Ước mơ sau ngày đặc xá

Trở về sau ngày đặc xá, tôi nhất định có hai việc phải làm. Đầu tiên, tôi sẽ họp toàn bộ gia đình lại, giáo dục con cháu phải làm nhiều việc tốt và có ích cho xã hội. Sau đó, nhất định là tôi mở lại quán phở...

Đằng sau vết trượt của một phận người, khát khao về cuộc sống và tiếp tục những ước mơ còn dang dở như là động lực giúp họ cải tạo và phấn đấu để trở về bên gia đình. Trong một dịp tác nghiệp nhân đợt đặc xá Quốc Khánh 2/9, phóng viên báo PLVN đã ghi lại được một câu chuyện của một con người như thế!

Nợ án thì không ai trả thay được

Ngồi trước tôi là một người đàn ông đã đứng tuổi, là người cao tuổi nhất được đề nghị đặc xá nhân Quốc Khánh 2/9 tới tại trại giam Hồng Ca. Trương Đức Hoạch (63 tuổi, ở tổ 7, phường Kim Tân, TP.Lào Cai, Lào Cai) không giấu nổi niềm vui được trở về đoàn tụ với gia đình khi gặp phóng viên: “Chỉ còn ít ngày nữa thôi, thân già này được vui vầy với con cháu rồi quý khách ạ. Hôm nay, chả nghĩ là mình gặp nhà báo để nói chuyện thế này đâu, tưởng có người nhà lên thăm, định báo tin mừng cho gia đình nhưng được nói chuyện cũng là vui lắm rồi!”. 

1
Trương Đức Hoạch

Năm nay, phạm nhân Hoạch bước sang cái tuổi 63, ở tuổi như phạm nhân này, nhiều người đã nhàn nhã bên ruộng vườn, bên con cháu và có cuộc sống đầm ấm bên gia đình rồi. Thụ án tại trại giam Hồng Ca từ 26/11/2008 và chịu án 06 năm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, phạm nhân Hoạch là một trong những cá nhân có nhiều thành tích cải tạo tốt và khá liên tục. Được anh em trong trại giam đặt biệt danh là “Hoạch già”, bác cười nói với chúng tôi: “Anh em quý trọng và đặt cho như vậy thấy cũng quen. Mình là người lớn tuổi nhất buồng nên ý kiến và tiếng nói cũng được anh em nể trọng phần nào. Những lúc nhàn rỗi, anh em lại kể cho nhau nghe những câu chuyện của mình và cho nhau những lời khuyên. Có nhiều kinh nghiệm hơn và cũng từng va chạm ngoài xã hội, tôi vẫn thường lên tiếng sau cùng và anh em cũng rất quý mến”.  

Năm 2005, khi là chủ một hiệu bán bún, phở hàng ngày tại phường Kim Tân, bác Hoạch biết được một số công nhân, cán bộ của vài xí nghiệp gần đó là nghỉ chế độ mất sức mà chế độ bảo hiểm đã hết thời hạn. Qua nguồn thông tin từ một vài người bạn làm việc tại Phòng Chính sách xã hội TP Lào Cai, bác nói lại với mọi người đến ăn phở hàng ngày là có thể tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp nhưng ai muốn làm thì phải mất thêm một khoản tiền nho nhỏ. Số tiền thu được bác đưa thẳng cho Trưởng phòng chính sách xã hội Thành phố hồi đó lên tới 900 triệu đồng. Ông này đưa lại cho bác Hoạch 21 triệu đồng, nói là tiền bồi dưỡng và lệ phí đi đường thời gian qua. Nghĩ rằng đó là công sức của mình trong việc truyền tải thông tin và giúp đỡ mọi người có được chế độ nên bác đã vui vẻ đồng ý.

Tuy nhiên, khoảng 3 ngày sau, trong số những cán bộ nghỉ hưu mất sức đưa tiền cho bác, có một số người đã không được hưởng đúng chế độ như trước nên đã khiếu kiện và trình báo cơ quan công an. Ngay sau đó, Trưởng phòng chính sách xã hội đã bị bắt và bị kết án 19 năm tù. Ngày 2/6/2005, đến lượt công an phường đến nhà yêu cầu bác Hoạch trình báo. Không hiểu thông tin như thế nào nhưng bác vẫn đem toàn bộ số tiền có được ra đầu thú và bị kết án 06 năm tù. Sau khi được cán bộ phân tích, giảng giải, bác mới hiểu về hành vi của mình.

