Sốt xuất huyết chưa lui, tay - chân - miệng đã gia tăng

Sốt xuất huyết chưa lui,  tay - chân - miệng đã gia tăng
(PLO) - Sốt xuất huyết (SXH) tạm lắng thì bệnh tay - chân - miệng (TCM) lại tăng nhiều số ca bệnh cũng như số bệnh nhân nhập viện. Theo các bác sĩ, bệnh TCM không quá nguy hiểm, tuy nhiên điều đáng lo ngại khi có khá nhiều bệnh nhân mắc TCM nhưng không có triệu chứng rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác. Đây là căn bệnh chưa có vắc-xin điều trị, nếu trẻ nhỏ bị nếu không điều trị kịp thời gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Nhầm lẫn loét miệng với bệnh tay - chân - miệng

Theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tiếp tục giảm trong vài tuần gần đây, nhưng số ca mắc bệnh TCM lại có xu hướng gia tăng trong 2 tuần gần đây, nhất là tại các nhà trẻ mẫu giáo.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, cả nước hiện có hơn 63.000 ca mắc, gần 30.000 ca phải nhập viện do TCM, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016, điều này dấy lên lo ngại về sự bùng phát của dịch nếu không thực hiện tốt việc phòng chống dịch.

Riêng tại Hà Nội, tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay toàn thành phố có 450 ca mắc bệnh. Do vậy, vừa qua Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức phát động chiến dịch “Vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng chống bệnh TCM”. 

Theo ghi nhận của PV tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có nhiều trẻ có dấu hiệu phát ban những nốt đỏ đến khám và số trẻ nhập viện cũng tăng lên. Trong số đó, hầu hết các ca bệnh đều đi kèm với các triệu chứng viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy cấp,… khiến trẻ mệt mỏi.

Theo ghi nhận, trẻ mắc TCM đa phần từ 3 – 5 tuổi, do trẻ nhập viện khi còn rất nhỏ khiến các bậc phụ huynh lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Đáng chú ý, có nhiều trẻ có triệu chứng viêm loét miệng nhưng do bố mẹ chủ quan nên coi thường các vết đỏ loét đó, không đưa con đi khám, chữa trị kịp thời dẫn đến vết loét lan rộng và ngày nặng hơn.

Ngoài ra, có những trường hợp bố mẹ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác như vết côn trùng đốt, dị ứng da, thủy đậu,… do đều xuất hiện các nốt ban hồng trên da nên đưa trẻ vào viện muộn.

Tuyệt đối không đắp lá lên các nốt đỏ

Bệnh TCM và bệnh sốt virus đều có biểu hiện sốt cao nên ở giai đoạn đầu khó phân biệt. Vì vậy, cần căn cứ vào biểu hiện của bệnh, với TCM thì trẻ sốt cao liên tục, 39 - 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, phát ban ngay từ khi sốt, ban xuất hiện ở lòng bàn tay, chân và khoang miệng.

Trong trường hợp trẻ không có triệu chứng điển hình như trên thì nếu thấy sốt cao liên tục cần đưa đi khám ngay. Virus gây bệnh TCM đa phần là lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và sẽ dẫn đến tử vong nếu như không được điều trị sớm. Đáng ngại nhất là biến chứng về thần kinh, lúc đó trẻ có những biểu hiện như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình chới với, run tay, chân.

Theo các bác sĩ, họ đã gặp rất nhiều trường hợp phụ huynh tự ý bôi dầu, đắp các loại lá để cố ý làm vỡ các vết phỏng bởi họ nghĩ rằng cách làm đó sẽ giải ngứa, khi các nốt đó vỡ ra thì bệnh sẽ mau khỏi. Tuy nhiên đó là cách làm sai lầm bởi không những chẳng giải ngứa được mà còn làm vùng da đó bị ẩm, dễ vỡ các nốt phỏng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, thậm chí có thể khiến trẻ bị dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh nặng thêm, các thuốc bôi có thể che mất các vết ban đỏ khiến bác sĩ khó quan sát và chẩn đoán đúng bệnh.. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo khi trẻ nhiễm TCM, không nên bôi các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. 

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây nên. Bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nước phỏng và phân của người nhiễm virus. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh là quan trọng.

Do vậy, Sở Y tế đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng tại các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Việc làm này, được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch SXH và các dịch bệnh khác.

Cách phòng bệnh tốt nhất cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng trong gia đình và đồ chơi của trẻ...  

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.