Sửa khung pháp lý về hoạt động nghệ thuật, biểu diễn: Dấu chấm hết cho tư duy “không quản được thì cấm”?

Bài hát Con đường xưa em đi từng bị cấm.
Bài hát Con đường xưa em đi từng bị cấm.
(PLVN) - Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc… có nội dung xóa bỏ khái niệm ca khúc trước năm 1975. Điều này khiến dư luận đánh giá cao, bước đầu làm hài lòng nhạc sĩ, ca sĩ, công chúng; nhất là xóa bỏ tư duy bị cho là “không quản được thì cấm”.

Xóa bỏ những giới hạn 

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 79 với chủ trương sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên, kể cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động; kinh doanh và người hưởng thụ.

Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là phải trân trọng mọi ý kiến đóng góp, đối thoại, giải đáp những ý kiến, lo lắng của mọi người cho rõ ngọn nguồn để tạo sự thống nhất tối đa có thể trong xã hội, để Nghị định mới sẽ có những điều chỉnh, bổ sung khác với Nghị định 79 cho phù hợp với đời sống xã hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79, điểm chú ý trong dự thảo là bãi bỏ quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975, với quan điểm không hạn chế về thời gian; không gian; đối tượng tham gia sáng tạo. 

Như vậy, các mặc định giới hạn đã có trước đây như “trước năm 1975”; hoặc “do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác” sẽ bị xóa bỏ, để ca khúc ở mọi thời điểm được công bằng như nhau. Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhấn mạnh, dẫu là ca khúc sáng tác năm 1995, 2005 hay 2015... nếu cứ vi phạm những điều cấm thì đều không được phép phổ biến chứ không riêng ca khúc trước năm 1975.

Bởi vì tất cả các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn thuộc giai đoạn nào hay do bất cứ ai sáng tác nếu có nội dung xuyên tạc lịch sử; bôi nhọ tổ chức, cá nhân; vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam sẽ không được sử dụng dưới tất cả các hình thức.

Đại diện Bộ VH-TT&DL nhận định rằng việc xóa bỏ khái niệm “ca khúc trước 1975” là cởi bỏ ranh giới phân biệt giữa các sáng tác nghệ thuật ở các thời điểm khác nhau. Tất cả  ca khúc đều được đối xử công bằng như nhau, là một xu thế bình thường của quản lý văn hóa để tiến tới sự quản lý tiến bộ, văn minh. Đây là bước tiến trong quản lý, điều cần phải làm như lẽ bình thường chứ chưa cần phải viện dẫn tới chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Việc xóa bỏ khái niệm ca khúc trước năm 1975 đã khiến cho dư luận quan tâm, đánh giá cao, bước đầu làm hài lòng nhạc sĩ, ca sĩ, công chúng… Điều này nhằm góp phần mở rộng không gian, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng quan trọng là tác phẩm nghệ thuật đó không đi ngược lại lợi ích dân tộc, không vi phạm pháp luật như xâm phạm, bôi nhọ tổ chức, cá nhân khác…

Ngoài việc bỏ cấp phép các sáng tác trước năm 1975, dự thảo tờ trình cũng đề xuất cấp phép trực tiếp cho các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn thay vì thông qua các đơn vị tổ chức sự kiện. “Các ca sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có thể xin phép trực tiếp Cục về thời gian và dòng nhạc mình biểu diễn tại Việt Nam thay vì nhờ một đơn vị tổ chức “bảo kê” dẫn đến tình trạng bị “độc quyền”, “nâng giá” hay hạn chế biểu diễn...” -  bà Tuyết Minh, chuyên viên Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay.

Nhớ chuyện “sửa sai”

Còn nhớ cách đây 2 năm, ông Nguyễn Đăng Chương khi đó là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn  từng khẳng định, 5 ca khúc  gồm “Cánh thiệp đầu xuân - tác giả Lê Dinh, Minh Kỳ”; “Rừng xưa - tác giả Lam Phương”; “Chuyện buồn ngày xuân -  tác giả Lam Phương”; “Con đường xưa em đi - tác giả Châu Kỳ, Hồ Đình Phương”; “Đừng gọi anh bằng chú - ghi tên tác giả là Diên An”  đều đã điều chỉnh lời bài hát so với bản gốc, nghĩa là vi phạm vấn đề bản quyền. “Chính vì vậy, cả 5 bài sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn”.

