Mỹ loay hoay lựa chọn thuốc điều trị Covid-19

Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử cho thấy virus corona chủng mới (SARS-CoV-2, màu vàng) trên bề mặt các tế bào (màu hồng)
Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử cho thấy virus corona chủng mới (SARS-CoV-2, màu vàng) trên bề mặt các tế bào (màu hồng)
(PLVN) - Sáng 8/4, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã gỡ bỏ một hướng dẫn bất thường dành cho bác sĩ về cách kê toa thuốc hydroxychloroquine và chloroquine, được Tổng thống Donald Trump khuyến nghị trong điều trị COVID-19, khỏi trang web. Trong một diễn biến liên quan, nước này đang thử nghiệm dùng thuốc cúm Nhật Bản trong điều trị bệnh Covid-19. 

Tính đến sáng ngày 8/4, toàn thế giới ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 81.000 người chết vì Covid-19, trong đó Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.414.738 ca nhiễm và 81.259 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 72.366 và 6.701 ca so với hôm qua. 298.642 người đã hồi phục.

Mỹ thông báo 396.223 ca nhiễm, tăng 31.500 trường hợp so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.941 người chết hôm qua, nâng tổng số ca tử vong tại Mỹ vì Covid-19 lên 12.722. 

Trước đó, việc giới chức y tế Mỹ cho phép dùng khẩn cấp 2 loại thuốc chống sốt rét cho việc điều trị bệnh Covid-19 mới đây nhận được sự đồng tình của một số bác sỹ và chuyên gia y tế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có các ý kiến chuyên gia khuyến cáo phải cẩn trọng. 

Quyết định dùng thuốc chống sốt rét từng gây tranh cãi

Cơ quan Quản lý Dược phẩm, Thực phẩm Mỹ (FDA) cuối tháng 3 vừa qua đã ban hành lệnh cho phép dùng khẩn cấp 2 loại thuốc chống sốt rét cho việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19).

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), lệnh trên sẽ cho phép 30 triệu liều hydroxychloroquine sulfate và 1 triệu liều chloroquine phosphate được quyên góp vào Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia của Mỹ. Hydroxychloroquine sulfate sẽ được hãng dược Sandoz quyên tặng, còn chloroquine phosphate được phát triển bởi hãng dược Bayer. 

Theo tuyên bố của HHS, hydroxychloroquine sulfate và chloroquine phosphate là thuốc uống kê đơn thường được dùng để trị sốt rét và một số các bệnh khác. Quyết định nói trên được đưa ra trong lúc giới chức y tế nước này cũng như các nước khác trên toàn thế giới đang nỗ lực chống lại sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19. 

Theo HHS, các sản phẩm trên sẽ được các bác sĩ phân phối và kê cho những bệnh nhân Covid-19 từ 13 tuổi trở lên đã nhập viện một cách thích hợp trong lúc các thử nghiệm lâm sàng chưa được thực hiện hoặc chưa khả thi. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cho rằng các loại thuốc chống sốt rét có thể là thứ “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống virus corona.

Thuốc viên Chloroquine Phosphate từng được giới chức Mỹ hướng dẫn dùng để điều trị bệnh Covid-19
 Thuốc viên Chloroquine Phosphate từng được giới chức Mỹ hướng dẫn dùng để điều trị bệnh Covid-19

Hành động của ông Trump diễn ra sau khi một cuộc nghiên cứu nhỏ đầy hứa hẹn tại Pháp cho thấy hydroxychloroquine khi được dùng kết hợp với thuốc kháng sinh giúp bệnh nhân Covid-19 hồi phục. Trong số những người ủng hộ việc thử dùng hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ có bác sĩ giải phẫu Jeff Colyer – nguyên Thống đốc bang Kansas.

