Bán rẻ mạng sống vì mũ bảo hiểm thành... mũ “nguy hiểm”

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Không ít vụ tai nạn giao thông dẫn đến thương vong chỉ vì người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Điều trái ngoáy ở chỗ, những loại mũ kém chất lượng này vẫn được bày bán tràn lan từ vỉa hè đến các cửa hàng và được các “thượng đế” khá ưa chuộng, bởi tính thời trang, giá thành rẻ.

Nhẹ thì viêm chân tóc, nấm da đầu…

Trên nhiều đường phố Hà Nội, các cửa hàng “di động” bày bán mũ bảo hiểm giá rẻ mọc lên như “nấm sau mưa”. Dọc vỉa hè đường Láng, Trường Chinh, Giải Phóng, Khâm Thiên… nhan nhản các sạp này bán, với giá từ 35.000 - 70.000 đồng/mũ, tùy theo kiểu dáng và màu sắc.

Ở những đoạn đường có vỉa hè rộng thì mũ bảo hiểm được bày trên những tấm bạt trải trên vỉa hè, còn những tuyến phố có vỉa hè hẹp thì mũ được treo trên những chiếc kệ tạm bằng tre hoặc gỗ.  Phần lớn loại mũ bảo hiểm này hầu hết chỉ có một lớp nhựa và một lớp xốp mỏng ở bên trong.

Chọn một sạp hàng nằm ngay đầu phố Khâm Thiên, chúng tôi tôi tạt vào hỏi mua. Cầm cả xâu mũ trên tay, chị bán hàng hồ hởi: “Mũ của chị là rẻ nhất ở đây đấy. Cái không có lưỡi trai giá 30 nghìn, có lưỡi trai thêm 5 nghìn nữa. Mua đi em, hàng của chị cả… Hà Nội vẫn dùng đấy!”.

Chị Giang, một chủ cửa hàng mũ “di động” gần cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Bán vỉa hè nên chỉ lấy loại rẻ tiền bởi vốn đầu tư nhỏ, không may bị lực lượng chức năng thu giữ thì thiệt hại cũng ít. Hơn nữa, những người mua mũ dọc đường thế này chủ yếu là họ đi quên mũ, mất mũ… nên họ mua dùng tạm để qua mặt lực lượng chức năng”.

Thậm chí, theo chị Giang, tùy vào tình hình thời tiết, nhu cầu sở thích của người mua thì sẽ nhập các loại mũ để đáp ứng thị trường. Hầu hết, người mua hàng tại đây đều không quan tâm đến tem hay quy chuẩn chất lượng mà chỉ chọn mũ đẹp, rẻ để mua.

Ngoài ra, còn có nhiều loại mũ bảo hiểm trông y chang các loại mũ chính hãng, cũng dán tem CR (tem hợp quy - đảm bảo rằng những sản phẩm, hàng hóa đó đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan và được phép lưu thông trên thị trường - PV), nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đây đều là mũ kém chất lượng, mũ “nhái”, có giá bán khoảng từ 100 đến 150 nghìn đồng.

Điều đáng nói, dù biết là hàng kém chất lượng nhưng những loại mũ nói trên lại được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Một người bán mũ bảo hiểm trên đường Láng cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được 30 - 40 chiếc.

Đỗ xe ngay lòng đường, Trinh Anh (sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) ngó nghiêng nhiều kiểu mũ bắt mắt và cũng tự chọn cho mình chiếc mũ lưỡi trai hợp với sở thích gọn nhỏ chỉ với giá 45.000 đồng. 

“Mũ bảo hiểm bán trên vỉa hè nhiều màu sắc, kiểu dáng đẹp, giá lại rẻ, đội nhẹ và thoải mái. Thậm chí, nếu giữ gìn cẩn thận thì sử dụng mũ cũng được khá lâu. Còn một khi đi đường đã gặp tai nạn thì dù có mũ nào đi chăng nữa cũng nguy hiểm tính mạng”, Trinh Anh cho biết.

Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn sản phẩm mũ bảo hiểm “thời trang” không an toàn, em Lê Đình Nhật Anh, sinh viên Trường Đại học Thủy lợi cho biết: “Mũ bảo hiểm thời trang tuy không an toàn nhưng kiểu dáng phong phú, mẫu mã đẹp, lại rất thoải mái cho người sử dụng, nhất là trong những ngày oi nóng, sản phẩm cũng vừa túi tiền với sinh viên bọn em. Đội mũ bảo hiểm xịn thiếu mỹ quan, cứ như úp “nồi cơm điện” lên đầu”.

Theo các chuyên gia da liễu, khi mua mũ giá rẻ làm từ bông, nhựa chất lượng kém cũng đồng nghĩa với chất liệu, vật liệu làm mũ cũng cực rẻ và nguy cơ mất an toàn cao. Đội mũ sản xuất từ nhựa tái chế lên đầu ở nhiệt độ cao ngoài trời và sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng như gây ngứa da đầu, nấm, rụng tóc...

