Khoa học gia làm gián điệp giúp Trung Quốc phát triển tàu không gian “Thần Châu”

Tòa án thành phố Moscow
Tòa án thành phố Moscow
(PLO) -Vụ việc được tiết lộ khi trang web báo “Pháp luật và trật tự” của Nga hôm 24/9 đăng bài nhan đề “Gián điệp Trung Quốc bị kết án”. Trong đó, bài báo cho biết: Chuyên gia hàng đầu về động lực học hàng không Vladimir Rapkin hôm 6/9 đã bị Tòa án thành phố Moscow tuyên phán phạm tội làm gián điệp và phạt 7 năm tù giam.

Vụ án gián điệp bị xử kín

Do vụ án liên quan đến lĩnh vực cơ mật nên quá trình xét xử của tòa án hoàn toàn được giữ bí mật, không công khai cho giới truyền thông; Rapkin đã thừa nhận mình vi phạm đạo luật liên quan của liên bang.

Cả Cục Hàng không vũ trụ Nga và cơ quan nơi Rapkin công tác đều không đưa ra bất cứ bình luận gì về vụ án này. Tuy phán quyết của tòa chỉ nói Rapkin bị kết tội “bán cơ mật quốc gia về lĩnh vực hàng không vũ trụ cho một quốc gia châu Á, bị kết tội phản quốc theo điều 275 Luật Hình sự Nga”, nhưng báo chí đã nêu rõ tên của quốc gia đó là Trung Quốc và cơ mật quốc gia mà Rapkin cung cấp cho Trung Quốc liên quan đến việc nước này chế tạo thành công phi thuyền không gian Thần Châu – một bản sao của loại tàu Liên Hợp của Nga.

Vladimir Rapkin năm nay 76 tuổi, Tiến sĩ vật lý, là một chuyên gia về ngành động lực học hàng không, trước khi bị bắt từng là Giám đốc Trung tâm Khí động lực hàng không, Viện nghiên cứu cơ khí trung ương trực thuộc Tập đoàn công ty Hàng không vũ trụ Nga, đồng thời là giáo sư giảng dạy tại Đại học Kỹ thuật tổng hợp Bauman Moscow (MGTU).

Hãng tin Lenta hôm 23/9 tiết lộ, Rapkin thực ra đã bị Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) theo dõi từ năm 2013. Hồi năm 2013, khi ông bất ngờ bị miễn chức Giám đốc trung tâm mà không có bất cứ lý do nào được đưa ra khiến những người trong cơ quan cảm thấy bất ngờ.

Bí mật về kỹ thuật của xe tăng tối tân Armata của Nga cũng bị bán cho Trung Quốc
Bí mật về kỹ thuật của xe tăng tối tân Armata của Nga cũng bị bán cho Trung Quốc

Các đồng sự của ông cho biết, trong 20 năm làm giám đốc, Rapkin đã tự mình tuyển lựa nhân viên, không có bất cứ sai sót hay sơ xuất điều gì trong công tác khiến ông bị bãi chức. Năm 2015, cơ quan an ninh quốc gia mới chính thức bắt giữ Rapkin, tên tuổi ông cũng bị loại khỏi danh sách các giáo sư trên trang web của Đại học Kỹ thuật tổng hợp Bauman.

Một nguồn tin cho biết, trước khi bị kết án, Rapkin bị quản thúc tại gia. Ông đã đạt được thỏa thuận với phía viện kiểm sát về việc sẽ thừa nhận mọi tội lỗi; đổi lại, ông sẽ chỉ bị nhận một mức án nhẹ nhất đối với tội phản quốc.

Một nhân viên Trung tâm Khí động lực hàng không cho biết, Rapkin đã sang Trung Quốc, nhưng cũng đã tới một số quốc gia khác, tham gia các hội nghị quốc tế như hội nghị Ủy ban quốc tế tự động hóa điều khiển họp mỗi năm một lần.

Người này bày tỏ không hiểu tại sao sếp của mình lại bị buộc tội bán cho Trung Quốc những bí mật về kỹ thuật hàng không vũ trụ, vì theo ông ta, “sự phát triển của kỹ thuật hàng không vũ trụ Trung Quốc giống Nga như hai giọt nước, nhưng đó là kết quả sự hợp tác giữa hai bên, chứ không phải do gián điệp bán thông tin tình báo”.

Ông A. Alexandrov, Hiệu trưởng Đại học KTTH Bauman Moscow cho báo chí biết, Rapkin là người rất cần cù, nghiêm cẩn, trong công tác giảng dạy tại trường ông ta không để lộ bất cứ điều cơ mật gì, nhưng Trung tâm khí động học do ông ta lãnh đạo có hợp tác với Trung Quốc trong hạng mục phát triển tàu Thần Châu; vấn đề chính là trong hạng mục hợp tác này.

Nhiều nhà khoa học liên tiếp bị phạt tù

Rapkin là nhà khoa học Nga mới nhất trong số những người bị phạt tù do bí mật cung cấp những kỹ thuật không được phép xuất khẩu trong khi thực hiện các hạng mục hợp tác với Trung Quốc. Một nhà khoa học khác cùng công tác ở Viện nghiên cứu với Rapukin là viện sĩ Igor Reshetin hồi năm 2007 cũng đã bị kết án 11 năm tù.

