Cảnh báo: Chỉ thế chấp “sổ đỏ”, nhưng bị lừa ký hợp đồng bán đất

(PLO) -Theo nhiều hộ dân ở Đắk Lắk, họ chỉ thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay vài chục triệu đồng về đầu tư cho cây trồng, đến khi thu hoạch xong sẽ trả lại tiền và lấy sổ đỏ về. Thế nhưng, do họ ít chữ, thiếu hiểu biết, lại nhẹ dạ cả tin nên bị bà Ngọc lừa gạt. 
Ông Y Hiu (bên trái) cho rằng mình bị bà Ngọc lừa chiếm sổ đỏ.
Ông Y Hiu (bên trái) cho rằng mình bị bà Ngọc lừa chiếm sổ đỏ.

Các hộ dân đều tố bị bà Ngọc lừa ký vào “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” chứ không phải “Giấy ủy quyền” như thỏa thuận. Sau đó, bà Ngọc đã tự đi sang tên sổ đỏ, thế chấp ngân hàng để vay tiền. Khi các hộ dân trả hết nợ, đòi lại sổ đỏ thì người này bảo đã làm mất và dây dưa mãi không chịu trả.

Lừa ký giấy ủy quyền thành hợp đồng bán đất?

Theo trình bày của ông Y Hiu Kbuôr (SN 1969, ngụ Buôn Dốc, xã Ea Hđing, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk), vào đầu năm 2011, gia đình ông cần tiền để đầu tư chăm sóc cà phê. Khi nghe một người quen giới thiệu, ông đã tìm đến bà Huỳnh Thị Kim Ngọc (SN 1981, ngụ phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) bày tỏ việc muốn vay vốn. 

Ông Y Hiu cho rằng lần đầu tiên gặp mặt, bà Ngọc giới thiệu là người đại diện của công ty tài chính, có trụ sở bên tỉnh Đắk Nông. Bà này yêu cầu ông Y Hiu đem sổ đỏ lên cho mình xem để trình lên công ty, khi nào công ty duyệt sẽ giải ngân cho ông vay vốn. 

Tin lời, ông Y Hiu về đem sổ đỏ nhà mình giao cho bà Ngọc. Bà Ngọc giữ sổ đỏ lại rồi dặn ông Y Hiu về nhà, vài bữa sẽ có tiền. Mấy ngày sau, bà này gọi điện nói ông phải làm thủ tục ủy quyền cho mình thì công ty mới cho vay. Đến ngày 18/3/2011, vợ chồng ông Y Hiu cùng bà Ngọc ra văn phòng công chứng Đại An (TP.Buôn Ma Thuột) làm thủ tục ủy quyền theo thỏa thuận của hai bên.

Ông Y Hiu kể: “Đúng hẹn, vợ chồng tôi mang theo CMND và sổ hộ khẩu đến văn phòng công chứng Đại An để làm thủ tục. Tại đây, công chứng viên đưa văn bản đã soạn sẵn từ trước, kêu chúng tôi đọc đi rồi điểm chỉ hoặc ký vào. Do ít chữ, lại tin lời bà Ngọc, vợ chồng tôi tưởng là văn bản ủy quyền nên ký vào”. 

Cũng theo ông Y Hiu, vài ngày sau khi làm thủ tục “ủy quyền”, ông được bà Ngọc cho vay 50 triệu theo nguyện vọng. Hai bên thỏa thuận mức lãi suất 21 ngàn/triệu/tháng. Đến ngày 2/3/2012, ông Y Hiu ra gặp bà Ngọc trả đủ cả nợ gốc và lãi suất, đồng thời đề nghị được lấy lại sổ đỏ. Nhưng người phụ nữ này nói đã làm mất, hứa sẽ làm lại trong thời gian sớm nhất. 

Sau đó, ông Y Hiu cùng vợ năm lần bảy lượt lên thành phố gặp bà Ngọc đòi lại sổ đỏ nhưng không được. “Lúc đầu thì bà ấy hứa sẽ trả, còn đưa giấy đăng ký kết hôn của bà ấy cho vợ chồng tôi để làm tin. Nhưng sau bà ấy cứ lần lựa mãi, chẳng thực hiện lời hứa.

