Bí quyết trường thọ của cặp song sinh nhiều tuổi nhất Việt Nam

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam mới xác nhận hai cụ Cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc ở xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là cặp song sinh “bách niên giai lão” cao tuổi nhất Việt Nam.

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam mới xác nhận hai cụ Cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc ở xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là cặp song sinh “bách niên giai lão” cao tuổi nhất Việt Nam.

Trăm tuổi hãy còn xuân

Giữa một vùng đồi núi trung du nghèo khó, hai cụ vẫn vững chãi như hai cây đại thụ làm chỗ dựa cho cháu con. Sinh năm 1911 nghĩa là năm nay hai cụ vừa vặn tròn 100 tuổi. Tôi cứ lan man mà nghĩ rằng, trăm tuổi là ước muốn xưa nay của con người. Người ta chúc nhau “trăm năm hạnh phúc” rồi “trăm tuổi bạc đầu râu”. Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng viết “trăm năm trong cõi người ta”. Thế nhưng, mấy ai sống được đến tuổi trăm cho nên trường thọ như các cụ chắc phải có phúc lắm.

Cặp song sinh thọ nhất Việt Nam
Hai cụ Vi Thị Các và Vị Thị Đắc được công nhận là cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam.

Đã qua ba vạn sáu ngàn ngày sương gió nhưng trên khuôn mặt hai cụ bà Vi Thị Các và Vị Thị Đắc lúc nào cũng ánh lên nét hóm hỉnh, tươi vui. Mái đầu bạc trắng những sợi tơ thời gian, làn da hồng hào đã điểm đồi mồi nhưng ánh mắt vẫn sáng và nụ cười “móm mém” đầy hiền từ, ấm áp. Thấy bóng khách lạ vào nhà, cụ Vi Thị Các chống gậy từ trong buồng “lộc cộc” đi ra. Ngồi xuống chiếc tràng kỷ, cụ cất giọng sang sảng hỏi người con dâu: "Ai đấy? Ai đến chơi đấy?"

Bà Nguyễn Thị Khánh (67 tuổi, con dâu cụ Các) tự hào: “Bủ vừa mới nhặt lá ngô ở ngoài vườn. Nắng quá, tôi bảo bủ vào nhà nghỉ thì bủ bảo: Nhặt vào đun bếp không để mưa nó nát ra. Đến bây giờ bủ vẫn nhặt nhạnh lá ngô, lá nhãn rơi vãi. Việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân bủ vẫn tự làm được, đi lại vẫn vững lắm”. Thấy chúng tôi quay phim, chụp ảnh chị Khánh còn ghé vào tai cụ Các bảo: “Bu ơi, bu bỏ gậy ra cho các chú chụp ảnh cho nó hoành tráng”.

Đôi mắt giờ chỉ còn nhìn thấy mờ mờ, cụ Các hết sờ tay, sờ mặt chúng tôi rồi nói giọng ấm ức: “Mắt với mũi chả nhìn thấy, chả biết ai vào với ai, bực mình lắm”.  Nghe láng máng không rõ nhưng cụ vẫn không quên mời khách dùng nước. Ông Nguyễn Văn Luyện con trai thứ cụ Các năm nay đã quá tuổi thất thập tâm sự: “Bủ vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm, bộ quần áo đỏ thượng thọ với chiếc huy chương kỷ lục Việt Nam được bủ cất riêng trong hòm: Của Chính phủ cho tôi thì tôi phải giữ cẩn thận, bủ bảo vậy. Phải mỗi tội mắt bủ giờ không còn nhìn rõ nữa, tai năm trước còn điếc vừa chứ năm nay điếc hơn rồi. Con cháu muốn nói gì phải ghé sát tai nói oang oang mà có khi bủ vẫn chưa nghe ra”.

Cách đó vài trăm mét là nhà cụ Vi Thị Đắc, em song sinh của cụ Các. Cả gia đình cụ Đắc bốn thế hệ sống trong một ngôi nhà ba gian nhỏ, hẹp. Trước mắt tôi là hình ảnh một bà cụ tuy cao tuổi nhưng còn khá tinh anh. Đầy một tô cơm trộn lẫn với trứng, nhưng cụ vẫn tự tay lấy thìa xúc ăn chậm rãi với vẻ ngon lành. Bà Khánh bảo: “Cả hai cụ đều đã móm hết rồi nhưng lợi còn khỏe lắm, quả gì cứng gặp dần dần cũng ăn được trừ mỗi mía là không ăn được thôi”.

Ông Nguyễn Văn Ất, con trai cụ cho biết: “Mặc dù mắt hơi mờ nhưng mẹ tôi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Dù tuổi đã cao nhưng bủ không đau ốm, bệnh tật gì, cùng lắm chỉ cảm cúm nhì nhằng chứ chẳng phải đi trạm xá, bệnh viện bao giờ”. Còn bà Khánh, con dâu cụ Các thì cho hay: “Bủ hầu như không biết đến bệnh tật. Hôm nào trái gió trở trời, tôi tiêm cho 30 nghìn thuốc hay lúc nào ho chỉ cần uống hai viên thuốc là khỏi. Điều đặc biệt là hai bủ cùng cuống rau nên bủ này ốm hôm nay thì mai bủ kia cũng ốm. Ốm bé cùng nhau ốm bé, ốm to lại cùng nhau ốm to”.

