Săn “cá đại gia” giữa đại ngàn Bình Định

Săn “cá đại gia” giữa đại ngàn Bình Định
(PLO) -Người dân Bình Định, nhất là dân huyện miền núi An Lão thường hay gọi cá niên là “cá vua” hay “cá đại gia”. Dù loại cá này rất nhỏ, nhưng giá của nó rất cao và không phải ai cũng đánh bắt được. Với sự độc đáo của mình, loài cá tao nhã, phóng khoáng này đã và đang là đặc sản của miền đất võ.

Cách đánh bắt kỳ lạ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá niên là loại cá chỉ sống ở những nơi nước chảy mạnh, nhiều đá. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loại rong rêu và con hà bám trên đá. Cá niên ở các sông suối của huyện An Lão, hơi giống cá diếc nhưng màu vàng sáng và nhỏ hơn, thông thường chỉ bằng hai ngón tay, thỉnh thoảng mới bắt được cá cỡ 3 đến 4 ngón tay.

Để đánh bắt cá niên, có nhiều cách nhưng cách quen thuộc nhất là câu và đánh lưới. Anh Nguyễn Văn Tìm (42 tuổi, một thợ câu cá có tiếng ở xã An Tân, huyện An Lão) cho biết: “Khi câu, cần câu phải được nhúng hoàn toàn trong nước, dìm gần sát đáy sông nhưng không để chạm đáy do cá niên là loài ăn ở đáy và rất nhát”.

Theo anh Tìm, cần câu phải làm từ cây tre đặc để dễ chìm. Cần càng dẻo càng tốt vì khi cá dính câu phải kéo cần từ từ, chầm chậm để cá không rớt ra do hàm cá niên rất mảnh, dễ rách. Sợi cước và lưỡi câu cũng phải rất nhỏ để cá không nhìn thấy. Mồi câu cá niên cũng đặc biệt, là bọ nhảy hoặc bọ đá, hai loài giáp xác sống dưới nước.

Bọ nhảy sống trong những đống chà dưới sông, gần giống tép con nhưng mình ngắn hơn và thẳng chứ không cong như tép. Còn bọ đá, loại mồi cá niên thích nhất, giống như con rệp, sống dưới các hòn đá dưới sông tuy nhiên phải là những tảng đá ở chỗ nước không chảy, nhưng cũng không phải là nước tù đọng mà phải kề dòng nước chảy.

Do cá niên chỉ ăn mồi động nên người câu phải một tay dìm cần, một tay giữ cần và đưa tới đưa lui liên tục, làm cho mồi như còn sống, đang di động. Thời gian đi câu tốt nhất là khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng.

Lưới đánh cá niên cũng phải tự chế chứ không có bán trên thị trường như đánh bắt những loài cá khác. Lỗ lưới rất nhỏ, cỡ vừa ngón tay út. Các hạt chì làm chìm lưới được gắn với mật độ rất dày để có thể giữ được lưới đứng yên và chìm sát đáy sông vì nơi giăng lưới là chỗ nước chảy xiết, lưới dễ bị cuốn trôi.

Anh Trần Văn Túc (36 tuổi, một thợ câu ở xã An Tân) cho biết: “Chỉ cần có một khe hở ở đáy là cá thoát ra không còn một con. Vì vậy, một tấm lưới dài khoảng 13 đến 14 sải tay phải mang theo từ 6 đến 8 ký chì, mỗi hạt chì cách nhau một phân. Đánh lưới thì phải đi ban đêm, xách theo đèn pin. Hiện tại, cách đánh bắt bằng lưới được sử dụng phổ biến vì tính hiệu quả của nó hơn các cách đánh bắt khác”.

Anh Trần Văn Túc đánh bắt cá niên bằng lưới
Anh Trần Văn Túc đánh bắt cá niên bằng lưới

Theo lời anh Túc, đánh bắt cá niên còn có thể sử dụng súng nọc và gương lặn. Theo đó, súng nọc là súng tự chế, đó là lấy một khúc cây tương đối cứng rồi đẽo gọt cho nhẵn, tạo hình dạng gần giống cây súng thật, dài khoảng một cánh tay. Phía trước “nòng” súng gắn một ống kim loại (thường dùng van hơi xe đạp) để định vị hướng đi của cần súng. Cần là cây thép thẳng, kích thước như sợi dây điện trần, dài hơn thân súng, đầu trước mài nhọn để khi bắn đâm xuyên thân cá dễ dàng.

“Cá vua” của núi rừng

Trước đây người dân huyện An Lão chỉ mua cá niên vào những dịp gia đình mình cúng giỗ, hay lễ tiệc, còn phần lớn lượng cá đánh bắt được vận chuyển về xuôi để bán vì giá rất cao. Bây giờ, khi kinh tế đời sống của người dân khá giả hơn, những gia đình có tiền cũng mua về làm thực phẩm cho bữa ăn trong gia đình. Người mua đem cá về kẹp trên vỉ để nướng, mỗi vỉ từ 2 đến 5 con tùy kích vỡ cá lớn, nhỏ khác nhau, sau đó lấy cá dầm với nước mắm ngon ăn với cơm thì đúng là “ngon hết sảy”.