Trước việc 5 ca khúc bị “cấm”, dư luận đặt ra câu hỏi làm sao xác định được một tác phẩm là “bản gốc”? Cục Nghệ thuật biểu diễn đã kiểm chứng bằng cách nào, so sánh nguồn chính xác ở đâu để lấy lý do các tác phẩm trên sai phạm về nội dung để bị cấm lưu hành?

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần công bố bản gốc của 5 ca khúc này và lấy ý kiến của các nhà chuyên môn để có những đánh giá sâu sắc, khách quan nhất về tính nghệ thuật, tính lịch sử. Một tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật, trước khi đưa ra một quyết định nào đó cần cân nhắc nhiều chiều.

Khi dư luận yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố bản gốc các ca khúc trên nhưng ông Chương từ chối với lý do: “Quy định của pháp luật không có câu chuyện đó. Hơn nữa chúng tôi công bố là vi phạm quyền tác giả, chủ sở hữu bản gốc các ca khúc không cho phép công bố tại sao lại công bố”.  

Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định, 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành, trong đó có “Con đường xưa em đi” đều được các tác giả đăng ký bảo vệ quyền tác giả với VCPMC. “Những ca khúc này được Trung tâm Bảo vệ tác quyền cho đến khi Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành”.

Sau hàng loạt ca khúc bất hủ đã bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm sử dụng, nhiều khán giả lo lắng bản tình ca “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng mang số phận như vậy. Ca khúc “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu hiện tại về thời điểm sáng tác vẫn chưa xác định rõ ràng (năm 1917, 1918 hay 1919) hiện đang lưu hành trên thị trường với nhiều dị bản khác nhau và khán giả vẫn không biết đâu là câu từ thật sự trong bản gốc. 

Bên cạnh đó, dư luận đặc biệt quan tâm khi 3 ca khúc ““Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không có trong danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. Trong danh sách 2.587 ca khúc được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến, không có bất cứ sáng tác nào của nhạc sĩ Văn Cao ngoài ca khúc Quốc ca đã được gia đình nhạc sĩ hiến tặng cho Nhà nước. 

Theo đó, trên website chính thức của Cục Nghệ thuật biểu diễn, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Và thật bất ngờ, có tới 7 ca khúc “Buồn tàn thu”, “Chiều buồn trên bến Bạch Đằng”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi” là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục trên với tư cách tác phẩm của nhạc sĩ Văn Chung. 

Họa sĩ Văn Thao  chia sẻ: “Tôi không hiểu người ta cấp phép rồi sao lại ngừng cấp phép? Những sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao đã được cất lên gần một thế kỷ nay rồi, đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, tại sao lại phải đo đếm, nâng đặt với những nhạc phẩm ấy? Việc chưa cấp phép và sai tên tác giả chứng tỏ họ không biết một chút gì về nhạc sĩ Văn Cao. Đó là điều hết sức đáng buồn”.

Sau gần 2 tháng ban hành “lệnh cấm” 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 nói trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại ra quyết định thu hồi với lý do không đủ cơ sở, tạm thời dừng phổ biến. 

Chưa hết, tháng 5/2017, dư luận tiếp tục “dậy sóng” khi Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố phổ biến danh sách 300 ca khúc được cấp phép, trong đó có những ca khúc đi cùng năm tháng, được thể hiện rộng rãi trong suốt thời gian trước đó như “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Chào em cô gái Lam Hồng”…

Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”. 

“Đá quả bóng” trách nhiệm?

Trở lại Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 79, trong đó có đề xuất quy định Cục Nghệ thuật biểu diễn không tiến hành cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975 như trước đây nữa, mà các địa phương (dựa trên sự phân cấp quản lý cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương theo tinh thần Nghị định thay thế Nghị định 79) khi cấp phép cho các chương trình biểu diễn sẽ tự nhận định ca khúc nào “có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng” mỗi khi cấp phép biểu diễn.