Reshetin bị kết tội đã chuyển giao cho Trung Quốc các thông tin mật về các công nghệ bị cấm có thể sử dụng để chế tạo các tên lửa mang vũ khí hủy diệt trong suốt thời gian từ năm 1998 - 2003. Kết quả điều tra cho thấy, ông và một số đồng sự ở viện này đã nhận được gần 2 triệu USD cho những thông tin được chuyển giao.  

Tàu Liên Hợp của Nga
Tàu Liên Hợp của Nga

Tháng 9/20011, Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng đã chuyển cho tòa án hồ sơ vụ án hình sự chống 2 giáo sư Yevgeny Afanasiev và Svyatoslav Bobyshev của Đại học tổng hợp kỹ thuật quốc gia Baltyisk mang tên D.F. Ustinov (BGTU, còn gọi là Voenmekh).

Theo kết quả điều tra, hai nhà khoa học này vào tháng 5/2009 khi đi công tác ở Trung Quốc đã mang theo một số tài liệu mật về lĩnh vực tên lửa trao cho các đại diện của cơ quan tình báo quân sự Trung Quốc để nhận tiền. Vào năm 2013 họ đã bị xét xử bí mật, bị kết án tù giam, có tin một người đã bị chết trong tù.

Một vụ khác là nhà khoa học vật lý Valentin Danilov - Giám đốc Trung tâm Vật lý nhiệt hạch tại Trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Krasnoyarsk, bị kết án 14 năm tù giam tại tòa án ở Siberia với tội danh hoạt động gián điệp cho Trung Quốc. Danilov đã đưa các kết quả nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nga cho quan chức tại Công ty Cơ khí chính xác xuất nhập khẩu Trung Quốc và Viện Vật lý Lan Châu vào năm 1999.

Danilov bị bắt vào tháng 2/2001 sau khi Cơ quan Điều tra liên bang Nga tiến hành điều tra vào tháng 5/2000. Ông ta đã bị giam giữ trong nhà giam 19 tháng trước khi chính thức bị cáo buộc vào tháng 12/2003.

Nhưng phán quyết lần đầu tiên này đã bị Danilov bác bỏ bằng đơn kháng cáo vào tháng 12/2003 và bị đưa ra xét xử lại với tội danh phản quốc tại Tòa án Tối cao Nga với thành phần hội đồng xét xử hoàn toàn mới.

Ngày 24/11/2004, Tòa án vùng Krasnoyarsk đã kết án Danilov sau khi ông ta nhận tội phản quốc và gian lận. Rất nhiều chuyên gia có mặt tại phiên tòa xét xử Danilov cho rằng bị cáo đã biết tất cả các tài liệu liên quan đến môi trường vũ trụ và vệ tinh nhân tạo mà ông cung cấp cho Trung Quốc là tài liệu mật và có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.  

Một vụ việc khác là ngày 19/11/2015, Hãng TASS đưa tin Tòa án thành phố Moscow đã tuyên phạt Maxim Lyudomirsky, một trong số các chuyên viên thiết kế siêu xe tăng Armata của Nga mức án 9 năm tù vì tội làm gián điệp cho nước ngoài. Tuy TASS không nêu đích danh nước ngoài đó, nhưng giới quan sát cho rằng quốc gia đó là Trung Quốc – một nước rất hứng thú tìm hiểu loại siêu tăng này.

Theo nguồn tin, Lyudomirsky đã bị bắt vào tháng 9/2014. Ông bị buộc tội theo Điều 275 của Bộ luật hình sự Liên bang Nga. Phiên tòa cũng được xử kín nên các chi tiết không được công khai. Maxim Lyudomirsky là một trong những người đồng sáng lập tổ hợp nghiên cứu và sản xuất Elektrooptika, giữ chức kỹ sư trưởng thiết kế. Ông sở hữu 23% cổ phần của công ty.

Theo thông báo chính thức trên website của Elektrooptika, tổ hợp này chuyên phát triển và sản xuất hệ thống định vị laser dùng cho máy bay (LINS) và các phần mềm đặc biệt. Ngoài ra, các sản phẩm của Elektrooptika được sử dụng trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí mới.

Lyudomirsky còn tham gia thiết kế một số hệ thống vũ khí của loại siêu xe tăng “Armata”, các loại xe bọc thép chở quân hiện đại BMP “Kurganets-25”, BTR "Boomerang" và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa các hệ thống phòng không "Thor" và "Beech".

Tàu Thần Châu được coi là bản sao của tàu Liên Hợp
Tàu Thần Châu được coi là bản sao của tàu Liên Hợp

Theo Ủy ban điều tra Liên bang Nga, ông Lyudomirsky “bị phát hiện cộng tác với một nước ngoài và đã chuyển giao cho nước này nhiều thông tin có giá trị về việc phát triển mới của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Trong quá trình điều tra xét hỏi, ông Lyudomirsky đã thừa nhận mọi tội trạng”...

Tin cùng chuyên mục

Hình ảnh tại cuộc họp.

Hoạt động mới của Tổng thống Ukraine Zelensky

(PLVN) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/3 đã gặp phái đoàn của nhóm Đổi mới châu Âu thuộc Nghị viện châu Âu do Chủ tịch nhóm Valérie Hayer đứng đầu, tờ Ukrinform dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.