Kỳ bí ngôi làng trường thọ nhờ ăn rêu đá

Chị Mến nói về cách chế biến đặc sản rêu đá
Chị Mến nói về cách chế biến đặc sản rêu đá
(PLO) - Thôn Trung (xã Xuân Quang, huyện Quang Bình, Hà Giang) đa phần là người dân tộc Tày, Nùng; có khá nhiều cụ đại thọ, hàng trăm tuổi vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Khi được hỏi bí quyết sống thọ, các cụ “bật mí” rằng đó là nhờ ăn món rêu đá.

Giai đoạn đời sống còn khốn khó trước kia, rêu đá là món ăn cứu đói của nhiều gia đình. Nay, món rêu đá đang trở thành đặc sản, được coi là bí quyết để khỏe mạnh, trường sinh.

Đặc sản rêu đá

Giữa tháng năm, phóng viên đã vượt chặng đường rừng mấy trăm cây số lên bản vùng cao khám phá ngôi làng trường thọ. Đường đến thôn Trung (xã Xuân Quang) chạy song song với một con suối lớn, hai bờ suối có vài người già, trẻ con đang mò quẹ (tiếng Tày có nghĩa là rêu đá), bàn tay thoăn thoắt nhặt rêu bỏ vào giỏ đeo bên hông.

Rêu ở đây là loại rêu mọc tự nhiên ở đá, nằm sâu dưới lòng những con suối nước trong vắt. Nhiều người có tuổi cao nhất ở vùng này như bà Mạn được hỏi cũng không hề biết dân ở đây ăn rêu từ bao giờ, chỉ biết có một câu chuyện truyền miệng từ đời này nối đời khác rằng “thần rêu” sinh ra con người ở vùng này, ngược lại con người cũng có bổn phận phải tạo điều kiện để rêu mọc tự nhiên.

Bà Hoàng Thị Miện (73 tuổi) bồi hồi nhớ lại: “Từ ngày còn bé tí, tôi đã thấy bà nội, rồi bố mẹ ra suối lấy rêu về làm món ăn. Rêu có thể chế biến thành nhiều món: luộc, xào, nấu canh, thậm chí ăn sống, trộn nộm. Trước kia, đất đai chưa được khai khẩn rộng rãi như bây giờ nên ruộng chưa có nhiều, cơm gạo không đủ ăn. Thời đó rêu là món ăn độn để cứu đói, nhà nào cũng ra suối xúc rêu về ăn đỡ cơm mà sức ai cũng khỏe, cũng phăm phăm được cả ngày rừng. Thời đói khổ ấy mà nhiều người còn sống được cả trăm tuổi đấy”.

Theo lời bà Miện, bởi vậy nên người dân rất quý rêu. Trong các dịp giỗ Tết, cúng bái, người dân đều nhắc đến “thần rêu”, chẳng hạn khi làm lễ cầu mùa, cầu lộc người ta cũng cầu khấn cho “thần rêu” sinh sôi nảy nở để người dân ở đây không còn phải lo đói kém, mất mùa.

Những già làng ở đây cho biết, “thần rêu” cũng đã đi sâu vào văn hóa, phong tục và lối sống của đồng bào nơi đây, khi bố mẹ chết đi những người con trong gia đình phải kiêng không được phép ăn rêu một tháng. Bởi lẽ, họ quan niệm rằng ăn rêu nghĩa là chính những người con đang sống ở cõi trần đang gặm nhấm mái tóc của người mẹ, người cha mới khuất.

Cũng vì món ăn đã đi vào cuộc sống của đồng bào từ nhiều đời này nên người ở thôn Trung đã sáng tạo ra những cách chế biến món ăn vô cùng ngon miệng, hấp dẫn khiến bất cứ ai lần đầu được thưởng thức cũng đều phải trầm trồ khen ngon. Có lẽ chính vì người dân nơi này thường ăn đồ rừng, rau quả từ tự nhiên mà nhiều người đã thọ quá ngưỡng “cửu thập” vẫn khỏe mạnh, dẻo dai, thậm chí người dân ở đây tự khẳng định do ăn rêu nên mới sống được lâu như thế.

