La Paloma, ca khúc nổi tiếng trăm năm tuổi, ngàn phiên bản

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Nổi tiếng là bài hát tiêu biểu nhất cho thể điệu habanera, La Paloma cũng là bản nhạc phổ biến nhất thế giới. Tùy theo nguồn ghi chép, bài có đến bốn, năm ngàn phiên bản khác nhau. Quý phái nhưng không cầu kỳ, sang trọng mà vẫn đơn giản, là yếu tố cơ bản giúp cho giai điệu đi vòng quanh trái đất.

Thể điệu habanera mà nhiều người tưởng rằng nó xuất phát từ các nước La Tinh thật ra lại bắt nguồn từ vũ điệu contredanse của vương quốc Anh vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Các bước nhảy cơ bản do vũ sư John Playford định hình trong một quyển sách phát hành vào năm 1651. Điệu contredanse sau đó được phổ biến tại các vương triều Tây Âu, thịnh hành tại Pháp từ năm 1684 trở đi, cho ra đời các vũ khúc biến tấu như carré hoặc quadrille.

Chính giới điền chủ người Pháp đã đưa vũ điệu này vào quần đảo Caribê khi họ lập các đồn điền nông trại trên vùng đất thuộc địa. Cuộc nổi dậy của những người nô lệ tại Haiti vào năm 1791, buộc giới điền chủ phải bỏ chạy về các hòn đảo lân cận. Một khi du nhập vào Santiago de Cuba từ đầu thế kỷ XIX (những năm 1820), điệu nhảy này mà tiếng Tây Ban Nha gọi là contredanza cubana, hoà quyện thêm với văn hóa của người dân bản xứ.

Chính trong cái bối cảnh đó mà tác giả người Tây Ban Nha Sebastián Iradier viếng thăm Santiago de Cuba. Ông sinh trưởng tại Sauciego (1809-1965). Gợi hứng từ chuyến đi xa này, ông hoàn chỉnh vào khoảng những năm 1863-1864, giai điệu La Paloma. Về cấu trúc, ông Sebastián Iradier vay mượn hai nhịp chậm là paseo và cadena của vũ điệu contredanza. Về từ ngữ ông gọi đó là habanera, vì ông được xem điệu vũ này lần đầu tiên tại thành phố La Habana.

La Paloma, bản nhạc là tác phẩm để đời của Sebastián Iradier, cho dù ông mất hai năm sau khi sáng tác giai điệu, tức là ông không được sống lâu để chứng kiến sự thành công vượt bực của nó. Theo nhà nghiên cứu Pierre-Paul Lacas, trong chương mục dành riêng cho habanera trong quyển tự điển bách khoa Encyclopedia Universalis, thì việc tác giả Sebastián Iradier vay mượn gợi hứng từ contredanza để viết thành bài La Paloma quá là hiển nhiên. Một trong những tác giả đầu tiên viết cho thể điệu này là tác giả người Cuba Ignacio Cervantes. Khi đem ra so sánh các tác phẩm của hai tác giả này, thì người ta sẽ thấy cả hai nhịp điệu rất gần giống với nhau. Chỉ có điều một bên gọi là contradanza, còn bên kia thì đặt tên là habanera.

Nhưng yếu tố cốt lõi và quan trọng hơn cả, là ông Sebastián Iradier đã hấp thụ, thấm nhuần rồi diễn giải lại điệu habanera theo góc nhìn của một người thầy chuyên dạy nhạc. Cũng cần biết rằng, ông đã được mời sang Paris để dạy đàn, dạy hát cho nữ hoàng Eugénie de Montijo. Cả hai đều là người Tây Ban Nha, và bà Eugénie trước khi thành hôn với hoàng đế Napoléon đệ tam, là con gái ruột của bá tước Teba de Granada.

Khi đến Paris, ông Sebastián Iradier vào hoàng cung để dạy nhạc, không chỉ riêng gì cho nữ hoàng Eugénie mà còn cho các phu nhân thuộc dòng dõi cao sang. Chính cũng vì thế mà khi sáng tác đoản khúc, ông thường chú ý đến hai điều. Giai điệu phải trau chuốt thanh tao để dễ lọt tai giới qúy tộc, cấu trúc phải đơn giản để dễ tập đàn, dù trên danh nghĩa là thầy nhưng ông phải tránh làm mất thể diện các bậc phu nhân quyền qúy.

Khi soạn bài La Paloma, tác giả chỉ dựa vào một nhịp điệu đơn giản gồm: một nốt móc có dấu chấm dôi, một nốt móc kép, rồi hai nốc móc đơn. Từ cấu trúc này, ông triển khai ra toàn bộ giai điệu lúc trầm lúc bổng, nhẹ nhàng chầm chậm như nhịp cánh bồ câu. Hình tượng bồ câu trắng, tựa như những sứ giả đưa thư hồi âm để nhắn gửi bao tình cảm đối với quê hương của một người viễn xứ.

Nhưng đó phải chăng là cảm xúc của một người ghé thăm La Habana rồi nhớ về nguyên quán Tây Ban Nha, hay là cảm xúc của một nữ hoàng dù sống trong "lầu vàng cung son", giữa chốn kinh thành ánh sáng nhưng vẫn chạnh lòng nhớ về quê cha đất tổ.

Dù gì đi nữa, cái nét cực kỳ đơn giản ấy giúp cho La Paloma thăng hoa, chấp cánh vượt không gian và thời gian. Đây có lẽ là bài hát được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất, ít nhất là 40 ngôn ngữ khác nhau, kể cả tiếng Nhật, tiếng bahasa của Indonesia, tiếng tagalog của Philippines, tiếng hindi của Ấn Độ. Bài hát có ít nhất là hai lời khác nhau trong tiếng Anh (No More của Elvis Presley và The Dove của Dean Martin). Còn trong tiếng Việt cũng vậy, bài La Paloma từng được tác giả Từ Vũ chuyển thành Cánh buồm xa xưa. Lời thứ nhì của tác giả Khắc Dũng với ca từ khác hẳn là bài Thuyền Mơ Bến Đợi, khi được phối thành tango, lúc thì rumba.

Cấu trúc đơn giản của bài La Paloma (nốt móc có dấu chấm dôi, một nốt móc kép, hai nốc móc đơn) đặt ra khuôn thước cho thể điệu habanera, Sebastián Iradier ra đi quá sớm để không nhìn thấy ông mở đường cho hàng loạt tác giả trứ danh như Saint-Saëns (1887), Ravel (1907) hay là Debussy (1912) sáng tác theo thể điệu này. Làn điệu “bồ câu trắng” đi vào văn hóa phổ thông đại chúng: hợp ca hoành tráng tại Đức, lễ hội thôn làng tại Thụy Sĩ, nhạc nền để rước dâu ngày cưới ở Zanzibar …

Mỗi nước một kiểu, mỗi người một cách: La Paloma đẩy lùi về quá khứ bài hát Yesterday của nhóm Tứ Quái The Beatles. Hàng trăm năm sau ngày ra đời, bản nhạc với gần năm ngàn phiên bản khác nhau tưởng chừng rất xưa mà lại không cũ, tuy đơn giản mà vẫn sang, như thể bồ câu không biết mỏi cánh, gió bay rũ bỏ lớp bụi thời gian.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.