'Trẻ em không có lỗi, con thứ ba cũng phải được đến trường'

Trẻ vui chơi tại Trường mầm non xã Quỳnh Tân (ảnh D.Hòa)
Trẻ vui chơi tại Trường mầm non xã Quỳnh Tân (ảnh D.Hòa)
(PLO) - Sáng ngày 22/8, ông Võ Minh Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, sau khi nhận được thông tin những học sinh thuộc trường hợp sinh con thứ ba không được nhập học tại xã  Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu), Phòng đã làm việc với Ban thường vụ xã và Trường mầm non để chấn chỉnh lại sự việc. 

Theo ông Võ Minh Kỳ, việc những trường hợp sinh con thứ ba tại xã Quỳnh Tân không được nhập học là do nhà trường tự ý đưa ra chủ trương đó, còn UBND huyện và Phòng Giáo dục huyện không nắm được, cũng không thấy phía xã và nhà trường báo cáo. Hiện còn 37 em trên tổng số 61 em thuộc trường hợp sinh con thứ ba chưa được nhập học.

Để giải quyết tình trạng trên, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình UBND tỉnh và Sở GD&ĐT để xin kinh phí cải tạo lại hai hội trường thôn đảm bảo điều kiện cho công tác dạy và học của cô và trò.

“Trẻ con không có lỗi gì trong trường hợp này, lỗi trong trường hợp này là của bố mẹ. Trẻ con sinh ra có quyền được chăm sóc và được học hành, không ai được chọn mình là con thứ mấy nên việc các em cần được đến trường là điều hoàn toàn đúng đắn…”, ông Kỳ cho biết. 

Trước đó như báo PLVN đã đưa tin, trên một số phương tiện truyền thông báo chí phản ánh câu chuyện về sự bức xúc của nhiều người dân tại xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) con cái của họ không được nhập học vì là con thứ ba.

Vợ chồng anh Cao Trọng Tư (SN 1979, trú tại xóm 3, xã Quỳnh Tân) mấy ngày qua chạy ngược chạy xuôi để tìm chỗ cho con trai thứ ba là cháu Cao Trọng Gia Bảo (3 tuổi). Dù đến tuổi nhập học mầm non nhưng vì thuộc trường hợp sinh con thứ ba nên cháu Gia Bảo không được nhận vào học dù những bạn cùng trang lứa được nhập học bình thường. 

Khi đến hỏi các cô giáo trong trường về việc dựa vào quy định nào mà không nhận cháu nhà anh vào học thì các cô nói đây là quy định riêng của địa phương.

Vì còn công việc nên cũng không có nhiều thời gian, con không được nhập học anh đành phải nhờ ông bà nội trông giúp để đi làm. Ngoài trường hợp anh Tư thì còn rất nhiều hộ gia đình khác rơi vào cảnh con không được đi học vì sinh con thứ ba. 

“Bố mẹ sinh con thứ ba thì bố mẹ nộp tiền vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình rồi, mọi nghĩa vụ của địa phương gia đình đều đóng đầy đủ mà con người khác được đến trường, con tui lại không ?, chị Hồ Thị K. bức xúc.

Vì không có người trông con nên việc đưa các cháu đến trường nhập học là điều hết sức cần thiết, cũng là để các con hòa đồng cùng bạn bè, mạnh dạn hơn trong giao tiếp cũng như sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, đó là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. 

Trước đó, trao đổi với báo chí cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non, và ông Hồ Minh Mậu, chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, thừa nhận ở địa phương có chuyện xét tuyển học sinh vào trường mầm non học dựa vào việc gia đình sinh con trong, ngoài kế hoạch.

Theo cô Thủy, đầu năm học mới, qua khảo sát của nhà trường thì tổng số trẻ tự nhiên trên địa bàn xã từ 3-5 tuổi là 1.024 cháu, từ 0-2 tuổi là 848 cháu.

Trường mầm non Quỳnh Tân có 4 cụm trường với 17 phòng học. “Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, năm học này chúng tôi xét tuyển 780 cháu 3-5 tuổi, còn lại 244 cháu chưa được đến trường do thiếu phòng học. Độ tuổi nhà trẻ 0-2 tuổi chỉ được 97 cháu. Số đông còn lại ở nhà. So với năm học trước chúng tôi đã mở thêm 5 lớp mẫu giáo, mở lớp dạy tại nhà văn hóa xóm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế”, cô Thủy nói.

Cô Thủy cho hay việc xét tuyển dựa vào gia đình sinh con thứ ba là giải pháp của địa phương “cấp trên không có chủ trương này”.

Còn theo ông Hồ Minh Mậu thì tại các cuộc tiếp xúc cử tri người dân đã nhiều lần kiến nghị vấn đề giải quyết vấn đề phòng học cho trẻ mầm non nhưng tỷ lệ sinh con thứ ba ở địa phương cao (30%), tạo áp lực dân số.

“Trẻ 5 tuổi, chúng tôi đảm bảo 100% trẻ đến trường, không phân biệt sinh con thứ mấy.Những trẻ từ 3-5 tuổi chúng tôi ưu tiên trong diện gia đình sinh đẻ có kế hoạch. Dù biết là sai luật, ảnh hưởng đến dư luận, nhưng đây là giải pháp trước mắt bởi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phải chấp nhận”, ông Mậu nói./.

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.