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiến hành khảo sát trên 1.000 lượt người dân (41% là nam giới và 59% là nữ giới) đến khám các bệnh liên quan đến da đầu. Gần 32% trong số này thường xuyên đội mũ trên 2 giờ/ngày, số người đội mũ bảo hiểm từ 1-2 giờ/ ngày chiếm gần 25% và số người không thường xuyên đội hoặc không đội mũ bảo hiểm chiếm hơn 11%.

Kết quả, 595 người (59,5%) có biểu hiện gàu và các bệnh ở da đầu; trong đó cảm giác ngứa, đau ở da đầu là 419 người, có biểu hiện gàu ở đầu là 367 người (37%) và các bệnh khác (u, cục, sẹo, rụng tóc…) có 134 người.

Đặc biệt, những người đội mũ bảo hiểm không hề có thói quen vệ sinh mũ bảo hiểm, thậm chí là mũ bảo hiểm có chất lượng kém làm từ bông, nhựa chất lượng kém, gây các bệnh về viêm chân tóc, nấm da đầu mà không biết.

Chấn thương sọ não vì đội mũ cho... có

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là nơi thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn giao thông, trong đó có không ít trường hợp chấn thương sọ não do người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm “rởm”, kém chất lượng. 

Mới đây, anh Nguyễn Văn H, 34 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức với vết thương rất nặng ở phần đầu, mắt và thái dương. Trên vết thương còn dính nhiều mảnh vỡ của mũ bảo hiểm.

Được biết, anh H sau khi uống rượu với một nhóm bạn ở quận Thanh Xuân đến 11h khuya, lại được một nhóm bạn khác rủ đi lên Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hát karaoke. Đi đến đường Trần Nhân Tông, trước cửa rạp xiếc, anh H tự đâm vào dải phân cách và bị ngã trọng thương. Vết thương quá nặng, chảy máu não dù anh có đội mũ bảo hiểm.

Khi vào cấp cứu, anh H đã bị giãn đồng tử mắt trái kèm theo các mảnh vỡ mũ bảo hiểm cứa dọc thái dương đến khóe mắt. Anh hôn mê cả tháng trời với vài lần cấp cứu tràn dịch màng não, tràn dịch màng phổi tưởng không qua khỏi.

TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, sau khi có quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm, đến năm 2008, số người tử vong do tai nạn giao thông đã giảm gần 1.600 người.

Như vậy có thể nói, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã góp phần làm giảm thiểu đáng kể số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Hiện nay, số người Việt Nam khi tham gia giao thông bằng xe máy có đội mũ bảo hiểm là khá cao, trên 90%.

Tuy nhiên, dựa vào các số liệu thu thập, đại diện của WHO cảnh báo, tại một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, số người đội mũ bảo hiểm không chuẩn, mũ không phải mũ bảo hiểm chiếm tỉ lệ rất lớn. Ông Nam khẳng định: “Mũ này không có tác dụng bảo vệ cho người đội khi tham gia giao thông”.

Vợ của anh H cho biết, chồng chị rất ngại đội mũ bảo hiểm vì nóng nên lúc nào anh cũng lấy cái mũ 35 nghìn đồng mua ở lề đường ra đội để “qua mắt” công an. Nào ngờ cái mũ lại vỡ gây thêm vết thương xẻ dài trên thái dương và mắt của anh.

Trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Thị Liên H (Thạch Thất, Hà Nội), lưu thông xe máy trên đoạn đường từ nhà ra chợ mua thức ăn, không may đến đoạn rẽ, một thanh niên từ đâu lao tới hất tung cả chị và xe bay hàng chục mét, dẫu chị có đội mũ nhưng là mũ không đạt chất lượng nên khi vào viện cấp cứu chị đã bị chẩn đoán chấn thương sọ não.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức khi được hỏi về số nạn nhân bị tai nạn khi tham gia giao thông bằng xe máy, cho biết đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu xảy ra tai nạn. Họ không được bảo vệ bằng vỏ thép, dây bảo hiểm, vật duy nhất có thể giữ tính mạng cho họ chỉ là chiếc mũ nhựa nhỏ nhắn ở trên đầu. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do mà không ít người vẫn chấp nhận sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn cho chính mình theo kiểu đối phó.

“Bản thân người điều khiển phương tiện cũng thừa biết chiếc mũ mà họ sử dụng có đảm bảo an toàn được hay không? Với giá chỉ 30 - 40 nghìn đồng, người ta có thể dễ dàng mua ở bất cứ vỉa hè nào một chiếc mũ mà chỉ cần… rơi nhẹ đã vỡ.

Có thể vì tiếc tiền, vì tiện dụng, có thể vì đối phó, cũng có thể vì ý thức tự bảo vệ kém, nhưng hiểm họa là thường trực và tiêu chí cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã không đạt được mục đích. Hay nói cách khác, khi chấp nhận đội những chiếc mũ rởm này, người ta đã tự thỏa hiệp với rủi ro của chính bản thân. Đó là điều đáng trách”, ông Hùng nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Uy, Phòng cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, hiện mũ bảo hiểm có thể đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện có thể tạm chia làm hai loại: Loại kín đầu và loại nửa đầu (hở cằm).

