Minh bạch tài sản: Chặn từ “ngọn” các nguy cơ tham nhũng

Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)
(PLO) - Thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn…

Đó là một trong những bất cập trong các quy định của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp kể cả sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). 

“Núp bóng” quà tặng để hối lộ 

Theo Chính phủ, thực hiện phòng ngừa tham nhũng, năm 2017 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó yêu cầu thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên dưới mọi hình thức; tiếp tục quán triệt và chấp hành nghiêm Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng. 

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý; đồng thời thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các xe ô tô đã tiếp nhận trước đây theo đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước và sử dụng đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Một số địa phương đã trả lại, không tiếp nhận xe do doanh nghiệp biếu tặng như Cà Mau trả lại 02 xe, TP Đà Nẵng trả lại 01 xe. 02 trường hợp ở Bình Thuận trả lại quà tặng với số tiền 12 triệu đồng. 

Nhưng trong vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm gây thiệt hại nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sau hơn 5 tháng tạm hoãn để điều tra lại đã cho thấy, tình trạng chưa kiểm soát được việc lợi dụng tặng quà để hối lộ như nhận định của Ủy ban Tư pháp về kết quả của công tác PCTN khi cho ý kiến về báo cáo PCTN năm 2017 của Chính phủ tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 vừa diễn ra trong tuần. 

Qua đối chất tại tòa với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, ông Ninh văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí (PVN) khai đã nhận hàng chục tỷ đồng đã được sử dụng làm “quà biếu”, “quà cảm ơn” kèm với áo sơmi hay chai rượu từ năm 2009 đến hết năm 2013. Số tiền lên đến khoảng 20 tỷ đồng này được ông Quỳnh chi cho cá nhân (mua ô tô, nhà, cổ phiếu, cho 2 con đi du học, gửi tiết kiệm) và một phần cho đời sống cán bộ nhân viên ban tài chính (khoảng 1,2-1,5 tỷ) cho những lần đi tham quan, nghỉ mát, sinh nhật, liên hoan trong vòng 5 năm.

Do vậy, một trong những biện pháp để phòng ngừa tham nhũng trong Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) là xây dựng chế độ liêm chính của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là một chế định mới được quy định trong Dự thảo trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh. 

Theo dõi biến động về tài sản, thu nhập 

Nhìn từ những vụ án tham nhũng đã, đang và sẽ đưa ra xét xử, việc minh bạch tài sản, thu nhập nếu được thực hiện nghiêm túc thì sẽ hạn chế rất nhiều “đại án tham nhũng”, những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức “sa lầy” vào tham nhũng. Năm 2017, Chính phủ cho biết, qua dư luận, báo chí đã phản ánh về tài sản của một số cán bộ cấp cao ở bộ, ngành, chính quyền địa phương. Từ đó, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh theo quy định. 

Kết quả cụ thể là: Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai: 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, TP Hà Nội, Yên Bái và Đồng Nai). 

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 03 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) vì thế nhấn mạnh tinh thần “Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp PCTN ngay từ “ngọn”. Nghĩa là khi tài sản của một cá nhân “có vấn đề” thì có thể đó chính là “kết quả” của hành vi tham nhũng nên cần kiểm soát. 

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Nội dung của Chương này bao gồm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; quản lý bản kê khai; theo dõi biến động; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình hợp lý. 

Điều 38 Dự thảo xác định rõ nội hàm và mục đích minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập, theo đó: Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính. Đồng thời, để việc kiểm soát tài sản thu nhập có hiệu quả, dự thảo đã xác định rõ các nội dung minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 39).

Nhằm thực hiện Kết luận số 10/KLTW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, với giải pháp kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập cho phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời gắn với thẩm quyền quản lý tập trung bản kê khai tài sản, thu nhập.

Dự thảo giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng có điều chỉnh cho rõ ràng hơn. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. 

Về đối tượng kê khai có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công. 

Dự thảo đã bỏ quy định về kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực; người được bổ nhiệm vào ngạch công chức và người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được dự kiến cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà chưa kê khai tài sản, thu nhập (khoản 1). Kê khai bổ sung đối với người đã kê khai lần đầu được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Người kê khai có nghĩa vụ tự mình giải trình đối với biến động về tài sản, thu nhập khi tiến hành kê khai bổ sung (khoản 2). 

Dự thảo kế thừa các quy định của Luật hiện hành và có sửa đổi cho phù hợp và gọn hơn, khắc phục tính hình thức. Các hình thức công khai trong Dự thảo theo hướng: (1) Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. (2) Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. (Phương án 1). Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đưa thêm phương án 2, công khai cụ thể theo từng nhóm đối tượng. 

Ngoài ra, theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới của Dự thảo nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành. Để đảm bảo cho việc kê khai được chính xác, trung thực nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai Dự thảo đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm: khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có dấu hiệu tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xác minh bắt buộc đối với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên và các vị trí khác (do Chính phủ quy định) nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính. 

Dự thảo quy định khi người đứng đầu xét thấy cần xác minh tài sản, thu nhập của người được dự kiến bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm dưới 0,9 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Cụ thể, quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng tại Điều 26 Dự thảo có nhiều điểm mới:

 “1. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Khi được tặng quà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được tặng quà và nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định. Khi được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn do pháp luật khác quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải công khai việc tặng quà và nhận quà tặng”.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.