Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 4): Tín ngưỡng Việt Nam có phải là Đạo giáo?

Tượng đá An Kỳ Sinh - đạo sĩ tu luyện Đạo Tiên trên đỉnh non thiêng Yên Tử.
Tượng đá An Kỳ Sinh - đạo sĩ tu luyện Đạo Tiên trên đỉnh non thiêng Yên Tử.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các nghiên cứu, nhánh Đạo giáo phù thủy rất tương đồng với tín ngưỡng ma thuật nên không thể phân biệt nổi đâu là Đạo giáo, đâu là tín ngưỡng. Vậy tín ngưỡng Việt Nam có phải là Đạo giáo?

Sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng đền thờ một vị thần của Đạo giáo là Huyền Thiên Trấn Vũ. Vị thần này đã được thờ tại Hoa Lư tứ trấn với tên gọi thần Thiên Tôn.

Khởi nguồn từ Lão Tử, giống như các tôn giáo khác khi du nhập vào Việt Nam, Đạo giáo bị hòa trộn với tín ngưỡng truyền thống. Trong đó, nhánh Đạo giáo phù thủy rất tương đồng với tín ngưỡng ma thuật nên không thể phân biệt nổi đâu là Đạo giáo, đâu là tín ngưỡng. Vậy tín ngưỡng Việt Nam có phải là Đạo giáo?

Hai tứ trấn thờ một vị thần

Sử cũ chép rằng, năm 968 sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, niên hiệu Thái Bình. Thành Hoa Lư tọa lạc trên ngã ba, Đông có đường Thiên lý Bắc Nam, Tây có đường Thượng đạo vào Thanh Hóa, Bắc là dòng Hoàng Long chảy vào sông Đáy. Thành có hai vòng: thành Đông (thành ngoài) và thành Tây (thành trong), thông với nhau qua một ngách núi, gọi là Quèn Vòng. Cả hai thành đều có sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành.

Khu thành Tây là nơi ở của gia đình vua cùng một số người hoàng tộc và quan lại cao cấp của triều đình. Thành Đông có vai trò quan trọng hơn. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê nằm ở trung tâm. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An (còn được gọi là thành Nam) là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô.

Suốt 42 năm tồn tại (968-1010), kinh đô Hoa Lư chủ yếu là đại bản doanh của hai vị vua kiêm Tổng tư lệnh quân đội: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đó cũng là nơi ra đời của vương triều nhà Lý.

Nếu như Thăng Long tứ trấn là 4 ngôi đền thì trong tín ngưỡng dân gian, Hoa Lư tứ trấn là bốn vị thần trấn trạch 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh đô Hoa Lư. Bốn vị thần đó gồm: thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn, thần Quý Minh và thần Không Lộ. Các tài liệu cho thấy, đền thờ thần Thiên Tôn trước động Thiên Tôn được xây dựng trước nhà Đinh. Đền thờ thần Cao Sơn trong động Hoa Lư là nơi thuở bé Đinh Tiên Hoàng đế được mẹ đưa vào đó ở.

Khi lên ngôi, Vua cho xây dựng ở kinh đô Hoa lư nhiều chùa tháp và đền thờ để thờ các vị thần, thánh. Theo đó, đền thờ thần Quý Minh được xây dựng ở cửa ngõ phía Nam, đền thờ thần Cao Sơn ở cửa ngõ phía Tây, đền thờ thần Thiên Tôn ở cửa ngõ phía Đông đường vào cố đô Hoa Lư và đền thờ thần Không Lộ hay thần Khổng Lồ (đức thánh Nguyễn Minh Không) ở cửa ngõ phía Bắc.

