Giao lưu trực tuyến về hành trình giải oan cho ông Trần Văn Thêm

Phó TBT Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoàng Diệp (giữa) tặng hoa cảm ơn Luật sư Vũ Văn Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa
Phó TBT Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoàng Diệp (giữa) tặng hoa cảm ơn Luật sư Vũ Văn Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa
(PLO) -  9h sáng nay, tại trụ sở Báo PLVN đã diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến về hành trình giải oan cho ông Trần Văn Thêm - người mắc oan án gần nửa thế kỷ.
Trong khoảng thời gian từ 9h - 10h30, nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm tới vụ án chấn động này đã được Luật sư Vũ Văn Lợi, ông Nguyễn Văn Hòa và ông Trần Văn Thêm trực tiếp chia sẻ. Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự tham gia của các khách mời, trân trọng cảm ơn sự sẻ chia của độc giả đối với ông Trần Văn Thêm.

Những câu hỏi của độc giả tiếp tục gửi về sẽ được chúng tôi gửi tới Luật sư Vũ Văn Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa để phản hồi với độc giả trong thời gian sớm nhất.

Nhấn F5 để liên tục cập nhật:

10h 15:  Vụ oan án này chắc chắn chưa dừng lại ở đây. Tiếp theo, ông dự định sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình? (độc giả, Bùi Thu Hòa (Tp Hồ Chí Minh)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Sau khi được minh oan, chúng tôi đã tư vấn cho thân chủ làm đơn yêu cầu bồi thường gửi các cơ quan có trách nhiệm Bồi thường theo luật BTTTNN. Mức bồi thường còn phải thông qua thủ tục đàm phán, thương lượng. Nếu việc đàm phán không thành, chúng tôi sẽ hướng dẫn ông Thêm tiến hành các bước theo thủ tục quy định của Luật BT TNNN và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo việc ông được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Không thể kể hết những khó khăn mà Luật sư và người bị oan sai phải đối mặt trên hành trình đi tìm công lý
Không thể kể hết những khó khăn mà Luật sư và người bị oan sai phải đối mặt trên hành trình đi tìm công lý

Bạn đọc Trần Văn Toán ở Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh: Thưa ông Thêm, có kỷ niệm nào ông nhớ trong thời gian ở trong trại? 

Ông Trần Văn Thêm: Năm 1975, trong một lần ngủ trong trại tạm giam, đã có lần tôi mơ thấy mẹ là cụ Dương Thị Đăng nói: “Thêm ơi, dậy đi mẹ đến đón con về đây”. Cuối cùng, câu nói ấy đã trở thành sự thật. Chỉ một thời gian ngắn, cuối năm 1975, tôi được thả về nhà. Sau hơn 40 năm mang thân phận bị án, ngày 11/8/2016 tôi chính thức được minh oan, thời khắc ấy tôi nhớ đến mẹ tôi nhất.

10h 10: Hành trình đi tìm công lý của ông có tốn kém lắm không? ( đọc giả hạm Văn Tiến (Nam Định)

Ông Trần Văn Thêm: Các con tôi đứa nào cũng nghèo, không được học hành nên ít va chạm xã hội. Nhà lại không có điều kiện để đi kêu oan cho tôi, tôi được các cháu gọi bằng chú như anh Năm và cháu Được giúp đỡ kinh tế và đưa tôi đi kêu oan. Những năm trước tôi có nhờ 2 công ty ở Bắc Ninh và Hà Nội giúp tôi kêu oan, các chi phí đều do các cháu tôi bỏ ra. Thế nhưng họ không giải quyết được. Từ khi tôi đến công ty Luật Hòa Lợi nhờ thì được ông Hòa và ông Lợi giúp đỡ nhiệt tình và miễn phí. Nhờ vậy mà hôm nay tôi mới được minh oan.

Qua buổi tọa đàm trực tuyến trên báo điện tử Pháp luật Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Luật sư Vũ Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa, Văn phòng luật sư Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã trực tiếp đi tìm ánh sáng công lý và giải oan cho tôi. Tôi cũng gửi lời cảm ơn anh Trần Văn Được (cháu họ nội tộc) và ông Trần Văn Mâu (tên thường gọi là Năm) đã dẫn dắt và đồng hành cùng tôi trong những năm tháng qua.

Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn các độc giả của Báo PLVN đã quan tâm đến vụ việc của mình.

