‘Xử lý thực phẩm bẩn đừng kiểu khua chiêng gõ trống’

‘Xử lý thực phẩm bẩn đừng kiểu khua chiêng gõ trống’
(PLO) - Hôm nay, QH dành trọn một ngày làm việc để bàn về vấn đề an toàn thực phẩm. Trao đổi với PLVN, bà Phạm Khánh Phong Lan – ĐBQH TP HCM cho rằng, có rất nhiều vấn đề tồn tại cần được khắc phục trong câu chuyện thực phẩm "bẩn", nỗi ám ảnh của xã hội. 

- Thưa bà, trong "cơn bão" thực phẩm "bẩn" hiện nay, người dân cho rằng một phần nguyên nhân là do chúng ta phạt nhẹ quá? Bà có đồng ý quan điểm này?

 - Hiện nay, việc xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nói cách khác là xử lý thực phẩm bẩn đang có nhiều tồn tại cần khắc phục. Ngay từ khâu đầu tiên, việc xử phạt đã không đơn giản. Phải rà soát, phải trình ký… rồi mới ra được quyết định. Và trong tất cả những vụ vi phạm mà chúng ta phát hiện được từ năm 2011 đến 2016, tính trung bình tiền phạt một vụ là rất ít. Tôi nghĩ nó không  tương xứng với tình trạng, hậu quả nguy hiểm hiện nay. 

Trong Luật Hình sự có quy định về chế tài tương đối có tính răn đe. Mức cao nhất có thể lên đến tù chung thân. Nhưng thực tế thì xử được bao nhiêu?. Chúng ta mới chỉ khởi tố Hình sự được 1 vụ án. Còn lại, là không thể. Bởi luật của chúng ta quy định nó phải có tính định lượng, chứng minh được hậu quả từ hành vi - những thiệt hại gây ra sau khi người dân sử dụng thực phẩm bẩn. Điều này rất khó. 

Tôi chỉ ví dụ: Những bằng chứng trong y văn thế giới cũng chứng tỏ thực phẩm ẩn có thể gây ung thư.  Người ta thống kê gần 35% số bệnh nhân ung thư là do thực phẩm bẩn. Nhưng vẫn có những kẽ hở. Nếu hỏi con số nào, những nghiên cứu nào để đưa ra căn cứ đó thì không thể. Chúng ta không thể chứng minh được thực phẩm đó ăn vào hôm nay, đến ngày nào đó thì bị ung thư, để thấy thiệt thòi của người dân, để có căn cứ xử lý hình sự. Để bắt người làm ra thực phẩm đó trả giá, thì đó là cả một vấn đề rất khó khăn.  

Khi chúng ta nâng mức xử phạt thì đó không phải là biện pháp tối ưu. Nó tương tự như những ngành khác. Tôi không loại trừ cơ chế có thể phát sinh tiêu cực, một sự bắt tay giữa người đi xử phạt và người bị xử phạt. Vấn đề không phải ở mức xử phạt, vấn đề là làm sao để chúng ta phát hiện ra tiêu cực.

Đa số các vụ vi phạm phát hiện là do kiểm hồ sơ, có giấy hay không có giấy. Chuyện đó không nói lên điều gì cả. Mà vấn đề  là phát hiện vi phạm như thế nào. Làm sao để những vụ việc không xẩy ra trên địa bàn. Tại sao có những vụ việc rất lớn mà vẫn "lọt lưới"? Nếu những vụ việc đó phát hiện ra thì mức xử phạt lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ là nhỏ lẻ và bản chất là chỉ đi kiểm hồ sơ thì làm sao mà xử phạt được?.

Và để xử phạt được, thực sự nắm bắt được vi phạm thì không thể làm việc kiểu như lập ra kế hoạch, chỉ đạo liên ngành, khua chiêng gõ mõ một năm bao nhiêu lần đi kiểm… Nếu cứ như thế thì không bao giờ ra được vụ việc lớn. Nó tương tự như một quá trình điều tra. Chúng ta phải đầu tư vào. Lực lượng thanh tra phải thực sự chuyên nghiệp, thực sự có tâm. Để kịp thời phát hiện ra những vụ việc như vậy, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng. 