Theo truyền thuyết, thần Thiên Tôn diệt trừ yêu ma, tà đạo từ Gián Khẩu tới núi Cánh Diều. Thần Quý Minh trấn trạch vùng núi Tràng An, giúp dân dựng nhà, đào hồ. Thần núi Cao Sơn tìm ra cây báng chứa bột gạo giúp dân khi thiếu đói. Thần Khổng Lồ tạo ra sông núi, sau này hóa kiếp đầu thai thành Nguyễn Minh Không tài năng, đức độ, gây dựng vườn thuốc sống Sinh Dược tại chùa Bái Đính chữa bệnh, cứu người.

Lão Tử (bên trái) tranh luận với Khổng Tử.

Lão Tử (bên trái) tranh luận với Khổng Tử.

Không chỉ trấn trạch tại Hoa Lư tứ trấn, 4 vị thần này còn được người dân các huyện, thành phố quanh cố đô Hoa Lư như Nho Quan, Tam Điệp, Gia Viễn, Hoa Lư và TP.Ninh Bình lập đền thờ theo 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thống kê được có 7 nơi thờ thần Thiên Tôn, 15 nơi thờ các vị thần Quý Minh, 14 nơi thờ thần Cao Sơn và 23 nơi thờ Đức Thánh Nguyễn. Từ đó, tạo ra không gian văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của cố đô Hoa Lư.

Hoa Lư có phải là vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần như người dân nơi đây xác định? Thực tế thì Hoa Lư là quê gốc của Đinh Tiên Hoàng (Vua sinh năm 924 tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) cũng là nơi phát tích của 3 triều đại Đinh, Lê, Lý với 6 đời vua.

Nơi đây cũng là quê hương của Thánh Nguyễn hay Quốc sư Nguyễn Minh Không tên tự là Nguyễn Chí Thành quê ở Đàm Xá, phủ Trường Yên (nay là xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn). Còn thần Thiên Tôn, theo các thần phả của địa phương, thần có quê gốc ở thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư.

Có nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc thần Thiên Tôn, có truyền thuyết kể rằng thần chính là Lão Tử, vị giáo chủ của Đạo giáo, được tôn làm Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Có thuyết khác nữa nói thần là thể phách thứ 28 của Thái Thượng Lão Quân đầu thai. Nhưng có truyền thuyết xác định thần Thiên Tôn chính là Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần có nguồn gốc từ phương Bắc.

Thần Trấn Vũ (tên tiếng Hán là Chân Vũ, húy danh Chấp Minh) tượng trưng cho sao Bắc Cực, là một vị thần lớn của Đạo giáo, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần. Theo hầu Chân Vũ là hai tướng Quy, Xà, tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh và Ngũ long thần tướng.

Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư (tức Cao Biền) cho xây đền ở cửa động Thiên Tôn, tạc tượng thần tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương... Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở khu vực động Thiên Tôn hai loại gạch: gạch Giang Tây quân và Đại Việt quốc quân thành chuyên.

Tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ tại Đền Quán Thánh, Hà Nội.

Tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ tại Đền Quán Thánh, Hà Nội.

Giang Tây quân là gạch của Tĩnh Hải quân nhà Đường. Điều này khẳng định truyền thuyết về Cao Biền xây di tích này thờ thần Thiên Tôn. Như vậy, Hoa Lư chỉ là nơi sinh Vua, sinh Thánh. Tuy nhiên, Thần Thiên Tôn, thần Quý Minh và thần Cao Sơn là những vị thần có nguồn gốc phát tích ở vùng văn hóa Hoa Lư.

Khi dời đô ra thành Đại La (Thăng Long), để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến cố đô Hoa Lư, Vua Lý Thái Tổ đã lấy tên một số cầu, chùa ở kinh đô Hoa Lư đặt cho nhiều khu vực ở Thăng Long và vẫn tồn tại đến tận ngày nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, chùa Một Cột, cầu Đông, tường Đông, cửa Đông và phủ Chợ...