Xúc động trước hành trình đi tìm công lý của ông Trần Văn Thêm, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng ông số tiền 5 triệu đồng để động viên ông
Xúc động trước hành trình đi tìm công lý của ông Trần Văn Thêm, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng ông số tiền 5 triệu đồng để động viên ông

10h 10: - Trong buổi xin lỗi ông Thêm, gia đình nạn nhân có bày tỏ quan điểm là ông Thêm bị oan, nhưng ông Thêm vẫn còn sống, và ông Thêm được bồi thường. Còn gia đình họ thì mất người thân, và cũng không được bồi thường gì cả. – Thưa luật sư- ông có thể giải thích như thế nào với gia đình nạn nhân về vấn đề này? (đọc giả Hoàng Huy _ Đồng tháp)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Không thể so sánh việc ông Thêm được bồi thường theo luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước với yêu cầu bồi thường của gia đình nạn nhân trong vụ án này. Nạn nhân bị giết hại là do thủ phạm gây ra. Nếu có được bồi thường về phần dân sự trong vụ án hình sự, thì người phải bồi thường là bị cáo của vụ án đó. 

- Còn việc bồi thường oan sai cho ông Thêm là lỗi của các cơ quan tiến  hành tố tụng. Do đó, các cơ quan này phải bồi thường cho ông Thêm do lỗi của mình gây ra. 

10h02: - Các cơ quan chức năng có gây khó khăn cho ông không? Vũ Chí Thành (CH Séc)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Như tôi đã trả lời ở trên. Mặc dù thủ tục hành chính của chúng ta rất phức tạp, đặc biệt là vụ án xảy ra đã nửa thế kỷ qua, đây là tồn tại lịch sử để lại mà các thế hệ cán bộ hiện nay họ không phải là những người đã thực hiện những công  việc liên quan đến vụ án trong thời điểm đó.

Khó khăn chính là do công tác lưu giữ hồ sơ của chúng ta những năm thập kỷ 70 còn sơ sài và điều kiện lưu giữ còn rất lạc hậu. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thất lạc hồ sơ.

Luật sư Vũ Văn Lợi
Luật sư Vũ Văn Lợi

Cũng có thể, ở một khía cạnh nào đó, hồ sơ này bị loại bỏ ngoài công tác lưu trữ của các cấp giải quyết vụ án này.

Khó khăn chỉ là như vậy, chứ tôi không gặp sự cản trở nào. 

10h00: Gia đình ông bị ảnh hưởng như thế nào khi ông chịu án oan? Hoàng Thị Tùy (Hòa Bình)

Ông Trần Văn Thêm: Năm 1970 tôi là lao động trụ cột để nuôi gia đình, bố già và vợ con. Tôi bị bắt oan vào tù, vợ tôi là nông dân yếu mảnh, 5 đứa con nhỏ và bố già kinh tế bữa no bữa đói. Các con tôi không đứa nào được học hành phải cùng vợ tôi đi làm ruộng và làm thuê.

Vợ con tôi bị gia đình nhà ông Văn miệt thị và dùng những lời nói không hay. Hàng xóm láng giềng cũng nghĩ tôi là hung thủ của vụ án nên dè chừng, soi xét và coi thường vợ con tôi. Người khổ tâm nhất là bố tôi. Bố tôi không chịu nổi nỗi oan nghiệt vì có con bị tù vì tội giết em nên đã bị bệnh tâm tưởng rồi chết sau 1 năm tôi bị giam.

Ông Trần Văn Thêm vẫn đau khổ khi nhớ lại quãng đời đã qua
Ông Trần Văn Thêm vẫn đau khổ khi nhớ lại quãng đời đã qua

Khi tôi được ra tù 1 năm sau vợ chồng tôi sinh thêm đứa con thứ 6. Do sức khỏe yếu tinh thần suy sụp nhiều năm, sống nghèo khổ nên vợ tôi bị bệnh chết khi con út mới được 1 tuổi. Tôi muốn tìm lấy một người để chăm sóc con và gánh vác gia đình cùng tôi nhưng không ai dám lấy tôi vì tiếng xấu giết người phải bị tù đã lan truyền khắp trong làng ngoài xã.

Ông Thêm rất xúc động trước sự quan tâm của độc giả Báo PLVN về số phận của mình
Ông Thêm rất xúc động trước sự quan tâm của độc giả Báo PLVN về số phận của mình

9h 56 - Tôi thấy vụ việc của ông Thêm, đã bắt được hung thủ. Vậy tại sao tới bây giờ ông Thêm mới được minh oan. Luật sư có thể cho tôi biết ở những vụ án như thế này, vào thời điểm bắt được hung thủ chính thức thì cơ quan chức năng phải làm các thủ tục như thế nào với người bị bắt oan? (độc giả Nguyễn Thị Minh (Việt Kiều Mỹ)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Cho đến bây giờ ông Thêm mới được minh oan, lỗi thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án giết người mà ông Thêm là bị cáo. Tại buổi xin lỗi công khai ngày 11/8/2014, tại hội trường UBND huyện Yên Phong, đại diện liên ngành Tư pháp Trung ương đã nhận trách nhiệm này và coi đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc. 

