Sư thầy 'gieo chữ' giữa lòng hồ thủy điện

Thầy Chơn đang dạy học cho các em ở  làng vạn chài.
Thầy Chơn đang dạy học cho các em ở làng vạn chài.
(PLO) - “Lúc đầu bọn trẻ nơi đây đều không chịu đi học vì chúng quen với việc ở nhà nên thầy cũng nản lòng. Sau đó, vận động mãi mới được 5 em. Dần dà, rất nhiều em nhỏ đã đến với nơi này để tìm cái chữ. Ngoài các em nhỏ, lúc rảnh rỗi người dân nơi đây cũng đến để học chữ, tôi rất vui vì điều đó”, đó là những trải lòng của thầy Chơn Nguyên - “chủ nhiệm” lớp học từ thiện ở làng chài trên hồ Trị An.

Lớp học tình người

Có mặt tại khu vực hồ Trị An ngày đầu tháng 11, mới sáng sớm nhưng trời đã nắng gắt. Đó cũng là lúc những đứa trẻ sống trên làng vạn chài bắt đầu hành trình đi tìm con chữ. Ở đây, thầy và trò ngồi học trên những chiếc bè lớn. Để đến được với bè học chữ của thầy Chơn Nguyên, có em phải đi thuyền vài km.

Thầy tên đầy đủ là Đại đức Thích Chơn Nguyên (39 tuổi), người khai sơn chùa Liêm Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Chục năm trước, khi ghé thăm và khảo sát tình hình bà con nơi đây, nhận thấy khu vực này còn nhiều khó khăn nên nhà tu hành đã quyết định đem con chữ đến với các em. 

Làng vạn chài trên hồ Trị An ở khu vực xã Thanh Sơn có khoảng 35 hộ gia đình. Họ là những người Việt trở về từ vùng Biển Hồ Campuchia nhiều năm trước. Đa số trẻ em vùng này đều không được đi học, suốt ngày lênh đênh trên sông nước phụ giúp gia đình đánh bắt cá.

Do cách xa trung tâm huyện lỵ, hộ khẩu chưa rõ ràng, người dân không có giấy tờ tùy thân nên những đứa trẻ lớn lên tại đây rất khó để đi học.

Lớp học thầy Chơn Nguyên rất đặc biệt, chỉ vài bộ bàn ghế, cái bảng đen to, mọi người từ già trẻ lớn bé đều được tới bè để học. Đặc biệt hơn, mọi chi phí, ăn uống đều miễn phí. Thầy lo hoàn toàn mọi việc từ bữa ăn đến giấc ngủ với tâm nguyện trẻ em vạn chài được tiếp cận con chữ, có cuộc sống vui vẻ, ổn định hơn về sau.

Mặc bộ đồ lam, làn da đen rám nắng, thầy Chơn Nguyên tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện về lũ trẻ đang bi bô đọc chữ. Thầy bảo: “Tôi có duyên với nơi này, lúc đầu bọn trẻ nơi đây đều không chịu đi học vì chúng quen với việc ở nhà nên thầy cũng nản lòng.

Sau đó, vận động mãi mới được 5 em. Dần dà, rất nhiều em nhỏ đã đến với nơi này để tìm cái chữ, đến nay lớp học có 35 học sinh từ 6-18 tuổi. Ngoài các em nhỏ, lúc rãnh rỗi người dân nơi đây cũng đến để học chữ, tôi rất vui vì điều đó”.

Những đứa trẻ trên chặng đường đi tìm con chữ.
Những đứa trẻ trên chặng đường đi tìm con chữ.

Không những dạy những con chữ, thầy Chơn Nguyên còn dạy cách đối nhân xử thế và những vấn đề xung quanh cuộc sống. Là trẻ em vùng sông nước, hàng ngày các em đều tự làm mọi việc xung quanh, trong khi ba mẹ các em phải lăn lộn kiếm sống trên mặt nước.

Thầy Chơn Nguyên nói: “Trẻ em dễ bị bệnh vì hệ miễn dịch kém nếu không vệ sinh sạch sẽ. Mỗi ngày 3 lần trong lớp tôi đều bắt buộc mấy đứa nhỏ đánh răng. Bàn chải, kem đánh răng tôi chuẩn bị sẵn trên bè. Tôi cũng dạy cho bọn trẻ không quăng rác xuống hồ mà bỏ vào nơi cố định để đem lên bờ xử lý”.

Gần chục năm qua, thầy dạy cái chữ, dạy đạo làm người, kính trên, nhường dưới,… để các em nên người. Những con chữ ấy là kiến thức, nền tảng để các em không bị mù chữ, có thể vững vàng bước ra xã hội. Biết chữ, biết tính toán, sau này lớn lên các em có thể đến các nhà máy, công ty để làm việc, đi ra bên ngoài chứ không phải vật lộn trong các lòng hồ này mãi. 

