Tránh đền thiêng, đường Thụy Khê vẫn chưa có giải pháp

Việc ùn ứ tại khúc cua đền Long Tỉnh là điều không lạ vào mỗi giờ cao điểm
Việc ùn ứ tại khúc cua đền Long Tỉnh là điều không lạ vào mỗi giờ cao điểm
(PLO) - Đã từ lâu, nút thắt cổ chai cuối đường Thụy Khuê, đoạn đi qua đền Long Tỉnh (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) càng khiến giao thông vốn đã phức tạp của khu vực giáp ranh giữa 3 quận trở nên khó khăn. Việc ùn tắc, va chạm xảy ra ở đây như… cơm bữa.
Khúc cua nguy hiểm
Ngã tư chợ Bưởi là điểm giáp ranh của 3 phường thuộc 3 quận (phường Bưởi  - quận Tây Hồ, phường Vĩnh Phúc - quận Ba Đình và phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy). Nơi này thường xuyên diễn ra tình trạng quá tải lưu lượng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Anh Bùi Tuấn Dương, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế - đô thị phường Bưởi cho biết, ngoài đội Cảnh sát giao thông luôn bố trí 2 đồng chí phân làn, điều tiết giao thông vào giờ cao điểm ở đây, phường cũng liên tục cử công an và dân phòng hỗ trợ.
Vấn đề gây khó khăn cho các chuyên gia quy hoạch chính là nút giao thông cách ngã tư chợ Bưởi khoảng 100m, nằm trên trục đường phố Thụy Khuê, đoạn đi qua đền Long Tỉnh. Đoạn đường này phải gọi chính xác là khúc cua, khuất tầm nhìn, lại là nút thắt, lòng đường hẹp, rất khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển qua đây. 
Đặc biệt, có một gờ viền miệng cống bằng sắt hình chữ nhật nhô lên khá cao so với cốt đường, trong khi đó miếng nắp cống bằng bê tông lại võng, nền đường xung quanh nắp cống sâu hoắm xuống gần chục centimet. Nắp cống vừa lồi, vừa lõm, vừa trồi, vừa sụt hình chữ nhật có kích thước 1,2 x 1m này nằm bên phần đường cách tường đền Long Tỉnh chỉ chừng 50cm. 
Hiện tại, từ số 567 đường Thụy Khuê chỉ có một chiều ô tô được đi về hướng Lạc Long Quân. Dù đã cố gắng hạn chế ô tô qua lại nhưng theo quan sát, chỉ cần một chiếc xe buýt hay một chiếc xe 24 chỗ trở lên đi qua khúc cua là đã chiếm gần hết mặt đường, gây cản trở cho các phương tiện xe máy lưu thông chiều ngược lại.
Ông Nguyễn Văn Tân, một người dân sống gần khúc cua cho biết: “Đoạn đường này hàng ngày cứ 2 tiếng buổi sáng, 2 tiếng buổi chiều là ùn ứ, bất kể ngày thường hay ngày lễ. Vào thứ Sáu hoặc thứ Hai thậm chí tắc cứng cả tiếng đồng hồ”. 
Các phương tiện khi đi qua đoạn đường này thường phải di chuyển ở tốc độ chậm và quan sát thật kỹ. Do mặt đường hẹp, lại là khúc cua khuất tầm nhìn nên nhiều phương tiện phải “phi thân” vào những hố gồ ghề của nắp cống, nhiều xe máy không kịp giảm tốc độ nên chuyện vấp ngã, va quệt là chuyện thường. 
“Chuyện tai nạn ở đoạn đường này như cơm bữa, ngày nào cũng một vài vụ. May mắn là ít có tai nạn nghiêm trọng, có lẽ do mọi người đều đi chậm” - chị Hoa, một người bán hàng cho biết. Hàng chục năm nay, khúc cua qua đền Long Tỉnh vẫn luôn là vấn đề không thể tháo gỡ đối với giới quy hoạch cũng như những người quản lý an ninh trật tự đô thị. Tại sao vậy?
Không thể tháo gỡ?
Một người dân (xin được giấu tên) cho biết, suốt 20-30 năm nay không ai dám đốn hạ cây đề ở ngã ba Bưởi - Lạc Long Quân để mở rộng thêm phần đường vốn đã chật hẹp. Mặc dù trước đây thành phố đã đồng ý đốn cây nhưng không thể thuê được ai. Cũng có người nhận nhưng chưa đốn được cành nào thì không hiểu vì lý do gì đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Người đàn ông này kết luận: “Cây đề còn thế, đền Long Tỉnh này ai dám động vào”. 
Một số người địa phương cho biết thêm, hiện nay vẫn còn một cây cổ thụ mọc chòi từ trong đền ra, một nửa thân cây ăn vào bên phải đền, một nửa cây mọc lộ thân ra đường. Ngọn cây thì đội thẳng mái đền vươn lên hít không khí. Không ai dám ngắt lá cây trong đền, sao dám phá cây. Theo người dân, đền đã có lịch sử hơn 1.000 năm, linh thiêng lắm. 
“Tránh đền là giải pháp tối ưu rồi, dân chúng tôi cũng chấp nhận di chuyển không thuận lợi mỗi khi đi qua đoạn đường này, vừa để bảo toàn di tích lịch sử, vừa giữ lại sự bình yên cho người dân nơi đây” - một người dân chia sẻ. 
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về việc “không thể tháo gỡ vấn đề” ở khúc cua Long Tỉnh, anh Bùi Tuấn Dương cho biết: “Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố và Viện Xây dựng Quy hoạch thành phố đều có ý kiến khẳng định quan điểm của Hà Nội là bảo vệ di tích, do vậy, căn bản sẽ phải vi chỉnh, điều chỉnh cục bộ để tránh và bảo toàn di tích”. 
Hiện tại, trên địa bàn phường Bưởi có 21 di tích được xếp hạng, có nhiều dự án mở rộng đường giao thông có ảnh hưởng đến di tích nhưng đều phải tránh và vi chỉnh cục bộ để bảo toàn di tích. Vị Phó Chủ tịch phường cho biết đoạn cua qua đền Long Tỉnh không phải là trường hợp đầu tiên: “Trước đây, phường cũng từng phải uốn cong kênh mương sông Tô Lịch, đoạn qua đền Đồng Cổ để giữ lại di tích”. 
Anh Dương cũng cho biết thêm, trước đây khi còn công tác ở Ban quản lý dự án quận Tây Hồ, bản thân anh cũng phải vi chỉnh cục bộ thành công 2 đoạn đường đi qua di tích là đường Tô Ngọc Vân tránh di tích đình làng Quảng An (tại ngõ 67 Tô Ngọc Vân) và đoạn đường 16,75m  nối từ cầu Nhật Tân với cầu Thăng Long vì đi qua giếng cổ, một bộ phận thuộc đình Phú Xá. 
Được biết, Hà Nội đã quy hoạch, mở rộng đường Thụy Khuê trong tổng thể bản quy hoạch A6 của quận Tây Hồ. Theo quy hoạch này, lòng đường Thụy Khê được mở rộng thành 19m (các đường khác, lòng đường thường rộng 25m). Trong quy hoạch, đoạn qua đền Long Tỉnh vẫn bị uốn cong. Như vậy, khúc cua qua đền Long Tỉnh, nút thắt cổ chai trên phố Thụy Khuê vẫn chưa thể xử lý…

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.