'Cởi trói' ảnh nude nghệ thuật - sự đột phá trong nhận thức

“Bức hình làm tôi xúc động khi nghĩ đến mẹ tôi ngày tôi còn bé”, người xem chia sẻ và ký họa lại bức hình.
“Bức hình làm tôi xúc động khi nghĩ đến mẹ tôi ngày tôi còn bé”, người xem chia sẻ và ký họa lại bức hình.
(PLO) - Được sáng tạo từ lâu trên thế giới và tại Việt Nam, thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật cuối cùng cũng trở thành chuyên đề riêng của một triển lãm được cấp phép và tổ chức bởi Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT&DL, mở ra với mọi lứa tuổi. Băn khoăn lớn nhất vẫn là ranh giới mong manh giữa tính dung tục và tính nghệ thuật của thể loại ảnh này.

Dung tục hay nghệ thuật?

Triển lãm Ảnh nude nghệ thuật diễn ra từ ngày 20 - 27/7 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, trưng bày 52 tác phẩm của 10 tác giả: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Dũng Art, Đào Đức Hiếu, Phó Bá Cường, Nguyễn Á, Ngô Xuân Phú, Đỗ Thùy Mai, Lê Quang Châu, Trần Nhân Quyền.

Mặc dù mưa gió, buổi triển lãm đã có sự xuất hiện của nhiều khán giả trẻ tuổi, cả nam và nữ, đúng như tiêu chí: “Không gắn mác 18+, hướng đến và góp phần xây dựng thẩm mỹ thưởng thức tác phẩm mỹ thuật cho khán giả trẻ”. 

Tại đây, các bạn trẻ có một trải nghiệm kỳ lạ, được thấy, được chạm vào tác phẩm, được nêu quan điểm, trao đổi về những chủ đề được cho là “nhạy cảm” dưới góc độ nghệ thuật với những người yêu thích nghệ thuật khác. Đặc biệt các bạn trẻ còn được trò chuyện với những nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia về công việc sáng tác.

Trải qua đủ cung bậc cảm xúc từ bất ngờ, ngạc nhiên, ngại ngùng, khó chịu rồi đến trầm trồ, thán phục, nhiều bạn trẻ chia sẻ những ý kiến tích cực: “Đây là một sự mới mẻ mà ở Việt Nam chưa bao giờ có”, “cơ thể con người là một tạo hóa đẹp đẽ, cần phải lưu giữ những khoảnh khắc đó”, “đầu tiên là ngại ngùng nhưng sau đó lại thấy đẹp”, “góc chụp đẹp, bức ảnh đã tôn vinh được vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ”, “chúng ta phải có văn hóa như thế này, để khơi dậy tâm hồn của người xem, nhưng cần có lời giới thiệu để người xem hiểu đúng và sâu về bức ảnh”. 

Tuy vậy, nhiều người vẫn cảm thấy không thoải mái, cảm thấy loại hình ảnh này “quá phản cảm”, “dâm ô”, “đồi trụy”, “không thể trưng bày ở nơi công cộng” và “cần giới hạn độ tuổi”. Băn khoăn lớn nhất của các bạn chính là phân biệt giới hạn mong manh giữa sự dung tục và tính nghệ thuật trong thể loại ảnh khỏa thân. 

Theo họa sĩ Thành Chương, 52 tác phẩm được trưng bày đều đẹp về tạo hình và hài hòa. Còn về mặt dung tục hay không, họa sĩ đồng tình “rất khó để phân định đường biên rạch ròi giữa nghệ thuật và gợi dục, điều đó nằm ở người tiếp nhận”. Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cũng chia sẻ: “Người tinh tế đánh giá tôi qua các tác phẩm, hãy nhìn vào góc ảnh của tôi sẽ thấy được tôi suy nghĩ gì, làm những gì khi bấm máy”.

