Nhậu bi hài ký

Cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn được xem là có khả năng "nhậu" giỏi nhất nước. Nơi này, nữ sinh khiến người khác "lè lưỡi", thầy trò "bằng nhau" bởi đọ "trăm phần trăm"... Nhậu đã và đang gây những tác hại khôn lường.

LTS: Cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn được xem là có khả năng nhậu giỏi nhất nước. Và khi thói quen nhậu ăn sâu vào các tầng lớp xã hội, nó cũng đang gây ra những tác hại khôn lường.

Bài 1: Rượu tấn công ngành giáo dục

Không biết từ bao giờ, quán nhậu đã trở thành bãi đáp đêm của sinh viên ĐBSCL. Ở góc độ khác, việc các giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học tôn thần Lưu Linh làm sư phụ cũng đang làm đau đầu những người làm công tác quản lý giáo dục tại vùng đất này.

Sinh viên... nhậu

Ở vùng ĐBSCL hiện nay, hầu như tỉnh nào cũng có các trường cao đẳng và đại học. Trong đó, sinh viên tập trung đông nhất tại các trường đại học ở Cần Thơ, An Giang và Vĩnh Long, các tỉnh có các thành phố thuộc hàng sung túc nhất vùng.

Nói riêng về TP.Cần Thơ, đô thị này có đến 3 trường đại học và hàng chục trường cao đẳng nên tập trung khá đông sinh viên. Sinh viên ĐBSCL có “năng lực nhậu” cao hơn hẳn các vùng miền khác trong cả nước, vì sao?.

yhjytjk
Xỉn giữa đường, một hình ảnh dễ thấy ở ĐBSCL.

Điều này có nhiều nguyên do, nhưng một phần quan trọng đến từ “tập quán” lấy tửu lượng để đo... bản lĩnh đàn ông. Cũng vì thứ “bản lĩnh” này, không ít bạn trẻ là tân sinh viên nhưng đã nhập môn làm đệ tử Lưu Linh từ thời còn khoác áo học sinh phổ thông.

...12h đêm, tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, dãy quán nhậu vỉa hè vẫn tấp nập, kéo dài cả km. Hàng quán đông kìn kịt, thực khách đa số là dân... U25. Bên cạnh bàn của chúng tôi là một nhóm 6 cô gái đang cụng ly... 100%. Đáng nể ở chỗ, họ không uống bia mà chỉ uống rượu... chuối hột - loại rượu rẻ tiền mà mau “phê”.

Một cô nàng nâng cốc, ra vẻ đàn chị: “Nói cho cả phòng biết, kể từ hôm nay em tao là một phần tất yếu của cuộc sống phòng mình. Ông bà già bắt tao phải kèm cặp nó để nó vào đại học. Các chiến hữu hãy vì mình nhé!”. Một cô khác lên tiếng: “Em của bồ phải chào sân, ra mắt đàn chị đi”. Một cô bé rụt rè: “Em xin mời mấy chị”. Dứt lời, cô ta đưa ly rượu lên làm một hơi nghe cái ót. Cô chị hãnh diện nói: “Mấy đứa bây nó chấp nửa đường. Ở dưới quê đám giỗ, tiệc nào mà nó không cụng ly 100% với bà con!”.

Sát bên bàn của mấy cô gái là một nhóm sinh viên Luật đủ nam nữ. Trong bàn nhậu, cả nhóm đang bình phẩm về cách dạy của các giáo viên và bài giảng. Tôi xách ly rượu lân la làm quen. Cả bàn hồ hởi chúc mừng chiến hữu mới. Có lẽ khắp cả nước không có một nơi nào mà dân nhậu dễ chấp nhận nhau như ở ĐBSCL. Chỉ cần vài ba ly rượu là có thể “tình thương mến thương”.

N.T.K (sinh viên năm 2 Khoa Luật, Đại học Cần Thơ) cưa đôi ly rượu với tôi rồi nói: “Chú là nhà báo muốn khai thác chứ gì?. Con nói thật, nhóm chiến hữu của con lấy nhậu làm môn giải trí. Chứ tụi con biết làm gì hơn?. Đi loanh quanh chỉ có tiệm net, chat riết, game mãi cũng chán. Cà phê ư?. Nhạt phèo. Còn gì nữa đâu?. Phim ảnh, truyền hình, toàn những chương trình xa vời, xem xong mơ mộng viển vông, mệt cả đầu. Ra đây vài ba xị chuối hột, một dĩa càng ghẹ, một tô ốc luộc, lâng lâng ngà ngà, về ngủ một giấc, thế là hết một chiều cuối tuần...”.

Thấy tôi trầm ngâm, một chiến hữu khác của K lên tiếng: “Chú ngạc nhiên vì nhậu là giải trí hả? Thế chú biết nhậu qua mạng chưa? Tuần trước, các chiến hữu về quê, ở lại kí túc một mình, buồn, con lên mạng chat với thằng bạn ở Đại Học An Giang. Hắn cùng cảnh ngộ như con, thế là hai thằng rủ nhau nhậu. Mổi lần cụng ly là đưa ly rượu lên Webcam, và phải tìm âm thanh nào để gửi cho nhau sao cho nghe giống tiếng ly cụng nhau như thật. Đến khi hai đứa tìm ra tiếng âm thanh giống như thật thì... quắc cần câu rồi!”.

