Sự xâm nhập “êm ái” của Trung Quốc vào Mỹ Latinh

Một tàu bệnh viện của Hải quân Trung Quốc hôm 22/9/2018 cập cảng Venezuela và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí
Một tàu bệnh viện của Hải quân Trung Quốc hôm 22/9/2018 cập cảng Venezuela và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí
(PLO) - Đã tròn một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc xác định quan hệ chiến lược với khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribê vào năm 2008. Từ đó tới nay, Bắc Kinh đã khẳng định Trung Quốc là một đối tác thương mại và tài chính không thể thiếu tại khu vực vốn trước đây vẫn được coi là “sân sau” của Mỹ. Đó là nhận định trong bài viết của hai tác giả Thierry Kellner, giảng viên Chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Bruxelles và Sophie Wintgens, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Viện FRS - FNRS, cũng thuộc Đại học Bruxelles.  

Đầu tư tăng nhanh kỷ lục

Vào năm 1990, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latinh và vùng Caribê hầu như không đáng kể, chỉ đạt 10 tỉ đô la. Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban kinh tế châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, kể từ năm 2000, con số này tăng vùn vụt và đạt 266 tỉ đô la vào năm 2017, tương đương với tổng giá trị trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ với khu vực này. 

Nhờ giao thương với các đối tác châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, Bắc Kinh đảm bảo được nguồn hàng hóa chiến lược ổn định (chất đốt, khoáng sản, lương thực, thực phẩm …), cũng như các nguyên liệu sản xuất khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, và mở mang thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc. 

Ngoài trao đổi thương mại, Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư quan trọng và cung cấp vốn dưới hình thức cho vay. Từ năm 2010 đến năm 2015, trong khi các ngân hàng phát triển của phương Tây giảm hỗ trợ từ 36 tỉ đô la xuống còn có 29,1 tỉ đô la, thì số tiền Trung Quốc cho các nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribê vay lại tăng gấp đôi, nhiều hơn cả vốn tài trợ của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển liên Mỹ (BID) và Ngân hàng Phát triển Châu Mỹ Latinh (CAF) cộng lại.

Chính sách của Trung Quốc có lợi cho cả đôi bên, nhưng không có nghĩa là không tiềm ẩn nguy cơ và thách thức. Chẳng hạn, khủng hoảng kinh tế khiến Venezuela không thể đảm bảo thanh toán nợ cho Bắc Kinh. Ngược lại, các đối tác của Trung Quốc trong khu vực cũng có nguy cơ vỡ nợ. 

Từ thực tế đó, cũng không nên xem nhẹ nguy cơ các nước bị vỡ nợ Trung Quốc. Một nghiên cứu cho thấy 8/68 nước tham gia dự án “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 đang nợ nhiều đến mức không thể trả nổi. Rất tiếc là nghiên cứu trên không đề cập đến các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Ngoài những khó khăn kinh tế - xã hội, khoản nợ khiến các nước này khó chống đỡ trước sức ép đòi hỏi từ Trung Quốc. Đơn cử trường hợp của Sri Lanka, mới đây, bị cho là do không thể trả nợ nên phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm.

Vấn đề không chỉ có vậy. Một số nghiên cứu nhấn mạnh là sự mất cân đối trong giao thương với Trung Quốc thúc đẩy quá trình phi công nghiệp hóa ở các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê, biến các đối tác của Trung Quốc thành nạn nhân trong cạnh tranh hàng hóa, và có thể khiến nền kinh tế của các quốc gia này lệ thuộc vào Bắc Kinh. 

Hơn nữa, tiền tài trợ vô điều kiện của Trung Quốc có thể làm giàu cho các cá nhân và đảng phái. Việc Bắc Kinh đầu tư và cho vay vô điều kiện cũng có thể làm công tác quản lý ở các nước sở tại trở nên yếu kém, khiến nạn tham nhũng trong khu vực nghiêm trọng hơn, thậm chí gieo mầm một cuộc khủng hoảng nợ mới tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribê. 

Mỹ có cần lo ngại?

Chính chủ trương không can thiệp vào đường hướng chính trị của các nước đối tác ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê tạo thuận lợi để Bắc Kinh thâm nhập vào thị trường thương mại và tài chính của khu vực này, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây và nhiều định chế quốc tế cố định hướng chính trị với một số chế độ, khiến các quốc gia có liên quan bực tức. 

Bắt đầu từ thời chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và nhất là dưới thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh tăng cường các chuyến thăm và các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính trị cấp cao của các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribê, thiết lập quan hệ thân thiện với các nước này, dựa trên cơ sở thỏa thuận “đối tác chiến lược”. Quan hệ với các nước Brasil, Venezuela, Mêhicô, Achentina, Peru, Chilê, Ecuador, và sắp tới đây là Uruguay, được nâng lên tầm đối tác chiến lược cao nhất theo thang bậc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Các quan hệ đối tác này bao trùm mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, công nghệ … cho tới an ninh. Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc với khu vực này chưa mạnh, nhưng cũng đủ để khiến một số nước phải lưu ý, thậm chí khiến các nhà quan sát ở Washington phải lo ngại. Không chỉ bán vũ khí cho một số nước, Bắc Kinh còn phát triển cả hợp tác về quân lực và gìn giữ hòa bình trong khu vực, chẳng hạn ở Haiti.

