Australia: Các đảng, Quốc hội bị tin tặc tấn công mạng

Thủ tướng Australia Scott Morrison
Thủ tướng Australia Scott Morrison
(PLVN) - Thủ tướng Australia Scott Morrison trong bài phát biểu trước Quốc hội nước này ngày 18/2 khẳng định mạng máy tính của các đảng chính trị và Quốc hội Australia đã bị tin tặc với sự hỗ trợ của Chính phủ nước ngoài tấn công.

Theo AFP, thông tin trên được Thủ tướng Australia đưa ra khi thông báo trước Hạ viện Australia về tình hình an ninh quốc gia. Trong phát biểu, Thủ tướng Morrison cho biết, các điều tra viên tại Trung tâm an ninh mạng Australia trong quá trình tìm hiểu về vụ tấn công hệ thống mạng máy tính của Quốc hội liên bang Australia được công bố 2 tuần trước cũng đã phát hiện các mạng máy tính của một số đảng chính trị lớn ở Australia, trong đó có đảng Tự do, Công đảng đã bị ảnh hưởng.

“Các chuyên gia an ninh cho rằng có bàn tay hậu thuẫn “tinh vi” của một chính phủ nước ngoài trong hành vi độc hại này”, ông Morrison cho biết. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh của Australia cho biết họ chưa rõ nước nào đứng sau vụ tấn công cũng như động cơ tiến hành vụ việc. Họ cũng chưa làm rõ được có tài liệu nào bị đánh cắp trong các vụ tấn công hay không hay hành động xâm nhập kéo dài trong bao lâu mới bị phát hiện. Khả năng một số nhân vật chính trị bị tống tiền cũng chưa được làm rõ. 

Các phát biểu của Thủ tướng Australia được đưa ra sau khi lực lượng chức năng nước này hôm đầu tháng thông báo về một sự cố an ninh nhằm vào mạng lưới máy tính của quốc hội nước này. Trong vụ việc, tin tặc đã buộc người dùng, trong đó có Thủ tướng Morrison và các thành viên trong nội các phải thay đổi mật khẩu và áp dụng các biện pháp an ninh. Các cuộc tấn công mạng nói trên diễn ra chỉ vài tháng trước khi Australia dự kiến tiến hành bầu cử vào giữa tháng 5 tới, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tin tặc can thiệp bầu cử hay thay đổi các luồng ý kiến tranh luận trước bầu cử. 

Song, trong phát biểu ngày 18/2, Thủ tướng Australia Morrison nêu rõ không có bằng chứng nào cho thấy các vụ tấn công này dẫn đến can thiệp bầu cử. Ông Morrison cũng cho biết giới chức nước này đã áp dụng một số biện pháp để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Ủy ban Bầu cử Australia cũng đã được cảnh báo về nguy cơ tấn công mạng. Các đảng chính trị ở Australia cũng sẽ được hỗ trợ cần thiết để bảo vệ mạng máy tính của mình.

Bên cạnh đó, là một phần của mạng lưới tình báo Five Eyes - bao gồm Anh, Canada, New Zealand và Mỹ, Australia được cho là một mục tiêu đặc biệt phong phú cho nước ngoài tấn công mạng. “Các tổ chức chính trị của chúng tôi đại diện cho các mục tiêu có giá trị cao. Nhưng chúng tôi có các hệ thống mạnh mẽ để phát hiện các vụ xâm nhập và khắc phục các vụ việc đó”, ông Alastair MacGftime - người đứng đầu Trung tâm An ninh mạng Australia – khẳng định. Tư cách thành viên Five Eyes cũng cho phép Australia truy cập vào một loạt các hệ thống để có thể phát hiện những vụ tấn công của các nước. Trong vụ việc vừa qua, ông MacGunk cho biết, các tin tặc đã đủ tinh vi để xâm nhập vào mạng, nhưng không đủ tinh vi để không bị phát hiện.

Mặc dù vậy nhưng các chuyên gia cho rằng việc quy kết trách nhiệm cho bất cứ bên nào trong vụ việc mới nhất sẽ là rất khó và mất thời gian. “Tôi nghĩ rằng chắc chắn vẫn còn quá sớm để nói về thủ phạm”, ông Fergus Hanson – một chuyên gia về an ninh mạng tại Viện chính sách chiến lược Australia – nhận định. Song, ông này cho rằng chỉ có “một hoặc 2 bên” có thể tiến hành một vụ tấn công như vậy. 

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.