Theo quy định của của pháp luật trong lĩnh vực hình sự, thì sau khi bắt được thủ phạm và thủ phạm đã khai nhận là kẻ giết người trong vụ án ông Trần Văn Thêm hay những vụ án tương tự, thì các cơ quan đang tiến hành tố tụng trong vụ án này phải thực hiện các thủ tục để hủy các bản án đã xét xử và ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời trả tự do cho ông Thêm, thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

9h 50: Theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường cho ông Thêm giải quyết như thế nào và số tiền được bồi thường là bao nhiêu? Nguyễn Thị Lành (Thái Thụy, Thái Bình)

Ông Nguyễn Văn Hòa: Hiện nay là Nhà nước đã ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường, vì vậy việc yêu cầu đòi bồi thường và việc giải quyết bồi thường của cụ Thêm sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường và Thông tư số 05/2012 của liên 7 bộ ngành và Nghị định Chình phủ số 122/2015 ngày 14/11/2015 làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu và các khoản bồi thường cho cụ Thêm dự tính khoảng 12 tỷ đồng.

Bà Phùng Thị Sứng, chị gái thủ phạm Phùng Thanh Nhàn là hung thủ vụ án cướp của giết người đêm 23/7/1970 tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phú. Bà Sứng đã có đơn xác nhận và đề nghị minh oan cho ông Thêm (ảnh Tư liệu do ông Nguyễn Văn Hòa cung cấp)
Bà Phùng Thị Sứng, chị gái thủ phạm Phùng Thanh Nhàn là hung thủ vụ án cướp của giết người đêm 23/7/1970 tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phú. Bà Sứng đã có đơn xác nhận và đề nghị minh oan cho ông Thêm (ảnh Tư liệu do ông Nguyễn Văn Hòa cung cấp)

9h44:  - Bảo vệ thân chủ bị án oan có nghĩa là phải đứng ở phía đối lập với các cơ quan tư pháp. Ông có sợ bị gây khó khăn trong quá trình làm việc? (độc giả Nguyễn Xuân Trường (truongnguyen…@gmail.com)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Tôi cũng đã từng làm những vụ oan sai thành công như vụ của ông Trần Văn Minh ở Chương Mỹ - Hà Nội (năm 2014) và cũng đã từng làm rất nhiều các vụ án hành chính thường là quyền lợi của thân chủ đối lập với quyền lợi của cơ quan nhà nước. Nhưng chưa bao giờ tôi sợ các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan tố tụng gây khó  khăn. 

Trong vụ án này, tôi thực sự cảm ơn công an tỉnh Bắc Ninh sau khi nhận được văn bản của tôi, đã có văn bản phúc đáp kịp thời. Và chính văn bản phúc đáp này là chìa khóa mở tung cánh cửa dẫn tới con đường giải oan cho ông Thêm. 

Tuy nhiên, việc xác minh, thu thập tài liệu ở các cơ quan này thường rất khó khăn. Phải mất nhiều thời gian, nhiều lần mới đạt kết quả. Chính vì vậy, luật sư chúng tôi cần phải kiên trì, nhiệt tình, để đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của thân chủ. 

Ông Nguyễn Văn Hòa đưa ông Thêm cùng 3 cơ quan báo chí đi tìm gặp nhân chứng sống là ông Cù Tiện (giữa) - người đã xác nhận hung thủ vụ án đêm 23/7/1970 là Phùng Thanh Nhàn (ảnh Tư liệu do ông Hòa cung cấp)
Ông Nguyễn Văn Hòa đưa ông Thêm cùng 3 cơ quan báo chí đi tìm gặp nhân chứng sống là ông Cù Tiện (giữa) - người đã xác nhận hung thủ vụ án đêm 23/7/1970 là Phùng Thanh Nhàn  (ảnh Tư liệu do ông Hòa cung cấp)

9h 39: Từ năm 2014, ông đã tìm ra bản án, ông còn phải làm tiếp những việc gì mà đến 2016, ông Thêm mới được minh oan? (độc giả Trần Phương Thảo (Nam Định)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Vào ngày 25/11/2014, công an tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản phúc đáp công văn của Công ty Luật Hòa Lợi, trả lời yêu cầu của tôi về việc rà soát kiểm tra, hồ sơ lưu trữ vụ án giết người mà bị cáo tên là Trần Văn Thêm. Tại văn bản này, công an tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định hồ sơ vụ án có tên  bị cáo trần văn Thêm hiện phòng hồ sơ công an tỉnh bắc Ninh đang lưu giữ. Tôi đã khẩn trương liên hệ  với công an tỉnh Bắc Ninh và trực tiếp đến gặp lãnh đạo công an tỉnh Bắc Ninh để xin được sao chụp. 