2h sáng, quán phải đóng cửa “theo giờ quy định” (?). Các nhóm lần lượt ra về. Cô thì đi liêu xiêu, cậu thì thòm thèm, lẩm bẩm trách quán sao không bán đến sáng...

Thầy giáo cũng... nhậu

Tôi  có nhiều người bạn làm trong ngành giáo dục, trong đó phần nhiều là giáo viên tiểu học ở vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) nên chuyện nhậu của mấy tay này, tôi thuộc làu. Nói ra đây không phải tôi chê trách những người bạn nhậu, nhưng họ làm nghề “gõ đầu trẻ” mà nhậu tới độ đó thì cần phải bị phê phán.

Ông Lê Ngọc Hân - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) lo lắng: “Việc giáo viên nhậu ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ít sáng tạo trong công tác giảng dạy. Thế nên chúng tôi thường xuyên kiểm tra việc giáo viên uống rượu khi lên lớp. Nhưng ngoài giờ lên lớp, nhậu là quyền cá nhân của họ, không cấm được...”.
Hôm tôi về huyện An Minh công tác, lâu ngày gặp nhau, nói năm ba câu chuyện rồi họ rủ tôi... nhậu! Thấy vậy, tôi e dè vì đang trong giờ học, ảnh hưởng đến học sinh, ngay lập tức người bạn trấn an: “Đã bố trí người dạy thay”. Thôi thì cứ nghe vậy. Đang trong “chiếu nhậu”, thi thoảng lại có một giáo viên đi qua, tạt vào “làm quen” với vài ly rồi... tiếp tục lên lớp. Thấy ngại, tôi nói giáo viên có hơi rượu như thế thì các em học sinh làm sao tiếp thu được bài. 

Cũng với giọng nói cho khách an tâm: “Trời! Ăn nhầm gì vài ba ly, nó uống cả lít rượu còn chạy xe về tốt”. Tôi cũng bất lực với lý giải của bạn, nhưng cũng cố tìm cách từ chối khéo để tránh cái chuyện giáo viên “lỡ tay”  khi “ma men” nhập vào rồi gây chuyện với học sinh!

Trường hợp nhậu rồi lên lớp dạy thì ít, nhưng hết giờ thì chuyện nhậu của một bộ phận giáo viên tiểu học, nhất là ở vùng sâu, phân hiệu trong ấp thì... hơi bị nhiều. Có lần công tác về huyện Vĩnh Thuận, tôi cũng nghe phụ huynh phản ánh nhiều về chuyện giáo viên nhậu rồi đi đứng, nói năng thiếu tế nhị, thậm chí còn gây chuyện đánh nhau. Thật lòng lúc đầu tôi không tin, nhưng có dịp vào ngồi chung mâm thì mới tá hỏa. Mới đầu thì còn thầy, xưng em, tôi nhưng dần về sau là “tao, mày”, có khi nhậu đến “bí tỉ” không biết đường về... 

Đang trên đường công tác từ kinh Chắc Băng đi lên kinh 14 (Vĩnh Thuận, Kiên Giang), trời vừa chập tối thì tôi thấy có người dắt xe đi không vững. Chạy tới hỏi thăm, lập tức tai tôi hứng một tràng tiếng “nước ngoài”. Người này còn buộc tôi phải dắt xe cho anh ta. Tôi từ chối, lập tức anh ta xông vào, xuống tấn, múa “túy quyền” ra oai.

Tức giận, tôi định “dạy” cho anh ta một bài học thì mấy người ở xóm chạy ra ngăn cản vì đó là... thầy giáo dạy con em địa phương này. Thầy có tật hay nhậu và thường xuyên “phê” như vậy. Lắc đầu ngao ngán, tôi bỏ đi mà trong lòng cứ đau đáu cho thế hệ học sinh ở đây.

Ông Đoàn Chí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) nói: “Số lượng giáo viên, nhất là bậc tiểu học, có chiều hướng nhậu đang gia tăng. Để hình ảnh thầy giáo say xỉn tối ngày thì khó coi lắm. Chúng tôi đã ra quy chế hẳn hoi để có hình thức răn đe. Năm học 2009-2010, chúng tôi phải thi hành kỷ luật 2 trường hợp nhậu bê tha trong giờ đứng lớp, trong đó buộc thôi việc 1 người”.

Ngọc Long

(Còn tiếp)

Đọc thêm

Lái xe vi phạm nồng độ cồn “thông chốt” kiểm tra tại Hạ Long

Lái xe và phương tiện vi phạm tại Hạ Long.
(PLVN) -Đêm 18/4, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGTĐB) số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao lái xe Sú Văn Đông sinh năm 1988 và các đối tượng liên quan tới Công an TP Hạ Long để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm
(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.