Vua Lý Thái Tổ cũng cho xây dựng Thăng Long tứ trấn gồm: Đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ và thần Bạch Mã; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Vì vậy, Hoa Lư tứ trấn cũng có những nét tương đồng với Thăng Long tứ trấn. Điều đặc biệt nhất là hai tứ trấn này đều thờ một vị thần của Đạo giáo là Thiên Tôn-Huyền Thiên Trấn Vũ. Vậy Đạo giáo ảnh hưởng thế nào đến tín ngưỡng thờ thần thánh Việt Nam?

Lão Tử và nguồn gốc Đạo giáo

Đạo giáo (còn có các tên gọi khác là Lão giáo, Đạo Lão, Đạo Hoàng Lão, hay Đạo gia, Tiên Giáo, Đạo Tiên) được hình thành trong phong trào nông dân khởi nghĩa vùng Nam Trung Hoa vào thế kỉ II sau Công nguyên, cơ sở lí luận của nó là Đạo gia - triết thuyết do Lão Tử đề xướng và Trang tử hoàn thiện (học thuyết Lão - Trang).

“Sử ký Tư Mã Thiên” phần Liệt truyện viết về tiểu sử Lão Tử như sau: “Lão Tử người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Khổ, nước Sở, họ Lý tên tự là Bá Dương, tên thụy là Đam. Ông làm quan sử giữ nhà chứa sách của nhà Chu...”. Lão Tử sống vào khoảng thế kỉ Vl-V trước CN, gần như đồng thời với Khổng Tử (ông lớn tuổi hơn Khổng Tử).

Còn theo truyền thuyết của Đạo giáo, khi sinh ra tóc Lão Tử đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 70 năm rồi mới ra đời, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành “đứa trẻ già” hay “bậc thầy già cả”. Cuối đời, ông đi về phía Tây trên lưng một con trâu xanh qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn.

Tư tưởng của Lão Tử được trình bày trong cuốn “Đạo đức kinh”. Sách gồm 81 chương chia làm hai thiên thượng và hạ bàn về Đạo kinh (37 chương) và Đức kinh (44 chương). Đạo của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.

Cả Lão Tử và Trang Tử đều khẳng định nguồn gốc của vạn vật là Đạo. Tất cả từ Đạo mà ra và cuối cùng lại trở về với Đạo. Theo đó, “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” (Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật). Một đó là Thái cực. Hai đó là Âm Dương. Ba đó là Tam Thiên vị (Ba ngôi: Thái cực, Dương và Âm).

Đức là biểu hiện cụ thể của đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái tĩnh vô hình thì Đức là cái động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ.

Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về Đạo thấm nhuần sâu sắc tinh thần biện chứng âm dương (Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật...) của triết lí nông nghiệp. Được chi phối bởi luật quân bình âm dương, vạn vật tồn tại theo lẽ tự nhiên một cách rất hợp lí, công bằng và do vậy mà mầu nhiệm. Chính Trang Tử là người mở đường cho tôn giáo và nghiêng về hướng duy tâm thần bí.

Trương Lăng - người sáng lập ra Đạo giáo.

Trương Lăng - người sáng lập ra Đạo giáo.

Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Đạo giáo xuất hiện vào cuối đời Đông Hán với hai tổ chức tôn giáo đầu tiên là Ngũ đấu mễ đạo ra đời vào năm 141 và Thái Bình đạo ra đời vào năm 184. Ngũ đấu mễ đạo (người gia nhập đạo phải nộp 5 đấu gạo) - một thứ Đạo giáo phù thủy do Trương Lăng (Trương Đạo Lăng) nguyên huyện lệnh Tứ Xuyên sáng lập năm 141 tại Tứ Xuyên.

Trương Đạo Lăng tu luyện thần tiên đan ở núi Vân Cẩm, tỉnh Giang Tây. 3 năm sau khi Đạo Lăng luyện thành đan, núi này được đổi tên thành Long Hổ sơn. Long Hổ sơn sau này trở thành tổ đình phái Long Hổ do con cháu Trương Lăng nối tiếp nhau làm thiên sư (gọi là Tam Trương Đạo giáo), trở thành một phái chính trong lịch sử Đạo giáo. Tam Trương Đạo giáo dùng bùa chú và phương thuật, nước phép và cỏ dại chữa bệnh để thu hút mọi người vào đạo.

