Vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên - người đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý

(PLO) - Ngày 1/12/1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký Nghị định số 37, đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong 181 ngày nhưng Luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.
Từ Luật sư danh tiếng...
Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13/3/1912, nguyên quán: thôn Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội). Từ năm 1920, ông học tại “trường Tây” Lycee Albert Surrant. Đây là một trong những ngôi trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương, được thành lập năm 1919 (hiện nay là trụ sở của Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trường do Toàn quyền Đông Dương Albert Surrant quyết định thành lập, với nhiệm vụ thu nhận học sinh người Pháp và học sinh con em quan chức người Việt, Miên, Lào nhằm đào tạo đội ngũ kế tiếp làm việc cho Pháp tại Đông Dương.
Tại trường, tinh thần hiếu học của học sinh Vũ Trọng Khánh được các giáo sư Pháp đánh giá rất cao. Tập Hồi ký của Luật sư Vũ Trọng Khánh (tháng 11/1994, bản viết tay do gia đình cố Luật sư Vũ Trọng Khánh cung cấp) ghi: Bà Giáo sư Gauthier, Thạc sỹ văn học Pháp coi học sinh Khánh giỏi văn học Pháp thứ nhì trong lớp, còn giáo sư sử địa nhận xét: “Khánh học không vì điểm mà để hiểu biết”. Đỗ tú tài Pháp xong, Vũ Trọng Khánh không ra làm quan tri huyện, tri phủ như ý muốn của cha bởi ông coi “các quan ta là kẻ hầu nhục nhã của các quan Pháp”.
Năm 1932, sau khi đỗ tú tài, ông học Đại học Luật ở Hà Nội, chương trình do các giáo sư, thạc sỹ từ Paris đến giảng dạy. Hồi ký ghi: “Anh Võ Nguyên Giáp lúc đó học trên một lớp và đã được Giáo sư, Thạc sỹ kinh tế chính trị học Kherian khen”. Tháng 7/1932, Vũ Trọng Khánh kết hôn với bà Trịnh Ngọc Lan, em gái ruột Luật sư nổi tiếng Trịnh Đình Thảo (1901-1986) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim sau này (1945).
Năm 1936, Vũ Trọng Khánh tốt nghệp cử nhân luật. Từ ngày 7/2/1938, ông làm Thư ký Văn phòng Luật sư Laubies. Ngày 20/12/1941, ông tuyên thệ Luật sư trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Một thời gian ngắn sau đó, Vũ Trọng Khánh về Hải Phòng làm luật sư, “danh tiếng là một luật sư người Việt giỏi lan lên Tòa Thượng thẩm Hà Nội, được các đồng nghiệp người Pháp trọng nể vì là người Việt cãi bằng tiếng Pháp thành thạo”. 
Giai đoạn 1943 -1945 tại Hải Phòng, Luật sư Vũ Trọng Khánh đã sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ và các mối quan hệ của mình để có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển của phong trào cách mạng. Thậm chí, ông còn có ý định lên chiến khu hoạt động. Hồi ký của ông ghi: “Mấy tháng tiền khởi nghĩa, tôi đã lên Hà Nội tìm Hoàng Minh Chính để xin đi chiến khu, nhưng chưa kịp thực hiện thì Cách mạng tháng Tám đã nổ ra”.
Tháng 7/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh làm Thị trưởng Hải Phòng trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Về việc này, Hồi ký của ông ghi: “Tháng 7/1945, hai bạn tôi là Vũ Văn Hiền và Phan Anh là hai Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim rủ tôi ra làm Thị trưởng Hải Phòng. Tôi lên Hà Nội hỏi ý kiến anh Vũ Đình Huỳnh, cán bộ Việt Minh... Tôi nhận làm Thị trưởng Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim từ ngày 25/7/1945 với dụng tâm giúp đỡ Cách mạng, bảo vệ Việt Minh”.
Đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên
Trong không khí cách mạng sục sôi, chỉ trong vòng hai tuần lễ, từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập dân tộc. 
Sau tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28/8/1945 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều ủy viên của Việt Minh đã rút lui để các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời. Thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Tư pháp, ông Vũ Trọng Khánh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 
Ngày 28/8 đã đi vào lịch sử ngành Tư pháp và trở thành Ngày truyền thống của ngành Tư pháp (Quyết định số 715-TTg ngày 07/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ) và Luật sư Vũ Trọng Khánh trở thành vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên trong lịch sử ngành Tư pháp. Hồi ký của ông ghi: “Tham gia cướp Chính quyền ở Hải Phòng xong thì nhận được điện của anh Võ Nguyên Giáp, tôi lên Hà Nội ngày 26/8/1945 nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.
Ngày 20/9/1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Ủy ban Dự thảo Hiến pháp và là một trong 7 thành viên (Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy - tức Bảo Đại, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu - tức Trường Chinh).
Ngày 1/12/1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký Nghị định số 37 đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp lúc đó gồm Phòng Sự vụ nội bộ, Phòng Viên chức và kế toán, Phòng Giám đốc hộ vụ, Phòng Giám đốc hình vụ, Phòng Giám đốc việc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.
Để mở rộng hơn nữa đại đoàn kết dân tộc và nhu cầu của ngoại giao, Chính phủ Trung ương đã được mở rộng thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Ngày 1/1/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời ra mắt quốc dân, có thêm các gương mặt đại biểu cho các lực lượng, đảng phái, kể cả đảng phái đối lập như Việt cách, Việt quốc. Thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời có Bộ Tư pháp, ông Vũ Trọng Khánh tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong 181 ngày nhưng Luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ. 
Người đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý
Kháng chiến bùng nổ, từ tháng 12/1946 đến tháng 12/1948, Luật sư Vũ Trọng Khánh nhận chức Giám đốc Tư pháp Chiến khu 10 gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Từ năm 1949 đến tháng 12/1951, Luật sư Vũ Trọng Khánh là Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý và từ năm 1951-1954 làm Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp. 
Tháng 10/1954, ông tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Tháng 5/1955, ông tình nguyện tham gia tiếp quản Hải Phòng vì “ham muốn hoạt động trong thực tế thiết thực”; từ tháng 8/1955 đến tháng 12/1956, ông là Ủy viên Ủy ban hành chính Hải Phòng; từ tháng 12/1956 đến tháng 4/1961, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hải Phòng. 
Ngoài ra, Luật sư Vũ Trọng Khánh còn giữ các chức vụ: Đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa Bình Hải Phòng, Hội trưởng Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hải Phòng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, Trưởng ban Vận trù học, Tham gia Đoàn Luật sư và là Bào chữa viên Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng. Ông nghỉ hưu ngày 13/10/1977.
Trong tập hồi ký của mình, Luật sư Vũ Trọng Khánh viết: “Tôi đã xây dựng bốn Sắc lệnh Tổ chức Tư pháp được Hồ Chủ tịch ký và tôi tiếp ký. Dựa vào kinh nghiệm tổ chức Nhà nước của Pháp và Khoa học pháp lý, bốn Sắc lệnh đã được cấu tạo nhằm dựng lên một chính quyền mới thành lập mà có điều kiện để tự duy trì và phát triển… Bốn Sắc lệnh kể trên và bản Hiến pháp là nền đá đầu tiên xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập, tự chủ một cách thiết thực, cụ thể”. 
Ông cũng còn những trăn trở về công tác xây dựng văn bản trong thời kỳ đó: “Trong tình hình rối ren, mới mẻ, lúc có nhiều ý kiến khác nhau, lúc không có ý kiến của các anh em, các tổ chức không chuyên về pháp luật trong nước và quốc tế, tôi đã chịu trách nhiệm thảo ra các quy định cơ bản kể trên, được Hồ Chủ tịch và Trung ương chấp thuận.  Những quy định này có giá trị lịch sử của thời kỳ đó và giá trị khoa học mang lại hiệu quả thực tế”.
Tại hồi ký, phần “Ngẫm lại cuộc đời”, Luật sư Vũ Trọng Khánh bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã chuộng lẽ phải… Tôi lấy làm hạnh phúc được sống trong thời đại có những chủ nghĩa, những phong trào mưu cầu chính nghĩa…”. Tình yêu công lý, lẽ phải và chính nghĩa đó cũng chính là lý do đã thôi thúc ông nhận chức Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc bộ. Hồi ký viết: “Về sau tôi nhận làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc bộ với dụng tâm sẽ bắt tay trực tiếp xây dựng cụ thể các Tòa án theo Sắc lệnh 13 “của tôi”…
Luật sư  Vũ Trọng Khánh mất vào đầu năm 1996. Trong Điện chia buồn gửi gia đình cố Luật sư Vũ Trọng Khánh ngày 25/1/1996, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.
“Hướng tới Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945-28/8/2014), từ ngày 1/8, Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục giới thiệu những tư liệu lịch sử quý về ngành Tư pháp từ khi Cách mạng tháng Tám thành công đến những năm đầu đổi mới; các phong trào thi đua của toàn ngành Tư pháp hướng tới Ngày truyền thống; những tấm gương điển hình tiên tiến; những tình cảm tự hào của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Bộ, ngành Tư pháp. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Đọc thêm

