Món ăn được Từ Hy thái hậu tâm đắc
Bánh bao Cẩu Bất Lý xuất hiện từ năm 1858 vào thời vua Hàm Phong đời nhà Thanh. Vào thời này, ở thôn Dương huyện Vũ Thanh tỉnh Hà Bắc, Thiên Tân có một chàng trai tên là Cao Quý Hữu. Tương truyền rằng, cha của anh ngoài 40 tuổi mới có con nên luôn muốn các con của mình được sống bình an đã đặt tên cúng cơm cho Quý Hữu là "Cẩu Tử" với hi vọng sau này anh sẽ dễ nuôi và khỏe mạnh như một chú cún con. Người Trung Quốc xưa cho rằng đặt những cái tên xấu thì đứa trẻ sẽ dễ nuôi hơn.
Vào năm 14 tuổi, Cẩu Tử đến Thiên Tân học nấu ăn và bắt đầu bằng việc phụ bếp cho quán ăn nhà họ Lưu. Với tư chất thông minh, Cẩu Tử đã được nhà họ Lưu truyền nghề làm bánh bao, sau đó tự mình mở một quán nhỏ lấy tên là Đức Tụ.
Năm 17 tuổi, Cao Quý Hữu đã tinh thông nghề làm bánh bao. Thương hiệu bánh bao Đức Tụ nổi tiếng thơm ngon. Công thức của Cẩu Tử là sử dụng thịt lợn được chế biến cùng tỷ lệ nước thích hợp, lấy xương sườn hoặc dạ dày hầm thành canh trong nhiều giờ để làm nước sốt. Sau đó, anh cho thêm dầu mè, xì dầu tự làm, gừng hành băm nhỏ và một số loại gia vị khác với lượng chính xác, trộn đều lên tạo thành hỗn hợp nhân bánh hấp dẫn.
Cẩu Tử cũng rất chú trọng vào khâu vỏ bánh để có thể làm ra những chiếc bánh bao chất lượng. Bột mỳ lên men sau khi đã nhào kỹ, để trong khoảng thời gian thích hợp, sau đó sẽ được cán mỏng thành những hình tròn có đường kính 8,5cm. Tiếp theo, người thợ sẽ cho nhân bánh vào chính giữa bột và gói lại. Trong lúc gói bánh, họ sẽ khéo léo nặn 18 nếp gấp đều nhau tạo thành một bông cúc trắng đẹp mắt.
Với kỹ thuật làm bánh bao đầy sáng tạo, bánh của Cẩu Tử có tạo hình đẹp như bông cúc trắng, đưa lên miệng cảm nhận được ngay sự mềm mại của vỏ, lưỡi chạm vào nhân là thấy hương ngào ngạt thơm phức. Tiếng lành đồn xa, khách ăn đến quán ngày một đông, Cẩu Tử bận làm bánh đến nỗi không có thời gian đàm đạo với khách. Khách thấy vậy cùng trêu: “Cẩu Tử mải bán bánh bao, chẳng thèm quan tâm đến khách hàng”, rồi cứ thế gọi thành quán bánh bao Cẩu Bất Lý.
Tương truyền, Từ Hy thái hậu sau khi ăn bánh bao Cẩu Bất Lý cũng phải thốt lên: "Thịt thú trên núi, chim muông trong rừng, trâu bò trên cạn, tôm cá dưới biển cũng không thơm ngon bằng Cẩu Bất Lý, món ăn trường thọ chính là đây". Từ đó, tiếng tăm của bánh bao này được lan truyền rộng rãi, dần dần mở thêm nhiều cửa tiệm khắp đất nước.
Có nguy cơ “dẹp tiệm”
Bánh bao Cẩu Bất Lý ở Thiên Tân (Trung Quốc) vẫn được lưu truyền đến ngày nay và giữ nguyên cái tên “Chó cũng không thèm” khiến nhiều người cảm thấy thú vị. Hiện nay ở Trung Quốc chuổi nhà hàng “Cẩu Bất Lý” có rất nhiều phân tiệm và họ cũng sáng tạo ra nhiều loại nhân khác nhau để thay đổi khẩu vị cho loại bánh này. Tuy nhiên, gần đây thương hiệu này lại đang có nguy cơ biến mất tại Bắc Kinh. Vào sáng ngày 29/3, thông tin cửa hàng Chó Chẳng Thèm trên trang web chính thức đã không còn thấy “bóng dáng” ở Bắc Kinh.
Chiều ngày 29/3, phóng viên hãng thông tấn lớn thứ 2 tại Trung Quốc-Chinanews (CNS) đã tìm đến cửa hàng để xác nhận thực hư. Nếu như không có địa chỉ rõ ràng thì thật khó có thể tìm được, bởi cửa hàng Chó Chẳng Thèm ở Bắc Kinh hiện đang khóa cửa, biển hiệu cũng bị dỡ bỏ. Qua cửa sổ có thể thấy trên 1 chiếc tủ nhỏ có ghi dòng chữ Cẩu Bất Lý nhưng đã phủ đầy bụi.
“Phía cửa hàng nói đang 'sửa sang' nên đóng cửa một thời gian dài. Không biết bao giờ mới mở lại”, một người kinh doanh gần đó nói với phóng viên. Chiều cùng ngày, một số nhân viên mang theo kệ trưng bày, dây thừng và các dụng cụ khác đến cửa hàng. Khi được hỏi, họ cũng trả lời rằng “đang trùng tu”.
