Bánh khoái không lời của 8 anh chị em câm điếc

Bánh khoái không lời của 8 anh chị em câm điếc
(PLO) - Bà Hồ Thị Trà (90 tuổi, chủ tiệm bánh khoái Lạc Thiện, số 6 Đinh Tiên Hoàng, phường Phú Hòa, TP. Huế) có 8 người con nhưng có tới 7 người bị câm điếc bẩm sinh. Cuộc đời không cho sự may mắn, nhưng họ đã biết tự vượt qua số phận.
Con dại thì thương nhiều hơn
Bà Trà gốc là con gái Kim Long, tình cờ gặp chồng người Quảng Trị. Ông bà nên duyên vợ chồng năm 1956. Vợ chồng đều khỏe mạnh bình thường, nhưng khi bà đang mang thai con gái đầu lòng thì bỗng đau ốm, mắc phải căn bệnh lạ dẫn tới lãng tai, rồi điếc hẳn.
Con gái đầu của bà bình thường, nhưng đến con thứ hai, đứa bé chẳng nói được gì, ngày nào cũng lặng như tờ, điếc rồi câm luôn. Bi kịch ấy cứ tái diễn cho đến lần bà sinh con thứ tám. “Nhiều đêm hy vọng đời mình rồi cũng sẽ sinh được thêm một đứa con lành lặn, nhưng càng hy vọng, vợ chồng tôi lại càng buồn não nề hơn sau mỗi lần mang nặng đẻ đau”, bà nhớ lại.
Bà Trà đã 90 tuổi vẫn hướng dẫn khách làm bánh khoái. Ảnh: L.C.H
Bà Trà đã 90 tuổi vẫn hướng dẫn khách làm bánh khoái. Ảnh: L.C.H
Chồng bà thấy vợ buồn, thường vỗ về an ủi: “Đừng buồn phiền nữa, con nào cũng là con. Con khôn thương ít, con dại thì phải thương nhiều. Vợ chồng mình ráng bươn chải làm ăn, bù đắp cho các con”. Có sự ủng hộ của ông, bà dần rời bỏ những sầu não và suy nghĩ tiêu cực. “Số kiếp đã vậy, đành chấp nhận”, bà trải lòng.
Bảy người con tật nguyền (4 gái, 3 trai) đều bị câm điếc nhưng ai nấy đều xinh đẹp, được đi học tử tế, làm gì cũng giỏi, cũng có tiếng. Người con trai thứ hai Lê Văn Lan là họa sĩ,  đã mở nhiều cuộc triển lãm được công chúng đánh giá cao, sau đó mở quán ăn đặc sản. Tiệm may Phương Mai do hai người con gái Lê Thị Hoàng Anh và Lê Thị Thu Cúc làm chủ tiệm, là một trong những tiệm may đẹp nổi tiếng xứ Huế… Điều may mắn cho gia đình này là hơn 30 đứa cháu của bà Trà không ai bị khuyết tật như bố mẹ.
Sản phẩm bánh khoái "không lời" của gia đình câm điếc. Ảnh: L.C.H
Sản phẩm bánh khoái "không lời" của gia đình câm điếc. Ảnh: L.C.H
Bà Trần Thị Nguyệt (60 tuổi, con dâu đầu của bà Trà) chia sẻ: “Cả nhà bên chồng tôi tuy câm điếc, chịu sự thiệt thòi nhưng vẫn lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ, tự nuôi sống mình, không phụ thuộc hay trở thành gánh nặng của xã hội. Bù lại mọi người đều rất khỏe mạnh, đẹp trai, xinh gái. Dâu rể trong nhà về đây đều tự nguyện, không ai bị ép buộc. Như tôi, trước đây có nhiều anh chàng theo đuổi mà duyên chưa tới. Tôi ở làng Sình, một lần chồng tôi đi sang xem vật, làm quen, rồi thư từ qua lại. Anh không nói được cũng có cái hay, cái duyên thầm. Rồi khi tôi lên nhà anh chơi, thấy nhà thành phố, lại có cái vô tuyến là tôi… “đổ” luôn”, bà nói vui.
Tiệm bánh khoái không lời
Sở dĩ sinh con đông, lại bị tật nguyền, nhưng vợ chồng bà Trà cũng xây được nhà cao tầng, dựng vợ gả chồng, cho các con vốn liếng làm ăn, chính là nhờ món bánh khoái. Bà Trà rất đảm đang, làm đủ thứ nghề như làm mứt gừng, bánh in, bánh ướt. Năm 1960, bà chuyển sang nghề làm bánh khoái.
Bà học nghề từ chính anh trai, vốn là “đệ tử” của một đầu bếp cung đình Huế. Tên quán Lạc Thiện, từ Lạc là do ông chồng bà từ Quảng Trị lưu “lạc” vào Huế sinh sống, lập nghiệp. Còn từ Thiện là tên của chồng bà.