Việc để cho các địa phương tự thẩm định các ca khúc có trong “vùng cấm” hay không đã khiến không ít người hoài nghi về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn đang “đá quả bóng” trách nhiệm cho địa phương. Việc lập danh sách những ca khúc bị cấm phổ biến là việc khó nhưng rất cần thiết. Việc này đòi hỏi có nhận thức tốt, trình độ thẩm định cao, bản lĩnh chính trị - tư tưởng vững vàng trên nền kiến thức sâu rộng về văn hóa, nghệ thuật của dân tộc và thời đại.

Trong khi trình độ cán bộ văn hóa các địa phương lại không đồng đều. Từ đó dẫn tới việc địa phương này cấp phép, địa phương kia lại cấm gây khó khăn cho các nhạc sĩ, ca sĩ và đơn vị tổ chức chương trình… Và không đồng nhất ý kiến này cũng như không có danh sách các bài trong “vùng cấm” cụ thể có thể gây nên tiêu cực.

Theo các nhà chuyên môn, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên nhận việc khó này về mình chứ đừng đẩy cho các địa phương hay là những người thẩm định và cấp phép cho từng chương trình biểu diễn cụ thể. Đây chính là trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng mà Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm, trong đó Cục Nghệ thuật biểu diễn là đơn vị trực tiếp phụ trách về chuyên môn.

Cục nên thành lập Hội đồng kiểm duyệt các ca khúc để tạo một danh sách các ca khúc “vùng cấm” cập nhật từng tháng, từng quý để gửi về các sở văn hóa địa phương để họ có cơ sở duyệt ca khúc. Tất cả các địa phương cứ chiểu theo đó mà cấp phép các chương trình địa phương mình. Pháp luật thì phải được áp dụng thống nhất trên cả nước, không thể có chuyện mỗi tỉnh một kiểu. Đó là yêu cầu về tính thống nhất của luật pháp.

Được biết, Dự thảo trên sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các địa phương trước khi trình lên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, sau đó tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi trình lên Chính phủ. 

NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL: Để địa phương tự thẩm định, họ sẽ chọn giải pháp an toàn, khi đó nghệ thuật sẽ thiệt thòi

Tất nhiên những bài hát nào đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, gây hận thù... thì cần phải cấm. Còn những bài hát về tình yêu đôi lứa, tình cảm con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước... thì thời đại nào, chế độ nào chẳng có, nên không thể cấm đoán.

Việc để cho các địa phương tự thẩm định các ca khúc có trong “vùng cấm”, tôi hơi lo về trình độ, nhận thức của cán bộ cấp địa phương có phần hạn chế. Kinh nghiệm làm quản lý nhiều năm của tôi cho thấy các nhà quản lý ở địa phương thường có xu hướng chọn giải pháp an toàn bởi tâm lý sợ trách nhiệm.

Với việc sợ trách nhiệm này thì chắc chắn khi gặp những bài hát họ hơi băn khoăn là họ sẽ ra quyết định cấm ngay cho an toàn. Tình trạng này sẽ lại gây ra một khó khăn khác cho biểu diễn nghệ thuật và có khi còn khó khăn hơn là quy định Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép như hiện nay.

Vì vậy, theo tôi khi thẩm định danh sách ca khúc trong chương trình, nhà quản lý địa phương nếu có băn khoăn, nghi ngại về bài hát nào đó thì họ cần trao đổi với Cục Nghệ thuật biểu diễn để tham khảo ý kiến. Như vậy, Cục vẫn thể hiện được vai trò của mình, đồng thời vẫn nâng cao nhận thức và năng lực quản lý của cán bộ địa phương. Ngoài ra, cần mở lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý ở địa phương.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Cần tránh sự hiểu lầm, những suy diễn không có lợi trong đời sống văn nghệ

Các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa cần cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc thẩm định trước khi đưa ra quyết định trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tránh những sự hiểu lầm, những suy diễn không có lợi trong đời sống văn nghệ, nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước đề ra. 