Bánh bao Cẩu Bất Lý là thương hiệu nức tiếng hàng trăm năm ở Thiên Tân (Trung Quốc). |
Phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với một nhân viên của Tập đoàn Chó Chẳng Thèm thì được biết trụ sở chính ở Bắc Kinh đã đóng cửa vì hết hạn hợp đồng. “Cửa hàng là nhà công đoàn, hiện đã hết hạn hợp đồng nên bị thu hồi, hai bên đang đàm phán gia hạn hợp đồng thuê, vẫn chưa có câu trả lời”, nhân viên của Tập đoàn cho biết. Khi được hỏi thêm về sự phát triển về sau của Chó Chẳng Thèm tại thị trường Bắc Kinh, nhân viên này bày tỏ: “Đây là chiến lược của Tập đoàn, tôi không rõ”.
Từng nổi tiếng khắp Trung Quốc với hương vị thơm ngon, độc lạ, nhưng nay Chó Chẳng Thèm lại thường xuyên trở thành tâm điểm vì những tin tức tiêu cực. Vào ngày 18/3, Công ty TNHH Quản lý Nhà hàng ăn Thiên Tân đã chuyển trạng thái kinh doanh sang dừng hoạt động từ ngày 17/3, và lý do của việc này là quyết định giải thể cổ đông kinh doanh mặt hàng Chó Chẳng Thèm. Cư dân mạng bàn tán xôn xao, không biết liệu có phải Chó Chẳng Thèm sắp đóng cửa?
Vào thời điểm ấy, một số thống kê cho thấy Tập đoàn Chó Chẳng Thèm đã dừng hoạt động 15 công ty con kể từ khi thành lập, 11 trong số đó đã bị dừng từ năm 2019 đến năm 2021. Qua đó có thể thấy, Chó Chẳng Thèm đã bắt đầu thu hẹp các chuỗi chi nhánh của mình, bao gồm cả ở Thiên Tân. Trước đó, Tập đoàn Chó Chẳng Thèm cũng phải chấm dứt hợp tác với các chuỗi cửa hàng ở phố Vương Phủ Tỉnh - con phố sầm uất nhất Bắc Kinh do gặp vấn đề với dư luận.
Vào tháng 9/2020, bình luận từ một food blogger nổi tiếng ở Trung Quốc đã nhận được đông đảo sự chú ý của cư dân mạng. Trong video, blogger trên đã nhận xét về chất lượng, dịch vụ và giá cả của các loại bánh tại cửa hàng như: bánh có nhiều mỡ, giá đắt, đánh giá trên mạng toàn một sao hóa ra là có căn cứ.
Ngay sau khi video kể trên được đăng tải, cửa hàng Chó Chẳng Thèm ở Vương Phủ Tỉnh đã đưa ra tuyên bố rằng, tất cả những bình luận vu khống trong video là sai sự thật và đã nhờ cảnh sát can thiệp, yêu cầu blogger xin lỗi công khai. Nhưng kể từ sau sự việc ấy, danh tiếng của thương hiệu có tuổi đời hàng thế kỷ đã bị lung lay.
Một du khách là người Thiên Tân cho biết, tại Thiên Tân có rất ít người ăn bánh bao Chó Chẳng Thèm, đa phần đều cho rằng giá bánh quá cao so với giá trị thực. Ngoài ra, còn có không ít trường hợp những "nhà kinh doanh nhỏ lẻ" đến mua bằng nửa giá rồi mang ra ngoài bán rẻ hơn so với giá gốc trong cửa hàng. Những bình luận để lại trên mạng đều xoay quanh "giá đắt quá", "dịch vụ không tốt", và "hương vị chẳng có gì đặc biệt" khiến cho danh tiếng của Chó Chẳng Thèm ngày càng đi xuống.
Được biết từ năm 2017, ông Trương Ngạn Sâm - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Chó Chẳng Thèm Thiên Tân nói rằng, cần phải phá bỏ tư duy cũ về giá cả và mở rộng không gian lợi nhuận. Theo quan niệm ấy, giá bánh bao Chó Chẳng Thèm ngày càng cao, kéo theo khoảng cách với người tiêu dùng ngày càng xa, thậm chí còn bị một số người chế giễu là "bánh bao giá trên trời".
Ngoài giá cao, điều gây mất cảm tình của khách chính là hương vị không đạt yêu cầu của nó. “Các thương hiệu lâu đời bắt đầu rẻ, ngon, phục vụ tốt. Muốn níu chân thực khách thì phải nâng cao dịch vụ và đảm bảo chất lượng, thì thương hiệu mới có thể tồn tại lâu dài”, một cư dân mạng nhận xét.
Theo một số người dân có tuổi sống tại Thiên Tân nhận xét: “Mới đầu, món bánh bao Chó Chẳng Thèm quả thực rất ngon, giá cả cũng phải chăng, nhưng khi danh tiếng ngày đi lên, tiệm bánh bao nhỏ giản dị ấy đã bị thương mại hóa”.
Có thể thấy, không dễ dàng chèo lái một thương hiệu lâu đời vì có quá nhiều thử thách cũng như công việc phải chuẩn bị. Trước hết phải bắt kịp thời đại, chủ động đón nhận những thay đổi, mới đủ sức cạnh tranh trong thị trường khốc liệt. Thứ hai phải duy trì yếu tố truyền thống hòa quyện với cái mới, tức là phải kiên trì phát triển hoạt động kinh doanh và bám sát ý định ban đầu của thương hiệu, sau đó nỗ lực kết hợp thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới và tìm kiếm sự phát triển hơn nữa.
Các thương hiệu lâu đời còn thường phải đối mặt với áp lực hiệu suất lớn hơn và nguy cơ trôi dạt thương hiệu hoặc mất giá thương hiệu cũng cao hơn. Chính vì nguyên nhân này mà món bánh bao Chó Chẳng Thèm khó có thể vượt qua thử thách và trụ vững trong thời buổi phát triển hiện nay.