Từ tục thi luộc gà đến “cuộc cải cách tuyển chọn mỹ kê”

Chú gà đạt giải nhì đơn trống, to nhất hội thi năm 2013, cân lúc diều chay (lúc đói), nặng gần 6 kg
Chú gà đạt giải nhì đơn trống, to nhất hội thi năm 2013, cân lúc diều chay (lúc đói), nặng gần 6 kg
(PLO) - Ngày xưa các cụ tổ chức thi gà luộc, còn nay bậc hậu duệ “cải cách” sang thi gà sống tuyển chọn gà đẹp mà người dân địa phương vẫn gọi vui thi “hoa hậu gà” để gìn giữ giống gà tiến vua được mệnh danh có kích thước lớn bậc nhất Việt Nam.

Có trước cả tranh Đông Hồ?

Khắp nước ta nổi tiếng các giống gà như gà tre, gà Đông Tảo, gà mía. Nhưng ít ai biết rằng ở làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có giống gà nổi tiếng nhờ kích thước “khủng” xếp vào hàng nhất nhì Việt Nam. Giống gà này thịt lại thơm ngon nên được chọn làm sản vật tiến vua. 

Không ai ở làng Lạc Thổ biết được giống gà tiến vua xuất phát từ đâu, có từ bao giờ? Mốc thời gian xuất hiện, theo như ông Nguyễn Thế Thục (hội viên Hội gà làng Lạc Thổ) có từ “rất lâu và rất lâu”. “Tranh Đông Hồ có khoảng sáu trăm năm nay, chắc chắn gà làng Lạc Thổ phải có trước thì người nghệ nhân mới vẽ vào tranh”, ông lập luận. Ông Thục kể tỉ mỉ làng ngày trước rất rộng, phân thành Tú Hồ và Bắc Hồ. Nếu như Tú Hồ nổi tiếng với nghề vẽ tranh Đông Hồ, thì Bắc Hồ có giống gà nổi tiếng.

Điểm nổi bật nhất của gà làng Lạc Thổ là cân nặng. Các cao niên làng Lạc Thổ kể lại có con gà nặng tới 7 - 8kg, đạt chiều cao gần nửa mét. Không những to cao, gà làng Lạc Thổ còn đẹp mã, dạn người nên được nuôi làm cảnh.

“Con gà đẹp có đầu to, mào sít như nửa quả dâu úp lên nhưng phải thẳng liền chứ không bị cắt ngấn. Gà làng Lạc Thổ có hai màu lông chính là màu trắng (mã thó) hoặc mã lĩnh (lông đen ánh kim). Nếu chăm sóc tốt, gà mã lĩnh khi phơi dưới nắng sẽ thấy đủ năm màu sắc khác nhau. Con gà mang 2/3 màu gì thì gọi mã đấy”, ông Thục nói tiếp.

Về đuôi, gà làng Lạc Thổ có hai dạng hoặc đuôi nơm (lông đuôi xòe ra như dụng cụ nơm cá), hoặc đuôi lá vả (giống hai lá vả úp vào nhau). “Gà làng chân to, ống chân tròn, da chân mịn và có màu vàng đặc trưng của hạt đỗ nành. Các ngón chân thẳng, dài, khi đứng chụm lại còn khi đi ba ngón thẳng đều. Người xưa vẫn mô phỏng tướng gà bằng câu thơ “đầu cung mình cốc cánh vỏ chai, chân cao bệ vệ dáng thật oai”, ông Nguyễn Đăng Chung (Chủ nhiệm CLB gà làng Lạc Thổ) nói.

Vẫn theo lời ông Chung, tiếng gáy gà làng Lạc Thổ nghe ồ ồ chứ không đanh như tiếng gà thường. Riêng gà mái được chia thành ba màu: Mã thó (lông trắng vàng giống màu đất thó), mã nhãn (lông giống màu quả nhãn chín), và mã sẻ, tức có màu lông giống màu lông chim sẻ.