Rêu thường mọc ở những dòng suối có nước trong
Rêu thường mọc ở những dòng suối có nước trong

Khám phá đặc sản rêu đá

Biết chúng tôi là nhà báo lại muốn nếm thử đặc sản của vùng nên những người già ở trong làng đã dẫn chúng tôi đến nhà chị Hoàng Thị Mến, người phụ nữ này theo như lời gợi mở của các bô lão là một người nhanh nhẹn và biết cách chế biến rêu ngon nhất làng.

Khi gợi ý muốn tìm hiểu và học cách chế biến món rêu, chị Mến liền gật đầu đồng ý ngay. Chị Mến bảo: “Đơn giản thôi mà các chú ạ, hầu hết mọi người ở đây ai cũng biết làm cả, nhưng nói trước công đoạn chế biến sẽ rất lâu vì rêu chứa rất nhiều cát, sạn”.

Chị Mến đưa cho chúng tôi 2 cái rổ lớn rồi bảo: “Nếu các anh thực sự muốn thử làm món này thì phải biết cách lấy rêu đã rồi mới nói đến cách làm được”. Theo chân chị Mến, chúng tôi đi về phía thượng nguồn của con suối chạy qua làng Trung nhặt rêu. Chị Mến thở dài bảo, những năm gần đây đời sống phát triển khiến môi trường bị ô nhiễm nên rêu mọc càng ít hơn ngày trước.

Vừa nhặt rêu, chị Mến vừa giải thích, rửa rêu phải thật kiên nhẫn và tỉ mỉ mới có được rêu sạch và ngon, không có sạn. Từ một loại rêu nhưng người chế biến món ăn có thể làm ra được rất nhiều món, nhưng không thể bỏ qua bước sơ chế món ăn này.

Chị Mến cho hay: “Ngày xưa các cụ thường dùng đá vừa đập vừa rửa rêu ba lần mới mang về chế biến thành món. Ngày nay để chế biến món ăn này nhanh hơn thì người ta lại cho vào cối rồi giã ra, sau đó mới cho gia vị là xả, rau hẹ, hạt dổi, mùi tàu... Rêu có thể nướng trên lửa hoặc nấu canh đều ngon, những người sành ăn thì họ hay nướng cho rêu chảy hết nước chỉ còn lại mùi vị của rêu hòa lẫn cùng với gia vị rất ngon. Món rêu nướng thường hay dùng cho các đám cưới ở vùng”.

Rời nhà chị Mến sau khi được tham gia chế biến và thưởng thức món rêu xào, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mạn (92 tuổi, là một trong những người cao tuổi nhất ở làng Trung). Cụ Mạn mái tóc bạc phơ nhưng còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn.

Nói về những năm tháng mà dân làng Trung khổ nhất, cụ bảo: “Đó là vào những năm chống Pháp, giặc lập đồn ở ngay xã bên để vơ vét của cải của nhân dân, bấy giờ tôi còn phải đi múa, đi hát điệu Then để phục vụ chúng. Lúc đó nạn đói hoành hành, đi đến đâu cũng có người chết giữa đường như ngả rạ, nhưng duy nhất chỉ có làng Trung này là không có ai chết vì đói cả. Nhờ có rêu đá nên cả làng mới không đói”.

Bà Mạn phóm phém cười và nói tiếp: “Cho đến bây giờ, những người ở thời tôi vẫn còn vài người hiện vẫn đang khỏe mạnh, thi thoảng gặp nhau vẫn còn tếu táo kể chuyện ăn rêu thay cơm ngày đó!”.

Ông Hoàng Văn Thương, trưởng thôn thôn Trung cho biết: “Rêu vốn là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây, rêu cũng đã đi sâu vào đời sống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Rêu không những cứu đói mà nó đã trở thành một “thần dược” mà chỉ những ngôi làng ở miền sơn cước này mới có được.

Chuyện làng chúng tôi có nhiều người già nhất huyện, nhất tỉnh là có thật, nhưng nói về chuyện ăn rêu có thể sống lâu thì cũng chưa có nghiên cứu, kết luận cụ thể. Vài năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường làm rêu ít dần đi, hiện chính quyền thôn vẫn đang tuyên truyền quyết liệt để bảo vệ loài rêu và coi đó như là món ăn đặc trưng ở thôn này”. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.