Nhạc sĩ Trần Tiến: Xin đừng “bới lông tìm vết”

 Việc cấm đoán bất cứ một bài hát nào cũng là điều đáng tiếc. Chưa nói đến việc bài hát đó đã có đời sống gắn bó với người nghe thì việc cấm đoán càng tạo nên những bức xúc. Khi công chúng đến với những ca khúc như thế, họ đến không phải vì ý thức chính trị mà là ý thức vì nghệ thuật, vì sự đồng điệu và yêu thích. Bài hát đó còn là kỷ niệm, là hình ảnh gắn liền với người thân của họ. Tôi cho rằng, việc cấm đoán như hiện nay đang thể hiện sự “bới lông tìm vết”.

Những ca khúc hay, đi vào tâm thức nhân dân giống như là lời ru vậy. Làm sao có thể dám mang đi để phê bình được. Chúng đã có một đời sống riêng và phải hay thì mới sống lâu được đến vậy. Sau những năm tháng khổ nhọc ấy, sau này cũng chính những ca khúc ấy lại được tôn vinh, tác giả ca khúc thì được trao tặng huy chương.

Mọi thứ đều tự nhiên bị cấm và tự nhiên được hát lại một cách bất ngờ. Tôi cho rằng, sự cấm đoán trong âm nhạc hiện nay của các cơ quan chức năng đang mang nặng cảm tính.

Bảo Châu (tổng hợp)

Đọc thêm

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cần quy định cụ thể về trừ điểm giấy phép lái xe

Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe được đánh giá là sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN).
(PLVN) -  Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật) là quy định về trừ điểm giấy phép lái xe. Tán thành với nội dung này nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng, lạm dụng khi thực thi.

Quy định mới liên quan quản lý tiền mới in

Quy định mới liên quan quản lý tiền mới in
(PLVN) - Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại NHNN chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định. Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận...

Ban hành Danh mục quy định về 9 loại hàng nguy hiểm

Một vụ vận chuyển trái phép hơn 50kg thuốc nổ, 60m dây cháy chậm, hơn 150 kíp nổ . (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) - Hàng nguy hiểm (hàng hóa nguy hiểm) là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 4/2024

Ảnh minh hoạ
(PLVN) -  Quy chuẩn quốc gia về phương tiện phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của ngành y tế… là một trong những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 4/2024.

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024

Nhiều thay đổi trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh: laodong.vn)
(PLVN) - Trong tháng 4/2024, một số chính sách mới sẽ có hiệu lực như: Chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi THPT năm 2024; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy, chữa cháy; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng…

Người bị giam giữ được sử dụng kinh sách để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng

Các phạm nhân đang đọc kinh sách.
(PLVN) -  Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2024; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Trình tự, thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập

Sửa đổi thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập từ ngày 1/5/2024. (Ảnh minh họa - Nguồn: chinhphu.vn)
(PLVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 23/2023/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản 2012 và Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản 2012.

Bộ Công an: Một số nội dung người dân cần biết khi Luật Căn cước có hiệu lực

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an (Ảnh: BCA).
(PLVN) - Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024, Bộ Công an đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật. Việc thu thập mống mắt, ADN sẽ được triển khai thực hiện như thế nào? Những ai sẽ cần đổi Thẻ Căn cước sau khi Luật có hiệu lực.. là những nội dung được giải đáp tại Họp báo Quý I/2024 do Bộ Công an tổ chức, chủ trì diễn ra vào sáng nay (26/3).

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Đề xuất ghi âm, ghi hình phiên tòa phải được chủ tọa cho phép

Ảnh minh họa. Plo.vn
(PLVN) -  Tại dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), TAND tối cao đề xuất việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện khi chủ tọa cho phép. Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp; phải được sự đồng ý của họ.

Đề xuất Bí thư tỉnh uỷ được bố trí nhà ở công vụ ngang cấp Bộ trưởng

Ảnh minh họa.
(PLVN) -  Tại Dự thảo Quyết định về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ, Bộ Xây dựng đề xuất tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với cán bộ ở địa phương được bố trí nhà ở công vụ với hai loại hình: Nhà liền kề diện tích đất từ 200m2 đến 250 m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 145 m2 đến 160 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho nhà liền kề và căn hộ chung cư công vụ này là 250 triệu đồng, tương đương với cấp Bộ trưởng.