Loại hở cằm chỉ thích hợp cho giao thông trong nội đô và ở tốc độ trung bình còn để đảm bảo an toàn tối đa thì vẫn chưa thích hợp. Bằng chứng là gần đây có rất nhiều trường hợp cấp cứu, bệnh nhân đội mũ hở cằm, tuy thoát được chấn thương sọ não nhưng lại bị chấn thương hàm mặt khá nặng.

“Nếu không đội hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, không đúng cách thì khi tai nạn xảy ra, người điều khiển và người ngồi trên phương tiện sẽ rất dễ bị tử vong hoặc tàn tật suốt đời. Việc đội mũ bảo hiểm không cài quai rất đáng lo ngại, bởi nhiều trường hợp người đội đang lưu thông trên đường chỉ cần một động tác nhẹ có thể mũ sẽ rơi ra khỏi đầu.

Vì cùng lưu thông trên đường nên nhiều trường hợp không kịp tránh đã xảy ra những vụ tai nạn oan rất đáng tiếc. Vì vậy, việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhưng phải cài quai đúng quy cách mới đảm bảo an toàn, còn không cũng chỉ đánh đồng với mũ bảo hiểm “rởm”, bác sĩ Nguyễn Văn Uy khuyến cáo.

Siết chặt chất lượng mũ bảo hiểm

Theo ông Lê Đình Tùng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, hiện tại, việc phân phối mũ bảo hiểm trên thị trường được thực hiện thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ với các quy mô khác nhau, nhưng chủ yếu là nhỏ, lẻ, nhiều khi là bày bán trên vỉa hè, lòng đường, không kinh doanh cố định, bán lẫn với các loại hàng hóa khác nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Nhiều cơ sở kinh doanh không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh theo quy định, không niêm yết giá, hoặc niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký. Nhiều mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đầy đủ, không ghi nhãn phụ vẫn được bày bán khá phổ biến trong các cửa hàng, điểm bán lẻ trong toàn quốc.

Việc kinh doanh lẫn lộn mũ bảo hiểm có chất lượng đạt chuẩn với mũ bảo hiểm kém chất lượng không rõ nguồn gốc, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không phải là mũ bảo hiểm (mũ cho người cưỡi ngựa, đi xe đạp, đi bộ, chơi thể thao...) gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là tương đối phổ biến.

Cả nước hiện có khoảng trên 80 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm (giảm 20% so với năm 2013). Tuy nhiên trong tổng số các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm hiện nay, số doanh nghiệp tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp mũ bảo hiểm hoàn chỉnh không quá 10 doanh nghiệp, còn lại các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ chỉ sản xuất vỏ mũ và mua các linh kiện khác về láp ráp mũ bảo hiểm. Vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm rất khó khăn.

Nhiều cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm có trang thiết bị thô sơ, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, chưa xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng trong quá trình tạo sản phẩm từ đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng (chưa kiểm tra chất lượng nguyên liệu, vật tư, chi tiết dùng để lắp ráp mũ bảo hiểm). Vì vậy, không đảm bảo được chất lượng mũ bảo hiểm khi lắp ráp thành phẩm.

Tại một số địa phương, còn có nhiều cơ sở không hoạt động liên tục, chỉ sản xuất, lắp ráp mũ bảo hiểm khi có đơn đặt hàng, giao ngay và không để hàng hóa tồn kho. Vì vậy, khi cơ quan quản lý tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá chất lượng thường không có mẫu. Trong kho chủ yếu là các chi tiết dùng để lắp ráp mũ bảo hiểm như quai đeo, xốp lót mũ, vỏ mũ, kính chắn gió để tách rời, không có thành phẩm mũ bảo hiểm.

Để triển khai việc quản lý hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm trong thời gian tới phù hợp với Quyết định của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về các điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Theo tiến độ quy định của Chính phủ thì đến nay dự thảo Nghị định về kinh doanh Mũ bảo hiểm đang trong tiến trình xây dựng để kịp trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong năm 2016.

Siết chặt chất lượng mũ bảo hiểm, siết chặt đội mũ bảo hiểm, suy cho cùng là siết chặt ý thức. Đội mũ lên đầu là để bảo vệ mạng sống của chính mình chứ không cốt để đối phó với Cảnh sát giao thông. Chừng nào trong đầu không ý thức được điều sơ đẳng đó thì nguy cơ gặp họa vì tai nạn giao thông còn khó tránh khỏi.

Trong ba năm (2013 - 2015), Cục Quản lý thị trường đã phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các đơn vị chức năng liên quan và địa phương, đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; kiểm tra hơn 26 nghìn vụ; phát hiện, xử lý gần 3.200 trường hợp vi phạm; tịch thu, tiêu hủy gần 200 nghìn sản phẩm; tổng số tiền phạt hành chính hơn ba tỷ đồng.
Riêng sáu tháng vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, thu giữ hơn 7.000 chiếc mũ bảo hiểm các loại vi phạm, chủ yếu về nội dung không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, hàng hóa nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.

Đọc thêm

EVN cảnh báo tình trạng giả mạo trang web

Trang web giả mạo EVN.
(PLVN) - Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, gần đây trên mạng internet tiếp tục xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu EVN có địa chỉ tietkiemdienxanh.com.