Nhiếp ảnh gia này nhận định, ngày nay trên mạng xã hội, tràn lan ảnh về khỏa thân, nhưng người xem, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi chưa có hiểu biết về nền tảng và chuẩn mực nghệ thuật về một sáng tác khỏa thân. Trên thực tế, phần lớn tác phẩm trên mạng chỉ dừng ở mức ảnh trần truồng, “khoe hàng”, “lộ hàng”, “show hàng”, người chụp không tạo nên nền nhiếp ảnh nghệ thuật. Vì vậy những tác phẩm đó không xếp được vào thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật. 

“Người xem bên cạnh kiến thức, cần có niềm tin vào các nhà chuyên môn, đó là những người nghiên cứu và sáng tạo, có hiểu biết sâu rộng về thể loại ảnh này. Không nên sa vào tình trạng thiếu định hướng, chẳng ai tin ai, ai cũng cho ý kiến của mình đúng thì rất khó có một nhận thức chung đúng đắn về thưởng thức nghệ thuật”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nêu quan điểm.

Chặng đường gian nan để được nhìn nhận đúng đắn

Ở khía cạnh khác, buổi triển lãm là cơ hội “hợp thức hóa” những tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật mà những nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia đã tâm huyết sáng tạo trong hàng chục năm qua mà không được công chúng biết tới. Tại buổi triển lãm, nhiều tác giả không kìm nổi niềm vui, sự phấn khởi, cũng như nỗi xúc động khi thấy tác phẩm của mình được trưng bày.

Nhiếp ảnh gia Dũng Art không giấu nổi cảm xúc: “Đáng lẽ buổi triển lãm nên được diễn ra từ cách đây hai ba chục năm rồi nhưng vướng nhiều cản trở về thủ tục cấp phép lẫn định kiến của công chúng. Đến giờ, nhận thức của người Việt ngày càng rộng mở. Anh em nghệ sĩ không còn phải giấu giếm, giờ đối với tôi cảm giác như được bước từ bóng tối ra ngoài ánh sáng.”

Đã có 18 năm chụp ảnh nude nhưng lần đầu triển lãm tác phẩm, nghệ sĩ Đỗ Thùy Mai, đến từ mảnh đất Cà Mau cũng có lời tâm sự: “ Người dân quê tôi tiếp cận thông tin chưa đầy đủ, luôn có cái nhìn sai lệch, tiêu cực về công việc chúng tôi đang làm. Nhưng qua tác phẩm, tôi luôn muốn tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ và muốn công chúng có nhận thức đúng về tranh, ảnh khỏa thân nghệ thuật”. 

Còn với nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, ông cho rằng thể loại nude nghệ thuật ở Việt Nam đang phát triển hỗn tạp. Tuy nhiên, là một người nghệ sĩ, dù được “cởi trói” hay không, “luôn được sáng tạo với môn nghệ thuật mình yêu thích và để lại những tác phẩm ấy là niềm hạnh phúc”.

Theo các nghệ sĩ, cơ quan quản lý văn hóa đã thực sự cởi mở và dũng cảm khi cấp giấy phép cho triển lãm này. Ảnh nude không xa lạ với các nước trên thế giới; Nhưng ở Việt Nam, ảnh nude nghệ thuật đã phải vượt qua vô vàn gian nan để được mọi người nhìn nhận đúng đắn.

Nhiếp ảnh gia nghệ thuật theo đuổi con đường sáng tạo ảnh nude đều có mục đích và mong muốn ca ngợi vẻ đẹp tạo hóa, cũng hướng thiện nhân văn như những nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật khác. Còn về những định kiến, thay đổi nhận thức và quan niệm thẩm mỹ của xã hội là một chặng đường dài. 

Có một sự thật phải công nhận rằng buổi triển lãm ảnh nude nghệ thuật đầu tiên tại Thủ đô đã đánh dấu bước đột phá trong suy nghĩ của các cơ quan chức năng cũng như nhận thức của công chúng. Đó là thông điệp: Chúng ta đã dám đối mặt định kiến, dám sáng tạo, dám công bố và dám công nhận một loại hình nghệ thuật về khỏa thân. 

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.