"Không hợp tác với nhà ngoại cảm"

“Chúng tôi không khuyến khích tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm và không hợp tác với các nhà ngoại cảm. Chúng tôi chỉ tin vào khoa học, kỹ thuật...”, bác sỹ Nguyễn Đình Thường, Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam khẳng định.

“Chúng tôi không khuyến khích tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm và không hợp tác với các nhà ngoại cảm. Chúng tôi chỉ tin vào khoa học, kỹ thuật như việc giám định gen chẳng hạn!” - Bác sỹ Nguyễn Đình Thường, Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam khẳng định với PLVN.
          
Theo Bác sỹ Thường, thống kê cho thấy hiện Việt Nam còn khoảng 600.000 trường hợp liệt sỹ thất lạc danh tính (trước đây gọi là “liệt sỹ vô danh”). Trong đó, có một nửa (khoảng 300.000 liệt sỹ) chưa quy tập được, nằm rải rác ở khắp các cánh rừng, con suối, chân núi hay các điểm cao, vốn là các chiến trường khốc liệt thời chiến tranh. “Đây là một con số rất lớn mà Đảng và Nhà nước ta cùng tất cả các đoàn thể đang nỗ lực tìm kiếm”, bác sỹ Thường nói.

Những người tìm mộ không ngoại cảm

Không hợp tác với các nhà ngoại cảm tức là không sử dụng phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm, vậy cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (gọi tắt là Hội) sử dụng phương pháp nào?.

fnhf

Bác sỹ Nguyễn Đình Thường - Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam.

Bác sỹ Thường cho hay, Hội có hẳn một phương pháp khoa học trong việc xác định các nguồn thông tin liên quan đến việc tìm mộ liệt sỹ.

Phương pháp này gồm có 6 bước. “Một là, tiếp nhận giấy báo tử của liệt sỹ do gia đình liệt sỹ cung cấp. Hai là, căn cứ vào giấy báo tử, chúng tôi sẽ xác định được liệt sỹ đó đã thuộc biên chế đơn vị nào, chiến đấu ở vùng nào trước khi hy sinh. Nếu không xác định được điều này thì coi như vô vọng. Ba là, chúng tôi sẽ thu thập các thông tin của các đồng đội, các cựu chiến binh (CCB) cùng đơn vị với liệt sỹ về nơi chiến đấu và các thông tin cần thiết khác. Bốn là, lá thư cuối cùng của liệt sỹ gửi về gia đình chính là một thông tin rất quan trọng. Lá thư đó có ghi mật mã của đơn vị mà liệt sỹ từng phục vụ. Năm là, nếu các CCB hay đồng đội cũ xác định có sơ đồ mộ chí thì điều kiện quy tập liệt sỹ sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa. Và cuối cùng, nếu có chỉ dẫn của nhà ngoại cảm đối với các gia đình liệt sỹ, nhất định phải qua xét nghiệm ADN!”, Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam nói.

Bác sỹ Thường nhấn mạnh: “Dù nhà ngoại cảm có nổi tiếng đến đâu đi chăng nữa thì xét nghiệm ADN vẫn là giải pháp tốt nhất để gia đình liệt sỹ xác định tính chính xác của phần mộ mà họ hằng kiếm tìm”.

Cũng ở giai đoạn cuối cùng là xét nghiệm ADN của hài cốt liệt sỹ, Hội sẽ hỗ trợ 60% kinh phí cho gia đình liệt sỹ, phần còn lại do Viện Công nghệ sinh học hỗ trợ theo hợp đồng giám định gen hài cốt liệt sỹ mà hai cơ quan này đã ký kết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc quy tập hài cốt liệt sỹ.

5 nhà ngoại cảm “mất điểm”

Lý giải về việc tìm mộ bằng ngoại cảm từ hiện tượng trở thành phong trào, Bác sỹ Thường cho biết: “Đối với các gia đình liệt sỹ, việc tìm đến các nhà ngoại cảm cũng na ná câu “Có bệnh thì vái tứ phương”.

