Hơn 600 tiệm kim hoàn không đạt tiêu chuẩn: Trục lợi trên sự tin tưởng người mua

Cần mua vàng ở những cửa hàng uy tín để tránh bị thiệt hại. Ảnh minh họa
Cần mua vàng ở những cửa hàng uy tín để tránh bị thiệt hại. Ảnh minh họa
(PLO) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa có báo cáo về công tác quản lý thị trường vàng gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, qua kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn cả nước hai năm 2015 - 2016, Bộ đã phát hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh vàng không chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng vàng...

Cụ thể, trong năm 2015, qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng tại 51/63 Sở KH&CN các tỉnh, với 1718 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện 423 cơ sở (chiếm 25%) vi phạm về quy định đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố. Sang năm 2016, tính đến hết ngày 23/8/2016, thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác.

Là kim loại quý hiếm được người giàu và người nghèo đều mua để tích trữ. Bởi vậy, thông tin hơn 600 cơ sở bán vàng không đạt tiêu chuẩn không chỉ khiến người dân giật mình, lo lắng mà giới kinh doanh kim hoàn chân chính cũng băn khoăn.

Đã bị lừa còn ôm thêm cục tức

Đón nhận thông tin trên, trao đổi với PLVN nhiều người “té ngửa” khi biết những năm qua mình bị lừa mà không hay. Chị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng khi vừa mua 1 cây vàng để chuẩn bị đám cưới cho con trai: “Có chuyện đó à? Thôi chết, tôi vừa mua hôm qua mà không rõ có đủ lượng không, nếu thiếu thì mất mặt với nhà gái quá. Từ trước đến nay, tôi đi mua vàng không bao giờ yêu cầu họ cân trước khi trả tiền”. 

Còn với chị Nga (Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội), một nạn nhân của tình trạng mua vàng nhưng không đủ chất lượng này cho hay: Ba năm trước, chị được tặng vàng khi cưới, 6 tháng sau, vợ chồng chị có việc nên đi bán và tá hỏa khi được thông báo vàng không đủ chất lượng. “Lúc đó, tôi vừa tức vừa xấu hổ chứ cãi làm sao được. Nhà nước phải công bố ngay danh sách các cửa hàng vi phạm để chúng tôi còn biết mà tránh, đồng thời  phạt thật nặng để răn đe”, chị Nga bức xúc.

Hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp vàng lớn có số lượng chi nhánh, cửa hàng không nhiều và cũng phân bố về đến tỉnh là hết. Trong khi đó, tại các địa phương như huyện, xã chỉ tồn tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ, lẻ, tự đặt hàng và gia công, điều này khiến người dân chỉ biết “than trời”.

Chị Mai (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lo lắng: “Khi biết thông tin, tôi không dám đem vàng gia đình mới mua đi đo chất lượng. Vì dành dụm được ít tiền đem mua vàng tích trữ giờ lại bị lừa thì chết nên đành tặc lưỡi, coi như sự đã rồi, sau này có tiền tôi xuống Hà Nội mua cho an tâm”.

Đổ lỗi “vàng hao mòn theo thời gian”

Nhiều cửa hàng kim hoàn đang trục lợi trên sự tin tưởng của người dân, nhưng khi được hỏi thì các cửa hàng bán vàng đều chối đẩy trách nhiệm: “Chúng tôi là cửa hàng bán vàng nhỏ thì không tự sản xuất được nên mua từ nhà sản xuất, họ bán sao thì tôi bán cho khách hàng vậy. Nếu Nhà nước xử phạt phải phạt từ gốc, giờ chỉ xử lý phần ngọn thì sao triệt được”, một cửa hàng vàng trên đường Giải Phóng, Hà Nội phân trần.

Khi được hỏi biết thiếu sao vẫn bán, chủ cửa hàng này lấp liếm: “Nhiều khi chúng tôi mua về cũng chỉ kiểm tra số lượng chứ không kiểm tra chất lượng nên cứ vậy bán cho khách hàng. Ai mua tích trữ ở nhà lâu năm thì vàng hao mòn theo thời gian là điều khó tránh khỏi”.

Hiện nay, vàng chủ yếu được chế tác thủ công. Để gian lận tuổi vàng, trong quá trình chế tác, các thợ kim hoàn sẽ cho một loại kim loại có tỷ trọng tương đương nhưng giá rẻ hơn vàng rất nhiều, mà chỉ có máy móc, thiết bị hiện đại mới phát hiện ra. Ngoài ra, các cửa hàng có thể cố tình hạ thấp tuổi vàng bằng việc chế tác sản phẩm bên trong là vàng thiếu tuổi phủ bên ngoài vàng đủ tuổi. Điều này người dân rất khó phát hiện. 

Sự thật là như vậy nhưng khi khách hàng đến phản ánh, có những cửa hàng trả lời theo kiểu “thuận mua vừa bán”. “Khi bán, khách hàng được kiểm tra, cân – đo đong đếm đầy đủ, cảm thấy thích mới trả tiền, nên không lý gì mua xong quay lại kêu với chúng tôi vàng bị thiếu. Biết đâu họ tự làm vàng thiếu rồi đến bắt đền cửa hàng thì sao”, một chủ cửa hàng “lý sự”. 