Gà Lạc Thổ được cho là “nguyên mẫu” của tranh dân gian Đông Hồ (Hình: gaho.com.vn)
Gà Lạc Thổ được cho là “nguyên mẫu” của tranh dân gian Đông Hồ (Hình: gaho.com.vn)

Điều đem lại danh tiếng cho gà làng Lạc Thổ không chỉ ngoại hình mà còn vị thịt thơm ngon. Thịt gà làng Lạc Thổ dày thớ, có vị ngọt, da giòn nhưng không dai. Đặc biệt khi luộc, nếu đun nhỏ lửa rồi để gà chín dần, đến khi mở vung ra sẽ có mùi thơm đặc trưng. Chính nhờ vóc dáng đẹp, thịt lại ngon nên gà làng Lạc Thổ được tuyển chọn làm sản vật tiến vua. Thậm chí gà đi vào thơ: 

“Gà tồ mau lớn thật không sai

Đầu gộc, mình công, cánh vỏ chai

Thấy vẩy chân dày như vẩy cá

Đùi dài ngắn quản chớ khoe ai”

Thời xưa tục thi luộc gà

Xuất phát từ niềm tự hào trên nên từ xưa ở làng có tục thi luộc gà vào mùng 4 Tết. Tục nuôi gà thờ có từ thời Minh Mệnh thứ 18 (1837) khi mà các bô lão trong làng nghĩ đến việc khuyến khích người dân chăn nuôi.

Theo đó từ đầu năm, cả làng chia thành 17 giáp (tương đương các khu dân cư). Mỗi giáp sẽ chọn những gia đình tiêu biểu để nuôi gà dự thi. Gia đình được tuyển chọn phải giữ bí mật về gà của mình đến lúc lật khăn đỏ trình ban giám khảo chấm điểm. Sau phần thi, tất cả gà đẹp được dâng cúng thành hoàng, đãi dân làng, ông Thục kể.

Để nhấn mạnh sự bí mật khi nuôi gà dự thi, người Lạc Thổ vẫn truyền tai nhau câu chuyện năm 1899 và 1899 có ông Đồng Khánh đạt giải gà luộc đẹp hai năm liền. Năm sau ông này tưởng chừng giật giải nhất ba năm liền nhưng vì sơ suất để lộ cân nặng nên thua cuộc.

Phong tục thi gà cúng (gà luộc) duy trì đến năm 1946 phải tạm ngưng vì kháng chiến chống Pháp, người làng di tản khắp nơi lánh nạn. Sau ngày hòa bình lập lại, người làng Hồ từ khắp nơi quay về làng sinh sống. May mắn nhiều người đi lánh nạn vẫn cố mang theo con gà làng Lạc Thổ để giữ nòi giống sản vật tiến vua.

Ngày đó, gà làng Lạc Thổ rất ít, cả làng chỉ có vài chục con. Lúc đó, gà còn bị lai tạp nên không to như xưa. Mãi đến đầu thập niên 90, phong trào nuôi gà làng Lạc Thổ mới được “hồi sinh”. Cụ thể, năm 1991 ông Chung chủ nhiệm CLB gà làng Lạc Thổ lúc đó là trưởng thôn trong một lần nghe các cụ bàn chuyện hăng say về con gà quê hương bèn buột miệng thắc mắc “giống gà quý như thế sao các cụ để mất”.

Sau đó chính ông Chung đề xuất với chính quyền cho lập tổ nuôi gà làng Lạc Thổ để gìn giữ “báu vật” của làng. Bảy cụ ông, cụ bà đầu tiên tham gia lập hội và những đàn gà đầu tiên được chăm sóc “chuẩn” ra đời: “Lúc đầu chúng tôi tìm gặp những người lớn tuổi ghi chép lại kĩ thuật nuôi gà làng cũng như cân nặng, chiều cao để làm mục tiêu khôi phục giống gà quý.

Dần dần, tổ nuôi gà tăng lên 15 người, rồi 30 người và sau này khoảng 50 thành viên. Ngày nay người dân trong thôn mặc dù không tham gia tổ nuôi gà nhưng vẫn nuôi rất nhiều gà làng”, ông Chung kể lại và cho biết tổ nuôi gà chính là tiền thân của CLB gà làng Lạc Thổ ngày nay.

Cuộc thi “hoa hậu gà”

Cũng từ năm 1991, cuộc thi “hoa hậu gà” được bàn bạc tổ chức lại. Những người trong làng quyết định thay đổi cuộc thi, chuyển sang thi tuyển gà đẹp để nhân giống. Theo đó thường thì ngày 10/2 âm lịch, người dân tập trung những con gà to nhất, đẹp nhất về đình Lạc Thổ dự thi. Ban tổ chức gồm những người cao niên, người am hiểu về gà sẽ chọn lọc sơ khảo những con gà đủ tiêu chuẩn vào vòng trong.