Trên một công trình do Trung Quốc đầu tư tại Peru
Trên một công trình do Trung Quốc đầu tư tại Peru

Trao đổi cấp cao với lãnh đạo quân sự của các quốc gia trên cũng được Bắc Kinh duy trì ở mức thường xuyên. Trung Quốc cũng tạo điều kiện chuyển giao công nghệ quân sự cho các nước trong khu vực. 

Trung Quốc củng cố quan hệ chính trị với nhiều nước thông qua việc thành lập các diễn đàn đa quốc gia, chẳng hạn Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Các diễn đàn và tham vấn định kỳ về các vấn đề trong khu vực và trên quốc tế và có lợi cho cả đôi bên được tổ chức: Diễn đàn cấp bộ về hợp tác, Diễn đàn nông nghiệp, Diễn đàn sáng chế khoa học và công nghệ, diễn đàn Doanh Nghiệp, Diễn đàn của các tổ chức tư vấn, Diễn đàn cho các nhà lãnh đạo chính trị trẻ, Diễn đàn hợp tác về hạ tầng cơ sở, Diễn đàn về tình hữu nghị giữa các dân tộc, Diễn đàn về các đảng chính trị…

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tận dụng Thượng đỉnh của nhóm BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) để thúc đẩy quan hệ với Nam Mỹ. Và cuối cùng, ngoài tăng cường sự hiện diện về kinh tế, tài chính và chính trị, quyền lực mềm của Trung Quốc còn thể hiện rõ qua việc tăng thêm số Viện và khóa đào tạo về Khổng Giáo, sự ra đời của phương tiện truyền thông nhắm tới cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha. 

Hơn nữa, có khá đông người Hoa sinh sống từ khá lâu ở châu Mỹ Latinh. Bắc Kinh có thể tranh thủ cộng đồng 1,8 triệu Hoa kiều để dễ dàng thâm nhập vào khu vực. 

Theo thăm dò ý kiến viện nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện hồi mùa xuân năm 2017, Trung Quốc dường như đã thành công trong việc tuyên truyền hình ảnh tích cực về các hoạt động đa dạng và sự hiện diện đang gia tăng của Bắc Kinh tại một số quốc gia. Khoảng 61% số dân Peru được hỏi đánh giá tích cực về Trung Quốc. Tỉ lệ này là 52% ở Brasil và Venezuela, 51% ở Chilê, vào khoảng trên 40% ở Colombia, Mêhicô và Achentina. 

Chỉ trong vòng một thập kỷ, trong khi châu Âu không để ý, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có những hoạt động và tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, cho dù sự hiện diện đa dạng hiện nay của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều câu hỏi và gặp nhiều hạn chế. 

Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã trở thành một đối thủ mới tầm cỡ của Mỹ về địa chính trị. Nhưng một số người khác cho rằng vào thời điểm hiện tại, vị thế của Trung Quốc được đánh giá cao hơn so với thực tế. Không những vậy, họ còn cho rằng tham vọng của Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều trở ngại trong khu vực.

Dù sao đi chăng nữa, đây cũng là một chuyển biến lớn trong quan hệ quốc tế. Sự xâm nhập của Trung Quốc đang tiếp diễn, nhưng đâu là những hệ quả lâu dài về kinh tế, tài chính, chuẩn mực, chính trị, địa chính trị, xã hội và môi trường tại các nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, cũng như đâu là những ảnh hưởng đối với các đối tác truyền thống của những quốc gia này? Những vấn đề này sẽ còn được bàn cãi nhiều.

Sự xâm nhập của Trung Quốc vào châu Phi thậm chí còn mạnh hơn rất nhiều. Quan hệ Trung Quốc và châu Phi đã có từ hơn nửa thế kỷ qua, kể từ năm 1955 tại Indonesia, ban đầu giới hạn trong khuôn khổ đối tác thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh gia tăng nhiều khoản đầu tư lớn lên đến hàng tỉ đô la vào châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Một số liệu nghiên cứu cho rằng nợ của châu Phi vay Trung Quốc đã lên đến mức 125 tỉ đô la giai đoạn 2000-2016.

Nhờ vào mối quan hệ bang giao có từ xưa và các khoản đầu tư lớn, Trung Quốc hiện có đến 52 phái đoàn ngoại giao tại nhiều thủ đô châu Phi, so với con số 49 của Hoa Kỳ. Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Và định chế quốc tế này có một lực lượng lính mũ nồi xanh đông đảo tại châu lục. Hơn 2.000 binh sĩ được triển khai tại Congo, Liberia, Mali, Sudan và Nam Sudan.

Và Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình khẳng định vị thế cường quốc, với mục tiêu trở thành siêu cường năm 2049, châu Phi quả thật là một trong những đồng minh mà Trung Quốc cần có bên cạnh. Bởi vì 54 quốc gia châu Phi có thể luôn luôn ứng cứu Trung Quốc, như một trường hợp đã từng xảy ra, liên quan đến việc Trung Quốc được quyền trở lại tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ngày 25/10/1971.

Với việc mở rộng trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, tăng cường nhập khẩu nguyên nhiên liệu, Trung Quốc cần có một chính sách đối ngoại bảo đảm an ninh cho các lợi ích của mình ở bên ngoài. Nếu như trước đây, vấn đề bảo đảm an ninh chưa bao giờ được chú trọng thì nay đã có những biến đổi, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo.

Do vậy, Trung Quốc bắt đầu tham gia nhiều vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, mở căn cứ quân sự như tại Djibouti, nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn cung nguyên nhiên liệu và các Hoa kiều đang sinh sống tại châu Phi.

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.