Bộ trưởng Bộ Tư pháp "gỡ vướng" về chính sách cho người dân

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sáng nay trực tiếp giải đáp nhiều khúc mắc cho người dân về chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến nhập Quốc tịch cho người không có Quốc tịch tại Việt Nam, cấp giấy khai sinh, lập văn phòng công chứng tư..., đến quy định về tuổi kết hôn của nữ giới, hôn nhân đồng tính.

Sau lời chào trân trọng tới toàn thể nhân dân và độc giả theo dõi chương trình đối thoại trực tuyến, sáng nay, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời câu hỏi đầu tiên từ một bạn đọc ở Lâm Đồng, về chính sách của Đảng và Nhà nước với vấn đề nhập Quốc tịch cho người không có Quốc tịch tại Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, câu hỏi liên quan đến chính sách rất lớn của Đảng và Nhà nước. Vấn đề này đã được quy định trong pháp luật Việt Nam về quốc tịch từ năm 1945 đến nay. Theo đó, người không có quốc tịch thường trú ổn định, lâu dài tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, trở thành công dân Việt Nam, có các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam

Để giải quyết các trường hợp tồn đọng do lịch sử để lại, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định hẳn 1 điều (Điều 22) về việc cho phép nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 1/7/2009 và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

Thủ tục về việc nhập tịch rất đơn giản. Theo quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn có liên quan rà soát, lập danh sách, hỗ trợ họ làm hồ sơ, báo cáo Chính phủ để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân cấp xã là nơi trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ cho những người có nguyện vọng.

Người nhập tịch không phải nộp lệ phí. Thời hạn nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản nêu trên sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2012.

Thời gian qua, Chủ tịch nước đã giải quyết cho 3.170 trường hợp được nhập quốc tịch theo thủ tục này, trong đó chủ yếu là đồng bào cư trú dọc biên giới. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã nhận được gần 4.000 hồ sơ, đã trình Chủ tịch nước xem xét giải quyết 3.440 trường hợp; đang xem xét để trình Chủ tịch nước 152 trường hợp.

Hồ sơ vẫn đang được tiếp tục gửi về Bộ Tư pháp. Vừa rồi lãnh đạo Bộ có đi kiểm tra ở một số nơi, thì Thừa Thiên- Huế đã làm xong, nhưng Quảng Trị thì chưa. Quy định này chỉ có hiệu lực đến 31/12 năm nay. Chúng tôi đã chỉ đạo các tỉnh thành triển khai việc này rốt ráo, đảm bảo cho những người thường trú tại VN từ 20 năm được nhập tịch.

Trường hợp thuộc diện được nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản mà chưa làm thủ tục thì đề nghị liên hệ ngay với UBND cấp xã để nộp hồ sơ.

Sau ngày 30/12/2012 sẽ không còn thủ tục đơn giản nói trên nữa, muốn nhập quốc tịch Việt Nam, độc giả phải làm thủ tục thông thường theo quy định của pháp luật.

Về trường hợp một phụ nữ lấy chồng người Nga và đã định cư tại quê chồng nhưng vẫn chưa mất quốc tịch Việt Nam, muốn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, đã quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, để được tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực, tức là cho đến ngày 30/6/2014. Sau thời hạn này mà không đăng ký sẽ bị đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam; nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì họ sẽ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Bộ trưởng hướng dẫn độc giả liên hệ tới các cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga hoặc vào Cổng TTĐT Bộ Tư pháp để được hướng dẫn.

Từ 1/7/2014, những người không đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên mất quốc tịch.

Tự sửa Giấy khai sinh là vi phạm pháp luật

Trước băn khoản của một bạn đọc về việc có thể cải chính năm sinh trong Giấy khai sinh cho phù hợp với bằng tốt nghiệp Đại học được không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định không thực hiện được. Giấy khai sinh và tất cả số liệu trong giấy khai sinh là thông tin gốc theo quy định của pháp luật, mọi giấy tờ sau này phải phù hợp với giấy khai sinh.

Giấy khai sinh đã được đăng ký đúng với thực tế, nên không được cải chính. Theo quy định của pháp luật, Giấy khai sinh là giấy tờ gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ khác của cá nhân, trong đó có bằng cấp, có nội dung liên quan đến ngày, tháng, năm sinh thì phải đúng với ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh.