Tuy chẳng biết chữ nhưng hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc đều thuộc lòng nhiều bài ca dao, tục ngữ, bài vè quê hương. Ông Luyện bảo: “Bủ Các không hài lòng còn mắng con, mắng cháu bằng những câu Kiều, nghe vừa hay lại nhẹ nhàng mà thấm thía”. Giọng đọc tuy run run, nhưng cả một bài vè dài gần trăm câu cụ Đắc đọc trôi chảy không vấp váp. “Xung quanh hàng tổng thì cao/Duy làng Cam Chú lọt vào đồng chiêm/Trải qua phong cảnh mà xem/Nhân đinh cũng thịnh, đồn điền lớn ghê”. Ngồi nghỉ một lúc, cụ Đắc đọc tiếp bài ca dao như đã thuộc từ ngày nào: "Mình nhớ ta như cà nhớ muối/Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng/Mình về, mình nhớ ta chăng?".

Nuôi “Phật” trong nhà

Miên man về miền ký ức, làng Cam Chú nơi hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc lớn lên là một miền quê nghèo khó đất cằn sỏi đá ở miền trung du Bắc Bộ. Thời Pháp thuộc, nhà nghèo không có ruộng, hai chị em phải đi hàng chục cây số mót khoai, mót sắn, mò cua bắt ốc, bươn trải mưa gió, thậm chí làm cả những công việc nặng nhọc như đóng gạch chỉ mong kiếm được “đồng tiền, bát gạo” nuôi con, nuôi cháu.

Cụ Vi Thị Đắc và gia đình người con út Nguyễn Văn Ất
Cụ Vi Thị Đắc và gia đình người con út Nguyễn Văn Ất.

Ông Nguyễn Văn Luyện khóe mắt cay cay khi nhớ lại công ơn của bậc sinh thành: “Cuộc sống ngày đó vất vả, thiếu thốn lắm. Có củ sắn ngon thì bủ dành cho con, cho cháu còn củ sống, củ sượng thì dành mình ăn. Đong được hai bơ con gạo cũng để dành nấu cơm cho con còn mình “thắt lưng buộc bụng” ăn mỗi bữa một củ khoai lót dạ. Bủ thương con thương cháu lắm, cả cuộc đời vất vả nuôi con, rồi lo dựng vợ gả chồng cho con cháu chứ chẳng bao giờ suy nghĩ cho riêng mình”.

Trải qua hai cuộc chiến tranh, cuộc sống có lúc tưởng như vượt quá sức chịu đựng nhưng các cụ vẫn nuôi dạy và chăm sóc các con chu đáo như cây tre trong vùng đất khô cằn, mảnh đất càng khắc nghiệt, sức sống càng mạnh mẽ. “Những khi đồng tiền kiếm được như muối bỏ biển so với nhu cầu sống của mấy mẹ con, tôi tưởng như mình sẽ buông xuôi hết nhưng nghĩ đến các con lại cố gắng lần hồi kiếm đồng tiền, bát gạo cho con cháu đỡ khổ”, cụ Các nói với đôi mắt rưng rưng.

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, mọi người trong gia đình hai cụ đều bảo chẳng có bí quyết gì ngoài việc các cụ luôn sống vui vẻ và thường xuyên lao động. Theo ông Nguyễn Văn Ất, con thứ năm của cụ Vi Thị Đắc thì: “Các cụ sống đơn giản lắm. Tuy cuộc sống thiếu thốn, nhưng các cụ luôn vui vẻ và thích lao động. Mãi đến năm chín mấy tuổi, các cụ vẫn làm việc lặt vặt giúp con cháu như nhổ cỏ, hái rau, trông cháu, giặt giũ”. Do quen nếp hay lam hay làm, các cụ vẫn thích tìm việc để làm giúp con cháu. Thế nhưng vì muốn bà, muốn mẹ mình được nghỉ ngơi nên con cháu kiên quyết không cho các cụ làm việc nữa, chỉ để các cụ tự lo sinh hoạt cá nhân.

Chế độ ăn uống của các cụ cũng rất đơn giản: Ngày ăn đủ ba bữa. Bữa sáng thường là bát cháo. Trưa và tối, mỗi bữa hai bát cơm đầy. Ngoài ra, các cụ còn ăn thêm các loại hoa quả và bánh ngọt… “Bủ ăn, ngủ tốt lắm. Cứ chập tối là bủ đi ngủ ngay. Ngủ liền một mạch đến tầm hơn 7 giờ sáng hôm sau mới thức, tự làm vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Buổi trưa lại ngủ thêm từ 2-3 giờ đồng hồ. Trông cụ có phần còn khỏe mạnh dẻo dai hơn tôi ấy chứ”, Ông Luyện, con trai cụ Các vừa cười vừa nói vui. 

Cụ Vi Thị Các và gia đình con trai Nguyễn Văn Luyện
Cụ Vi Thị Các và gia đình con trai Nguyễn Văn Luyện.

Trong ngôi nhà ba gian ấm áp, nhìn cảnh gia đình ông Luyện, ông Ất cùng các con, cháu, chắt quân quần bên mẹ, bà mới cảm nhận được hết không khí “Tứ đại đồng đường” của một gia đình Việt. Lúc nào ngôi nhà cũng đầy ắp tiếng cười đùa rộn rã. Bà Nguyễn Thị Khánh bảo: “Nhờ ơn giời phật, hai bủ mới sống lâu, sống thọ như vậy. Tôi vẫn tự hào vì được nuôi “ Phật” trong nhà nên lúc nào cũng căn dặn con cháu phải hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ, phải biết đoàn kết, yêu thương nhau”. Đó có lẽ cũng là nguồn động viên lớn lao để các cụ thêm tuổi, sống vui sống khỏe.

Hoàn Giang

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.