Anh Túc cho biết: “Cá phải được nướng bằng than củi, khi nướng, mỡ cá chảy ròng ròng, nhà này nướng cá, nhà hàng xóm xa cả mười mét cũng ngửi thấy mùi thơm. Do có mùi vị độc đáo nên cá niên nướng mà không ướp gia vị mới ngon. Thịt cá đã thơm ngon nhưng ruột cá còn đặc biệt hơn, vừa đắng vừa dai dai, nhân nhẫn, nhiều người ăn một lần đâm ghiền. Do vậy, cá niên được xem là “cá vua” của vùng núi rừng An Lão”.

“Ngoài cách ngon nhất là nướng, cá niên còn được sử dụng làm gỏi. Cá sống được làm sạch, xắt ra thành lát, vắt chanh, thêm gia vị, mắm muối rồi trộn lẫn với rau rừng và lá dớn non. Vị cá cùng vị chát của rau rừng, vị nhớt của lá dớn làm cho món gỏi trở thành mồi nhậu số một, không món nào sánh bằng. Tuy nhiên, cá niên giá rất cao nên dân nghèo thường không có tiền để mua về ăn. Còn đánh bắt thì không phải ai cũng đánh bắt được”, anh Túc cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, trong quá trình đánh bắt, cách bảo quản là nướng hoặc ướp muối nên khi về tới nhà cá hầu như mất hết mùi vị đặc trưng. Vài năm trở lại đây, nhờ có đá lạnh nên vùng đánh bắt cá được mở rộng hơn nhưng lượng cá lại ngày càng ít đi. Do vậy, có lúc người đánh bắt phải đi cả chục cây số mới có cá, rồi ở hai ba ngày mới trở về nhà.

Anh Tìm cho biết: “Mùa cá các năm trước, tôi chèo ghe đi từ xế chiều, mang theo 5 tấm lưới, sáng sớm về có thể kiếm được từ 6 đến 7 ký cá nhưng năm nay chỉ bắt được khoảng 3 đến 4 ký là đã nhiều rồi. Có hôm chỉ được 1 ký, nhưng một tháng chỉ đánh bắt khoảng 5 lần chứ không dám bắt nhiều vì như thế sẽ không còn nguồn cá để sinh sôi nảy nở. Dù vậy, nghề đánh bắt cá niên vẫn hấp dẫn vì nó là loại cá ăn một lần nhớ mãi, bán được giá, không sợ ế”.

Người đánh bắt cá niên bỏ nghề cũng nhiều nhưng hiện tại ở huyện An Lão vẫn còn khoảng 4 nhóm đánh bắt chuyên nghiệp, biết đan lưới… còn đánh bắt nghiệp dư thì rải rác ở khắp các xã. Cá hiếm dần nên giá rất cao. Mùa cá năm 2008, giá cá là 100 ngàn đồng/kg thì đến nay đã lên đến 1 triệu đồng/kg. Nhờ vậy mà nhiều người vẫn thích thú với nghề này.

“Tôi sợ một ngày nào đó loài cá này sẽ bị hủy diệt”

Vì giá cá niên hiện nay quá cao nên người ta không từ kiểu khai thác nào, từ thả lưới, xung điện thậm chí đánh cả thuốc nổ. Cá lớn chưa kịp sinh sôi, cá con chưa kịp lớn đã bị bắt sạch. Những người có tâm bảo tồn loài cá này như anh Túc, anh Tìm không nhiều.

Anh Tìm cho biết: “Tôi câu cá thì chỉ câu được các loại cá lớn. Những con cá nhỏ vẫn tiếp tục lớn lên và sinh sôi, nảy nở. Còn nhiều người dùng đến xung điện, thuốc nổ thì gần như là diệt tận gốc. Cá lớn không sống nổi đã đành, cá nhỏ cũng tiêu luôn. Họ xung điện như thế thì cá làm sao sinh sản được. Tôi sợ một ngày nào đó loài cá này sẽ bị hủy diệt mất”.

Trên đường trở về, chúng tôi vào quán ăn T.M do ông M. làm chủ và được chủ quán mở thùng đá cho chúng tôi xem, cá niên được ướp khá nhiều. Mỗi ký cá được bỏ trong một hộp xốp để đáp ứng nhu cầu của thực khách tại quán và cả đưa đi các tỉnh khác. Chúng tôi hỏi: “Quán thường có cá niên không?”, ông M. đáp: “Lúc nào cũng có, nguồn cá ở quán này chủ yếu là do những người thả lưới và xung điện cung cấp”.

Trước khi lên An Lão tìm hiểu loài cá này, anh bạn thân dặn dò: “Nghe nói món cá niên ở An Lão ngon và đặc biệt lắm, lên đó nhớ kiếm một ít về nhậu chơi nhé”.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy những chú cá niên bé tẹo nằm la liệt trong những hộp xốp ở quán ăn T.M, xót xa cho một loại cá sắp đi vào dĩ vãng, chúng tôi đã quyết định không mua. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng ở An Lão phải mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn khai thác cá niên kiểu hủy diệt này. Có như vậy mới bảo vệ được sự tồn tại của loại cá được mệnh danh là “cá vua” giữa đại ngàn An Lão.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.