Người phạm tội có thể nộp tiền thay vì chấp hành hình phạt tù?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Có đến 74/267 điều của BLHS có quy định về hình phạt tiền, song thực tiễn cho thấy hình phạt tiền được áp dụng rất ít trên thực tế.
Phạt tiền không phải hình phạt được “ưu tiên”
Một ví dụ rất điển hình được một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội dẫn ra tại cuộc hội thảo hoàn thiện quy định của BLHS về hệ thống hình phạt không tước tự do do Bộ Tư pháp tổ chức. Đó là một vụ án có tình tiết rất éo le. Một nhóm bạn đến thăm vợ người bạn ốm. Ham vui, mấy ông bày trò đánh bài ăn tiền. Bị bắt quả tang trên chiếu bạc với số tiền hơn 2 triệu đồng (2 triệu là mức để truy tố), cả nhóm bị đưa ra Tòa. 
Khi xét xử, thẩm phán nói trên đã rất băn khoăn bởi hoàn cảnh của các bị cáo đa phần khó khăn, lại sinh sống ở nông thôn nên nếu phạt họ 5 - 10 triệu thì cũng khó lòng thu được. Sau khi cân nhắc, thay vì phạt tiền, thẩm phán nọ đã tuyên bị cáo cải tạo không giam giữ. 
Theo phân tích của thẩm phán này, cải tạo không giam giữ thì bị cáo vẫn có điều kiện chăm sóc vợ ốm. Trong trường hợp này, có lẽ việc tuyên án của Tòa vẫn là “hợp lý” hơn cả. Bởi bị cáo vừa không phải nộp tiền, lại vẫn được về gia đình sinh sống “bình thường”, hết thời hạn thì được xóa án tích.
Nhiều thẩm phán cũng rơi vào “hoàn cảnh” tương tự như trường hợp nêu trên và họ cho biết sự lựa chọn của họ cũng không phải là phạt tiền. Thực tế có rất nhiều vụ đánh bạc với giá trị nhỏ (vài triệu), phạm tội lần đầu, đối tượng có nhân thân tốt… nhưng cũng không “được” phạt tiền mà sẽ áp dụng các hình phạt khác tương tự như vụ án nói trên.
Lý giải tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng hình phạt tiền rất ít khi được áp dụng do nhiều nguyên nhân. 
Nguyên nhân thứ nhất phải kể đến là do chính quy định của BLHS. Theo Khoản 1 Điều 30 BLHS thì phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (tội ít nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt là 3 năm tù - PV) xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lí hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định. 
Mặc dù vậy nhưng trong nhiều điều luật thuộc các trường hợp nêu trên, BLHS hiện hành lại quy định phạt tiền là hình phạt chính, ngay cả đối với tội nghiêm trọng. Điều này, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ phân tích “là mâu thuẫn với nhau”. Do đó, theo TS Tỵ các thẩm phán đã không áp dụng phạt tiền đối với những tội trên vì Khoản 1 của một số tội (ví dụ một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội xâm phạm an toàn công cộng...) lại quy định phạt tiền là hình phạt chính ngay cả với tội nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, các thẩm phán đã lựa chọn phương án an toàn cho phán quyết của mình bằng cách áp dụng hình phạt khác như phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn mà không phải phạt tiền.
Tổng kết BLHS, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: Điều 30 BLHS quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hành chính và một số tội phạm khác nhưng không quy định rõ "tội phạm khác" có buộc phải thuộc loại tội ít nghiêm trọng hay không, hay có thể loại tội phạm khác. Ở phần các tội phạm cụ thể thì trong cấu thành của một số tội phạm nghiêm trọng cũng có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính.
Nguyên nhân thứ hai, phạt tiền ít được áp dụng bởi thực tiễn tố tụng chưa có nhiều tiền lệ, gây quan ngại cho các thẩm phán. Thực tế thống kê cho thấy, số bị phạt tiền chỉ chiếm một phần nhỏ trong 10% số người bị kết án (cùng với hình phạt tử hình, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo). Nhiều thẩm phán cho biết, hiện nay do nhiều ý kiến vẫn chưa đồng thuận với việc áp dụng hình phạt tiền, cho rằng lấy tiền thay cho tù thì chỉ lợi cho người giàu nên dù khẳng định đó là quan điểm “sai lầm”  nhưng nhiều thẩm phán vẫn e ngại khi áp dụng phạt tiền.
Mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền
Một trong những định hướng cơ bản của việc xây dựng BLHS sửa đổi là sửa đổi, bổ sung các quy định về hình phạt và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với các tội phạm về kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng hình phạt đối với các tội phạm kinh tế. 
Theo Bộ Tư pháp, mục đích của các tội phạm kinh tế chủ yếu là tìm kiếm lợi nhuận, do vậy cần nghiên cứu, bổ sung theo hướng tăng cường áp dụng hình phạt tiền (có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung) đối với các tội phạm về kinh tế nhằm nâng cao tính răn đe và giảm nguy cơ tái phạm. 