Theo quy định của ngành công an, những người ngoài ngành muốn được sao chụp hồ sơ lưu trữ phải có ý kiến của Ban giám đốc công an tỉnh. Tôi đã làm công văn đề nghị Ban giám đốc công an tỉnh Bắc Ninh xét duyệt để chúng tôi được sao chụp tài liệu này. 

Sau khi thống nhất, trong ban lãnh đạo công ty tôi đã phân công ông Nguyễn Văn Hòa là phó giám đốc công ty hòa lợi trực tiếp đến công an tỉnh Bắc Ninh, liên hệ, xin sao chụp tài liệu này. 

Lúc này, Công an tỉnh Bắc Ninh cho chúng tôi biết: Hồ sơ lưu trữ duy nhất chỉ có hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của bị cáo Trần Văn Thêm cùng bị tuyên mức xử phạt là tử hình. 

Tôi nhận định hai bản án này đến thời điểm tìm ra vẫn còn đang có hiệu lực đối với bị cáo Thêm. Chính vì vậy, việc kêu oan của ông Thêm vẫn chưa có cơ sở để giải quyết. 

Chúng tôi đã làm đơn cho ông Thêm gửi kèm hai bản án này tới Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, chủ tịch nước đề nghị xem xét tiếp tục xác minh hồ sơ vụ án mà chúng tôi đã tìm ra manh mối mang tính quyết định, đó là hai bản án tuyên ông Thêm tử hình đang lưu giữ tại phòng hồ sơ công an tỉnh Bắc Ninh. 

Mặt khác, tôi tiếp tục gửi các công văn đến TAND tỉnh Vĩnh Phúc, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, công an tỉnh Vĩnh Phúc trong  năm 2015 đề nghị các cơ quan này rà soát lại việc lưu giữ hồ sơ vụ án ông Trần Văn Thêm phạm tội giết người đã được xét xử sơ thẩm năm 1973, nếu có xin cung cấp cho chúng tôi. 

Sau đó, tôi đều nhận được các văn bản trả lời của các cơ quan này. Là hiện nay các cơ quan này không tìm thấy, không lưu giữ hồ sơ có liên quan đến yêu cầu của chúng tôi. 

Chính vì vậy, việc giải oan cho ông Thêm vẫn chưa tìm được ánh sáng. 

Nhận ủy quyền của ông Trần Văn Thêm, ông Nguyễn Văn Hòa đã làm nhiều đơn để gửi đến các đoàn đại biểu QH trong cả nước. Đồng thời, đưa ông Thêm đến văn phòng chủ tịch nước để gửi đơn trực tiếp. 

Thời điểm từ 2015 đến tháng 8/2016, các cơ quan liên ngành Tư pháp Trung ương đã tích cực xác minh, thu thập hồ sơ và những tài liệu liên quan đến vụ án này và đã tìm thấy một số tài liệu hồ sơ khác của vụ án nên đã có đủ cơ sở kết kết luận ông Trần Văn Thêm bị điều tra truy tố, xét xử về tội giết người với mức án tử hình là oan.  Chính vì vậy, đến ngày 11/8/ 2016, liên ngành Tư pháp Trung ương mới công bố quyết định đình chỉ vụ án và xin lỗi công khai.  

Ông Cù Tiện (giữa), nguyên Phó BCH Cảnh sát, Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) xác nhận hung thủ vụ án đêm 23/7/1970 là Phùng Thanh Nhàn (ảnh Tư liệu do ông Nguyễn Văn Hòa cung cấp)
Ông Cù Tiện (giữa), nguyên Phó BCH Cảnh sát, Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) xác nhận hung thủ vụ án đêm 23/7/1970 là Phùng Thanh Nhàn (ảnh Tư liệu do ông Nguyễn Văn Hòa cung cấp)