Nói đến đây, thầy nghẹn ngào và lo lắng rằng con đường đến trường trên sông nước của lũ trẻ còn quá nhiều hiểm nguy. Là những con người sống bám vào lòng hồ Trị An nên mọi phương tiện đi lại đều bằng xuồng và ghe.

Vào mùa mưa, việc chèo thuyền khó khăn và nguy hiểm hơn. “Lũ trẻ đi học bị ướt quần áo và sách vở là chuyện thường, có đứa còn bị lật ghe nhưng may sao đứa nào cũng biết bơi. Nếu nhỡ xảy ra việc gì tôi chẳng biết làm sao”, thầy nghẹn ngào. 

Cả vùng sông nước biết ơn thầy

Trên cái bè lênh đênh rộng chừng 10m2 để chục bộ bàn ghế nhựa, tiếng đọc bài vang lên giữa khung cảnh yên bình. Gần đó, những ngư dân đánh cá lặng lẽ thả lưới tuy mồ hôi loang lổ khắp áo nhưng mỗi khi nhìn về hướng lớp học, họ luôn nở nụ cười tự hào, tràn trề hy vọng. 

Bà Nguyễn Thị Nga (ngư dân làng vạn chài) cho biết, từ ngày có thầy Chơn Nguyên về dạy chữ, người dân nơi đây rất vui và phấn khởi. Người dân nơi đây quanh năm bám lấy con sông, mặt hồ, từng miếng ăn đều phụ thuộc vào “lộc trời”.

Niềm vui đi học của những đứa trẻ làng chài.
Niềm vui đi học của những đứa trẻ làng chài.

Cả đời bà chưa được tiếp xúc với các chữ viết, đến cả sổ hộ khẩu, giấy khai sinh chưa làm cho con bao giờ nên ít ai nghĩ rằng con mình sẽ được tiếp xúc với cái chữ . Nhờ có lớp học thầy Chơn Nguyên mà trẻ em nơi đây được mở mang kiến thức. 

Trong khi đó, chị Mai Thị Phên (người dân làng bè) cũng bày tỏ sự vui mừng khi nói đến lớp học của thầy Chơn Nguyên. Chị Mai cho biết các em nhỏ đến học ở lớp của thầy Nguyên bằng xuồng. Có những em tự bơi xuồng đến, có những em được người lớn đưa đến.

“Đi học các cháu thích lắm vì sáng ra đến lớp được học chữ, trưa được thầy Nguyên tạo điều kiện cho ăn trưa. Ăn xong các cháu sẽ nghỉ ngơi tại bè lớp học, chiều lại đi học sau đó đến cuối chiều thì trở về nhà. Mọi chi phí ăn uống, học hành, sách vở đều do thầy Nguyên và mạnh thường quân đóng góp, còn chúng tôi và các cháu đều không mất gì cả”, chị Phên vui vẻ nói.

Cũng nhờ lớp học của thầy Chơn Nguyên mà những người dân làng vạn chài biết đọc chữ, được tiếp cận với tivi. Đêm đến họ cùng nhau đến lớp học để sinh hoạt, xem phim còn trẻ em thì đến đây để gặp nhau, vừa trao đổi bài học vừa vui đùa.

Tuy nhiên, người vui nhất có lẽ vẫn là những đứa trẻ làng vạn chài. Từ ngày được học chữ, các em vui vẻ và ngoan ngoãn hơn, có ý thức hơn. “Em vui lắm khi được đi học và ở lớp em được học nhiều thứ, học chữ, học cách sống đúng nền nếp. Mọi thứ đều được thầy dạy rất kỹ càng. Vì vậy mà chúng em rất thích”, em Nguyễn Thị Mai, học sinh của lớp dạy học thầy Chơn Nguyên chia sẻ.

Còn những người cha, người mẹ thì hy vọng rằng con cái họ nhờ biết chữ sẽ thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước. Tương lai chúng sẽ không phải vất vả như bố mẹ.

Một góc làng chài trên hồ Trị An.
Một góc làng chài trên hồ Trị An.

Tiễn chúng tôi ra về lúc trời chập tối, thầy Chơn Nguyên tất bật đóng cửa bè lên thuyền về lại chùa. Thầy nói: “Ở chùa tôi cũng cưu mang vài đứa trẻ nữa nên về xem chúng nó ăn uống ra sao”. Nói đến đây, thầy bước đi vội vã trong khung cảnh yên bình. 

Việc làm đầy ý nghĩa của thầy Chơn Nguyên được nhiều mạnh thường quân, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Theo ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), từ lúc Đại đức Thích Chơn Nguyên mở lớp dạy chữ, việc học hành của trẻ em xóm vạn chài được cải thiện nhiều. Nhờ đó cuộc sống của người dân làng vạn chài cũng vui vẻ hơn. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.