Năm 184, Trương Giác sáng lập ra Thái Bình đạo. Ông phát động khởi nghĩa Hoàng Cân, sách sử gọi là giặc Khăn vàng chống lại chế độ cai trị đương thời. Cả hai phái cùng tôn Lão Tử làm Thái Thượng Lão quân, coi Lão Tử là đấng chí tôn của Đạo giáo. Sau khi hai tổ chức này bị đàn áp, Đạo giáo mới bắt đầu bị phân hóa.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, Đạo giáo phân chia thành hai dòng: Đạo giáo phù thủy và Đạo giáo thần tiên. Đạo giáo phù thủy là dùng pháp thuật để trừ tà, trị bệnh, giúp dân thường khỏe manh. Đạo giáo thần tiên dạy tu luyện, luyện đan, dành cho quý tộc cầu trường sinh bất tử, hướng tới tu luyện thành thần tiên.

Thuộc về những tư tưởng này là vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, bát quái, tứ tượng, thuyết về năng lượng, chân khí, thuyết âm dương và Kinh Dịch.Đạo giáo suy vi vào thời Chu Nguyên Chương. Tuy nhiên, trong khi đạo giáo chính thống suy vi thì đạo giáo dân gian vẫn có sự ảnh hưởng dai dẳng. Trung Quốc hiện có hơn 1.500 ngôi Đạo quán, hơn 25.000 đạo sĩ nam, nữ, với khoảng 360 triệu tín đồ.

Tín ngưỡng Việt Nam có phải là Đạo giáo?

Nhà nghiên cứu Vương Khả cho rằng: “Đạo giáo được truyền đến Việt Nam từ cuối đời nhà Hán”. Những hoạt động của Thứ sử Trương Tân - một tín đồ Đạo giáo được chép tại “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: Sau vua Hán sai Trương Tân là thứ sử (Tân nhậm chức năm Kiến An thứ sáu 211 thời Hán). Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ, gảy đàn đốt hương, đọc sách Đạo giáo nói rằng có thể giúp việc giáo hóa.

Tuy nhiên, khi Sỹ Nhiếp cai trị ở Giao Châu vào thế kỷ II sau công nguyên thì đã có nhiều đạo sĩ đến đây tu luyện, truyền đạo và bản thân ông cũng là một đạo tiên. Dấu ấn của Đạo giáo được kể theo huyền sử trong “Liệt Tiên truyện” như sau, Sĩ Nhiếp ốm, đã chết đi 3 ngày, nhưng được Đồng Phụng cho một viên thuốc hòa vào nước ngậm, rồi đỡ lấy đầu mà lay động, lại mở mắt động tay, sắc mặt bình phục dần dần, ngày hôm sau ngồi dậy được, 4 ngày lại nói được, rồi trở lại bình thường

Theo TS.Nguyễn Thế Hùng (nguyên Cục trưởng cục Di sản Văn hóa), còn nhiều câu chuyện truyền lại cho thấy có thể Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ sớm hơn như truyền thuyết Hùng Vương giỏi ma thuật, về Chử Đồng Tử gặp tiên, có tài chữa bệnh, về Thục An Dương vương và thần Kim Quy có nhiều phép thuật tài giỏi đã chứng tỏ tín ngưỡng bản địa với việc tôn sùng các năng lượng siêu nhiên là mảnh đất màu mỡ để Đạo giáo xâm nhập.

Sách “Liệt Tiên truyện” kể rằng ở Yên Tử có đạo sĩ An Kỳ Sinh là vị tiên nhân từ thời Tần Thủy Hoàng (thế kỷ III TCN) đến đây để tìm cây thạch xương bồ rồi ở lại để tu luyện Đạo Tiên (Đạo giáo). Ngài hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện đan sa, thần sa thành thuốc trường sinh và ban pháp dược chữa bệnh cứu người.