Theo ông Colyer, ông ủng hộ việc này bởi cho đến nay đây là một trong số ít những thứ thuốc có được và đã chứng tỏ có nhiều công dụng hứa hẹn. Tuy nhiên, ông Colyer cũng lưu ý đây không phải thuốc chữa lành tất cả các chứng bệnh và chỉ nên được các bác sĩ dùng trong điều trị. “Đây không phải là chuyện bạn đến tiệm thuốc mua và tự sử dụng vì bạn nghĩ là bạn bệnh. Điều quan trọng nhất là bạn và bác sĩ của bạn quyết định là loại thuốc này có thích hợp cho bạn không. Ngay lúc này thuốc đã khan hiếm trên toàn cầu”, vị bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Colyer, sự cấp thiết cần phải có phương thuốc cho dịch bệnh cho đến nay đã lây nhiễm cho hơn 1 triệu người và giết chết hơn 50.000 người trên toàn thế giới đòi hỏi giới chức các nước phải có hành động nhanh chóng, có thể bao gồm cả việc áp dụng những biện pháp không chính thống. Ông này cho rằng, hiệu quả của thuốc còn lâu mới chứng minh được.

“Chúng ta cần thêm dữ liệu và thêm nhiều chứng cứ trong việc này. Tôi là người đầu tiên đã thấy nhiều thứ thuốc trông có nhiều hứa hẹn và rồi hóa ra chúng không thành công. Đây là thứ thuốc chúng ta đang có. Như tôi nói, “anh phải ra chiến trường với quân đội anh có chứ không phải với đội quân mà anh ước rằng mình có để tiếp tục xây dựng”, ông ví von.

Chưa chứng minh được hiệu quả điều trị của thuốc chống sốt rét trong điều trị nCovy?

Ngược lại, cũng có những cảnh báo từ các quan chức y tế rằng không có đủ thông tin về tác dụng của các loại thuốc nói trên đối với bệnh Covid-19. Bác sĩ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia) tại một cuộc họp báo hôm đầu tháng cho rằng phần lớn những gì mà chúng ta được biết về loại thuốc này đều dựa trên “các báo cáo mang tính chất giai thoại”.

Là chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm, một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó và phòng ngừa với các loại bệnh truyền nhiễm, ông Fauci khuyến cáo rằng chừng nào thuốc trên “chưa được thử nghiệm lâm sàng thì chưa thể đưa ra bất kỳ tuyên bố khẳng định nào” về tác dụng của thuốc.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng thừa nhận chưa có phương pháp điều trị nào được chuẩn thuận để áp dụng trong việc điều trị cho bệnh Covid-19. Song, Bộ này cho rằng 2 loại thuốc trên đã chứng tỏ có tác dụng trong các cuộc nghiên cứu ở phòng thí nghiệm về virus corona chủng mới. Dù vậy nhưng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cần có các cuộc thử nghiệm lâm sàng để cung cấp bằng chứng khoa học rằng việc điều trị corona bằng 2 loại thuốc này là hiệu quả.

Trước đó, FDA cũng đã cho phép bang New York thử dùng thuốc chống sốt rét với một số bệnh nhân nhất định. Một cuộc nghiên cứu khác với 100 bệnh nhân tại Trung Quốc không tìm ra bằng chứng là hydroxychloroquine giúp chống virus SARS-CoV2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Thuốc này đã được dùng từ những năm 1950 để trị sốt rét và cũng đã được chứng minh có thể gây ra những phản ứng phụ tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Một số chuyên gia cũng tỏ ra không đồng tình với việc 2 loại thuốc trên được chấp thuận để trị bệnh Covid-19 một cách nhanh chóng. 

Tiến sĩ Cyrus Shahpar - Giám đốc bộ phận phòng ngừa dịch bệnh thuộc tổ chức y tế công cộng toàn cầu với những hoạt động tại châu Phi Resolve to Save Lives – cho rằng, ngay cả nếu các cuộc nghiên cứu nhỏ về việc sử dụng thuốc cho các bệnh nhân đưa đến kết quả tích cực thì vẫn không có thông tin về tác động của việc dùng thuốc tới bệnh nhân trong dài hạn.

“Chúng ta thường không đưa ra khuyến nghị căn cứ trên việc thử nghiệm 40 người hay 100 người vì số lượng người như vậy là không đủ người để biết phản ứng phụ là gì”, ông Shahpar nói. Phân tích thêm về việc này, ông Shahpar cho hay, việc thử nghiệm đối với số lượng người nhỏ như vậy không đủ người để biết tác động của thuốc đối với tất cả những nhóm tuổi hay giới tính khác nhau. Hiện nay, ở một số nước trên thế giới đang tiến hành những thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc trị bệnh và những tin tức tốt hơn về thuốc trị Covid-19 có thể có sớm nhất là cuối tháng này.

