Sau vụ tấn công khủng bố gây chấn động: Nước Nga đối mặt với thách thức an ninh

Hiện trường vụ đánh bom xảy ra ở St Petersburg
Hiện trường vụ đánh bom xảy ra ở St Petersburg
(PLO) - Nước Nga lại chấn động bởi vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm Sennaya ở thành phố St Petersburg. Vụ tấn công đã khiến Nga đối mặt với thách thức về an ninh đồng thời khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.

Ngày 3/4/2017, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Liên bang Nga cho biết đã xảy ra vụ nổ tại một toa tàu đang ở đoạn đường giữa hai ga “Quảng trường Sennaya” và ga “Viện công nghệ” tại St Petersburg vào lúc gần 14h40 giờ địa phương (18h40 giờ Hà Nội) cùng ngày. Vụ nổ đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng và 50 người bị thương. 

Khủng bố

Ủy ban Điều tra Nga (IC) nhận định đây là hành động khủng bố và thông báo mở điều tra hình sự vụ đánh bom và hiện một số nhân viên có kinh nghiệm thuộc Văn phòng Ủy ban điều tra trung ương đã được cử đến Saint Petersburg để trợ giúp lực lượng tại hiện trường. Cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga đã phát lệnh truy nã đối với hai đối tượng bị nghi ngờ liên quan đến vụ nổ.

Một đối tượng đặt thiết bị nổ vào trong toa tàu điện ngầm, được xác định là một thanh niên 23 tuổi, gốc Trung Á. Tên này có mối liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan, đang hoạt động trên lãnh thổ Nga. Đối tượng còn lại đã mang bom tự chế đến đặt tại nhà ga Quảng trường khởi nghĩa. Thiết bị thứ hai này, được ngụy trang thành một chiếc bình chữa cháy, sau đó đã được cơ quan chức năng phát hiện và vô hiệu hóa.

Chính quyền thành phố Saint Petersburg tuyên bố để tang 3 ngày các nạn nhân của vụ nổ. Các cơ sở giáo dục ở thành phố này cũng được chuyển sang chế độ đặc biệt, siết chặt các biện pháp kiểm tra an ninh tại cửa ra vào, rà soát lại hệ thống an ninh và các khu vực phụ cận. Hoạt động tại nhà ga tàu điện ngầm ở thành phố Saint Petersburg đã được nối lại một phần sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết, ngoại trừ hai nhà ga “Quảng trường Sennaya” và “Viện công nghệ”. Sau khi xảy ra vụ đánh bom, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến hiện trường đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng đồng thời bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân.

Một điểm đáng chú ý là vụ tấn công khủng bố xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Nga sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus vào ngày 4/4 cũng tại thành phố St Petersburg. Trước đó, hồi tháng 12-2015, St Petersburg từng là mục tiêu bị tấn công khủng bố khi chiếc máy bay xuất phát từ thành phố này đã bị gài bom và nổ tung trên bầu trời khi đang trong hành trình tới Ai Cập, khiến toàn bộ 224 hành khách thiệt mạng. Vào thời điểm đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công và khẳng định, động cơ khủng bố là nhằm trả đũa sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria.

Hình ảnh nghi phạm vụ đánh bom
Hình ảnh nghi phạm vụ đánh bom

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Cộng đồng quốc tế đã kịch liệt lên án vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm ở thành phố Saint Petersburg. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án vụ đánh bom đồng thời khẳng định những đối tượng gây ra vụ nổ sẽ phải chịu tội. Ông Guterres cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân cũng như chính phủ và người dân Nga. 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”. Trong một thông cáo, HĐBA LHQ bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân, cũng như nhân dân và Chính phủ Nga. HĐBA nhấn mạnh cần đưa thủ phạm, những chủ mưu, cũng như đối tượng tài trợ cho các hành động khủng bố ra trước công lý. 15 thành viên HĐBA cũng khẳng định những kẻ tiến hành vụ tấn công trên cần phải bị trừng trị, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác với Nga trong việc này. 

Liên minh Châu Âu (EU) đã bày tỏ chia buồn với các gia đình nạn nhân và hy vọng những người bị thương sẽ chóng phục hồi. Tuyên bố của EU cho biết, Điện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã gửi chia buồn tới Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đồng thời cho biết EU “kịch liệt lên án mọi hành động bạo lực”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer lên án vụ tấn công, đồng thời cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Nga điều tra vụ việc. Ông khẳng định: “Các vụ tấn công nhằm vào dân thường nhắc chúng ta nhớ rằng thế giới cần phải chung tay chống bạo lực dưới mọi dạng thức”. Trong khi đó, trả lời báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ tấn công trên là “điều khủng khiếp” và cho rằng những điều khủng khiếp như vậy đang xảy ra trên khắp thế giới.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết “thảm kịch” này cho thấy cần “tiếp tục cảnh giác trong bối cảnh các nguy cơ khủng bố ở mức cao. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault bày tỏ tình đoàn kết của Pháp với Nga và chia buồn với các gia đình nạn nhân.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen bày tỏ rất “sốc” về vụ việc tại Saint Peterburg, gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân và bày tỏ sẽ đứng bên cạnh nhân dân Nga. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, người đang ở thăm Nga, và Tổng thống Moldova Igor Dodon đã thể hiện chia buồn với Tổng thống Putin cũng như những nạn nhân trong vụ đánh bom.

Các nước vùng Vịnh cũng kịch liệt lên án vụ tấn công trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho biết: “Iran một lần nữa nhắc lại sự cần thiết của việc phối hợp các nỗ lực quốc tế để lên án một cách nghiêm túc chủ nghĩa khủng bố, dù đằng sau đó là vì động cơ gì”.

Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố khẳng định tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Nga trong thời khắc khó khăn này và nhấn mạnh quan điểm kiên định của Ai Cập là bác bỏ và lên án mọi dạng thức của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực. Tuyên bố cho biết thêm rằng các hành động như vậy cho thấy không quốc gia nào được “miễn trừ” khỏi các vụ tấn công khủng bố, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết cùng nỗ lực chống khủng bố.

Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng lên án vụ tấn công trên là “tội ác khủng bố” chống lại các giá trị đạo đức và nhân văn, đồng thời khẳng định để chống lại chủ nghĩa khủng bố cần một phản ứng cứng rắn.

Đối mặt nguy cơ khủng bố gia tăng

Các nhà phân tích cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch không kích chống IS tại Syria kể từ tháng 10/2015 là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức Hồi giáo cực đoan tăng cường các hoạt động khủng bố tại Nga. 

Tháng 11/2015, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Nga công bố việc bắt giữ một nghi phạm ở Moskva với cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố tại thủ đô. Trong vụ bắt giữ này, lực lượng an ninh Nga đã phát hiện và vô hiệu hóa một thiết bị nổ tự chế. Vụ việc liên quan đến việc bắt giữ một số công dân Nga tại Moskva được cho là thành viên của IS. Các nghi phạm này đã dùng các thiết bị nổ tự chế âm mưu tấn công các phương tiện giao thông công cộng. Trong số những nghi phạm bị bắt, Baysultanov - kẻ đã từng đến Syria được xem là chủ mưu. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các cơ quan chức năng của Nga đã ngăn chặn thành công 45 vụ trọng tội có khuynh hướng khủng bố, trong đó có 16 vụ khủng bố.

Mới đây nhất, ngày 5/3, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Cộng hòa Dagestan thuộc Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào dân thường, đại diện các cơ quan nhà nước và nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Cộng hòa Dagestan của một băng nhóm có liên hệ mật thiết với IS. Trong khi đó, theo Cơ quan An ninh liên bang Nga hiện có hơn 4.000 tay súng từ Nga và 5.000 tay súng từ các nước thuộc Liên Xô cũ đang tham chiến cho lực lượng phiến quân khủng bố cực đoan ở Syria. 

Các chuyên gia cho rằng lực lượng an ninh Nga cần phải tăng cường hoạt động để đối mặt với thực tế hiện nay là công dân Nga trở về từ các “điểm nóng” đang được sử dụng như một phương tiện để truyền cảm hứng cho phong trào chống chính phủ và các hoạt động khủng bố. Và vụ đánh bom xảy ra ở St Petersburg là một ví dụ điển hình.

Giới chức Pháp, Nga, Mỹ thảo luận vấn đề chống khủng bố

Ngày 4/4, giới chức các nước Nga, Pháp và Mỹ đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ thảo luận về vấn đề chống khủng bố sau khi xảy ra vụ tấn công liều chết nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố St. Petersburg khiến nhiều người chết và bị thương 

Trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của Pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault đã nhấn mạnh với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về sự cần thiết của một mặt trận quốc tế thống nhất chống lại chủ nghĩa khủng bố, vốn đã gây ra mối đe dọa an ninh ở các nước này. Ông Ayrault cũng nhắc lại sự ủng hộ của Paris đối với Moskva trong vụ nổ tại ga tàu điện ngầm ở thành phố St. Petersburg hôm 3/4. Ông Ayrault khẳng định: “Pháp sẵn sàng đáp ứng với bất cứ lời yêu cầu hỗ trợ nào”. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bày tỏ cảm ơn đối với người đồng cấp Pháp, đồng thời hy vọng rằng Moskva và Paris sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. 

Trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của Mỹ và với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nga tại Washington, Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev cũng đã thảo luận với Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly vấn đề chống khủng bố. Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga, bà Irina Volk, ông Kelly nhấn mạnh Mỹ cùng với toàn thế giới chia buồn với Nga và các gia đình bị mất người thân trong vụ tấn công đẫm máu tại St. Petersburg cách đây 2 ngày. Hai bên cũng thể hiện quan điểm chung về việc cần thống nhất nỗ lực trong đấu tranh chống khủng bố quốc tế.

Đọc thêm

Dubai chìm trong nước

Dubai chìm trong nước
(PLVN) - Lượng mưa một ngày tương đương một năm gây ra ngập lụt khủng khiếp ở Dubai vào ngày 16/4.

Tổng thống Nga Putin nhận tấm giấy quan trọng

Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(PLVN) - Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova đã trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin giấy chứng nhận chính thức đánh dấu chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.

Tin không vui với Ukraine

Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
(PLVN) - Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại một cuộc họp báo tuyên bố Slovakia sẽ phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
(PLVN) - Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới.

Tiết lộ thu nhập của Tổng thống Mỹ Biden và phu nhân

Tổng thống Mỹ Biden và Đệ nhất phu nhân.
(PLVN) - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill ngày 15/4 công bố tờ khai thuế cho thấy thu nhập của họ đã tăng 7%, lên thành 619.976 USD vào năm 2023 và họ đã đóng thuế liên bang số tiền tương đương 23,7% thu nhập.

Công dân Việt Nam tại Israel và Iran vẫn an toàn

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
(PLVN) - Bộ Ngoại giao ngày 14/4 cho biết, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp và tiếp tục leo thang.

Chuyện về ngành quảng cáo toàn cầu

Quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh: tinhte.vn)
(PLVN) - Đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, quảng cáo là một phương tiện tiếp thị chủ chốt giúp đưa thông điệp về sản phẩm đến gần với khách hàng hơn. Với thị trường rộng lớn, ngành quảng cáo toàn cầu thu lại lợi nhuận khổng lồ và gây ấn tượng với những chiến dịch không đơn thuần chỉ là quảng cáo.