Thời Bắc thuộc, Đạo giáo chỉ phổ biến trong dân gian. Đến thời phong kiến độc lập, các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần đều coi trọng các đạo sĩ không kém các tăng sư, bên cạnh Tăng quan còn có cả Đạo quan. Khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, đã cho mời một tăng, một đạo làm cố vấn cho triều đình. Chế độ một tăng, một đạo cố vấn cho triều đình duy trì đến thời Lý.

Dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều có chọn các đạo sĩ làm cố vấn bên cạnh các nhà sư: nên có chức đạo quan và tăng quan. Tương truyền vua Đinh Tiên Hoàng từng lấy lễ thầy trò để tiếp đãi pháp sư Văn Du Tường, nhờ ông chém chết yêu quái vốn là Mộc tinh ở cây chiên đàn lâu năm.

Sách “An Nam chí nguyên” đời Minh chép, ở huyện Giao Chỉ có 29 chùa, 6 quán. Huyện Chu Diên có 29 chùa, 9 quán. Ở huyện Tống Bình có 5 chùa, 4 quán. Theo sách Giao Châu bát huyện ký thì An Nam đô hộ phủ (đời Đường) có 88 chùa, miếu Phật giáo và 21 am của Đạo giáo.

Đời nhà Lý các đạo sĩ Trần Tuệ Long và Trịnh Trí Không giữ địa vị quan trọng trong triều. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng trong thời Lý có Lý Giác ở Diễn Châu học được phép thuật biến cây cỏ thành người, khởi binh làm loạn chống lại triều đình.

Khi du nhập vào Việt Nam, Đạo giáo bị hòa trộn với tín ngưỡng truyền thống. Nhánh Đạo giáo phù thủy rất tương đồng với tín ngưỡng ma thuật nên sự hòa trộn rất khó phân biệt đâu là Đạo giáo, đâu là tín ngưỡng. Rất nhiều nhà nghiên cứu quy hết cho mọi tín ngưỡng Việt Nam là Đạo giáo. Còn người dân thích lên đồng, mê phong thủy, chăm tập dưỡng sinh... lại không biết Đạo giáo là gì? Ngoài ảnh hưởng đến các nhà Nho, Đạo giáo còn hòa trộn với các tôn giáo khác như Phật giáo. Chử Đồng Tử là người vừa tu đắc đạo thành Phật, vừa được coi là tổ sư của Đạo giáo Việt Nam.

Ngày nay, Đạo giáo Việt Nam với tư cách là một tôn giáo không còn tồn tại nữa, tuy nhiên những ảnh hưởng của nó đến tư duy và đời sống xã hội của người Việt thì vẫn còn. Thuật phong thủy, các phương pháp dưỡng sinh, các môn võ thuật, các hình thức bói toán, cúng bái, trừ tà của Đạo giáo vẫn phổ biến tại Việt Nam. Tại Hà Nội vẫn còn một số đạo quán của Đạo giáo như Thăng Long tứ quán bao gồm Trấn Vũ quán, nay gọi là đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh; Huyền Thiên quán, nay là chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai; Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành; Đế Thích quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên.

Do sự tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam có sự vay mượn, cải biên các tôn giáo cho phù hợp với tâm thức người Việt. Tuy nhiên, các tín ngưỡng truyền thống không sao chép nguyên bản, mà là sự sáng tạo không ngừng của người Việt, tạo nên bản sắc riêng. Do đó, tín ngưỡng thờ thần thánh Việt Nam không phải là Đạo giáo.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi
(PLVN) - Quê tôi gọi bát cơm quả trứng cúng người vừa mất là: “cơm đặt đầu” nghĩa là bát cơm đặt phía trên đầu giường người vừa mất. Bát cơm đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nên người Việt đã gìn giữ, duy trì qua nhiều ngàn năm không mất.