Trong trường hợp cụ thể của độc giả thì phải làm ngược lại, tức là phải điều chỉnh Bằng tốt nghiệp theo Giấy khai sinh. Cụ thể, để khắc phục sự sai lệch năm sinh ghi trong bản chính Giấy khai sinh và Bằng tốt nghiệp Đại học bạn đọc phải làm thủ tục điều chỉnh lại năm sinh trong bằng Tốt nghiệp Đại học theo năm sinh ghi trong Giấy khai sinh. Để làm việc này, độc giả cần liên hệ với trường Đại học nơi tốt nghiệp để làm thủ tục điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bậc phụ huynh không vì để được việc trước mắt mà làm khó cho con cháu sau này, nhất là việc tự sửa Giấy khai sinh còn là sự vi phạm quy định của pháp luật.

Về trường hợp một cặp vợ chồng có một con chung, đăng ký khai sinh cho con tại Hàn Quốc nhưng do mâu thuẫn vợ chồng đã ly hôn và người vợ đưa con về Việt Nam sinh sống, muốn đăng ký khai sinh cho con tại Việt Nam và có Giấy đăng ký khai sinh bằng tiếng Việt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết,  việc này trước 1/4/2006 thì không thực hiện được.

Nay, theo Nghị định 158 năm 2005 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/4/2006, nếu cháu bé có quốc tịch Việt Nam và đã về Việt Nam thường trú, người mẹ chỉ cần đem Giấy khai sinh của bé được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp (phải được hợp pháp hoá lãnh sự và dịch ra Tiếng Việt) đến Sở Tư pháp nơi thường trú để ghi vào Sổ việc đăng ký khai sinh việc cháu đã được đăng ký ở nước ngoài và không phải làm thủ tục đăng ký lại việc sinh cho bé.

Sau khi đã ghi vào sổ, Sở Tư pháp sẽ cấp cho bé Giấy khai sinh bằng tiếng Việt.

Trước một ý kiến cho rằng “công tác hộ tịch của chúng ta hiện nay vẫn đang bị chồng chéo và rất khó quản lý”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay kéo theo sự dịch chuyển lớn dân cư từ địa phương này sang địa phương khác, thậm chí ra nước ngoài.

Mặc dù năm 2005, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch đã có sự phân cấp nhiều loại việc đăng ký hộ tịch trước đây thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện tập trung cho cấp xã, nhưng việc đăng ký hộ tịch hiện tại vẫn đang được thực hiện ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã. Vì thế dữ liệu về hộ tịch được lưu giữ rất tản mát, có khi ở cả 3 nơi mà không tích hợp được với nhau, ví dụ, đăng ký sinh một nơi, thay đổi tên gọi ở một nơi, kết hôn lại ở nơi khác; không có cơ quan nào quản lý được đầy đủ các sự kiện hộ tịch của mỗi cá nhân.

Hơn nữa, việc quản lý các dữ liệu hộ tịch cơ bản là bằng văn bản giấy; cán bộ Hộ tịch thì thiếu về số lượng, chưa được chuyên nghiệp hoá, lại thường xuyên biến động, gần 1/3 chưa được đào tạo Luật...

Những hạn chế, bất cập này dẫn đến sự chồng chéo và khó quản lý như bạn nêu. Đã xảy ra nhiều trường hợp lợi dụng những bất cập, hạn chế đó để trục lợi cho bản thân, trốn tránh nghĩa vụ công dân, thậm chí trốn tránh cả sự trừng phạt của pháp luật.

Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, như việc phân cấp các việc đăng ký hộ tịch về cấp xã như tôi đã nói ở trên, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ... Tuy nhiên, những giải pháp này cơ bản vẫn là chắp vá, giải pháp tình thế.

