Bất đồng Mỹ - Trung vì vấn đề 'gián điệp công nghiệp'

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ít ngày tới tại Achentina để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại. Trong số các tranh chấp Mỹ - Trung, một trong các vấn đề then chốt là “gián điệp công nghiệp”, trong đó đặc biệt nóng bỏng là lĩnh vực chip điện tử. Gián điệp công nghiệp là vấn đề hoàn toàn không dễ giải quyết trong quan hệ Trung – Mỹ.

Ngày 1/12/2018 tới, sau thượng đỉnh của khối G20, tại Buanos Aires, Achentina, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hội kiến, để bàn về một thỏa hiệp nhằm đình chỉ cuộc chiến thương mại song phương, đang gây nhiều thiệt hại cho kinh tế hai nước, đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước ngồi lại với nhau, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng phát từ nửa năm nay. Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có tìm được thỏa hiệp hay không? Trong số các tranh chấp Mỹ - Trung, gián điệp công nghiệp là vấn đề then chốt, và cũng được coi là một cội rễ của cuộc chiến thương mại.  

Tình báo dân sự thay cho tình báo quân đội

Bắc Kinh bị cáo buộc đã gia tăng đánh cắp sở hữu công nghiệp từ hai năm trở lại đây. Trước đó, tình trạng đánh cắp sở hữu công nghiệp đã nở rộ, khiến chính quyền tổng thống tiền nhiệm Obama nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc.

Tháng 9/2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Do áp lực của Mỹ, Bắc Kinh đã chấp nhận ký kết một thỏa thuận cam kết không hậu thuẫn gián điệp công nghiệp, để tránh các trừng phạt của Washington. Ít tháng sau đó, các vụ gián điệp công nghiệp Trung Quốc sụt giảm đến 90%, theo một điều tra của CrowdStricke, một công ty chuyên về an toàn mạng, có trụ sở tại Sunnyvale, California.

Tình hình tạm lắng dịu trong khoảng một năm. Tuy nhiên, kể từ tổng thống Trump lên nắm quyền, gián điệp Trung Quốc đã hoạt động mạnh trở lại. Giám đốc kỹ thuật của công ty CrowdStricke và một số chuyên gia khác ghi nhận một hiện tượng rất đáng chú ý là: Không còn là quân đội đứng đằng sau các vụ tấn công tin học, mà là cơ quan phụ trách tình báo dân sự Trung Quốc.

Tình hình hiện nay được coi là đáng lo ngại hơn, vì tình báo dân sự sử dụng các tin tặc có kinh nghiệm, tinh vi hơn, rất khó bắt được và quy trách nhiệm cho các hoạt động phá hoại hay đánh cắp công nghệ.

Một ví dụ đó là phải mất nhiều năm trời, vào tháng 10/2018 vừa qua, các thẩm phán liên bang Mỹ tại San Diego, mới có thể truy tố được hai gián điệp Trung Quốc và năm nghi phạm tin tặc khác. Đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một sĩ quan tình báo Trung Quốc, tên Từ Ngạn Quân (Yanjun Xu), gián điệp công nghiệp, bị cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ. An ninh Mỹ đã tổ chức gài bẫy để viên sĩ quan an ninh cao cấp này trực tiếp sang Bruxelles, với hy vọng mua được nhiều tài liệu mật về động cơ máy bay của một hãng Hoa Kỳ.

Hàng loạt vụ gián điệp lớn khác, liên quan đến nhiều lĩnh vực công nghệ cao, như dược phẩm chống ung thư, gạo biến đổi gien… cũng liên tục được đưa ra ánh sáng trong những tháng gần đây. Một chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ - Trung, đánh giá: “Việc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, lâu nay bị phía Mỹ coi thường, là đầu mối của cuộc chiến thương mại”. 

Thị trường cạnh tranh khốc liệt 

Một ví dụ tiêu biểu được nói đến nhiều trong những tuần gần đây liên quan đến tập đoàn Micron của Mỹ. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một vụ đánh cắp công nghiệp tiêu biểu trong những năm gần đây, một điển hình của gián điệp công nghiệp.

Công ty Micron Technology, có cơ sở tại Idaho, miền đông bắc Hoa Kỳ, sở hữu công nghệ chíp điện tử bán dẫn có tên là “DRAM”, được sử dụng trong nhiều phương tiện điện tử, như smartphone, máy tính, xe hơi hay vô tuyến truyền hình… Micron kiểm soát khoảng 20% thị trường bộ nhớ DRAM trên thế giới, đứng hàng thứ tư trong lĩnh vực bán dẫn. Chíp điện tử là mặt hàng chủ lực, chiếm khoảng 70% doanh số hàng năm của hãng, ước tính 30 tỉ USD.

Năm 2016, Bắc Kinh thông báo việc Trung Quốc tự túc chíp DRAM sẽ là ưu tiên của chính sách an ninh quốc gia. Tháng 2/2016, Trung Quốc bị cho rằng đã giải ngân hơn 37 tỉ nhân dân tệ (tương đương hơn 5 tỉ USD) để lập ra công ty Fujian Jinhua Circuit Co., chuyên sản xuất loại chíp này tại một xí nghiệp ở Jinjiang, miền nam Trung Quốc.

Tuy nhiên công ty Fujian Jinhua không nắm được công nghệ. Doanh nghiệp này ký một thỏa thuận với công ty Đài Loan United Microelectronics Corps (hay UMC) để có được công nghệ cần thiết. Theo viên công tố Mỹ phụ trách điều tra, thì một phó chủ tịch công ty Đài Loan đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhân viên của MMT, một chi nhánh công ty này.