Theo hướng này thì cần mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền ngay cả đối với các tội phạm nghiêm trọng, thậm chí là một số trường hợp phạm các tội rất nghiêm trọng, đồng thời nâng mức phạt tiền cao hơn mức hiện hành; đồng thời sửa đổi một số quy định liên quan đến việc thi hành án để nâng cao tính răn đe và hiệu quả của việc áp dụng hình phạt tiền và các hình phạt mang tính vật chất khác; nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp tư pháp như: tịch thu tiền, tài sản, cấm vĩnh viễn hoặc cấm có thời hạn biện pháp tư pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm những công việc nhất định liên quan đến các hoạt động kinh tế; nghiên cứu khả năng chuyển đổi hình phạt tiền (với ý nghĩa là hình phạt chính và hình phạt bổ sung) với hình phạt tù có thời hạn khi mà người phạm tội có thái độ cố tình không chấp hành hình phạt tiền hoặc có biểu hiện tẩu tán tài sản gây khó khăn  cho quá trình thi hành án. 
Ngoài ra, nghiên cứu khả năng nâng mức hình phạt (hình phạt tù và các hình phạt khác) đối với các tội phạm về kinh tế nhưng lại có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người như các tội phạm liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh...
TS Phạm Quý Tỵ đồng tình với quan điểm “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền” nhưng đề nghị phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Để đảm bảo tính khả thi của hình phạt tiền trong thực tiễn thi hành hình phạt, trường hợp người phải chấp hành phạt tiền không thi hành thì chuyển sang phạt tù. Quy định như vậy, theo TS Phạm Quý Tỵ, để việc áp dụng hình phạt này được chặt chẽ, đáp ứng được mục đích chung của hình phạt là vừa trừng trị, vừa giáo dục, cải tạo người phạm tội, tránh vận dụng một cách tràn lan, dễ nảy sinh tiêu cực.
Giảng viên Lê Trung Kiên (Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân) ủng hộ chủ trương mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng hình phạt tiền vì theo thống kê của ông Kiên, BLHS của Việt Nam hiện chỉ có trên 47% điều luật quy định về hình phạt tiền trong khi ở các nước tỷ lệ này rất cao. “Đành rằng không phải cao là tốt vì nó còn liên quan đến quan niệm thế nào là tội phạm, song cũng cần nghiên cứu” - ông Kiên nói và cho rằng, nên quy định điều kiện để áp dụng phạt tiền theo hướng nghiêm khắc hơn, ví dụ chỉ được nộp một lần với tội ít nghiêm trọng.
Một trong những yêu cầu của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về một số công việc trọng tâm của cải cách tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ…”. 
Để cụ thể hóa yêu cầu của các Nghị quyết nói trên, nhiều ý kiến đồng thuận cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS theo hướng mở rộng phạm vi các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tiền. Thậm chí, có thể quy định việc người phạm tội có thể nộp tiền thay vì buộc họ phải chấp hành hình phạt tù, không nhất thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. 
Đặc biệt, trong các nhóm tội về tham nhũng, xử nặng không phải là “liều thuốc đặc trị” mà vấn đề không kém phần quan trọng là thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng gây ra. Nếu người phạm tội tham nhũng tự nguyện nộp lại tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt.
Thừa nhận “phạt tiền rất tốt”, tuy nhiên, TS Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị cần phải trù liệu đến những trường hợp bị cáo bị tạm giữ, tạm giam, sau đó bị áp dụng hình phạt tiền thì khấu trừ ra sao? Mặt khác, Tòa án khi áp dụng hình phạt tiền cũng phải xem xét đến khả năng tài chính của bị cáo đó, chẳng hạn có khoản dư nợ nào không, có đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho ai không… để đảm bảo tính khả thi và tính nhân văn của hình phạt.

Đọc thêm

Bắc Kạn giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024

Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024 tại Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Thu)
(PLVN) - Ngày 24/4, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai các Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và truyền hình trực tuyến tới các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
(PLVN) - Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp Tổ công tác về lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham dự cuộc họp còn có đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện cơ quan pháp chế một số bộ, ngành.

Hải Phòng: Chi cục THADS quận Đồ Sơn hoàn thành cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

Lực lượng tham gia cưỡng chế di chuyển tài sản của người phải THA ra khỏi khu vực cưỡng chế.
(PLVN) - Ngày 24/4, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Đồ Sơn đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế để chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Vui chơi Giải trí Đồ Sơn (địa chỉ tại Khu dân cư số 8, đường 353, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Liên bang Nga

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên bang Nga.
(PLVN) -Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên Bang Nga do ông Sergey Stepashin Vadimovich Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng Đoàn.

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.