Nếu chỉ thanh ra như hiện nay thì rất khó. Anh em thanh tra cũng bị "bó tay bó chân" rất nhiều. Bây giờ vấn đề là làm sao để cho mỗi người đang định "giở trò" làm thực phẩm bẩn lấy lợi nhuận, họ phải  biết là họ đang đối mặt với tai mắt nhân dân.  Đang phải đối mặt với cả hệ thống.

- Hầu hết những vụ vi phạm an toàn thực phẩm đều được xử phạt vì không đủ giấy tờ. Nhưng người dân lại cho rằng tấm giấy đó chỉ là hình thức...?

-  Tôi đã nghe tâm sự của một số doanh nghiệp khi họ làm đúng, họ muốn làm đúng nhưng họ thấy giấy tờ, họ cũng sợ, họ cũng không biết là gặp ai, gặp cơ quan nào làm những đâu. Hàng chục, thậm chí hàng trăm loại giấy tờ từ phần của bộ đến phân cấp cho các địa phương là cả một ma trận. Và chúng ta đừng nghĩ cấp giấy xong là xong. Làm sao để cấp xong tờ giấy là mỗi ngày người được cấp giấy phải nhìn vào đó và cố gắng làm thật tốt. 

Giấy chỉ là vấn đề đầu tiên. Phải tăng cường hậu kiểm, phải tung lực lượng ra xem việc thực hiện đó như thế nào. Và theo tôi nghĩ, việc hậu kiểm thường xuyên trên địa bàn là nhắc nhở, để những người có ý định vi phạm trùn bước. Những nơi kiểm tra thường xuyên tái phạm thì chúng ta tập trung thanh tra. Khi tập trung thanh tra thấy vi phạm lớn là xử, xử một lần để làm gương luôn.

Không nên tồn tại cách làm việc kiểu lực lượng thanh tra cứ đưa đi lẻ mẻ. Rồi lại đến kiểm xem anh có cái giấy chúng tôi cấp hay chưa, nếu chưa có tôi phạt tiền thế này thế kia. Còn hành vi vi phạm thì không xem xét đến. 

- Cái khó nào khiến cho lực lượng thanh tra 'mướt mồ hôi' mà thực phẩm bẩn vẫn tràn lan?

Giống như một trận đánh. Quân đã ít lại đủ thứ ràng buộc. Nếu không đúng thì bị kiện lại. Chúng tôi cũng phải bảo vệ lực lượng của mình. Đã làm là phải đúng. 

Một hạn chế là kết quả kiểm nghiệm theo quy trình hiện nay rất hạn chế đối với những trường hợp thực phẩm tươi sống. Nếu phải chờ mấy ngày mới có kết quả thì không còn ý nghĩa gì cả. Nếu chúng ta ngưng lại, chưa cung cấp ra thị trường nếu kết quả đó tốt không vi phạm thì rất tội cho người ta.  

Cho nên, phải tăng cường những test nhanh, xét nghiệm nhanh. Nó không chính xác hết 100%, nhưng  ít ra, nó có kết quả trong thời gian ngắn, và nó có ý nghĩa sàng lọc. Để ta tập trung, làm cho tốt. 

- Vậy theo bà, mấu chốt của việc loại trừ thực phẩm bẩn ở đâu?

- Theo tôi chỉ có hai vấn đề: Chúng ta đã làm gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn, và làm những gì để khuyến khích thực phẩm sạch?

Trên giấy tờ, văn bản pháp luật  tương đối đầy đủ, nhưng áp dụng thì rất khó khăn. Đó là chưa kể những cái khó khăn, bất cập về  lực lượng thanh tra, kiểm tra, lực lượng an toàn thực phẩm. Nó có một số chênh lệch giữa các địa phương, phối hợp với nhau thì lại rất khó. 

- Xin cám ơn bà!

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.