John Avery - Vua kim cương và tên cướp biển tàn bạo nhất - (Kỳ 2): Sở hữu cả đống kim cương lại chết trong cơ hàn bệnh tật

Họa hình nhóm cướp biển John Avery.
Họa hình nhóm cướp biển John Avery.
(PLVN) - Cùng đồng bọn thực hiện vụ cướp lớn, có trong tay cả núi tài sản gồm nhiều châu báu và kim cương nhưng kết cục của tên cướp biển John Avery lại không ai có thể ngờ được...

* Bài 1: John Avery - ông vua kim cương và tên cướp biển tàn bạo nhất - (Bài 1): Mộng bá chủ và giấc mơ hướng về “thiên đường cướp biển”Vụ cướp thế kỷ

Như đã nói ở kỳ trước, vào khoảng tháng 6 năm 1659, tàu Fancy của Avery đến Biển Đỏ và gặp một nhóm thuyền lớn trông giống như của Công ty Đông Ấn Hà Lan đang quay về trụ sở. Fancy nã pháo vào đoàn thuyền và bắt đầu tấn công. Avery nhận ra những con thuyền đó là của Hoàng đế Vương triều Moghul Ấn Độ. Đoàn thuyển chở đầy hương liệu, vàng, cà phê, vải vóc và đồ trang sức. 

Sau một trận giao tranh khốc liệt, quân của Avery cuối cùng cũng đánh bại được con thuyền đầu tiên trong đoàn thuyền của Moghul. Con thuyền Fath Mahmamadi được cho là đang chở một khối lượng vàng, bạc có giá trị hơn 500.000 bảng Anh. 

Hân hoan với chiến thắng vừa đạt được, quân của Avery chuyển sang săn tìm con thuyền chở trang sức là Ganj-i-Sawai lớn nhất của đội thuyền Ấn Độ. 

Chúng thu được rất nhiều vàng bạc và một kiện hàng chứa đầy đá quý biếu tặng Hoàng đế Moghul. Thủy thủ đoàn ăn nằm với các phụ nữ trên thuyền. Dựa vào cung cách của họ cùng với những trang sức họ đang mang trên người thì dường như một vài người thuộc tầng lớp quyền quý.

Trên thực tế, thuyền trưởng của Gang-I-Sawai là Muhammed nắm giữ trong tay 40 khẩu pháo cùng lực lượng hùng hậu 400 lính có trang bị súng gắn lưỡi lê để chống lại kẻ thù, bảo vệ con thuyền. Nhưng may mắn đã mỉm cười với Avery, một quả pháo trong loạt bán đầu tiên của Fancy đã làm gãy cột buồm chính của Gang-i-Sawai. Tiếp sau đó, một khẩu pháo trên con thuyển Ấn Độ phát nổ, gây nên cảnh vô cùng hỗn loạn. Tất cả điều ấy giúp cho quân của Avery chiến thắng đối phương và chiếm được con thuyền chất đầy trang sức, vàng bạc. 

Tương truyền, trên chiếc thuyền này còn có một phần thưởng giá trị hơn nhiều, đó chính là một nàng công chúa, con gái Hoàng đế Moghul, cùng với một vài kẻ hầu cận và rất nhiều nữ nô lệ. 

Mưu đồ độc chiếm của cải

Sau khi chiếm được thuyền, tất cả thủy thủ đoàn quay về Fancy với những của cải vừa cướp được. Avery muốn tiếp tục ra khơi, nhưng cướp biển của những con thuyền còn lại đề nghị Avery chia chiến lợi phẩm cho họ trước và mỗi người nhận được khoảng 1.000 bảng Anh cùng với nhiều trang sức. Còn Avery với vai trò là tổng chỉ huy nên nhận được phần nhiều gấp đôi. Con thuyền Fancy ra khơi tiến về đảo Réunion. 

Tuy nhiên, Avery vẫn chưa thỏa mãn với những gì cướp được từ con thuyền của Hoàng đế Moghul giờ đây còn muốn cướp cả những đồng bọn của mình, những người bạn Mỹ đã giúp hắn chiếm được Gang-i-Sawai. 

Trong cuộc họp trên con thuyền Fancy, Avery đã đề nghị với các thuyền trưởng người Mỹ rằng, khi chưa vào được đất liền thì việc cất giữ của cải trên những con thuyền riêng lẻ là không an toàn. Chẳng hạn như, nếu gặp phải bão lớn, có thể thuyền bị chìm, hay nếu gặp phải những thuyền cướp biển khác thì có nguy cơ bị cướp. Do đó, sẽ an toàn hơn nếu họ chuyển hết tài sản sang Fancy vì nó ưu việt nhất, có kết cấu bền vững và được vũ trang tốt nhất.

Chân dung tướng cướp John Avery.
Chân dung tướng cướp John Avery.  

Avery nói rằng tất cả số của cải ấy sẽ được chứa trong những chiếc thùng có 3 lần khóa. Thật ngạc nhiên là tất cả thuyền trưởng khác lại đồng ý với kế hoạch này và chuyển tất cả tài sản của họ sang Fancy. 