Bởi lẽ, đã là người nhà liệt sỹ thì ai cũng muốn đi tìm và tìm bằng được hài cốt của người đã khuất. Khi hành trình thu thập thông tin về nơi có mộ liệt sỹ lâm vào bế tắc, mong ước tìm được dù chỉ là một manh mối le lói về cha, chú, con em, người thân của mình đã thôi thúc họ tìm đến các nhà ngoại cảm. Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng trả lời thân nhân liệt sỹ một cách tắc trách hay vô cảm bằng những câu: “Chúng tôi không biết, không nắm rõ”, vin ra lý do này, lý do kia cũng khiến nhiều người chỉ còn biết tin vào tâm linh”.

Cá nhân bác sỹ Thường từng sụp đổ niềm tin về ít nhất là... 5 nhà ngoại cảm có tên tuổi, gồm bà B.H (năm 1993), ông H.P (năm 1995), ông Ng, bà H và ông P (đều trong năm 2008).

Kể về câu chuyện của chính mình, bác sỹ Thường lắc đầu ngán ngẩm: “Chính tôi đã đi tìm mộ em trai mình là Nguyễn Đình Trường (SN 1950). Em tôi hy sinh tại chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Từ năm 1993 đến hết năm 2008, gia đình tôi đã tìm đến nhờ cậy 5 nhà ngoại cảm khác nhau, nhưng mỗi nhà ngoại cảm lại đưa ra một sơ đồ bái mộ khác nhau. Người nói thế này, người nói thế kia, cuộc tìm mộ đi vào vô vọng. Sau này, khi công nghệ giám định ADN đã có nhiều tiến triển thì cũng là lúc tôi nhận được một tin báo quan trọng từ Đoàn 584 của Tỉnh đội Quảng Trị.

Theo đó, họ cho biết đã tìm thấy 9 sơ đồ bái mộ, quy tập hài cốt liệt sỹ ở Nam Lào. Tôi đã lưu ý đến một sơ đồ ghi Điểm cao 550 có 3 mộ liệt sỹ và 3 ngôi mộ này đã được quy tập về Nghĩa trang Đường 9 của tỉnh Quảng Trị. Lấy mẫu của 3 ngôi mộ này về xét nghiệm, gia đình tôi đã tìm ra hài cốt của Trường”.

“Ngoài ra, chúng tôi xác định được danh tính của 2 hài cốt còn lại và đăng tin để thân nhân họ biết được”, vị Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sỹ Việt Nam kết lại câu chuyện.
 
Hy vọng giải mã 60-80% phần mộ liệt sỹ

Theo Bác sỹ Thường, sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, đến nay Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã dùng các phương pháp khoa học để tìm và xác định chính xác hơn 30 trường hợp liệt sỹ thất lạc danh tính.

Hội cũng đã liên hệ với các đơn vị quân đội trên cả nước, thu thập danh sách các liệt sỹ, lập cơ sở dữ liệu trên máy tính để hỗ trợ các gia đình liệt sỹ.

“Chúng tôi hy vọng sẽ giải mã được từ 60 đến 80% phần mộ liệt sỹ còn đang phải tìm kiếm. Việc tìm hài cốt liệt sỹ là trách nhiệm của cả đất nước, của rất nhiều thế hệ con cháu sau này chứ không của riêng cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Chúng ta cần phải chung tay, góp sức để ý nghĩa thiêng liêng của công việc được vẹn toàn”.

Các gia đình liệt sỹ cần sự hỗ trợ của Hội có thể liên hệ theo địa chỉ: Tòa nhà L7, 445 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội - ĐT: (04)62736080, (04)62736083 - Email: htgdlsvn@gmail.com 

Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sỹ Việt Nam ra đời ngày 17/9/2010 theo Quyết định số 1081 của Bộ Nội vụ. Hội chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2010. Chủ tịch Hội là Trung tướng Lê Văn Hân - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tôn chỉ, mục đích của Hội: Hỗ trợ các gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp các gia đình liệt sỹ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ chính sách tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ và gia đình liệt sỹ.

(Còn tiếp)

Ngọc Trìu (ghi)

Đọc thêm