Trả lời chất vấn của ĐB về hàng loạt vấn đề bức xúc trong công tác quy hoạch hiện nay, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận chất lượng quy hoạch đô thị chưa đảm bảo, chưa đạt yêu cầu, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt.
“Tầm nhìn quy hoạch có cái chưa đảm bảo, có cái ngắn quá, cái dài quá. Tức là khi tính toán, dự báo số liệu đưa ra mục tiêu nội dung, quy trình chưa phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của đất nước, dẫn đến tính khả thi chưa được tốt. Sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt cũng ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch”, Bộ trưởng Hà thừa nhận.
Về tổ chức quản lý và thực hiện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận việc tổ chức, quản lý quy hoạch còn chậm và không đồng bộ, chắp vá. Cái đáng lẽ làm trước lại làm sau, đáng làm toàn phần lại làm một phần. Nguyên nhân do cơ quan quản lý nhà nước làm không đúng chức trách. Bên cạnh đó, việc giám sát của cộng đồng cũng hạn chế. Thanh tra, kiểm tra có thực hiện, nhưng có lúc không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ chưa cương quyết, kịp thời, tạo tiền lệ nhất định cho vi phạm lần sau. “Đây là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ như ùn tắc, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm với mục đích sử dụng khác nhau, vi phạm cấp phép, sai phép...”, ông Hà nói.
Liên quan đến câu hỏi là có trục lợi trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Về tập thể, tôi cho là không có, nhưng một số trường hợp cá nhân thì có”. Về quy hoạch không phép, sai phép, ông Phạm Hồng Hà thừa nhận đây là thực tiễn có thật, hiện nay đã có chỉ đạo tăng cường quản lý. “Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng có hạn chế của mình trong công tác xây dựng thể chế, trong đó đặc biệt là một số vấn đề về phương pháp luận, tính toán, quy chuẩn, mô hình, chỉ tiêu… có những điểm hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước. Một số thủ tục, trình tự có những cái còn phức tạp, có những cái nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi. Có những lúc Bộ Xây dựng chưa thường xuyên, chặt chẽ trong việc phối hợp với các địa phương trong công tác thanh kiểm tra”- ông Hà thừa nhận trách nhiệm.
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ về việc Bộ trưởng có cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay không, Bộ trưởng Hà cho rằng đây là câu hỏi rất khó và khẳng định: hiện nay tốc độ xây dựng, sai phép, không phép đã giảm dần nhưng cũng còn khá nhiều, bình quân năm 2016 khoảng 13%, thống kê lên cỡ hơn 15.000 trường hợp vi phạm.
“Nguyên nhân của vấn đề này đó là, giấy phép được cấp không đúng quy hoạch chi tiết được duyệt; cấp đúng rồi nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm và cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra chỉ đến khi báo chí, dư luận có ý kiến thì mới thanh tra, kiểm tra. Thanh tra rồi nhưng xử lý không dứt điểm”, ông Hà nói và cho biết: “Chúng tôi nhận trách nhiệm của mình về việc này, nhưng cam kết có chấm dứt tình trạng xây dựng không phép hay sai phép hay không, cá nhân tôi, dù hết sức trách nhiệm cũng không dám cam kết trong một thời gian ngắn tới có thể giảm được tình trạng này”.
Theo ông, để chấm dứt tình trạng này cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương, tăng cường chế tài. “Vừa rồi Chính phủ có giao Bộ Xây dựng kiểm tra một số dự án có quy mô sử dụng đất lớn, hiện Bộ đang tập hợp đánh giá và sớm có báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới cùng với địa phương trực tiếp thanh tra các doanh nghiệp có sai phạm lớn”, ông Hà nói thêm.
Giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đô thị còn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu, và hiệu quả phát triển đô thị còn thấp. Hệ thống hạ tầng của nhiều đô thị chưa đầy đủ và còn thiếu đồng bộ. Kiến trúc, cảnh quan đô thị ở nhiều đô thị, nhiều khu vực trong đô thị còn thiếu nét đặc trưng riêng và thiếu bản sắc. Việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, cả trong đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ và xây dựng công trình. Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực đô thị ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tình trạng quá tải hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... ngày càng gia tăng; tình trạng ngập úng tại đô thị lớn, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội rất bức xúc. Tình trạng cháy nổ diễn biến nghiêm trọng.