Trong vài ngày sau đó, các tàu Fancy, Pearl, Portsmouth Adventure và Amity đi cùng nhau hướng về đất liền để đến một địa điểm đã được thống nhất từ trước. 

Nhưng suốt hành trình ấy, Avery thuyết phục thủy thủ đoàn Fancy rằng hành động khôn ngoan nhất lúc bầy giờ là đánh lừa những con thuyền khác để bỏ đi cùng với số tài sản hiện có. Điều này đã được chấp thuận. Avery đợi đến đêm, trong màn đêm tối đen, con thuyền Fancy rẽ lái đi theo một hải trình khác cho đến khi khuất hẳn.

Con thuyền Fancy đến đảo Réunion và hầu hết các thủy thủ người Pháp quyết định ở lại đó. Một số thủy thủ người Anh thì quay trở lại quê hương của họ, còn Avery cùng những người còn lại thì đến nước Mỹ.

Trong khi đó, sau khi nghe tin cướp biển Anh đã cướp đội thuyền của mình,  Hoàng đế Moghul đe dọa cử “một đoàn quân hùng hậu với hỏa lực sẵn sàng để tống cổ tất cả những người Anh đang sinh sống dọc bờ biển Ấn Độ".

Vì thế, Công ty Đông Ấn hứa sẽ bắt Avery cùng với thủy thủ của hắn về chịu tội. Thế nhưng, việc cho cả một đoàn thuyền lớn đến Ấn Độ Dương để truy quét cướp biển là vô cùng tốn kém. Thay vào đó, họ đã thuyết phục Thuyền trưởng William Kidd đi bắt Avery và một số cướp biển khét tiếng khác.

Việc này còn nhận được sự ủng hộ của nhà vua nước Anh, nhưng ngay cả khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hoàng gia thì nhiệm vụ này vẫn thất bại, vì khi vừa đến được Ấn Độ Dương, Kidd đã phản bội lại sự tín nhiệm của nhà vua và trở thành cướp biển. 

Công ty Đông Ấn bắt được 6 người trong thủy thủ đoàn của Avery và đưa tất cả ra xét xử tại Old Bailey vào tháng 10/1696. Cả sáu tên cướp biển đều bị treo cổ nhưng vẫn chưa tóm được Avery khiến cho Công ty Đông Ấn rất bực tức. 

Kết cục trong bi thảm

Tuy nhiên, cuộc đời của Avery lại không có được một kết thúc tốt đẹp. Đến Mỹ, Avery dừng lại tại Bahamas và được Chúa đảo Nicholas Trott đón tiếp ân cần sau khi mỗi tên đóng góp 20 đô-la (900 bảng Anh) và 2 đồng sequin vàng để làm quà biếu ông ta. 

Từ Bahamas, Avery đến New England bằng một chiếc thuyền buồm nhỏ mua lại của Trott nhằm che giấu hành tung. Cuối cùng, Avery đến Boston, rất thích thú với ý tưởng định cư tại nơi này. Hắn đã sống đủ cuộc đời cướp biển và đang mong mỏi sống một cuộc đời bình yên hơn. 

Nhưng đến phút cuối thì hắn lại thay đổi ý định vì thực tế là số tài sản hiện có vẫn chưa được quy đổi thành tiền mặt mà vẫn còn là những viên kim cương nên dễ bị chú ý khi mang đi bán. Chính vì thế, cùng với một số thủy thủ khác, Avery quyết định đến Ireland. 

Đến nơi, những tên cướp biển phân tán đi các nơi khác nhau, một số đến sống ở Dublin, một số khác đến Cork. Mười tám tên đến cầu xin sự ân xá của Vua William và thật ngạc nhiên là họ đã được tha thứ. Tuy nhiên, Avery lại không nằm trong số những người may mắn khi hầu hết tài sản của hắn đều là kim cương và việc bán chúng thu hút sự chú ý của rất nhiều người. 

Phác họa lối sống của Vua kim cương John Avery.
Phác họa lối sống của Vua kim cương John Avery.  

Sau đó, Avery quyết định đến Anh nơi có nhiều người có thể giúp bán được số kim cương này và không bắt hắn giao cho chính quyền. Cập bến phía Tây Nam nước Anh, Avery gửi thư đến Bristol mời những người bạn này đến gặp hắn tại thị trấn Bidcford, Devon. 

Họ đã bàn bạc rằng cách an toàn nhất là những người bạn của Avery sẽ gặp và giao kim cương cho một số thương gia để họ bán chúng rồi mang tiền về cho Avery sau khi đã trừ đi một ít tiền hoa hồng. Avery rất hài lòng với đề nghị này nên đã chuyển hết số kim cương của mình cho các thương gia và chờ họ quay lại. Đồng thời, hắn cũng đổi tên và ở lại Bideford (Devon) sống kín đáo không gây quá nhiều sự chú ý. 

Tuy nhiên, số tiền nhận được lại rất ít ỏi khiến Avery phải viết thư cho các thương gia để nói rằng hắn đang cần tiền, họ có gửi cho hắn một khoản tiền nhưng không đáng là bao so với giá trị của những viên kim cương mà họ đã lấy. 