9h 30: Trong cơ chế thủ tục hành chính như hiện nay, ông Thêm không hề có giấy tờ, chứng cứ gì để chứng minh oan sai, vậy tại sao ông có thể giúp ông Thêm minh oan được? (độc giả Hà Huy Hiến (Lý Nhân, Hà Nam)

Ông Nguyễn Văn Hòa: Với tinh thần trách nhiệm và sự đam mê của người làm việc thiện, tôi và ông Vũ Lợi thường xuyên trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp, tyìm hỏi anh em bạn bè là người có kinh nghiệm trong công tác điều tra để nhờ họ giúp đỡ. Từ đó, chúng tôi đã lần tìm  ra được manh mối để thu thập và xin xác nhận chứng cứ, nhân chứng của những người trực tiếp điều tả vụ án của ông Thêm năm 1970. Trong đó, có cả chị gái của hung thủ gây án đêm 23/7/1970. Bà này đã xác nhận em mình là hung thủ và có đơn đề nghị minh oan cho cụ Thêm.

Ngày 7/1/2015, nhận được sự giúp đỡ của công an tỉnh Bắc Ninh và Phòng hồ sơ Công an tỉnh Bắc Ninh cho tôi được trích sao 2 bản án: Bản án xét xử sơ thẩm số 40 ngày 19/9/1973 và bản án xét xử phúc thẩm của TAND Tối cao số 153 ngày 26/6/1974. Tôi đã làm đơn gửi lên Chủ tịch nước kêu oan cho cụ Thêm. Được sự giúp đỡ của người thân, tôi đã đưa cụ Thêm đến Phủ Chủ tịch, xin gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để xin giải quyết oan sai cho ông Thêm.

Tôi và ông Thêm được ông Phùng Văn Bắc, trợ lý pháp luật của Chủ tịch nước tiếp đón chu đáo và cho biết, Chủ tịch nước quan tâm và sớm chỉ đạo các cơ quan hành pháp, tư pháp xem xét việc của cụ Thêm.

Đúng vậy, đến ngày 6/4/2015, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn 527/VPCTN - PLgửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết trường hợp oan sai của ông Thêm.

Ông Nguyễn Văn Hòa (phải) kiên trì đưa ông Thêm đi tìm công lý hết nơi này đến nơi khác (ảnh Tư liệu do ông Hòa cung cấp)
Ông Nguyễn Văn Hòa (phải) kiên trì đưa ông Thêm đi tìm công lý hết nơi này đến nơi khác (ảnh Tư liệu do ông Hòa cung cấp)

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, tôi đã làm 76 bộ hồ sơ có đầy đủ đơn, thư, giấy xác nhận của các nhân chứng gửi đến từng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành trong cả nước và đoàn đại biểu Quốc hội các Bộ, ngành TW để kêu oan và đề nghị giải quyết oan sai cho cụ Thêm.

Đơn kêu oan tôi gửi đã được các đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp nhận và có ý kiến gửi đến Viện kiểm sát Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Công an để yêu cầu giải quyết oan sai cho cụ Thêm. Sau này tôi được biết, ông trợ lý pháp luật của Chủ tịch nước đã trực tiếp gặp ông Nguyễn Hòa Bình, Viên trưởng VKSND Tối cao để trao đổi ý kiến của Chủ tịch nước về vụ việc oan sai của cụ Trần Văn Thêm.

Thưa ông Hòa, các cơ quan chức năng có gây khó khăn gì cho ông không? (Nguyễn Thị Thuận, Bắc Ninh)

Ông Nguyễn Văn Hòa: Không có cơ quan cụ thể nào gây khó khăn cho chúng tôi. Nhưng điều khó khăn nhất với chúng tôi là, sau khi được bà Tạ Thị Minh Tâm, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phú, người xét xử vụ án cụ Thêm cho biết, hồ sơ vụ án đã chuyển về tòa án Tối cao để xét xử phúc thẩm, vậy mà khi chúng tôi đến cơ quan Tòa án Tối cao, Tòa phúc thẩm hình sự Tối cao, VKSND Tối cao đều nhận được công văn có nội dung như nhau. Đó là: Không tìm thấy hồ sơ vụ án.

Ông Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm
Ông Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm

9h 14:

- Xin hỏi luật sư Lợi, trong vụ việc của ông Thêm, những người nào sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, Thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đã từng điều tra, xét xử vụ án có phải bồi thường cho ông Thêm không? (độc giả Trương Minh Quyết (Lào Cai)

Luật sư Vũ Văn Lợi: Theo Luật Bồi thường Trách nhiệm nhà nước (Luật TNBTNN) và các văn bản hướng dẫn thi hành như TT liên tịch 05/2012 của Liên Bộ, các cơ quan Trung ương  thì cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Thêm là Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội – nay là tòa cấp cao tại Hà Nội. 

