Tiêu chí nào để chọn một Hoa hậu chuẩn mực?

Gương mặt Hoa hậu Thu Thảo đạt chuẩn nhân trắc học
Gương mặt Hoa hậu Thu Thảo đạt chuẩn nhân trắc học
(PLO) -Những năm gần đây, Việt Nam diễn ra hàng loạt cuộc thi sắc đẹp để tìm ra cô gái xinh đẹp và tỏa sáng nhất để trao vương miện. Tuy nhiên, có không ít cuộc thi, cô gái giành vương miện bị đối mặt với sự tranh cãi, bất bình thậm chí còn bị “ném đá” không thương tiếc về nhan sắc từ phía dư luận. Trong khi đó, Ban tổ chức vẫn điềm nhiên cho rằng cuộc thi đã chọn người xứng đáng. Người khen, kẻ chê, vậy tiêu chí nào để chọn một Hoa hậu chuẩn mực?

Các Hoa hậu bị chê kém sắc

Người đẹp gốc Tiền Giang - tân “Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017”- Lê Âu Ngân Anh đang rơi vào “tâm bão” vì bị chê xấu và rơi vào nghi án phẫu thuật thẩm mỹ. Đôi môi sưng bất thường của Ngân Anh trong đêm chung kết khiến những hình ảnh của cô ngập tràn mạng xã hội, có cả những ảnh chế khá khiếm nhã kèm theo bình luận tiêu cực, thậm chí là “Hoa hậu xấu nhất Việt Nam”. Trước Ngân Anh, có một số Hoa hậu bị dư luận chê bai về nhan sắc ngay sau khi đăng quang.

Năm 2014, Nguyễn Cao Kỳ Duyên giành vương miện Hoa hậu Việt Nam đã khiến dư luận không tâm phục, khẩu phục. Đa số khán giả theo dõi cuộc thi đều thất vọng với vẻ già nua, quê mùa của cô gái 19 tuổi này. Dư luận đánh giá gương mặt Kỳ Duyên chưa thực sự hài hòa, đặc biệt là khoảng cách giữa 2 mắt khá xa, cằm hơi lệch, chưa kể vóc dáng hơi thừa cân. 

Sau đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân cũng nhận nhiều lời chê bai từ khán giả vì làn da đen nhẻm và hàm răng khấp khểnh, chiếc mũi thô, đôi chân không thon thả và số đo 3 vòng không mấy hấp dẫn. Thùy Dung - Hoa hậu Việt Nam 2008 dù sở hữu chiều cao và số đo 3 vòng lý tưởng, nhưng nhan sắc Thùy Dung vẫn bị chê chính là gương mặt khá to và thô.

Mai Phương Thúy cũng từng gây nhiều tranh cãi khi là Hoa hậu Việt Nam năm 2006 với gương mặt không cân đối, có nhiều nốt ruồi, nước da ngăm đen. Khi lên ngôi vị cao nhất của Hoa hậu Việt Nam năm 1998, Ngọc Khánh cũng bị chê tơi tả vì có miệng rộng, mũi cao, làn môi cong…

Tuy nhiên, dù người khen, kẻ chê, Ban giám khảo vẫn bảo lưu quyết định trao ngôi vị sắc đẹp cao nhất cho những người đẹp ấy. Vậy, tiêu chí nào để chọn Hoa hậu chuẩn mực?

Không dễ tìm Hoa hậu đạt chuẩn?

Ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 thông tin: “Thông thường ở các cuộc thi Hoa hậu có một đội ngũ bác sỹ thẩm mỹ và nhân trắc học (gồm từ 6 đến 8 người) để tham gia vào khâu đo đạc và kiểm tra chỉ số nhân trắc học cho thí sinh. Trong phòng đo chỉ có các nữ bác sỹ và nữ giám khảo phụ trách nhân trắc học được phép có mặt chứ nam giới không bao giờ được vào…. Số đo 3 vòng được công bố của thí sinh là dựa vào kết quả này. Việc đối mặt với những kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại bây giờ là một vấn đề rất lớn với các tổ chức thi nhan sắc. Trường hợp khi vòng sơ loại đã đo rồi nhưng khi vào chung kết, có đơn kiện cáo hoặc có ý kiến này ý kiến khác của thí sinh phản ánh như cô X làm chỗ này, cô Y sửa chỗ nọ, chiều cao của cô Z không phải như thế, ban tổ chức sẽ phải đo, kiểm tra lại". 