Avery lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, đến mức hắn còn không có tiền để mua bánh mì, Trong cơn tuyệt vọng, hắn quyết định đến Bristol để gặp trực tiếp các thương gia nhưng ngay khi liên lạc được, Avery đã biết rằng hắn sẽ không bao giờ có thể lấy lại được tiền của mình. Họ bảo rằng, nếu Avery còn tiếp tục gây sức ép cho họ, họ sẽ bắt giao hắn cho chính quyền vốn vẫn đang ráo riết truy lùng hắn vì sự việc liên quan đến chiếc thuyền của Hoàng đế Moghul. 

Lời đe dọa thực sự đã khiến Avery phải sợ, hắn từ đó quay về Bideford, nơi người ta cho rằng hắn đã sống quãng đời ngắn ngủi còn lại của một người cùng quẫn rồi lâm bệnh và qua đời trong cảnh cơ hàn. 

Tin cùng chuyên mục

Đảo Hans là một đảo đá nhỏ không có cư dân sinh sống.

Hồi kết của “Cuộc chiến tranh yên bình nhất thế giới”

(PLVN) - Cuộc tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch về chủ quyền đối với đảo Hans ở vùng Bắc Cực được đặt cho biệt danh là “Cuộc chiến tranh yên bình nhất trên thế giới” vì ở nơi đây chưa từng xảy ra xô xát hay giao tranh vũ trang giữa hai bên.

Đọc thêm

Châu lục không còn dễ thu phục

Các nhà lãnh đạo tham dự Thượng đỉnh châu Mỹ lần 9 tại Los Angeles (Mỹ).
(PLVN) - Tổng thống Mỹ Joe Biden không phải chẳng đạt được kết quả gì nhưng cũng không thể toại nguyện về kết cục của Hội nghị cấp cao của các nước châu Mỹ lần thứ 9 vừa qua.

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria
(PLVN) - Đối với các bộ lạc thổ dân ở Nigeria, việc rạch thân để tạo ra các vết sẹo là một nghi thức khá phổ biến và có từ rất lâu đời. Tùy từng bộ lạc, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau.

Bên lề sân cỏ (Kỳ 1): Lịch sử hình thành và chinh phục cả thế giới của bóng đá

 Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 sau CN) chơi xúc cúc cùng các cận thần.
(PLVN) - Bóng đá được cho rằng đã xuất hiện từ thời đại Chiến Quốc và phiên bản cổ xưa nhất với đầy đủ các kỹ thuật là môn xúc cúc (các tên gọi khác: tháp cúc, đạp cúc, túc cúc) của Trung Quốc. Tuy vậy, phải tới thế kỷ 18, bóng đá mới trở nên phổ biến và phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở các nước châu Âu.

Ô nhiễm môi trường - “sát thủ” nguy hiểm hơn cả bệnh tật, chiến tranh

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet mới đây cho biết, ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đất là nguyên nhân gây ra cái chết của 9 triệu người mỗi năm, nhiều hơn số người tử vong do các bệnh nguy hiểm như AIDS, ho gà, sốt rét; hay khủng bố và chiến tranh.

Ranh giới nào cho luật?

Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine.
(PLVN) - Chiến sự từ hơn 100 ngày nay ở Ukraine không những chỉ làm chấn động thế giới về chính trị an ninh mà còn đặt luật pháp quốc tế trước nhiều câu hỏi mà không biết đến khi nào mới có được câu trả lời.

EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa

(ảnh minh họa).
(PLVN) - Sau gần 1 tháng dàn xếp bất đồng quan điểm trong nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua chủ trương ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga.

Luẩn quẩn và bế tắc

22 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 24/5/2022 tại trường tiểu học Robb (bang Texas, Mỹ).
(PLVN) - Ở nước Mỹ, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xảy ra liên tiếp 2 vụ xả súng khiến cho nhiều người bị thiệt mạng và gợi lại cả chuỗi dài những vụ việc tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ.

Kỳ dị chó cún được bầu làm Thị trưởng ở nước Mỹ

Một tân “Thị trưởng chó cún” ở thị trấn Rabbit Hash.
(PLVN) - Rabbit Hash là một thị trấn nhỏ tại bang Kentucky (Mỹ). Đã từ lâu, đảm nhiệm danh nghĩa Thị trưởng của thị trấn đã không còn thuộc về con người. Tổng cộng 5 “Thị trưởng chó cún” đã giữ chức vụ này với nhân vật đắc cử gần nhất là chú chó tên là Wilbur.

Danh họa Picasso và quá khứ “bị hắt hủi” ở Pháp

Chân dung Picasso.
(PLVN) - Ít người biết rằng, danh họa nổi tiếng thế giới Picasso lúc sinh thời, trong suốt gần nửa thế kỷ, ông bị coi là kẻ ăn nhờ ở đậu, là “phần tử nước ngoài nguy hiểm” và bị từ chối cho nhập quốc tịch Pháp.