Luật sư Vũ Văn Lợi, người đã tìm ra vụ án oan chấn động
Luật sư Vũ Văn Lợi, người đã tìm ra vụ án oan chấn động


- Đối với những cá nhân là những người tiến hành tố tụng làm việc ở các cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, đang còn làm việc hay đã nghỉ hưu thì cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải có trách nhiệm đòi lại những người này một khoản tiền mà cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường đã chi ra để bồi thường. 

Ở đầu cầu Bắc Ninh, ông Trần Văn Thêm đang tham gia trả lời trực tuyến các câu hỏi của độc giả cùng với sự hỗ trợ của Phóng viên Nguyễn Xuân Trường, Báo PLVN
Ở đầu cầu Bắc Ninh, ông Trần Văn Thêm đang tham gia trả lời trực tuyến các câu hỏi của độc giả cùng với sự hỗ trợ của Phóng viên Nguyễn Xuân Trường, Báo PLVN

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Bảo (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Thưa ông, khi được minh oan, người đầu tiên ông nghĩ đến là ai?

Ông Trần Văn Thêm: Người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông Cù Văn Tiện – Phó phòng chấp pháp của tỉnh vĩnh Phú. Bởi vì ông Tiện là người thông báo cho trại tạm giam Phủ Đức (Vĩnh Phú) nên tôi nghe và biết được hung thủ thực sự của vụ án là Phùng Thanh Nhàn (phạm nhân cải tạo cùng trại giam với ông Thêm). Qua báo PLVN tôi muốn gửi đến lời cảm ơn đến với ông, nếu như còn đủ sức khỏe, trí tuệ một ngày nào đó sẽ đến thăm gặp ông để nói câu cảm ơn trực tiếp. 

Bạn đọc Hoàng Vũ, Cà Mau: Ông sẽ dùng số tiền bồi thường vào việc gì?

Ông Trần Văn Thêm:  Vết thương của Phùng Thanh Nhàn đánh vào đầu tôi 46 năm về trước đến tận bây giờ vẫn còn đau. Mỗi khi trái gió trở trời là đầu óc  tôi thường bị choáng váng, đau nhức nên điều đầu tiên tôi sẽ sử dụng số tiền vào việc chăm sóc sức khỏe. Thứ hai, sẽ chia một phần số tiền bồi thường cho con, cháu trong gia đình. Thứ ba, tôi sẽ sử dụng một phần nhỏ vào việc làm từ thiện.

(Hôm nay do sức khỏe yếu nên ông Thêm được người con út là anh Trần Văn Sáu đưa đi kiểm tra sức khỏe và đưa về nhà chăm sóc. Ông Thêm mong muốn sớm được bồi thường để có thể thực hiện các dự định ở trên – PV Nguyễn Xuân Trường ở điểm cầu Bắc Ninh)

- 9h 10: Có khi nào ông thấy khó khăn tưởng như phải bỏ cuộc không, thưa ông Hòa? (Ngọc Thúy, Ninh Bình) 

Ông Nguyễn Văn Hòa: Việc giúp cụ Thêm đi tìm hồ sơ, nhân chứng và chứng cứ như thể mò kim đáy bể, mất rất nhiều thời gian công sức và rất gian nan vất vả, có điểm tôi phải đến 5-7 lần mới gặp được người cần hỏi, người có thẩm quyền. Tuy nhiên, mỗi lúc khó khăn tôi lại nghĩ đến câu nói của cụ Thêm: "ông Hòa ơi, nếu tôi không được minh oan, thì con cháu tôi phải chịu nỗi oan sai khổ nhục này mãi và gia đình con cháu ông Văn em tôi oán hận truyền kiếp". Như có điều tâm linh nào đó đã giúp cụ Thêm, giúp tôi gặp được rất nhiều người tốt, người tử tế, vì vậy mà càng về sau vụ việc của cụ Thêm càng được mở ra theo hướng rất thuận. Đó là điều động viên chúng tôi không có ý nghĩ phải bỏ cuộc.

9h05: 

- Xin được hỏi luật sư Lợi, đây là vụ án khá khó. Lúc nhận hồ sơ, ông có niềm tin sẽ đưa được vụ việc ra ánh sáng, minh oan cho thân chủ?