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”
(PLVN) - Chiều ngày 22/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
(PLVN) - Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo luật). Hội thảo ghi nhận các ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên trong tình hình mới.

Hôm nay (22/4), thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID: Bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân

Hôm nay (22/4), thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID: Bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân
(PLVN) - Với việc TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) từ ngày 22/4, người dân tại hai địa phương này có thể lựa chọn nhận Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc phiếu bản giấy mà không mất thời gian, công sức phải trực tiếp đến các cơ quan chức năng như trước.

Ngày hội việc làm trường Đại học Luật Hà Nội - JOB FAIR HLU 2024: Chìa khóa mở tương lai

Lễ khai mạc “Ngày hội việc làm Trường Đại học Luật Hà Nội - Job Fair 2021”.
(PLVN) - "Ngày hội việc làm - Job Fair" là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm giúp sinh viên gặp gỡ, kết nối và tìm hiểu nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Từ đó, giúp các bạn trẻ định hướng cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời là cơ hội để sinh viên có thể tìm kiếm việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

TP Hồ Chí Minh: Ký kết hợp tác phát triển nhân lực cho công tác thi hành án

TP Hồ Chí Minh: Ký kết hợp tác phát triển nhân lực cho công tác thi hành án
(PLVN) - Chiều 19/4 tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh (THADS TPHCM) đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Cục THADS TP và Trường Đại học Luật TP.HCM nhằm phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh nói chuyện chuyên đề tại Bộ Tư pháp Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh nói chuyện chuyên đề tại Bộ Tư pháp Việt Nam
(PLVN) -Ngày 20/4, đồng chí Hạ Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban chính pháp Trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật Trung ương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Trung Quốc đã có buổi nói chuyện chuyên đề "Trao đổi về công tác pháp luật và tư pháp" tại trụ sở Bộ Tư pháp Việt Nam.