vừa lấy tiền trả lại cho khách, vừa lấy thức ăn chín cho khách rồi lại lấy thực phẩm sống. Điều đó sẽ chẳng còn đảm bảo được ý nghĩa mà quy định đưa ra”, một người dân e ngại về việc sử dụng găng tay.

Mặt khác, sau khi khảo sát tại các khu chợ, nhiều người dân cũng cho rằng, quy định này nếu không được giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì tính hiệu quả không cao và rồi sẽ trôi vào quên lãng thậm chí rơi vào tình trạng “khuất mắt trông coi” đeo găng tay nhưng thực phẩm vẫn nhiễm bẩn. Chính từ quy định này lại khiến nhiều người nhớ đến Thông tư 15/2012 của Bộ Y tế, có hiệu lực cách đây vài năm với các quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo Thông tư, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được khám sức khoẻ được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế, người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng, đeo khẩu trang,... 

Tuy nhiên sau nhiều năm, những quy định đó hầu hết đều bị lãng quên khi không một cơ quan chức năng nào đủ thời gian đi kiểm tra, xử phạt những cơ sở hay người bán hàng rong chưa được kiểm tra sức khỏe. Và thậm chí, hàng trăm người bán hàng vẫn còn chưa biết đến quy định được đề ra trong Thông tư. Do đó nhiều người e ngại rằng quy định xử phạt đối với chủ cơ sở không đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín cũng sẽ chìm vào giấy như những Thông tư đưa ra trước đó. 

Đa phần các ý kiến đều cho rằng, chúng ta nên có phương pháp tuyên truyền để người bán hiểu được trách nhiệm của mình đối với mọi người. Còn đối với người mua, cũng phải tuyên truyền để họ tự nâng cao khả năng bảo vệ mình trước thực phẩm bẩn, đó cũng là một cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và loại bỏ các hàng quán bán thực phẩm mất an toàn. Mặt khác, khi chính sách đã có hiệu lực thì cơ quan ban ngành cần nghiêm túc thực hiện, như vậy mới hy vọng quy định được áp dụng triệt để trong thực tế. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.