Ngoài ra, Tiến sĩ Shahpar cũng đề ập đến tình trạng nhu cầu đối với các loại thuốc trên đã gia tăng, có thể dẫn đến việc những loại thuốc đó sẽ bị đưa ra khỏi châu Phi và các nơi khác đang cần thuốc để trị sốt rét. “Tôi nghĩ đó có thể là hành động vồ lấy súng để làm cho việc này trở thành viên đạn thần kỳ chống Covid-19 nhưng không phải như vậy. Thuốc cũng có thể có tác dụng nhưng chúng ta chưa biết được”, ông nhận định.

Một số bệnh nhân lupus và viêm khớp tại Mỹ cũng đã phàn nàn rằng họ không thể mua đủ lượng thuốc hydroxychloroquine và chloroquine theo đơn do tình trạng thiếu hụt thuốc liên tục và đã có những thông tin cho rằng một số bác sĩ đang tự tích trữ thuốc. Một số quan chức liên bang cũng phàn nàn rằng việc ông Trump tập trung vào các loại thuốc chống sốt rét đã làm xao lãng các nỗ lực điều tra các liệu pháp hứa hẹn hơn.

Mỹ thử nghiệm thuốc cúm Nhật Bản chữa Covid-19

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) “bật đèn xanh” thử nghiệm đầu tiên đối với favipiravir, một loại thuốc cúm của Nhật Bản, điều trị Covid-19. Trong tuyên bố hôm 7/4, FDA cho biết thử nghiệm tiến hành tại ba bệnh viện ở bang Massachusetts. Loại thuốc này còn được biết đến với tên thương hiệu là Avigan.

Trước đó, giới chức y tế Trung Quốc cho biết thuốc có hiệu quả rõ ràng khi sử dụng trên 340 người mắc Covid-19, giúp cải thiện chức năng phổi và giảm thời gian điều trị. Các bệnh nhân có kết quả âm tính với virus trung bình 4 ngày sau khi sử dụng thuốc, nhanh hơn nhiều so với 11 ngày ở những người được chăm sóc tiêu chuẩn. 

Thuốc cúm favipiravir được sản xuất và phát triển bởi hãng dược Toyama Chemical
Thuốc cúm favipiravir được sản xuất và phát triển bởi hãng dược Toyama Chemical 

Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Bệnh viện Phụ nữ Brigham và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe UMass Memorial, tiến hành thử nghiệm thuốc trên khoảng 50 đến 60 bệnh nhân Covid-19. Các chuyên gia chia bệnh nhân thành hai nhóm. Nhóm đối chứng được điều trị tiêu chuẩn theo triệu chứng. Nhóm thứ hai có sử dụng thêm thuốc favipiravir. Tiến sĩ Keith T. Flaherty, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết đây là nghiên cứu triển vọng nhất trong số khoảng 30 thử nghiệm đang được cơ sở y tế này xem xét.

Tại Nhật Bản, các bác sĩ cũng đang sử dụng favipiravir cho bệnh nhân nhẹ và trung bình. Thuốc không có tác dụng với những người có triệu chứng nặng hơn. "Chúng tôi đã cung cấp Avigan cho 70 đến 80 người, nhưng nó không cho thấy hiệu quả rõ rệt. Virus vẫn nhân lên", thông tin từ Bộ Y tế Nhật Bản. Các hạn chế tương tự cũng được chỉ ra trong thử nghiệm tổ hợp thuốc kháng virus lopinavir và ritonavir.

Hiện chưa có biện pháp chính thức để điều trị Covid-19. Các chuyên gia đang kỳ vọng vào ba nhóm thuốc chính và tiềm năng, trong đó có thuốc chống siêu vi, thuốc kháng viêm và thuốc dựa trên kháng thể. 

Tính đến ngày 8/4, toàn thế giới có hơn 1,4 triệu ca nCoV, trong đó 82.058 người tử vong. Số người khỏi bệnh là 302.140. Kể từ khi chuyển sang giai đoạn mới, tâm dịch chủ yếu là ở các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ với hơn 400.000 ca. Tiếp đến là các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Đức. 