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh - người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nhận định: “Hoa hậu phải là vẻ đẹp hài hòa giữa các chỉ số nhân trắc học, giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp về đạo đức, ứng xử, sự hiểu biết… Thời nào thì vấn đề giám khảo chấm hoa hậu cũng rất quan trọng. Không phải ai cũng chấm được. Ngoài tài năng, danh tiếng, ban giám khảo còn phải là người biết thẩm định cái đẹp. Thời của tôi nhiều giám khảo như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố GS. Nguyễn Quang Quyền, NSND Trà Giang,... đều là những người tài, đức và quan trọng nữa là họ có con mắt tinh đời trong việc thẩm định cái đẹp, lựa chọn người đẹp rất chuẩn. Bây giờ ban giám khảo chỉ cần có chút danh tiếng là được mời chấm hoa hậu. Tôi có cảm tưởng việc chọn giám khảo dễ dãi quá, điều đó cũng ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi. Trước đây, mục đích của các cuộc thi hoa hậu là tôn vinh cái đẹp nhưng bây giờ thi hoa hậu có nhiều mục đích khác nhau. Cái đẹp không được đặt lên hàng đầu. Nếu cuộc thi hoa hậu mà thương mại hóa thì hỏng. Những thế hệ đầu tiên của Hoa hậu Việt Nam như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Thu Thủy... đến với cuộc thi rất trong sáng. Họ trưởng thành bằng phấn đấu, bằng thực lực và đây cũng là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo".

Theo PGS - TS nhân chủng học Mai Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ, Trường Đại học Giáo dục, Hà Nội, chọn Hoa hậu, không thể theo cảm tính, mà phải dựa vào hệ thống tiêu chuẩn hình thể nhất định. Bình xét Hoa hậu căn cứ vào hai tiêu chuẩn chính: vẻ đẹp hình thái và vẻ đẹp tinh thần. Các cuộc thi nhan sắc lớn luôn có chuyên gia nhân trắc học trong ban giám khảo. Họ sẽ là người thẩm định các chỉ số khuôn mặt và cơ thể để tìm ra người đạt chuẩn. Ngành khoa học giúp xác định vẻ đẹp của người phụ nữ một cách khách quan là nhân trắc học. Ngành này nghiên cứu phương pháp đo trên cơ thể người và sử dụng toán học để phân tích, tìm hiểu quy luật về sự phát triển hình thái người. Nhân trắc học có các phép đo chiều cao cơ bản như cao đứng, cao ngồi; các vòng đặc trưng như vòng ngực, vòng hông, vòng mông, vòng cánh tay, vòng đùi…

Ngoài ra, một phụ nữ đẹp còn căn cứ vào một số chỉ số nhân trắc học khác như: hình thái các răng, màu sắc của mắt, vị trí và kích thước của hai ngực, kích thước của rốn, tỷ lệ giữa độ dài đầu so với chiều dài toàn thân…

Ngoài các chỉ số, người đẹp còn phải kết hợp với nhiều yếu tố quan trọng khác như: làn da, mái tóc, các biểu hiện tâm lý, xúc cảm qua ánh mắt, ngôn ngữ hình thể, cách nói chuyện linh hoạt và giàu hình ảnh… Vẻ đẹp nữ giới còn toát lên ở dáng đi uyển chuyển, nhẹ nhàng, phụ thuộc khá nhiều vào khoảng cách và sự tương tác giữa hai chân. Khi bước đi, hai chân phải thẳng, hai bàn chân sát nhau, khoảng cách hợp lý giữa hai đùi là từ 0,5–1cm. Ngoài ra, dáng đi không đổ về phía trước và phải thể hiện vẻ đẹp của mông.