(độc giả )Hữu Phương (Thạch Thất – Hà Nội)

Luật sư Vũ văn Lợi: Tôi nhận được hồ sơ vụ án này vào đầu năm 2014. Tôi có thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu ông Thêm là ông Trần Văn Được trong vụ án hành chính xét xử tại TAND huyện Yên Phong.  Từ vụ án này, ông Được đã đặt vấn đề với tôi về hồ sơ của ông Trần Văn Thêm.

Ngày xét xử vụ án Hành Chính, ông Thêm đã lên dự phiên tòa này, và có gặp tôi, nói rằng anh cố gắng giúp đỡ để giải oan cho tôi.  Vì tôi bị oan ức nhiều năm quá. 

Sau đó, cháu ông Thêm là anh Được đã đưa ông Thêm ra văn phòng công ty kèm bộ hồ sơ, thể hiện quá trình đi tìm công lý cho ông Thêm. 

Luật sư Vũ Văn Lợi đang trả lời các câu hỏi mà độc giả quan tâm
Luật sư Vũ Văn Lợi đang trả lời các câu hỏi mà độc giả quan tâm

Khi nghiên cứu bộ hồ sơ này, quả thật, tôi thấy rất khó khăn. Bởi vì từ năm 1997, ông Thêm đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xem xét yêu cầu oan sai mà thời gian qua ông đã phải chịu đựng. Nhưng hồ sơ đã thể hiện tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm, TAND TC, Tòa Phúc thẩm TAND TC, Tòa Hình sự TANDTC,  VKSNDTC, đều có văn bản trả lời là không có hồ sơ vụ án này. Và ông Thêm cũng không cung cấp được tài liệu hồ sơ để chứng minh việc ông bị xử oan sai. Đặc biệt, văn bản trả lời của TAND TC đã liệt kê nhiều địa chỉ mà VKSTC đã đề nghị cung cấp hồ sơ và trực tiếp VKS TC đến xác minh, đều không có kết quả. 

Chính vì vậy, nguồn xác minh, thu thập tài liệu hồ sơ gần như đã bị đóng cửa. Do đó, ngay sau khi nghiên cứu hồ sơ, tôi có cảm nhận vụ án này thực sự khó được giải oan. 

9h 03: Lúc nhận hồ sơ, ông có niềm tin sẽ đưa được vụ việc ra ánh sáng, minh oan cho thân chủ? (Hoàng Hà - Đống Đa, Hà Nội):

Ông Nguyễn Văn Hòa: Khi tôi tiếp nhận vụ việc của cụ Thêm, theo sự phân công của ông Vũ Lợi Giám đốc Công ty và là người được cụ Thêm ủy quyền, tôi có một linh cảm và niềm tin là sẽ giúp được cụ Thêm, bởi tôi có "tâm" để làm việc thiện và nơi xảy ra vụ án là một địa bàn tôi nắm rất rõ và tôi có nhiều người thân ở nơi đó. Tôi cũng có quan hệ với các ban ngành liên quan có thể nhờ họ giúp đỡ.

Gửi câu hỏi về cho Luật sư Vũ Văn Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa, nhiều độc giả bày tỏ sự cảm phục đối với hành trình đi tìm công lý của các ông
Gửi câu hỏi về cho Luật sư Vũ Văn Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa, nhiều độc giả bày tỏ sự cảm phục đối với hành trình đi tìm công lý của các ông

9h00: Ông đã mất bao nhiêu thời gian cho vụ án này? (Hữu Tuấn - Ba Vì, Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Hòa: hành trình kêu oan của cụ Thêm từ năm 1997, còn công ty chúng tôi bắt tay vào vụ việc của cụ Thêm từ cuối năm 2013.

 Chương trình của chúng tôi được thực hiện tại hai điểm cầu, Luật sư Vũ Văn Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa tham gia giao lưu tại trụ sở của Báo Pháp luật Việt Nam; ông Trần Văn Thêm giao lưu với độc giả tại đầu cầu  Bắc Ninh.

Tham gia chương trình giao lưu cùng độc giả là Luật sư Vũ Văn Lợi – người đã đồng hành, trợ giúp pháp lý miễn phí trong quá trình kêu oan của ông Thêm; ông Trần Văn Thêm – người gánh oan án 46 năm; ông Nguyễn Văn Hòa – người đại diện cho ông Thêm, người sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông Thêm trong quá trình đòi bồi thường. 

Giao lưu trực tuyến với luật sư giải oan cho ông Trần Văn Thêm

Chương trình được thực hiện từ yêu cầu độc giả, bởi sau khi ông Trần Văn Thêm được minh oan, rất nhiều độc giả của Báo Pháp luật Việt Nam gửi thư, gọi điện về Tòa soạn bày tỏ sự cảm kích đối với các Luật sư đã giúp đỡ ông Thêm trong vụ án này, đồng thời mong muốn được chia sẻ những khó khăn, vất vả với ông Trần Văn Thêm.  