Tiêu chí chọn gà đẹp được ông Chung chia sẻ: “50% điểm dành cho cân nặng, 50% điểm còn lại chia đều các tiêu chí khác như mỏ ngà, mào sít…”.

Cuộc thi “hoa hậu gà” năm 2016

Cuộc thi “hoa hậu gà” năm 2016

Ý nghĩa cuộc thi, nhằm khuyến khích phong trào chăn nuôi gà làng trở lại. Đến năm 1993, cuộc thi “hoa hậu gà làng Lạc Thổ” chính thức được nối lại. Bấy giờ chỉ tổ chức thi chọn gà trống đẹp. Phần thưởng cho chủ gà thắng cuộc chỉ là gói thuốc lá cộng với vài lạng trà mang tính chất động viên. Ông Chung vẫn nhớ như in, ở cuộc thi năm 1993, con gà nặng nhất đạt 5,2kg nhưng không còn khả năng sinh sản nên chỉ trưng bày là chính.

Thành công ngoài tưởng tượng là cuộc thi thu hút được các chuyên gia của Viện chăn nuôi Quốc gia về khảo sát, nghiên cứu gà làng Lạc Thổ. Ngay năm sau, hội thảo khoa học về gà làng Lạc Thổ diễn ra tại nhà văn hóa Lạc Thổ thu hút hàng trăm người tham gia. 

Đến năm 1996 cuộc thi “hoa hậu gà” tổ chức lần hai, lần này ban tổ chức sửa điều lệ thành thi tuyển cả gà mái lẫn gà trống: “Đến năm 2000, cuộc thi tiếp tục được thay đổi theo hướng tăng thêm giải đơn trống, đơn mái. Nếu như ở năm đầu tiên khôi phục hội thi chỉ có ba giải thưởng thì đến nay có tới chín giải”, chủ nhiệm CLB gà làng, kiêm thành viên Ban tổ chức giải cho hay.

Tuy nhiên vì khó khăn kinh phí nên tới năm 2013 cuộc thi “hoa hậu gà” mới được tổ chức tiếp với sự hỗ trợ của Viện chăn nuôi Quốc gia và học viện Nông nghiệp Việt Nam. Lần thi tuyển dịp Tết 2016 được UBND tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí.

Đặc biệt trọng lượng gà dự thi ngày càng tăng lên, năm 2016 con to nhất đạt 6,5kg. Người trong làng hy vọng tiếp tục được chính quyền các cấp, các tổ chức quan tâm để lễ hội thi gà làng được diễn ra đều đặn hàng năm. Đó là cách tốt nhất để bảo tồn giống gà tiến vua này, một cao niên gửi gắm trước lúc đọc thơ tiễn khách:

“Mến yêu Lạc Thổ thì về

Làng em làm mã có nghề chăn nuôi

Đất vui nhiều lợi thảnh thơi

Gà nuôi chim thả chờ thời mỗi niên

Anh mà giật giải liền liền

Gà chim giống tốt chẳng tiên nào bằng”

Theo kinh nghiệm người Lạc Thổ, gà làng Lạc Thổ  mới đẻ không cho ăn ngay mà để ba ngày sau mới cho ăn. Và chỉ cho gà con ăn cám công nghiệp trong 30 ngày tuổi để kích thích, sau đó nuôi bằng thóc, cơm, rau xanh. Một con gà làng Lạc Thổ đạt chuẩn thơm ngon khi nặng từ 4kg trở lên và ít nhất 10 tháng tuổi. Kinh nghiệm nữa, nên nuôi tách biệt gà làng Lạc Thổ để tránh lai tạp giống.

Dù đã có chương trình nghiên cứu và bảo tồn giống gà quý này nhưng đàn gà Hồ hiện nay vẫn phát triển chậm. Một người chăn nuôi cho biết: "Lý do nuôi được ít là do giống gà này sinh sản kém. Một con gà mái chỉ đẻ từ 8-10 quả trứng, con nào nhiều thì đẻ 12 quả. mà gà mái ấp vụng. Tỉ lệ nở thấp". 

Ngoài những nguyên nhân trên, trao đổi với chúng tôi, một người nuôi khác cho biết thêm, một lý do khiến đàn gà Lạc Thổ khó phát triển mạnh với điều kiện nuôi như hiện nay chính là công chăm sóc quá nhiều: "Từ lúc gà nở cho đến khi gà được thịt, thời gian nuôi kéo dài đến một năm. Và đây cũng là một lý do tại sao thường đến Tết, người dân mới có gà để bán".

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.