Có nhiều hôm, vợ chồng tôi bỏ việc, lên phố từ sáng sớm, chờ bà Ngọc tới khuya mà không gặp được. Về sau, bà ấy lánh mặt, tắt điện thoại và chuyển luôn chỗ ở”, ông Y Hiu kể.  

Hành trình đòi sổ đỏ của vợ chồng ông Y Hiu kéo dài tới năm 2015 thì sự thật mới vỡ lở. Năm đó, cán bộ ngân hàng xuống đo đạc, kiểm kê tài sản trên diện tích 1,7ha của vợ chồng ông. Không hiểu đầu đuôi ra sao, ông Y Hiu hỏi thì cán bộ ngân hàng cho biết bà Ngọc đã sang tên sổ đỏ của ông và vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột) 1,2 tỷ đồng. 

Khi tìm hiểu thêm, ông Y Hiu biết mình bị lừa từ lâu. Trên thực tế, khi ra văn phòng công chứng, ông đã bị lừa ký vào “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” chứ không phải “Giấy ủy quyền” như lời bà Ngọc. Theo nội dung hợp đồng, ông Y Hiu đồng ý chuyển nhượng 1,7ha đất cho bà Ngọc với giá 150 triệu. 

Người nông dân bức xúc: “Đất của chúng tôi có cà phê, ai dại gì đi bán với giá bèo bọt như vậy. Lúc chúng tôi vay tiền là đầu mùa, cần vốn để mua phân bón, thuốc về chăm sóc cà phê, chờ cuối vụ thu hoạch sẽ trả lại. Không ngờ vì tin người mà bị bà Ngọc lừa một cách đau đớn. Giờ chúng tôi rất lo, sổ đỏ của mình đã sang tên bà Ngọc. Nếu như có chuyện gì, không biết vợ chồng, con cái lấy gì để sống”. 

Nhiều hộ nông dân điêu đứng

Cũng như trường hợp ông Y Hiu, một nông dân khác là ông Y Sir Kđoh (SN 1956, ngụ buôn Drai Si, xã Ea Tar, cùng huyện) kể, năm 2011, biết ông có ý định vay ngân hàng để đầu tư vào cây trồng, có người “môi giới” cho ông gặp bà Ngọc. Khi hai bên gặp nhau, bà Ngọc tự giới thiệu mình là nhân viên của công ty tài chính. Nếu ông Y Sir muốn vay thì phải đưa sổ đỏ cho bà xem và trình lên lãnh đạo. 

Ông Y Sir cũng đem sổ đỏ của 3,7ha đất nhà mình đưa cho bà Ngọc và bày tỏ nguyện vọng muốn vay 18 triệu đồng và hai tấn phân NPK. Cũng với thủ đoạn như khi lừa gạt ông Y Hiu, bà Ngọc đã có trong tay “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của ông Y Sir. Nội dung hợp đồng này thể hiện, ông Y Sir đồng ý chuyển nhượng cho bà Ngọc tổng cộng gần 3ha đất với giá 200 triệu đồng. 

Ông Y Sir buồn rầu cho biết: “Vợ chồng tôi già rồi, có biết được mấy chữ đâu. Khi nghe nói có người cho vay tiền, chỉ cần thế chấp sổ đỏ thì mừng lắm, muốn gặp để vay cho nhanh, về chăm sóc cà phê. Ai ngờ mình quá thật thà, ít hiểu biết, bị bà ấy lừa mất rồi”. 

Cũng theo ông Y Sir, ngày 13/3/2012, ông ra trả cả gốc lẫn lãi cho bà Ngọc, tổng cộng hết 52 triệu đồng và yêu cầu bà này trả lại sổ đỏ cho mình. Tuy nhiên, người phụ nữ cũng nói đã làm mất, hẹn ông Y Sir vài bữa lên lấy nhưng đến nay vẫn chưa đòi lại được. 

