5 năm, chỉ khởi tố được 1 vụ án về an toàn thực phẩm

5 năm, chỉ khởi tố được 1 vụ án về an toàn thực phẩm
(PLO) - Đây là con số được đưa ra tại phiên họp toàn thể của Đoàn giám sát của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 diễn ra trong tuần qua.

Theo Báo cáo của Chính phủ và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát tại phiên họp, tại nhiều địa phương, dù tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý vẫn ở mức thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.

5 năm qua, cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3 triệu 350.000 cơ sở, phát hiện hơn 670.000 cơ sở vi phạm nhưng chỉ có hơn 136.000 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm khoảng 20% và cũng chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định ATTP. 

Trước thực trạng trên, một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị phải quy rõ trách nhiệm của chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã, phường trong vấn đề ATTP. Theo gợi ý của Đoàn giám sát, việc quản lý ATTP nên được xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội, chuyển chủ thể quản lý từ Nhà nước sang chính từng hộ sản xuất, kinh doanh.

Đồng tình với ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát về tình trạng vẫn còn sự buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao; nhiều vụ vi phạm lớn được phát hiện, nhưng mức xử lý, xử phạt còn thấp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các bộ, ngành cần dựa trên ba nhóm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế hiện nay (thể chế, ý thức trách nhiệm và nguồn lực thực hiện) để xác định giải pháp khắc phục cụ thể, có tính khả thi cao. 

Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, các quy định pháp luật hiện hành đã đủ cơ sở để có thể làm tốt hơn công tác quản lý ATTP, kể cả trong việc quy trách nhiệm và xử lý sai phạm. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát quy định của Luật ATTP trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực tế.

Nguyên nhân của những tồn tại trong quản lý ATTP vừa qua không phải là do những hạn chế của hệ thống pháp luật mà do khâu tổ chức thực hiện, bởi vậy  tới đây, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi cách tiếp cận về quản lý ATTP.

“Chúng ta phải có hệ thống đánh giá được rủi ro, trong đó lưu ý là ngoài các phòng thí nghiệm thì còn phải có các phương tiện lưu động càng nhiều càng tốt để xét nghiệm nhanh” - Phó Thủ tướng nói.

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.