Sản xuất thực phẩm chức năng: 50% số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (GMP) là bàn đạp quan trọng giúp các sản phẩm thực phẩm chức năng do Việt Nam sản xuất tìm được thị trường quốc tế, đồng thời cũng là một phần bắt buộc trong lộ trình Hòa hợp tiêu chuẩn về kỹ thuật trong khối ASEAN. Tuy nhiên, nếu áp dụng GMP, số doanh nghiệp sản xuất đầu tư bài bản, đủ chất lượng tồn tại trên thị trường Việt Nam chỉ chiếm khoảng một nửa

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng thiếu quy chuẩn

Ngày 29/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo xin ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành (GMP) do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam tổ chức.

GMP là bàn đạp quan trọng giúp các sản phẩm TPCN do Việt Nam sản xuất tìm được thị trường quốc tế, đồng thời cũng là một phần bắt buộc trong lộ trình Hòa hợp tiêu chuẩn về kỹ thuật trong khối ASEAN. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy định việc áp dụng GMP phải trở thành yêu cầu bắt buộc.

Có thể nhận thấy, lợi nhuận từ việc buôn bán TPCN giả, kém chất lượng cùng với việc thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất TPCN trong nước, từ khâu nuôi trồng dược thảo đến cơ sở sản xuất, trang thiết bị cũng như các quy định về quản lý, đánh giá nguy cơ, bằng chứng khoa học… đang khiến ngành TPCN phát triển “tự do”, thiếu định hướng và người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng thực sự của các sản phẩm này.

Yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn GMP càng trở nên cấp thiết khi thị trường TPCN đang rơi vào tình trạng bát nháo như hiện nay.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá: “Không thể phủ nhận vai trò to lớn của TPCN trong việc nâng cao sức khỏe và phòng ngừa các bệnh mãn tính. Nhưng nếu không có chế tài xử lý tốt, thì từ tôn vinh TPCN, ghi nhận vai trò của nó, người ta sẽ quay lưng lại với TPCN. Đây là mối nguy rất lớn, nhất là trong thời gian gần đây, chúng ta đã để xảy ra tình trạng thần thánh hóa TPCN khiến người tiêu dùng khi kỳ vọng vào công dụng nhưng không được thỏa mãn sẽ nảy sinh sự bài trừ và hoài nghi”.

Thực tế, việc công bố, đăng ký sản xuất kinh doanh TPCN hiện nay quá dễ dàng, thiếu quy chuẩn. “Nếu không có một chế tài quản lý tốt, đặc biệt là quản lý điều kiện sản xuất TPCN sẽ gây ra nhiều hậu quả, người tiêu dùng quay lưng tẩy chay, bên cạnh đó doanh nghiệp làm ăn chân chính chịu thiệt”, TS Phong nhấn mạnh. 

GMP giúp sàng lọc doanh nghiệp minh bạch

GMP (viết tắt bằng tiếng Anh của “Good Manufacturing Practice” - Thực hành sản xuất tốt) sẽ đưa ra những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất, áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói TPCN,… nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, trong số khoảng 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu hành trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50% trong số này được người tiêu dùng chấp nhận. Trong số những vi phạm về TPCN thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 50% số lượng doanh nghiệp vi phạm, chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp trong nước.

Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP được đánh giá là “bộ lọc” hữu hiệu giúp phân loại các doanh nghiệp TPCN, khai tử các đơn vị yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Lê Văn Truyền thì: “GMP sẽ là cơ sở để loại bỏ sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, giảm thiểu lượng hàng lậu vào Việt Nam và góp phần xây dựng TPCN trở thành ngành kinh tế bền vững, lành mạnh, vì sức khỏe của người tiêu dùng. Tiêu chuẩn sản xuất TPCN đặt yếu tố con người, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thao tác, môi trường ở tất cả các khu vực của quá trình sản xuất, kể cả vấn đề giải quyết khiếu nại của khách hàng và thu hồi sản phẩm sai lỗi là quan trọng nhất”.

GMP giúp chất lượng sản phẩm được ổn định, đảm bảo đúng, công khai như đã công bố, kiểm nghiệm được từng lô sản xuất và bán thành phẩm nếu những sản phẩm không đạt chất lượng ngay trong quá trình kiểm nghiệm ban đầu sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

“Nếu áp dụng GMP, số doanh nghiệp tồn tại được chỉ khoảng một nửa, doanh nghiệp chân chính đầu tư bài bản để làm TPCN mới tồn tại được trên thị trường. Nếu không chấp nhận đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi thị trường”, ông Phong cho biết.

Được biết, Bộ Y tế yêu cầu tháng 6/2017 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn riêng về GMP. Tinh thần chung là phải siết chặt quản lý nhưng không được “bóp chết” doanh nghiệp, Bộ sẽ đề xuất lộ trình áp dụng thực hiện để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, đồng thời đưa TPCN ngày càng phát triển tốt hơn, làm tốt mục tiêu dự phòng bệnh tật — TS Phong chia sẻ./.

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.