Phận đời truân chuyên của cô chủ tiệm thời trang tóc

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
(PLO) - Gần hai chục năm ở Hà Nội nhưng cô gái chỉ sinh sống, làm ăn quanh quẩn ở khu vực chợ Thành Công và làng Giảng Võ của quận Ba Đình. Bị đời, bị người đày ải, nhưng cô vẫn vươn lên với nghị lực hiếm hoi.

Giấc mơ của cô gái quê

Sùng Thị Hạ (SN 1984) quê một xã vùng cao của huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Là chị cả trong một gia đình có 5 chị em, nhà nghèo nên Hạ không được đi học, không biết chữ. Năm 14 tuổi, Hạ được người quen giới thiệu xuống giúp việc cho một gia đình ở làng Giảng Võ để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Tiếng là “đi làm Hà Nội” nhưng quanh năm Hạ chỉ loay hoay trong xó bếp, nơi được đi xa nhất là tối tối đi đổ rác ở cột điện đầu khu tập thể.

Thấy Hạ xinh xắn, khỏe mạnh, lại chịu khó nên năm 17 tuổi, người quen của chủ nhà mai mối cho Hạ lấy chồng nhà ở khu vực chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Biết mình phận gái quê nghèo, lại không biết chữ nên nghe thấy từ “chồng Hà Nội” là Hạ bằng lòng vô điều kiện. 

Lấy nhau rồi Hạ mới biết, anh chồng bị động kinh bẩm sinh, lại thêm căn bệnh yếu sinh lý. Lấy chồng cả tháng trời nhưng Hạ vẫn còn con gái.

Khi Hạ tâm sự chuyện này với chị chồng, không ngờ bị người này lu loa cho cả nhà biết và chửi bới Hạ không tiếc lời, coi cô như một con nặc nô bệnh hoạn. Mẹ chồng Hạ còn tuyên bố thẳng: “Thằng T bị bệnh, nó không thể có con được đâu, nên nếu mày có chửa hoang thì tao lấy lá dắt tay trả cho cha mẹ đẻ mày”.

Từ ngày lấy chồng, Hạ trở thành làm người ở không công, làm quần quật từ sáng đến đêm, nhưng muốn tiêu gì cũng phải ngửa tay xin bố mẹ chồng. Không chấp nhận số phận, tranh thủ lúc rảnh Hạ ra chợ Thành Công dọn hàng, gánh nước, rửa bát thuê cho người ta để kiếm tiền tiêu vặt. Nhà chồng biết chuyện chửi rủa Hạ không tiếc lời, Hạ còn bị chồng đánh thừa sống thiếu chết. 

“Thằng chồng em trừ những khi lên cơn động kinh và chỉ “yếu” lúc lên giường thôi, chứ bình thường nó khỏe như vâm, đánh em trận nào chết đòn ấy, mà nó ác toàn nhằm đánh vào mặt làm em thâm tím cả mặt mày”- Hạ nghẹn ngào kể lại. 

Chịu đựng được 5 năm hôn nhân, Hạ xin ly hôn nhưng chồng không đồng ý, cô bỏ ra ngoài sống ly thân. Hạ xin vào làm giúp việc cho một tiệm uốn tóc, gội đầu ngay trong làng Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), mục đích để học nghề. Nhà chồng biết chuyện, mấy lần đến quậy phá đòi người nhưng vì bà chủ tiệm cũng “đầu gấu” nên nhà chồng phải chịu.

Thương cô gái trẻ đẹp, chịu khó, bà chủ tiệm chỉ bảo Hạ rất tận tình. Biết cô mù chữ, một cô giáo tiểu học hàng xóm đã tình nguyện dạy chữ cho Hạ. 24 tuổi, Hạ mới được bắt đầu học đánh vần từng chữ i, tờ. “Em học trước quên sau do đầu tắt mặt tối suốt ngày. Không nản lòng, cô giáo kiếm cho em một cái điện thoại cũ, rồi hướng dẫn em tự mày mò học chữ bằng cách nhắn tin. Đúng là cách này hiệu quả hơn nhiều, chỉ vài ngày em đã biết nhắn tin dài cho bạn bè, các em ở quê”- Hạ hào hứng kể. 

Nhanh nhẹn và khéo léo, Hạ học nghề uốn tóc rất nhanh, chỉ sau vài tháng cô đã thành thợ phụ, không lâu sau được lên thợ chính. Bà chủ tiệm hứa coi Hạ như em gái, sẽ trả công theo năm, khi nào đủ tiền mở tiệm chị ta sẽ trả cho Hạ một cục, cả gốc lẫn lãi. Sau 4 năm làm ở tiệm tóc, tiền công của Hạnh tính ra lên tới vài trăm triệu đồng. 

“Sao số phận lại nghiệt ngã với em thế chứ? Khi em muốn tách ra để mở tiệm riêng thì chị chủ tuyên bố xù nợ, không trả em một đồng, còn bắt em tiếp tục phải ở lại làm việc không công để trả tiền ăn, ở cho chị ta, nếu không sẽ thuê đầu gấu đánh chết.”

Tiếc của, căm hận, nhưng thân cô thế cô nên Hạ chỉ biết năn nỉ chị ta thu xếp trả cho mình. Nhưng mỗi lần Hạ đến “xin tiền” đều bị chủ cũ chửi bới, tát cho thâm tím mặt mày và trắng trợn tuyên bố quỵt nợ. 