Như PLVN đã đưa tin: 

Theo hồ sơ vụ án, ông Trần Văn Thêm (80 tuổi -  trú ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), và người em họ ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phú, cũ) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.

Đêm 23/7/1970, hai anh em vào ngủ tại một lều cắt tóc thì bị cướp tấn công. Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất.

Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thì thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu, còn ông Văn bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu.

Sau đó, ông Thêm đã bị cáo buộc giết em họ để cướp của. Tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm.

Dù chịu bao oan ức, nhưng ông Thêm luôn có niềm tin mãnh liệt vào công lý
Dù chịu bao oan ức, nhưng ông Thêm luôn có niềm tin mãnh liệt vào công lý

Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Suốt quá trình bị bắt cũng như tại tòa, ông Thêm liên tục kêu oan.

Đến năm 1975, đối tượng Phan Thanh Nhàn (trú tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phú) đã khai nhận hành vi giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn. Khi đó,  Ủy ban Thẩm phán Tòa án Tối cao đã mở phiên tòa theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Cơ quan công an đã tạm tha cho ông Thêm rồi cho về quê mà không cấp cho bất kỳ giấy tờ nào khác.

Ông Thêm đã tuổi cao, sức yếu. Nhưng may mắn là công lý đã đến với ông
Ông Thêm đã tuổi cao, sức yếu. Nhưng may mắn là công lý đã đến với ông

Sau khi được về quê ông Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị trả lại sự trong sạch cho mình. Nhưng ông Thêm lại không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến vụ án. 

Năm 2014, tình cờ ông Thêm gặp được luật sư Vũ Văn Lợi  của Công ty Luật TNHH Hoà Lợi (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Lợi đã quyết định giúp ông Thêm làm các thủ tục pháp lý miễn phí trong suốt quá trình minh oan.

TAND Tối cao mới trích lục được 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của ông Nguyễn Văn Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương phối hợp giải quyết.

Sáng  11/8,  tại hội trường trung tâm huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Liên ngành tư pháp TƯ tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với cụ Trần Văn Thêm.

Tại Buổi xin lỗi, Đại diện tòa án cấp cao tại Hà Nội, Phó chánh án Trần Văn Tuân thay mặt liên ngành các Cơ quan Tư pháp TƯ đọc bản công khai xin lỗi.

Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, TAND tối cao, cơ quan CSĐT, Bộ Công an có kết luận: Kết quả điều tra cho thấy ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội nên có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông thêm.  Cho đến thời điểm hiện nay, có cơ sở pháp lý xác định ông Thêm bị kết án oan, đây là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

"TAND cấp cao tại Hà Nội là TAND tối cao hiện nay và cơ quan CSĐT Bộ Công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Thêm và gia đình theo quy định của nhà nước. Việc truy tố xét xử và minh oan kéo dài nhiều năm gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Đây là bài học đắt giá, chân thành xin lỗi ông và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình bảo vệ công lý, quyền con người. Ngay sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ thực hiện trách nhiệm về việc công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin và thực hiện đền bù." - Vị Phó Chánh án nói.

Thay mặt cơ quan tiến hành tố tụng đại diện các cơ quan Tư pháp Trung ương mong ông Thêm chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho các cơ quan tố tụng đã gây oan sai, đồng thời đề nghị địa phương phục hồi các quyền lợi cho ông Thêm. 

Mời độc giả quan tâm đến sự kiện tiếp tục đặt câu hỏi tại phần bình luận cuối bài, hoặc gửi câu hỏi qua mail: tuvantructuyen.baophapluat@gmail.com.

Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu trả lời các câu hỏi của độc giả
Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu trả lời các câu hỏi của độc giả
Rất nhiều câu hỏi đã được gửi tới Luật sư Vũ Văn Lợi
Rất nhiều câu hỏi đã được gửi tới Luật sư Vũ Văn Lợi 

Tin cùng chuyên mục

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.

Nữ quái mạo danh Luật sư, lừa chiếm hàng tỷ đồng

 Đối tượng Trần Thị Thủy
(PLVN) -  Trần Thị Thủy thông tin tới các bị hại bản thân là luật sư, có mối quan hệ với lãnh đạo, cán bộ cơ quan Nhà nước, hứa hẹn lo cho bị cáo được tại ngoại, hưởng án treo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.