Tin cùng chuyên mục

Đảo Hans là một đảo đá nhỏ không có cư dân sinh sống.

Hồi kết của “Cuộc chiến tranh yên bình nhất thế giới”

(PLVN) - Cuộc tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch về chủ quyền đối với đảo Hans ở vùng Bắc Cực được đặt cho biệt danh là “Cuộc chiến tranh yên bình nhất trên thế giới” vì ở nơi đây chưa từng xảy ra xô xát hay giao tranh vũ trang giữa hai bên.

Đọc thêm

Châu lục không còn dễ thu phục

Các nhà lãnh đạo tham dự Thượng đỉnh châu Mỹ lần 9 tại Los Angeles (Mỹ).
(PLVN) - Tổng thống Mỹ Joe Biden không phải chẳng đạt được kết quả gì nhưng cũng không thể toại nguyện về kết cục của Hội nghị cấp cao của các nước châu Mỹ lần thứ 9 vừa qua.

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria
(PLVN) - Đối với các bộ lạc thổ dân ở Nigeria, việc rạch thân để tạo ra các vết sẹo là một nghi thức khá phổ biến và có từ rất lâu đời. Tùy từng bộ lạc, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau.

Bên lề sân cỏ (Kỳ 1): Lịch sử hình thành và chinh phục cả thế giới của bóng đá

 Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 sau CN) chơi xúc cúc cùng các cận thần.
(PLVN) - Bóng đá được cho rằng đã xuất hiện từ thời đại Chiến Quốc và phiên bản cổ xưa nhất với đầy đủ các kỹ thuật là môn xúc cúc (các tên gọi khác: tháp cúc, đạp cúc, túc cúc) của Trung Quốc. Tuy vậy, phải tới thế kỷ 18, bóng đá mới trở nên phổ biến và phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở các nước châu Âu.

Ô nhiễm môi trường - “sát thủ” nguy hiểm hơn cả bệnh tật, chiến tranh

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet mới đây cho biết, ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đất là nguyên nhân gây ra cái chết của 9 triệu người mỗi năm, nhiều hơn số người tử vong do các bệnh nguy hiểm như AIDS, ho gà, sốt rét; hay khủng bố và chiến tranh.

Ranh giới nào cho luật?

Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine.
(PLVN) - Chiến sự từ hơn 100 ngày nay ở Ukraine không những chỉ làm chấn động thế giới về chính trị an ninh mà còn đặt luật pháp quốc tế trước nhiều câu hỏi mà không biết đến khi nào mới có được câu trả lời.

EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa

(ảnh minh họa).
(PLVN) - Sau gần 1 tháng dàn xếp bất đồng quan điểm trong nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua chủ trương ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga.

Luẩn quẩn và bế tắc

22 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 24/5/2022 tại trường tiểu học Robb (bang Texas, Mỹ).
(PLVN) - Ở nước Mỹ, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xảy ra liên tiếp 2 vụ xả súng khiến cho nhiều người bị thiệt mạng và gợi lại cả chuỗi dài những vụ việc tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ.

Kỳ dị chó cún được bầu làm Thị trưởng ở nước Mỹ

Một tân “Thị trưởng chó cún” ở thị trấn Rabbit Hash.
(PLVN) - Rabbit Hash là một thị trấn nhỏ tại bang Kentucky (Mỹ). Đã từ lâu, đảm nhiệm danh nghĩa Thị trưởng của thị trấn đã không còn thuộc về con người. Tổng cộng 5 “Thị trưởng chó cún” đã giữ chức vụ này với nhân vật đắc cử gần nhất là chú chó tên là Wilbur.

Danh họa Picasso và quá khứ “bị hắt hủi” ở Pháp

Chân dung Picasso.
(PLVN) - Ít người biết rằng, danh họa nổi tiếng thế giới Picasso lúc sinh thời, trong suốt gần nửa thế kỷ, ông bị coi là kẻ ăn nhờ ở đậu, là “phần tử nước ngoài nguy hiểm” và bị từ chối cho nhập quốc tịch Pháp.