Văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8/2016

Văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8/2016
(PLO) - Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2016 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 

Trong tháng 8 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 03 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

3. Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 31/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên quốc phòng.

2. Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

3. Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.

4. Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

5. Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

a) Hiệu lực thi hành: 10/10/2016.

Trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển cùng một nội dung thì áp dụng theo quy định của Nghị định này.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các chính sách hiện hành đối với bảo vệ và phát triển rừng ven biển như: Chính sách khoán bảo vệ rừng; chính sách đầu tư phát triển rừng; chính sách trong quản lý, sử dụng rừng ven biển; chính sách xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển...

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 14 điều, quy định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu (rừng ven biển trong Nghị định này bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất được quy hoạch để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng ở vùng ven biển và hải đảo).

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng ven biển ở Việt Nam.

Nghị định quy định cụ thể về quản lý rừng ven biển; chính sách đầu tư của nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển; nguồn vốn đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển; những hoạt động khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển; quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển; nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển; loại rừng, đối tượng, điều kiện được hỗ trợ và phương thức khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng ven biển; về dự toán vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển hàng năm; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ven biển; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

2. Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2017.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các quy định sau hết hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002; Nghị định số 115/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm 2, mục IV phần B danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006; (2) Các Điều 46, 47, 48 và các nội dung khác có liên quan đến phí thi hành án dân sự tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thi hành án dân sự; (3) Quy định về phí xử lý vụ việc cạnh tranh và lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ tại các Điều 51, 52, 53, 54, 55, 56 và Điều 57 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.

Nghị định này bãi bỏ nội dung về phí, lệ phí tại Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết các điều, khoản thuộc thẩm quyền của Chính phủ được giao trong Luật Phí và lệ phí. 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 08 điều, quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quản lý, sử dụng phí; quyết toán phí, lệ phí; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người nộp phí, lệ phí bao gồm tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật Phí và lệ phí; (2) Tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí; (3) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

Nghị định quy định cụ thể về kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí; nguyên tắc quản lý và sử dụng phí; xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí; tổ chức thực hiện; điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

 3. Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020.

a) Hiệu lực thi hành: 10/10/2016.

Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo tính chất đặc thù của Tập đoàn Viễn Thông Quân đội là vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; người lao động làm việc tại Công ty mẹ cũng như các công ty thành viên của Tập đoàn với nhiều loại đối tượng khác nhau (sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động), tuyển dụng, sử dụng lao động, xếp lương, trả lương được thực hiện theo các quy định ở nhiều luật khác nhau với cơ chế quản lý khác nhau (Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động; góp phần thực hiện thành công chiến lược trở thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng và Tập đoàn đa quốc gia trong tốp 20 tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới vào năm 2020 trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 10 điều, quy định về việc thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người quản lý doanh nghiệp, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng của Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; (2) Người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động của Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; (3) Người được Công ty mẹ ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội đầu tư tại tổng công ty, công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Nghị định quy định cụ thể về quản lý lao động; xếp lương và phụ cấp lương; quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; quản lý tiền lương đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; quản lý tiền lương đối với tổng công ty, công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; phân phối tiền lương; trách nhiệm tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành. 

4. Quyết định số 31/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên quốc phòng.

a) Hiệu lực thi hành: 10/10/2016.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho ngành Thanh tra quốc phòng tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, thuận tiện cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch đối với đội ngũ cán bộ Thanh tra và Thanh tra viên quốc phòng, góp phần quan trọng cùng toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 09 điều, quy định về tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên quốc phòng.

Quyết định này áp dụng đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên quốc phòng.

Quyết định quy định cụ thể về Thanh tra viên quốc phòng (Thanh tra viên quốc phòng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và phải có đủ tiêu chuẩn theo Điều 12 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra và các Điều 5, 6, 7 của Quyết định này); các ngạch Thanh tra viên quốc phòng; tiêu chuẩn ngạch Thanh tra viên; tiêu chuẩn ngạch Thanh tra viên chính; tiêu chuẩn ngạch Thanh tra viên cao cấp; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

5. Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

a) Hiệu lực thi hành: 22/9/2016.

Quyết định này thay thế Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; tạo thuận lợi cho công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới theo hướng tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận tốt hơn với dịch vụ trợ giúp pháp lý do Nhà nước cung cấp. 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 07 điều, quy định về việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và việc thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong trường hợp địa phương chưa tự cân đối ngân sách (ngoài địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn) không thể bảo đảm chi trả cho các vụ việc này.

