Ngày xét xử thứ 2: Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh khai gì tại tòa?

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh TTXVN
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh TTXVN
(PLO) - Bị thẩm vấn trong ngày làm việc thứ 2, bị cáo Đinh La Thăng khai rằng nhìn lại vụ án trong bối cảnh 10 năm về trước, ông có nóng vội, có quá quyết liệt dẫn đến nhiều lúc quyết định sai.

Ngày 9/1/2018, phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bước sang ngày làm việc thứ 2.

Trong phần này, HĐXX TAND TP Hà Nội thẩm vấn nhiều bị cáo liên quan tới các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản. Theo cáo trạng, quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, vì những động cơ khác nhau mà 22 bị cáo đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước. Thậm chí, một số người còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập khống chứng từ rút tiền từ dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Trong đó, Đinh La Thăng nguyên là Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng còn chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng. 

Đối với Trịnh Xuân Thanh, cáo trạng xác định: Với vai trò Chủ tịch HĐQT PVC, ông ta đã có hành vi chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên đồng thời quyết định sử dụng số tiền hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào Dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Sau khi cách ly bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1966, nguyên Phó TGĐ PVC) và Vũ Đức Thuận (SN 1971, nguyên TGĐ PVC), HĐXX thẩm vấn bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC). Trả lời, Trịnh Xuân Thanh khai bản thân là lãnh đạo đơn vị, thực hiện triển khai các kế hoạch năm thông qua các kế hoạch của PVC. Theo lời Trịnh Xuân Thanh, từ năm  2009, PVC là công ty đại chúng. Năm 2011, Tổng Công ty do ông ta làm Chủ tịch HĐQT có lãi nhưng đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ bởi vốn đầu tư vượt quá vốn điều lệ. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên theo lý giải của bị cáo Thanh là vì lúc đó thực hiện tái cơ cấu, PVN có chuyển một số đơn vị như bất động sản, tài chính của điện lực,… về Tổng Công ty của ông ta. Khi chuyển về PVC, các đơn vị trên không có vốn. Chính vì vậy số tiền đó vượt lên, Tổng Công ty không đủ vốn.

Cũng theo lời ông Thanh, khi PVN chỉ đạo PVC thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVC là đơn vị thi công nên rất mừng vì đã được chọn làm tổng thầu. “Bản thân bị cáo lúc đó biết PVC cũng chưa đủ điều kiện nhưng thực tế thời điểm đó cả nước cũng chỉ có PVC và Lilama làm được. Lúc đó PVC cũng từng liên kết với Lilama thực hiện dự án vượt tiến độ và rất thành công”, ông Thanh nói. Trước lời khai này, HĐXX chất vấn: “Với năng lực như vậy theo bị cáo nhận thức việc gánh thêm Thái Bình là gánh nặng hay thuận lợi?”. Bị cáo Thanh khai:  “Tại thời điểm như vậy một đơn vị xây lắp nhận được dự án như thế là rất tốt, có dự án sẽ có lợi nhuận. Càng khó khăn càng có công việc càng mừng”.

Đến lượt mình, ông Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) khai khi chọn PVC làm tổng thầu căn cứ vào năng lực cũng như thực tiễn của PVC. Bản thân ông ta đồng ý về mặt nguyên tắc cho PVC làm tổng thầu. Lí do chọn PVC làm tổng thầu vì năm 2010, có lãi 1.000 tỷ đồng đồng thời PVN cũng bán 40% cổ phần của PVC, thu được 2.500 tỷ đồng. Trước đó, PVC và Lilama từng liên doanh trong một số dự án, thực hiện triển khai tốt …

Khi bị thẩm vấn về việc yêu cầu tạm ứng 10% giá trị hợp đồng khi Hợp đồng 33 chưa có đủ các điều kiện, ông Thăng khai lúc đó chưa biết gì về Hợp đồng 33. Trước lời khai này, HĐXX hỏi bị cáo Ninh Văn Quỳnh. Tòa nói: “Bị cáo Quỳnh có khai về quá trình giám sát hợp đồng còn thiếu sót, bị cáo đã báo cáo với HĐTV”. Quỳnh đáp: “Bị chỉ báo cáo về Hợp đồng 33, còn một số khiếm khuyết báo cáo trực tiếp với anh Nguyễn Xuân Sơn. Bị cáo không báo cáo với anh Đinh La Thăng”.

Trong khi đó, bị cáo Vũ Hồng Chương  khai tại cuộc họp ngày 31/3 và 1/6, ông Đinh La Thăng có chỉ đạo rà soát lại hợp đồng để ký lại giữa PVC và PVN; yêu cầu ban quản lý dự án tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Khi chưa ứng tiền ngay, ông Chương còn bị Đinh La Thăng gọi lên hỏi tại sao. “Sau đó bị cáo Thăng gọi Nguyễn Xuân Sơn lên hỏi tại sao các ông không chuyển tiền. Lúc đó tôi thấy hợp đồng mới chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang, chưa có phòng ban nào ký nháy vào đó…”, Chương khai tại tòa. Trước lời khai trên, HĐXX hỏi bị cáo Thăng có ý kiến gì không. Ông Thăng nói tôn trọng ý kiến của bị cáo Chương.

Quá trình bị thẩm vấn, ông Thăng cho biết  suốt quá trình điều tra bản thân cũng nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra, trách nhiệm người đứng đầu. “Đến nay sau 10 năm vụ án được phá, nhìn lại vụ án trong bối cảnh 10 năm về trước bị cáo có nóng vội, có lúc quá quyết liệt dẫn đến nhiều lúc quyết định sai”, ông Thăng khai. Sau đó, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác liên quan tới hành vi tham ô. 

Hôm nay (10/1/2018), HĐXX tiếp tục phiên làm làm việc ngày thứ 3. 

Đọc thêm

Xét xử vụ án vi phạm trong quản lý đất đai tại Hưng Yên

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) -Ngày 26/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (nay là Phường Dị Sử, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về các hành vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản.

Vụ án liên quan cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: 3/3 yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị từ chối

Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)
(PLVN) - Sau hơn 5 tháng tạm đình chỉ điều tra, ngày 18/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương (CQĐT) có Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và Quyết định phục hồi điều tra bị can với 7 người; ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát, người mua đất trong vụ án) tiếp tục có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng ông bị oan trong vụ án đã kéo dài hơn 7 năm.

Hai phạm nhân trốn trại nhận thêm án

Hai bị cáo Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: PV
(PLVN) - Đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) 2 phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng đã bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ và vừa đưa ra xét xử.

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh
(PLVN) - VKSND cấp cao đánh giá, suốt quá trình giải quyết vụ án, Cty Phúc Thanh Vinh không cung cấp được chứng cứ chứng minh khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, khách cung cấp được các chứng cứ chứng minh Cty Phúc Thanh Vinh đã vi phạm nghĩa vụ, tự ý đơn phương bán lại các căn nhà cho người khác.