Ở phía Đông Nam kinh thành Huế, từ công viên Thương Bạc vào đến cửa Thượng Tứ, có một đoạn đầu đường Đinh Tiên Hoàng khá đặc biệt: Phía số chẵn có gần 20 nhà nhưng có tới 7 nhà là các con câm điếc của bà Trà. Họ cũng đang sở hữu thương hiệu bánh khoái Thượng Tứ.
Nhiều khách đến ăn cũng một phần vì tò mò, muốn tìm hiểu vì sao 7 con của bà Trà đồng loạt bị câm điếc như vậy. Ba quán Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Lạc Thuận nằm cạnh nhau. Chủ quán Lạc Thiện nay là anh Lê Văn Trung, con trai lớn. Chủ hai quán còn lại lần lượt là anh Lê Văn Thạnh và chị Lê Thị Thanh Yến. Ngoài ra còn có 5 đứa cháu của bà Trà cũng đang theo nghề này.
Khách mới tới, thường sẽ bất ngờ khi thấy người chủ tiệm đẹp trai nhưng chỉ biết ra dấu, cô hàng bánh xinh đẹp cũng chỉ dùng được mấy ngón tay làm ký hiệu tính tiền. Họ còn khá giỏi tiếng Anh, có thể viết trên giấy “chuyện trò” với người nước ngoài.
Chị Lê Thị Thanh Thúy (37 tuổi) và chị Lê Thị Thanh Hương (29 tuổi) là những người theo nghề của bà nội cho biết, thuở trước, người xứ Huế gọi bánh này là “bánh khói”. Lý do, thứ nhất, ngày xưa để có những chiếc bánh thơm ngon, người đổ bánh trên bếp củi mà trời mưa quanh năm nên củi ướt, khói mù mịt cả gian bếp làm cay xè mắt. Thứ hai, phải ăn lúc bánh còn nóng hổi, ngào ngạt tỏa khói mới ngon.
Bánh vốn có tên bánh khói, do người Huế phát âm sai nên đọc chệch thành “bánh khoái”. Bánh khoái dễ khiến người chưa quen nhầm thành bánh xèo vì có nhiều nét tương đồng, chỉ có điểm khác bánh khoái nhỏ, dày và ăn giòn hơn.
Anh Huỳnh Như Quốc Hưng một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Khách Tây họ ăn nhiều đồ ngọt nên khi ăn bánh mặn họ rất mê. Giá thành lại bình dân một cái chỉ 25 nghìn, ăn 2 cái là no. Nhưng khi có đoàn khách muốn thưởng thức ẩm thực Huế, tôi đều chỉ tới quán này”
“Mình làm giàu chính đáng, lại góp phần gìn giữ nghề gia truyền nên rất vui. Quán của chúng tôi đông nhất là vào những dịp Festival, mỗi ngày bán tới 1000 cái là chuyện thường. Ngoài bánh ngon, bí quyết để thành công đó là phong cách phục vụ phải tốt, trung thực, không được dối trá khách bất cứ điều gì”, người con dâu Lê Thị Lệ chia sẻ thêm bí kíp thành công.

Người nhà bà Trà chia sẻ bí kíp để được 1 đĩa bánh ngon, đạt chất lượng: “Khuôn đúc bánh khoái phải làm bằng chất liệu gang. Đầu tiên là khâu chọn bột rất kỹ càng. Đó là loại bột gạo ngon, được xay kỹ cho thật mịn, sau đó hòa với nước sao cho hỗn hợp không quá đặc để bánh được ngon và cho một chút muối ăn vào. Vòng ngoài khuôn được sắp thêm thịt bò cùng tôm tươi và chả. Giữa khuôn là rau giá, hành. Chảo bánh đã nóng, cho dầu ăn đảo đều rồi cho các thứ trong khuôn vào gần chín, sau đó nhanh tay múc bột lỏng đổ vào, rưới trứng đã đánh nhuyễn tráng lên bề mặt bánh, đậy nắp khuôn lại”.
Tiếng xèo xèo vang lên cùng mùi thơm lừng thật khó cưỡng lại. Bánh chín vàng, gập đôi lại để trên chiếc đĩa sứ trắng tinh, nghi ngút khói. Màu vàng tươi của bột và trứng, màu đỏ của tôm, trắng của giá, hồng của chả, xanh của hành tạo nên ngũ sắc bắt mắt. “Bánh ở quán chúng tôi khi khách tới mới bắt đầu chế biến để ăn được nóng. Khách có thể học theo”, người cháu nói.
Nước lèo ở quán Lạc Thiện là bí quyết của quán, được chế biến công phu với nhiều nguyên liệu như gan heo, thịt nạc băm nhuyễn kết hợp với mè rang, đậu phộng giã nhuyễn cùng nước tương đậu nành Huế chưng cất kỳ công. Nấu nước lèo cũng không được nấu nhiều mà mất ngon. Ngoài ra món rau ăn kèm cũng được quán chọn lựa rất kỹ, với rau cải con, rau thơm, hành ngò đi kèm vài lát chuối chát, khế chua, vả, tất cả đều thái mỏng.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.