Công ty TNHH Thép KOS Việt Nam thành lập năm 2002 tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất dây thép không gỉ chuyên dụng. Năm 2018, KOS nhận được thông báo truy thu và phạt thuế với số tiền hơn 3 tỷ.
Tổng Giám đốc Công ty, ông Kim Inho (quốc tịch Hàn Quốc) bị cho là đã “tổ chức họp nội bộ để trao đổi về vấn đề tìm người có sức ảnh hưởng và quen biết để xin giảm số tiền truy thu và phạt thuế”.
Thông qua ông Nguyễn Võ Duy Khương, Chủ tịch Công đoàn, ông Kim Inho được giới thiệu tới gặp bà Lâm Tuyết Phúc, người tự xưng là “Thanh tra Chính phủ” và tuyên bố “có thể hỗ trợ Công ty giải quyết vấn đề”. Ông Kim sau đó chỉ đạo chị Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1984, trú tổ 11, Kim Sơn, Long Thành, Đồng Nai, nguyên Kế toán trưởng Công ty) cung cấp các giấy tờ, tài liệu mà bà Phúc yêu cầu.
Trong quá trình làm việc, bà Phúc cho rằng chị Thoa đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng, tuyên bố chị Thoa biển thủ tiền của Công ty bằng việc tự ý hoàn thuế, biển thủ số tiền thuế được hoàn và kêu gọi chị “tự thú” để được bà giúp đỡ.
Tuy nhiên, chị Thoa cho rằng tất cả giấy tờ chứng từ đều đầy đủ, chứng minh số tiền hoàn thuế đã được gửi về tài khoản Công ty. Bà Phúc lúc này tuyên bố chị Thoa đã tự ý rút số tiền hoàn thuế ra để tiêu xài, đồng thời tự đạo diễn từ chứng từ, chữ ký tới con dấu của Tổng Giám đốc để lấy tiền Công ty.
Theo chị Thoa: “Điều bất ngờ là Ban lãnh đạo KOS hoàn toàn không phân biệt phải trái, cấu kết với bà Phúc làm đơn tố cáo tôi tham ô số tiền hàng tỷ đồng. Vào 17h30 ngày 8/11/2018, tại trụ sở KOS, Công an huyện Nhơn Trạch đã mời tôi lên làm việc, dù tại thời điểm đó tôi đang mang thai tháng thứ 7.
Cũng trong thời gian này, KOS có mời Công ty kiểm toán Seou tới kiểm tra toàn bộ hồ sơ sổ sách của công ty từ năm 2015 đến năm 2018 và kiểm tra dòng tiền lưu chuyển trong Công ty, kết quả kiểm tra không phát hiện vấn đề gì. Phải chăng để giải quyết khó khăn của Công ty, Ban lãnh đạo nhất quyết tuân theo chỉ đạo của vị “Thanh tra Chính phủ” trong việc dồn ép một thai phụ sắp sinh nở phải nhận tội oan?”.
Tháng 1/2019 chị Thoa bắt đầu nghỉ thai sản cho tới ngày 1/7/2019 là ngày đầu tiên chị đi làm lại. Ngay ngày hôm đó, Ban lãnh đạo Công ty KOS đã tuyên bố hàng loạt sai phạm của chị Thoa và ép chị nhận các “tội” như bàn giao công việc không tốt, biển thủ tiền công ty, cố ý gây bất lợi cho Công ty…
“Không chấp nhận những cáo buộc vô lí, ngay lập tức tôi bị đối xử như một tội phạm tại Công ty. Ngay trong ngày, tôi gần như bị giám sát kể cả lúc đi uống nước hay đi vệ sinh, không được sử dụng máy tính (Tổng Giám đốc bị cho là trực tiếp yêu cầu các nhân viên cùng phòng giám sát chị Thoa - NV), không được ngồi tại vị trí làm việc mà phải ngồi ở một góc trong văn phòng. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được một thông báo đình chỉ mọi công tác, không được tham gia bất cứ công việc nào của Công ty và phải ngồi ở phòng bảo vệ trong thời gian điều tra, đồng thời yêu cầu bảo vệ giám sát, không cho tôi về”, chị Thoa phản ánh.
Chị Thoa cho rằng KOS đã có nhiều hành vi vi phạm nghiêm Luật Lao động về việc thuyên chuyển công tác, tiền lương ngừng việc và bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản. “Ngoài ra, sự hiện diện của bà Lâm Tuyết Phúc, người tự xưng là “Thanh tra Chính phủ” cũng rất cần xem xét. Rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh rõ lai lịch, chức vụ, quyền hạn của bà Phúc trong vụ việc tại KOS. Trong trường hợp bà Lâm Tuyết Phúc không có chức vụ, cấp bậc như tự xưng, bà này rất có thể sẽ phải đối mặt tội danh Cố ý giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”, chị Thoa nói.