Ông Y Sir bức xúc: “Tôi cần tiền, đi thế chấp với bà Ngọc để vay vốn, không phải bán đất. Giờ bà ấy lừa tự sang tên sổ đỏ khiến cả nhà ai cũng lo. Cả nhà tôi chỉ biết làm nông, nếu mai này mất đất lấy gì mà sống? Nhiều lần tôi ra xã báo mất sổ đỏ, xin cấp lại sổ mới nhưng không được chấp nhận vì sổ của nhà tôi đã sang tên bà Ngọc và đang thế chấp tại ngân hàng”. 

Ngoài hai nông dân trên, chị HSớt Kbuar (SN 1986, ngụ buôn Tang, xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar) cũng phản ánh về việc gia đình chị bị bà Ngọc lừa gạt, sang tên và chiếm luôn sổ đỏ. Chị HSớt này kể gia đình mình đã thế chấp sổ đỏ, vay của bà Ngọc 40 triệu đồng, sau đó đã trả đủ nhưng đến nay vẫn chưa đòi lại được sổ đỏ.

“Chúng tôi nghèo khổ, cứ đến mùa cà phê mới có tiền, đầu mùa thiếu thốn nên phải đi vay vốn để đầu tư. Thời điểm 2011, việc vay ngân hàng còn khó khăn, nhiều thủ tục nên chúng tôi nhờ bà Ngọc để vay cho nhanh. Không ngờ bị bà ấy lừa. Nhiều hộ dân như chúng tôi đều sống trên đống lửa. Chúng tôi cũng chỉ mong nhận lại sổ đỏ chứ cũng chẳng muốn kiện cáo bà ấy làm gì cho mệt”, chị HSớt chia sẻ. 

Sau nhiều lần đòi sổ đỏ không được, các hộ dân trên đã viết đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng, nhờ can thiệp nhưng không được giải quyết. Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, đây là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nên hướng dẫn người dân gửi đơn đến TAND TP.Buôn Ma Thuột. 

Qua số điện thoại người dân cung cấp, PL&TĐ đã gọi điện cho bà Ngọc nhưng người này không bắt máy, nhắn tin hẹn làm việc cũng không thấy trả lời. 

“Chúng tôi nghèo khổ, cứ đến mùa cà phê mới có tiền, đầu mùa thiếu thốn nên phải đi vay vốn để đầu tư. Thời điểm 2011, việc vay ngân hàng còn khó khăn, nhiều thủ tục nên chúng tôi nhờ bà Ngọc để vay cho nhanh. Không ngờ bị bà ấy lừa. Nhiều hộ dân như chúng tôi đều sống trên đống lửa”, chị HSớt chia sẻ. 
Thêm một Khu đô thị mới được khởi công tại Ninh Thuận

Thêm một Khu đô thị mới được khởi công tại Ninh Thuận

(PLVN) -  Sáng 16/4/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng MK chính thức khởi công xây dựng dự án Khu đô thị mới Phủ Hà, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nhân sự kiện kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2024) và hưởng ứng sự kiện Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.
Chính thức khai trương khách sạn The HUB by Hotel Academy Việt Nam tại TP HCM

Chính thức khai trương khách sạn The HUB by Hotel Academy Việt Nam tại TP HCM

(PLVN) - Ngày 06/04/2024, tại TP HCM, CityLand Group đã chính thức khai trương khách sạn The HUB by Hotel Academy Việt Nam tại 66A, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Cùng với The HUB tại Phú Quốc, đây là khách sạn thứ 02 trong hệ thống The HUB của Hotel Academy Việt Nam do CityLand phát triển và vận hành.
Phong cách sống Outdoor Living: Đem thiên nhiên vào ngôi nhà

Phong cách sống Outdoor Living: Đem thiên nhiên vào ngôi nhà

(PLVN) - Giữa một thế giới hiện đại ồn ào và hối hả, con người lại càng khát khao được trở về thiên nhiên để tìm thấy sự bình yên và thư thái trong tâm hồn. Chính điều đó khiến lối sống gần gũi thiên nhiên - Outdoor Living ra đời và phát triển như một nhu cầu tất yếu của xã hội.