Trong khi đó, nhiều chủ cửa hàng cũng phân trần, Nhà nước nên có sự kiểm tra sát sao hơn, làm mạnh tay hơn thì câu chuyện này sẽ không còn tái diễn. Mỗi một tập đoàn, công ty, cửa hàng lại có mẫu mã, cách chế tác riêng, Nhà nước lại chưa có quy định rõ về vấn đề này thì việc gian lận trong buôn bán là điều khó tránh khỏi. “Chúng tôi luôn kinh doanh nghiêm túc, nhưng cơ quan chức năng cũng phải làm sạch từ gốc tới ngọn và làm mạnh tay mới có kết quả tốt nhất. Không thì dân vẫn kêu than mà cửa hàng nhỏ vẫn chịu phạt”, một chủ cửa hàng trên đường Phố Huế, Hà Nội nói.

Doanh nghiệp chân chính cũng “méo mặt”

Theo tìm hiểu, hiện nay các loại vàng nhập khẩu vào Việt Nam không cần kiểm định chất lượng. Doanh nghiệp, cá nhân nhập vàng chỉ cần khai số lượng và nộp thuế theo quy định. Điều này tạo ra kẽ hở để những người làm ăn bất chính nhập vàng không đúng chất lượng. 

Theo bà Trương Thúy Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam, việc các cơ sở kinh doanh vàng gian lận hàm lượng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng chân chính. Bà Hà phân tích, người dân rất nhạy cảm với những thông tin đến chất lượng vàng, vì liên quan trực tiếp đến túi tiền của họ. Việc có nhiều cửa hàng kinh doanh vàng gian lận, vàng không đủ hàm lượng sẽ ảnh hưởng đến tâm lí người mua, khiến những cửa hàng kinh doanh vàng hao hụt khách, ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín.

Bà Hà cho biết: “Trong chế tác vàng không thể có con số tuyệt đối. Quy định chênh lệch ở mức quá ít như vậy cũng là một khó khăn cho chế tác, đặc biệt với vàng trang sức cần nhiều chi tiết tỉ mỉ, cầu kỳ”. Tuy nhiên theo bà Hà, có việc cố tình chế tác những mẫu vàng không đúng hàm lượng và tuổi vàng để trục lợi, móc túi người tiêu dùng.

Hiện các cơ sở kinh doanh vàng được phép tự sản xuất mẫu với hàm lượng vàng tùy thích, không có văn bản nào của Nhà nước quy định mẫu vàng trước khi được bán ra thị trường phải được kiểm định từ cơ quan chức năng. Khi người tiêu dùng phát hiện ra chênh lệch về hàm lượng, tuổi, có khiếu kiện, yêu cầu kiểm định thì lúc ấy mẫu vàng mới được kiểm tra. “Doanh nghiệp tự lấy uy tín của mình ra để sản xuất vàng. Chỉ khi nào có thanh tra với máy móc hiện đại đến kiểm định thì mới biết vàng có đúng tiêu chuẩn chất lượng hay không”, bà Hà cho biết.

Theo đại diện hội kim hoàn Việt Nam, việc mở cửa hàng kinh doanh vàng được quy định khá chặt chẽ, nhưng thực tế việc quản lý lại tương đối buông lỏng, dẫn đến việc ồ ạt mở cửa hàng kinh doanh vàng. Theo quy định, muốn mở cơ sở kinh doanh vàng buộc phải có chứng chỉ nghề kim hoàn. Thế nhưng, việc cấp phép mở cửa hàng kinh doanh vàng do cấp quận (huyện) thực hiện nên nhiều quy định chỉ ở trên giấy tờ.

“Mở cửa hàng kinh doanh vàng nhưng lại không có kiến thức, không có chứng chỉ nghề kim hoàn thì tất nhiên việc chế tác, sản xuất mẫu vàng sẽ bị ảnh hưởng. Gian lận hàm lượng vàng, tuổi vàng cũng có thể từ đó mà ra”, bà Hà cho hay.

Theo đại diện Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam, để hạn chế việc kinh doanh vàng không đủ hàm lượng tiêu chuẩn, Bộ KH&CN và các sở nên thường xuyên thanh, kiểm tra, xử phạt nặng và công bố tên các cơ sở kinh doanh vàng gian lận để người dân biết mà tránh. Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua vàng ở những doanh nghiệp uy tín.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, việc kiểm tra liên quan đến gian lận thị trường vàng do các chi cục thực hiện, Cục chỉ đạo chung nên không nắm được thông tin cụ thể. 

Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường cấp tỉnh cho biết, việc kiểm tra gian lận trong kinh doanh vàng là chức năng, nhiệm vụ của quản lý thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm tra gian lận thị trường vàng gặp nhiều khó khăn vì phải có máy móc, thiết bị hiện đại mới có thể phát hiện vàng có gian lận hay không.  

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.