Quyết định quy định cụ thể về đối tượng thụ hưởng và địa bàn áp dụng chính sách trợ giúp pháp lý; đối tượng thụ hưởng và địa bàn áp dụng hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng; các hoạt động hỗ trợ; định mức tài chính đối với các hoạt động hỗ trợ; nguồn kinh phí thực hiện quyết định; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và điều khoản thi hành.

 6. Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.

a) Hiệu lực thi hành: 15/10/2016.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm thực hiện khoản 9 Điều 25 và Điều 109 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; đảm bảo giá trị pháp lý của thông tin tờ khai hải quan điện tử và là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của các các cơ quan liên quan; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.

Quyết chế bao gồm 03 chương, 13 điều, ban hành kèm theo 02 phụ lục, quy định về việc cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Quy chế này áp dụng đối với: (1) Bên cung cấp thông tin: Tổng cục Hải quan; (2) Bên sử dụng thông tin gồm: các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các thủ tục hành chính khác; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường; các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng; các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công thương ủy quyền.

Quy chế quy định cụ thể về nguyên tắc cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; hình thức cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; nội dung cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử; thời hạn cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử; hệ thống tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan điện tử của bên sử dụng thông tin; đăng ký sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; trách nhiệm của Tổng cục Hải quan; trách nhiệm của bên sử dụng thông tin; trách nhiệm và kinh phí thực hiện.

7. Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

a) Hiệu lực thi hành: 15/11/2016.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng biển, cảng thuỷ nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; làm cơ sở để Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng và kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả xử lý chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hàng hoá, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về hạ tầng công nghệ thông tin của các Bộ; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; cung cấp cho doanh nghiệp thêm một công cụ để thực hiện thủ tục hành chính hiện đại; đáp ứng yêu cầu và nâng cao trình độ quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo đủ điều kiện để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ công cấp độ 4.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 27 điều, ban hành kèm theo 08 phụ lục, quy định về thủ tục điện tử áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia đối với: (1) Thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa; (2) Thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa; (3) Thủ tục tàu biển nước ngoài quá cảnh; (4) Thủ tục tàu biển nhập cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; (5) Thủ tục tàu biển xuất cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; (6) Thủ tục tàu biển hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển, cảng thủy nội địa; (7) Thủ tục tàu biển hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển, cảng thủy nội địa; (8) Thủ tục phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa Việt Nam; (9) Thủ tục phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa Việt Nam.

Quyết định này không áp dụng đối với các loại tàu thuyền khác theo quy định tại Điều 50, Điều 58 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, tàu thuyền không có số hiệu (số IMO).

Quyết định quy định cụ thể về chứng từ điện tử, chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử và ngược lại; thủ tục điện tử đối với tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa; thủ tục điện tử đối với tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa; thủ tục điện tử đối với tàu biển nước ngoài quá cảnh; thủ tục điện tử đối với tàu biển nhập cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; thủ tục điện tử đối với tàu biển xuất cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; thủ tục điện tử đối với tàu biển hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển, cảng thủy nội địa; thủ tục điện tử đối với tàu biển hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển, cảng thủy nội địa; thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa Việt Nam; thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa Việt Nam; địa điểm tiếp nhận, xử lý thông tin chứng từ; thanh toán phí, lệ phí điện tử; sử dụng chữ ký số; phối hợp trong tiếp nhận, trao đổi và xử lý hồ sơ điện tử; phối hợp trong tiếp nhận và xử lý các vướng mắc của người làm thủ tục; giám sát xử lý thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và hệ thống thông tin nghiệp vụ của các Bộ; đảm bảo vận hành Cơ chế một cửa quốc gia; ghi nhật ký các giao dịch; quản lý người sử dụng; hệ thống dự phòng; trách nhiệm của người làm thủ tục; trách nhiệm của các Bộ, ngành; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

8. Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

a) Hiệu lực thi hành: 10/10/2016.

Quyết định số 82/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh kiêm nhiệm và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Quyết định số 82/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh kiêm nhiệm và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần; phù hợp với thực tiễn thay đổi chế độ chung về tiền lương - phụ cấp và các chính sách đãi ngộ khác áp dụng ở những cơ quan hoặc chế định pháp lý có chức năng và mô hình tương đồng; đảm bảo quyền lợi và động viên, khuyến khích người tiến hành, tham gia tố tụng cạnh tranh.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 07 điều, quy định về chế độ bồi dưỡng đối với các thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

Quyết định này áp dụng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh; người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quyết định quy định cụ thể về chế độ bồi dưỡng đặc thù đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh làm việc kiêm nhiệm; chế độ bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần; chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia tọa đàm, họp xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại; nguyên tắc hưởng và nguồn kinh phí thực hiện; hiệu lực và trách nhiệm thi hành./.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.