Theo cơ quan công tố Mỹ, MTT đã tuyển mộ được một kỹ sư và một phụ trách (đều là người Đài Loan, vốn là nhân viên cũ của tập đoàn Mỹ), cho phép lấy được nhiều bí mật công nghệ của Micron Technology tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này. “Khoảng 900 tệp tin bí mật” chứa các dữ liệu của Micron Technology được cho là đã bị đánh cắp. Các nhà điều tra Mỹ ước tính các thông tin gây thiệt hại từ 400 triệu đến 8,75 tỉ USD.

Một trong những người mới được ông chủ Đài Loan tuyển mộ, được cho là đã khai, “trong những ngày gần đây, tại công ty MMT, hoạt động đánh cắp dữ liệu mật của Micron diễn ra hết tốc lực…. Các bí mật đánh cắp bao phủ toàn bộ các công nghệ” DRAM, để công ty có thể kịp chuyển cho công ty “đối tác”.

Sau đó công ty UMC kiện Micron về bản quyền. Ngày 3/7 vừa qua, một tòa án địa phương Trung Quốc quyết định ngưng tạm thời 26 sản phẩm chíp bán dẫn của công ty Mỹ, vì bị cáo buộc xâm phạm bản quyền của công ty Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC). 

Cáo buộc của tư pháp Mỹ được đưa ra đúng vào lúc xí nghiệp sản xuất chíp điện tử DRAM của công ty Trung Quốc Fujian Jinhua đang sắp sửa hoàn tất, đe dọa trực tiếp các mặt hàng xuất khẩu tương đương từ phía Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ đã ra một thông tư cấm công ty Trung Quốc Fujian Jinhua mua được các linh kiện Mỹ cần cho việc sản xuất chíp. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có thể đã quá trễ để ngăn chặn thiệt hại đã xảy ra, do bản quyền bị đánh cắp.

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung là một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Theo một điều tra được công bố hồi tháng 9/2018, của Viện Oxford’s Future of Humanity Institute, với thị trường 1,4 tỉ dân và hơn 700 triệu người dùng net, Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ về tiềm năng trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nhìn chung, nghiên cứu của Đại học Oxford ghi nhận là “Bắc Kinh rình rập Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngoại trừ Big Data (hay cơ sở dữ liệu lớn)”, vốn được coi là nguồn tài nguyên vô tận, tự có của Trung Quốc, do số lượng dân cư đông đúc.

Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy trở ngại chính đối với tham vọng của Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu chính là khả năng sản xuất các bộ vi xử lý và chíp điện tử.  

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Papua New Guinea sáng 17/11, Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác toàn cầu và thương mại quốc tế. Ông khẳng định không vấn đề nào các nước không thể giải quyết "thông qua đàm phán". "Lịch sử đã chỉ ra sự đối đầu, dù ở dạng chiến tranh, chiến tranh lạnh hay chiến tranh thương mại, đều không đem lại chiến thắng cho ai cả", ông nhấn mạnh.

Đánh thuế nhập khẩu và cắt đứt quan hệ kinh tế "là cách tiếp cận thiển cận và sẽ thất bại". Chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương đang phủ bóng đen lên tăng trưởng toàn cầu, ông Tập cảnh báo.

Trong bài phát biểu sau đó, Phó tổng thống Mỹ - Mike Pence lại tuyên bố tuy "rất tôn trọng Chủ tịch Tập" và Trung Quốc, Mỹ sẽ không nhượng bộ trong chiến tranh thương mại cho đến khi Bắc Kinh "thay đổi hành động". "Trung Quốc đã kiếm lợi từ Mỹ rất nhiều năm nay rồi, và những ngày đó đã chấm dứt", ông khẳng định, "Chúng tôi đã đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, và có thể tăng gấp đôi con số đó".

Trong bài phát biểu, Pence cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang mạnh hơn bao giờ hết. Ông chỉ trích các sáng kiến cơ sở hạ tầng khiến các quốc gia đang phát triển ngập trong nợ, ám chỉ chính sách Vành đai và Con đường của Trung Quốc. "Nước Mỹ có lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác trong biển nợ", ông nói.

Trong chuyến công du châu Á, Pence cũng công bố kế hoạch cùng với các đồng minh chủ chốt ở Thái Bình Dương xây dựng mạng lưới điện trị giá 1,7 tỷ USD ở Papua New Guinea. Mỹ cũng tham gia với Australia để tái phát triển một căn cứ hải quân và tổ chức cuộc họp của "Quad" - nhóm bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản trong nỗ lực cân bằng sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đang chìm sâu vào cuộc chiến thương mại đã kéo dài nhiều tháng qua. Đến nay, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, để trả đũa các chính sách mà ông cho là động thái thương mại bất công của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng thuế lên 110 tỷ USD hàng Mỹ.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia gần đây mới được nối lại, làm dấy lên kỳ vọng tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột hiện tại. Đầu tuần trước, Trung Quốc cũng đã gửi đề xuất ban đầu về chính sách thương mại sang Mỹ. Ông Trump nhận xét bản trả lời này đã khá đầy đủ, nhưng vẫn thiếu 4 – 5 vấn đề lớn.

Dù vậy, những tuyên bố hôm 17/11 cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn cách rất xa một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, dù ông Trump tỏ ra lạc quan về khả năng tìm ra giải pháp. Dự kiến ngày 1/12, ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina.

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.