Ngày vào trại, người con trai cả Trương Ngọc Thảo khóc động viên bố: “Thôi bố ạ, việc làm của bố sai là nằm trong quy định của Nhà nước. Pháp luật đã ghi rõ như vậy nên chúng con cũng đau lòng lắm! Bây giờ bố còn ít nhiều sức khỏe, cứ chấp hành án phạt rồi sớm về cùng con cháu. Nợ tiền thì có người khác trả được chứ nợ án thì không ai trả thay được đâu bố ạ !”. Câu nói của người con trai được bác kể lại cho chúng tôi mà nước mắt chực như trào ra. Bác cho biết, qua câu nói của con, bác mới hiểu là chúng không trách gì việc làm của bác cả mà luôn động viên, an ủi bác để có thể sớm cải tạo trở về sum họp.

 

Tôi còn mê phở lắm!

 

Bác Hoạch cho biết, ngày trước khi vào trại, bác có một cửa hàng chuyên bán cơm, bún, phở phục vụ mọi người ăn uống hàng ngày. Cửa hàng thường mở từ sáng sớm đến gần 21h mới đóng cửa. Bác kể cho tôi say sưa về công việc thường ngày của một người đầu bếp trưởng kiêm quản lý và cả phục vụ nữa. Bác tâm sự: “Ngày ấy, quán phở nhà tôi khá đông, mọi người thường là khách quen và ngoài ăn phở, chúng tôi còn nói đủ thứ chuyện trên đời, chuyện thời sự, chuyện tây chuyện ta. Đôi khi, quán còn là nơi hội tụ của mấy ông bạn già nữa”. Học hỏi kinh nghiệm từ một số thương nhân cũng kinh doanh phở từ dưới xuôi lên, bác Hoạch cố gắng làm nước dùng và cách bảo quản phở cho tốt, cũng đảm bảo lấy thịt và phụ gia tươi ngon.

Chia sẻ với tôi kinh nghiệm kinh doanh, bác cười: “Làm ăn chữ tín quan trọng lắm! Quán có ngon người ta mới đến ăn và truyền tai nhau, đôi khi được mọi người khen ngon là thân tôi vui lắm rồi.”. Biết mình có tên trong diện được đặc xá, cả đêm ấy bác không ngủ được. “Tôi vui và 13 người được đề nghị đặc xá cùng buồng cũng vui. Đêm ấy, tôi cứ trằn trọc mãi và sáng tác được một bài thơ nho nhỏ, đọc chia sẻ với anh em hai câu cuối  như thế này: Đúng là sóng gió biển khơi/ Tắm dòng đại thủy để đời sạch trong. Ai mà muốn vào tù nhưng có lỗi lầm thì phải sửa. Tôi vào đây được một thời gian, nghĩ nhà tù là nơi ghê gớm lắm mà rồi cũng dần quen và xóa bỏ được ác cảm ấy. Thi thoảng, cán bộ lại hỏi thăm, động viên, nên nỗi nhớ nhà và vợ con cũng nguôi ngoai. Ra tù rồi, thấy nơi đây lại là nơi nhiều kỉ niệm nhất đời mình các anh ạ”.

Năm nay, vợ bác mắt có phần đã kém hơn trước nên lần thăm hỏi gần đây nhất không xuống cùng các con được. Thi thoảng, các con xuống thăm mà bác cứ canh cánh trong lòng về người vợ già đang trông ngóng ở nhà. Khi được hỏi về những việc đầu tiên mà bác sẽ làm khi về nhà thì đôi mắt người đàn ông ấy như sáng lên và tươi vui hẳn: “Tôi nhất định có hai việc phải làm. Đầu tiên, tôi sẽ họp toàn bộ gia đình lại, giáo dục con cháu phải làm nhiều việc tốt và có ích cho xã hội. Phải lấy ông làm gương mà tránh xa cái xấu, hướng đến cái tốt, cái lợi cho dân cho nước mới làm. Còn sau đó, nhất định là tôi mở lại quán phở rồi, tôi còn mê phở lắm! Từ ngày tôi vào đây, quán vắng người nên con cháu cũng dừng kinh doanh một thời gian”.

Trò chuyện với phóng viên, bác Hoạch thi thoảng lại gọi chúng tôi là thầy theo cách xưng hô quen thuộc trong trại, phải mất một lúc mới đổi sang gọi chúng tôi là quý khách để câu chuyện có phần cởi mở hơn. Đối diện với những con người như bác, chúng tôi luôn trân trọng và hiểu rằng, nhận ra lỗi sai và sửa sai để hoàn lương, thực sự là một điều đáng quý. Sắp được trở về với cộng đồng, với gia đình, chúng tôi được bác mời lên thưởng thức món phở do chính tay bác trổ tài vào dịp gần nhất. Tôi cười: “Ước mơ sau ngày đặc xá của bác thật giản dị. Chúng cháu nhất định sẽ lên thăm bác vào một dịp lên Lào Cai”.

10h trưa, chuông reo đóng cửa trại giam. Chào từ biệt chúng tôi ra về, người đàn ông ấy như vẫn còn nhiều điều muốn kể, muốn giãi bày mà thời gian không cho phép./.

Ngọc Trìu

 

 

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.