Một gương mặt Hoa hậu đạt chuẩn theo nhân chủng học là khoảng cách giữa hai mặt đúng bằng một con mắt, chiều ngang cánh mũi bằng một cánh mặt, dương mặt có chiều rộng bằng 2/3 chiều dài; chia gương mặt 3 phần bằng nhau, tai nằm gọn trong phần chính giữa, phần mũi nằm trong 1/3 phần chính giữa; khoảng cách từ đáy mũi đến môi đúng bằng 1/2 khoảng cách từ môi dưới đến cằm….

Ở những cuộc thi nghiêm túc, những nhà nhân trắc học nhìn là họ có thể biết ngay thí sinh có phẫu thuật thẩm mỹ (xẻ môi, cắt mí mắt, gắn răng giả, bơm một số hóa chất vào mũi, ngực, mông, v.v.) chưa? Có chuyển đổi giới tính không? Đã thai nghén, vượt cạn mấy lần? Ngoài ra, thí sinh nào chẳng may bị lùn, bị dị tật bẩm sinh (vẹo cột sống, lệch vai, gù lưng, v.v.), quá béo hoặc quá gầy, có sẹo lồi lẫn sẹo lõm quá đáng, tất bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Công việc cũng giống như một bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân. Họ rất có kinh nghiệm nên khó thí sinh nào qua mặt được trong lần kiểm tra gắt gao ấy. 

Những Hoa hậu Việt Nam đạt chỉ số nhân trắc học tương đối

Điểm qua các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, số đo của các thí sinh ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, nhược điểm chung của người đẹp Việt vẫn là thân hình quả lê, ngực bé, hông to, chân cong.

Theo các nhà nhân chủng học, ở Việt Nam, vài Hoa hậu đạt chỉ số nhân trắc học tương đối như Hà Kiều Anh, Phan Thu Ngân, Ngô Phương Lan… Trong số này, Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2004 Trịnh Chân Trân với chiều cao 1m70 có số đo đẹp nhất là 92-58-90, Phạm Thị Mai Phương với thân hình thắt đáy lưng ong, Trần Thị Thùy Dung với hình thể ngọc ngà, Á hậu năm 2012 Đỗ Hoàng Anh có hình thể được ví như một “tòa thiên nhiên” (số đó các vòng 90-64-95).

Trước việc Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị chê nhan sắc, Trưởng ban Giám khảo Hoa hậu Việt Nam 2014 - Tiến sỹ Lê Cảnh Nhạc đã chia sẻ, có những điểm số rất phức tạp, như điểm số nhân trắc học thì càng không thể nhìn bằng mắt trên sân khấu. Khuôn mặt cũng chỉ là một yếu tố chứ không phải là tất cả, cũng như người có chiều cao tốt chưa chắc đã là chiều cao đẹp, có vòng đo tốt chưa chắc đã là vòng đo đẹp. Khuôn mặt đẹp thì phải được gắn với cơ thể hoàn hảo và cơ thể hoàn hảo càng tôn lên vẻ đẹp khuôn mặt. Cho nên, điểm về nhân trắc học là rất quan trọng và Kỳ Duyên được Ban tổ chức đánh giá cao nhất.

9 người 10 ý thế nên việc đặt nhan sắc các thí sinh dự thi Hoa hậu Việt Nam lên bàn cân và chọn ra người đẹp hoàn hảo nhất để thỏa mãn số đông khán giả là điều không hề dễ dàng. Người đẹp lại không đẹp về gương mặt, người được gương mặt lại không chuẩn về hình thể; người được hình thể, gương mặt nhưng lại không đạt được văn hóa ứng xử; người đạt được hầu hết các tiêu chí ấy lại bị nghi án… thẩm mỹ. Và sau mỗi cuộc thi sắc đẹp, dư luận lại không thôi bàn tán về nhan sắc, cách ứng xử của tân Hoa hậu.

Tìm một Hoa hậu đạt chuẩn Việt Nam và đủ chuẩn quốc tế đều khiến Ban giám khảo đau đầu. Rất hiếm có Hoa hậu Việt hội tụ được sắc và tài một cách trọn vẹn. Có lẽ vì vậy, với một rừng Hoa hậu, Nữ hoàng Việt trình làng hàng năm mà không một người đẹp nào khẳng định được sắc đẹp Việt trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Và sắc đẹp Việt hiện chỉ là dấu chấm mờ trên bản đồ sắc đẹp thế giới.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.