Vượt lên số phận

Từng có lúc tận cùng trong đau đớn, tuyệt vọng vì sau cả chục năm lao động cật lực ở Hà thành mà vẫn bơ vơ tay trắng, Hạ nghĩ đến cái chết. Cô không dám về nhà vì sợ làm cha mẹ đau lòng. Thực tế, trước nay Hạ gặp khá nhiều lời hẹn hò “đi chơi” để có thu nhập bằng cả tháng làm thuê, nhưng cô quyết không bán rẻ nhân phẩm mình để đổi lấy những đồng tiền nhơ nhớp đó. “Em vẫn nghĩ sau này mình sẽ còn lấy chồng, còn có con nên không thể làm điều gì đáng hổ thẹn!”- Hạ nói ngắn gọn. 

Gặp cô xơ xác tiều tụy, mấy cô bác bán cơm trong chợ Thành Công gọi đến đãi ăn cơm, thậm chí có bác còn đưa cho Hạ ít tiền, bảo cứ cầm tiêu bao giờ có thì trả. “Suốt đời em không quên được những ân nghĩa ấy. Đó cũng chính là lý do tại sao mấy chục năm ở Hà Nội nhưng em chỉ loanh quanh ở khu chợ Thành Công, làng Giảng Võ chứ không chịu đi nơi khác…”- Hạ giãi bày. 

Quyết không đầu hàng số phận, Hạ “đánh liều” mở tiệm làm tóc riêng. Với tay nghề làm tóc khá, lại quen biết các mối phân phối dầu gội, dưỡng tóc nên khi mở tiệm riêng, Hạ có thể nợ vốn dễ dàng. Nhưng chủ cũ tinh ma vẫn dõi theo, tìm đến quấy phá không để Hạ yên ổn làm ăn. Năm lần bảy lượt như thế nhưng cô không nản lòng. Đến nay, Hạ đã có một tiệm tóc nhỏ nhưng khá đông khách ở khu vực chợ Thành Công. 

“Nhiều lúc nghĩ lại, em thấy cảm ơn quãng thời gian lao động không công cho nhà chủ cũ vì nhờ đó mà em đã được học nghề, được học chữ và biết phấn đấu để sống có ý nghĩa hơn, như hôm nay…”- cô gái nhân hậu cười buồn. 

Khi đã có đồng lưng vốn, Hạ mới dám tính đến chuyện giải quyết dứt điểm chuyện hôn nhân để làm lại cuộc đời. Dù hai bên không có tài sản chung, con chung và đã ly thân đến 4-5 năm thế nhưng bên nhà chồng vẫn tìm mọi cách cản đường hạnh phúc của Hạ.

“Cực chẳng đã, em phải nhờ đến bọn “cò mồi” làm dịch vụ ly hôn. Ban đầu em nói làm nghề “ôsin” nên họ ra giá 20 triệu đồng, nhưng khi biết em là chủ tiệm tóc, họ đòi tăng gấp đôi, mặc cả mãi, em phải chi thêm 30 triệu đồng mới có được bản án ly hôn”- Hạ thở dài. 

Hạ kể tiếp: “Năm 2014, chồng cũ em qua đời sau một cơn đột quỵ. Hôm đưa tang, em cũng đến thắp hương cho anh ấy. Ban đầu gia đình chồng cũ vẫn hắt hủi, đuổi em đi, nhưng em nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận” nên ngày tuần, ngày giỗ anh ấy em vẫn kiên trì mang lễ đến thắp hương. Rất mừng là sau đó, gia đình nhà chồng cũ có vẻ đã hồi tâm chuyển ý, đối xử bớt lạnh nhạt với em hơn. Hôm trước gặp em ở chợ, bà mẹ chồng cũ còn hỏi thăm em có bầu chưa và bảo em thỉnh thoảng qua nhà chơi nữa đấy”- Hạ khoe. 

Cuộc sống của Hạ giờ đây nhìn chung rất ổn. Tiệm tóc của cô mỗi tháng trừ các chi phí thuê thợ phụ, trang trải thuê cửa hàng thì còn lại cũng cho thu nhập hơn chục triệu đồng. “Bạn trai em làm công nhân, bọn em đang thuê nhà sống chung với nhau. Em chỉ buồn là mãi em vẫn chưa có bầu. Đi khám, bác sĩ bảo trường hợp của em muốn có con phải can thiệp bằng phương pháp khoa học. Lẽ ra em đã bòn đủ tiền để đi thụ tinh nhân tạo nhưng ngặt nỗi đứa em gái lại làm thủ tục đi xuất khẩu lao động bên Nhật nên em phải dành tiền trước cho nó đi. Vậy nên em tính phải hai năm nữa mình mới có thể sinh con…”- Hạ tâm tình. 

Khi tôi ngỏ lời muốn viết về chuyện đời của Hạ, cô bối rối khước từ: “Em ngại lắm chị à. Vì khá nhiều người quanh khu vực chợ Thành Công này đều biết khá rõ chuyện đời em. Mà thực ra, chuyện em cũng có gì đáng viết đâu hả chị?” 

Đáng viết lắm chứ, một cô gái quê nghèo chỉ từ hai bàn tay trắng, chịu bao bầm dập mà vẫn mạnh mẽ vượt lên số phận, thề có chết đói cũng phải kiếm tiền chân chính chứ không bán rẻ nhân phẩm của mình. Một cô gái nhân hậu, hết lòng vì người thân, biết rộng lượng tha thứ cho những người đã không tốt với mình. Cuộc đời vốn nhân hậu và sòng phẳng, người như em chắc chắn sẽ được hạnh phúc, Hạ à.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.