Để giải quyết cơ bản, triệt để vấn đề, Bộ Tư pháp đã đề xuất, được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận và hiện đã soạn thảo trình Chính phủ Dự án Luật Hộ tịch với những nội dung mang tính cải cách như xây dựng mô hình đăng ký hộ tịch một cấp (tại cấp xã); cải tiến Sổ hộ tịch theo hướng cơ quan đăng ký chỉ có một Sổ bộ hộ tịch để quản lý và công dân có một Sổ hộ tịch cá nhân trong đó lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mình; cấp số định danh công dân khi đăng ký khai sinh; tin học hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch; xây dựng chức danh Hộ tịch viên chuyên trách. Nếu được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận, tin rằng trăn trở của bạn sẽ được giải toả.

Tìm giải pháp "trị" tận gốc nguyên nhân gây tồn đọng THADS

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, công tác thi hành án dân sự thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, từ thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ đến kết quả thi hành án, trong đó có việc giải quyết án tồn đọng.

Việc tồn đọng thi hành án dân sự có rất nhiều lý do, có lý do từ bản thân các quy định pháp luật chưa phù hợp. Có lý do khác là bản án tuyên nhiều khi không phù hợp với thực tế, không rõ.

Trong nhiều năm công tác thi hành dân sự của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức, đến năm 1993, công tác thi hành án dân sự mới bắt đầu được chuyển sang hệ thống của Chính phủ để có chỉ đạo thực hiện. Trước đó, tòa án chỉ đạo thực hiện thi hành án dân sự, có những việc tồn đọng nhiều năm.    

Nhận thức được việc này, khi soạn thảo để trình Quốc hội thông qua luật thi hành án dân sự vào năm 2008, Chính phủ đã có chỉ đạo để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội giảm một phần việc này. Khi trình dự án Luật THADS, Chính phủ đã đề nghị, được Quốc hội chấp nhận cho xóa một số lượng án tồn đọng. Đồng thời, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nhiều giải pháp. Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, đã giảm được khoảng 1/4 lượng án tồn đọng. Tuy vậy, số lượng án tồn đọng vẫn còn nhiều (trên 200 nghìn việc).

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt Bộ Tư pháp đang triển khai xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội Đề án miễn thi hành đối với những khoản thu cho Ngân sách Nhà nước không thu được tính đến ngày Luật THADS có hiệu lực (ngày 1/7/2009), dự ước sẽ giảm được khoảng gần 50 nghìn việc.

Bộ chỉ đạo toàn ngành THADS tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những việc có điều kiện thi hành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân loại án; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan THA và Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với cán bộ, Chấp hành viên cố tình chậm tổ chức thi hành án.

Tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp với Hội đồng nhân dân và Tòa án, Viện kiểm sát, với Ban chỉ đạo THA ở cả cấp tỉnh và cấp huyện...

Về lâu dài, Bộ Tư pháp đang chỉ đạo nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, kể cả Luật THADS để có thể giải quyết tận gốc những nguyên nhân tiếp tục gây ra sự tồn đọng trong THADS.

Kiến nghị Thủ tướng giải quyết nếu Bộ, ngành không xử lý văn bản trái luật

Nhận định chung về các văn bản pháp luật của một số Bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, các văn bản phải được xây dựng theo hệ thống, văn bản cấp dưới không được trái văn bản của cấp trên, đảm bảo nguyên tắc pháp chế. Chính phủ đã có riêng một nghị định về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện không đúng các qui định này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Trong năm 2010, 2011, Bộ Tư pháp đã kiểm tra trên 3.000 văn bản, phát hiện gần 600 văn bản có dấu hiệu sai, về hình thức, thể thức, thẩm quyền ban hành, đặc biệt có 261 văn bản chưa bảo đảm tính hợp pháp về nội dung. Nói “tuýt còi” thì hơi nặng nề, nhưng Bộ Tư pháp đã thông báo và đề nghị cơ quan ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý đối với những văn bản này.

Khi nhận được phản ánh, Bộ đã kịp thời kiểm tra và yêu cầu các địa phương, đơn vị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số địa phương đơn vị trong một số trường hợp vẫn thấy rằng lý lẽ của họ là đúng hơn lý lẽ của Bộ Tư pháp.

Nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản và thông báo kết quả xử lý cho Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, trong năm 2010 và 2011 vẫn còn 31 văn bản của 7 Bộ và 10 địa phương chưa tổ chức tự kiểm tra, xử lý theo thông báo của Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp đã đôn đốc và đầu tháng 7 vừa rồi đã có văn bản lần cuối đề nghị các bộ, ngành và các địa phương nói trên thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát và xử lý ngay những văn bản đã được thông báo. Sau thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được Công văn, nếu các Bộ, ngành và địa phương không thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Củng cố Trung tâm bán đấu giá để đáp ứng yêu cầu xã hội

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, trong thực tế xảy ra hiện tượng cò mồi, dìm giá trong bán đấu giá tài sản. Tiêu cực này xảy ra không chỉ lĩnh vực đấu giá mà còn cả trong lĩnh vực đấu thầu. Vấn đề ở đây là thực thi pháp luật không nghiêm. Theo quy định của Chính phủ, trong Nghị định 17, việc bán đấu giá đòi hỏi rất công khai, minh bạch theo trình tự quy định khá chặt chẽ.

Bộ Tư pháp đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản sung công, thực hiện việc này làm sao để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp cò mồi, dìm giá phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Về việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán đấu giá với các trung tâm bán đấu giá của nhà nước, đúng là theo quy định còn có khập khiễng, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, Bộ Tư pháp đã nắm được và cũng đang nghiên cứu để đề xuất có những sửa đổi, bổ sung phù hợp trong Nghị định số 17 của Chính phủ.

Về hiện tượng tiêu cực tại một số địa phương khi bán đấu giá quyền sử dụng đất làm thất thoát tài sản của nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, hiện trạng này xảy ra trong quá khứ, trước khi Nghị định 17 được ban hành.

Điều này chủ yếu do việc bán đấu giá quyền sử dụng đất được giao cho nhiều tổ chức thực hiện (Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cấp tỉnh), không có đấu giá viên chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục chưa được quy định chặt chẽ; trách nhiệm của người bán đấu giá chưa được quy định rõ; việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Hiện tượng này được nhiều địa phương và nhân dân phản ánh.

Chính vì vậy, năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17 quy định rõ về việc bán đấu giá các tài sản, nhất là tài sản công, trong đó có quyền sử dụng đất, cho tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thực hiện qua các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để bảo đảm tính chặt chẽ về trình tự, thủ tục, nguyên tắc công khai, minh bạch, nhằm hạn chế tiêu cực trong bán đấu giá tài sản nói chung, bán đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng.

Kết quả bán đấu giá tốt hơn so với trước đây, trình trạng tiêu cực đã được hạn chế nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 17 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như đội ngũ đấu giá viên còn mỏng, nhiều trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn cấp huyện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn chưa kịp thời; một số văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định còn chưa được ban hành.

Để khắc phục, Bộ Tư pháp chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có giải pháp phát triển, tăng cường đội ngũ đấu giá viên, phát triển doanh nghiệp bán đấu giá, củng cố Trung tâm bán đấu giá để thành một hệ thống hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo và thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Thông tư liên tịch về bán đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó sẽ hướng dẫn việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá sao cho chặt chẽ, đạt hiệu quả cao nhất và ngăn chặn được những tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.  

Nhiều vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài xử thành công ở Việt Nam

Nhận định về trình độ cũng như số lượng Luật sư đối với nhu cầu cải cách tư pháp cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, về cải cách tư pháp, trọng tâm cải cách là chuyển xét xử tòa án sang tố tụng, tranh tụng cũng như đòi hỏi có tham gia của luật sư. Chúng ta hiện có nhiều cố gắng, nhất là sau khi thông qua Luật Luật sư, nhưng tổng số luật sư hành nghề hiện là 7.200 luật sư và trên 3.500 luật sư tập sự, so với khu vực, thế giới còn ít.

Chính phủ mới ban hành chiến lược, đến 2020, phát triển đội ngũ này đến 18-20.000 thì mới đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

Về tăng cường tranh tụng trong xét xử, trên 21% các vụ hình sự là có luật sư bào chữa. Gần 80% chưa có người bào chữa. Tôi rất đồng ý việc trên phương diện này chúng ta chưa đáp ứng được và phải phát triển đội ngũ này (về số lượng), tuy nhiên còn nhiều vấn đề khác về chất lượng, trình độ...

Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư, trong số kể cả luật sư tập sự (hơn 10.000) mới có khoảng 100 luật sư có khả năng sử dụng ngoại ngữ, có 1-2 ngoại ngữ, có kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có 2 khía cạnh nếu nói về phương diện hội nhập. Chúng ta không nên nghĩ luật sư Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam, giỏi hội nhập, ngoại ngữ thì sẽ được tranh tụng ở nước ngoài, trừ ở các trung tâm trọng tài ở nước ngoài. Theo quy chế luật, họ cũng không câu nệ chuyện có phải là luật sư hành nghề ở nước đó không, còn nếu ra tòa án thì phải có chứng chỉ hành nghề của nước đó, thậm chí là bang đó (nếu là quốc gia liên bang).

Điều đáng mừng là có một số luật sư đào tạo ở nước ngoài cũng đã được cấp chứng chỉ ở nước ngoài. Còn tranh chấp có yếu tố nước ngoài, nhiều việc đã được xử ở Việt Nam, trong đó nhiều việc đã thành công.

Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Không được tạo định kiến với người đồng tính

Với vấn đề làm tốn giấy mực của báo chí suốt mấy tuần nay, công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thông tin, Luật hôn nhân gia đình của Việt Nam hiện nay cấm hôn nhân đồng tính. Vấn đề này phải được xem xét kỹ, thâu đáo trên nhiều phương diện: văn hóa, pháp lý, tập quán và đạo đức.

Có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế vì dù sao đây cũng là 1 nhóm người nhất là từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, không phải chữa trị và không thể chữa trị. Ý kiến này cho rằng thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính. Đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính.

Luồng ý kiến thứ 2 là không đồng ý sửa luật, đặc biệt là ở Việt Nam.

Cá nhân Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau.

Quy định tuổi kết hôn của nữ cần xét năng lực hành vi dân sự

Về độ tuổi kết hôn của nữ, khi có nhiều người đang muốn hạ tuổi kết hôn của nữ từ 18 xuống còn 16 tuổi, người đứng đầu ngành Tư pháp Việt Nam thông tin, pháp luật các nước trên thế giới quy định khác nhau về độ tuổi kết hôn của nam, nữ. Có nước qui định thấp, ví dụ như ở Thái Lan, nam và nữ đều phải từ đủ 17 tuổi trở lên; ở Nhật Bản, nam phải đủ 18 tuổi và nữ phải đủ 16 tuổi... Các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô cũ trước đây quy định 16 tuổi. Nhưng cũng có nước quy định cao như Việt Nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên; ở Trung Quốc, nam từ đủ 22 tuổi trở lên, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sự khác biệt do nhiều yếu tố như truyền thống, văn hóa, chính sách dân số... Khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, dư luận có ý kiến cho rằng nên hạ thấp tuổi được phép kết hôn. Thực tế, ở một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc..., người dân sớm chung sống và có con, mà không công nhận là vợ chồng thì rất thiệt thòi cho họ, mà trước hết là phụ nữ.

Tuy nhiên, quy định độ tuổi 18 tuổi mới được kết hôn đối với nữ có từ 1959, việc thay đổi là rất hệ trọng, cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc về các khía cạnh xã hội và pháp lý khác nhau như: tập quán, văn hóa, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, học tập, lập thân, lập nghiệp… Cần phải xét đến độ tuổi đủ năng lực hành vi dân sự theo qui định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bắt đầu đối thoại trực tuyến với nhân dân qua Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn) vào 9h hôm nay, 24/7. Cuộc đối thoại tập trung vào những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của người dân trong lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ như công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước...

Bộ trưởng đối thoại trực tuyến với người dân là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến với người dân, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, đã có 13 Bộ trưởng đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

PLĐT

Tin cùng chuyên mục

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Đọc thêm

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 3: Cần khung khổ pháp lý mới để hiện thực hóa mục tiêu đường sắt đô thị

Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vừa hoàn thành tuần thứ tư của giai đoạn vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội)
(PLVN) - Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 là khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho 2 TP tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).

Quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 23/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan để quy định cụ thể mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các cựu chiến binh, cựu TNXP dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp tục củng cố cơ sở về giao thông thông minh

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).